Cứ mỗi chiều thứ 2,4,6 hàng tuần, cộng đoàn tôi lại hát kinh Mân Côi. Lời ca đưa tôi đến mỗi mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Chúa Giê-su, từ khi Ngài được truyền tin, giáng sinh, cho đến cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, cùng các biến cố khác liên quan đến Mẹ Ma-ri-a. Qua từng chục kinh, tôi lại được mời gọi nhìn lại các sự kiện này, sống trong suy gẫm và để lời kinh ấy động đến đời sống đức tin của tôi.
Tháng Mân Côi đang dần khép lại, và trong tôi chợt nhớ về một kỉ niệm cách đây tròn một năm, khi tôi tham dự những buổi đọc kinh liên gia tại một giáo họ kia. Sau giờ lần chuỗi là những câu chuyện được kể quanh bàn trà ở mỗi gia đình. Không phải chuyện nói xấu, bình luận, chê bai hay kết án nhưng là những lời chia sẻ thật lòng về đời sống đạo của chính từng thành viên đang hiện diện. Tôi dừng lại suy nghĩ sau lời chia sẻ của anh T giáo dân mới trở lại đạo sau hơn 20 năm không tới nhà thờ. “Kính thưa Sơ, chiều nay con đi tham dự buổi chứng hôn của đôi bạn trẻ trong giáo họ. Cha xứ muốn cử hành trọng thể, nhìn quanh chẳng có ai biết đọc sách, thưa đáp, hát xướng. Một mình con cầm micro hát, đọc sách, hát đáp ca, Alleluia, lời nguyện. Khi cử hành xong bố của chú rể ra cảm ơn. Lúc đó trong con thấy khó chịu với ông ấy. Con cũng nghĩ không nên vì vừa cử hành phụng vụ xong, nhưng cơn tức cứ dội lại. Chuyện là tháng Mân Côi 2 năm trước, khi con quyết định trở lại nhà thờ thì trăm nghìn ánh mắt nhìn con. Trong lòng con thì quyết tâm đi mà sao đôi chân cứ không muốn bước. Những lần thất bại ấy con lại trở về nhà mà ứa nước mắt. Vài tuần sau con quyết định đi dù cho có ai nói, ai nhìn thì con cũng vào nhà thờ tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Tới nơi, con đứng ở gốc cây nhãn để cất xe và sửa soạn lại quần áo. Thì có một ông và đi sau là hai bà mặc áo dài vừa tiến về phía con vừa nói: “Ra đây mà xem thằng T nó đi nhà thờ này. Bỏ đạo mấy chục năm mà còn dám nhìn mặt Chúa?”. Câu nói đó đã in sâu trong đầu con cho tới bây giờ. Ông ấy chính là người hôm nay cảm ơn con đã phục vụ buổi cử hành hôn phối cho con của ông. Anh tâm sự tiếp: “Tháng Mân Côi kính Mẹ là thời điểm con được ơn sức mạnh vượt lên chính mình và vượt ra khỏi thành kiến để “nhìn mặt Chúa”. Con tin Đức Mẹ đã thương và cầu bầu cho con. Hiện tại không bao giờ con bỏ đi lễ, buổi đọc kinh với hội và tập hát cùng ca đoàn. Con không muốn ở một hội đoàn nên con đã tham gia tới ba hội để có nhiều cơ hội đến nhìn mặt Chúa”.
Lời kể hết sức đơn sơ, chân thành và đầy xúc động của anh đã cho tôi thấy một mối tương quan với Chúa thật đặc biệt. Có bóng Mẹ phủ lên quãng đường trở về, có chuỗi Mân Côi tiếp sức cho con cái, có mầu nhiệm xảy ra trong bước đường cùng của hoàn cảnh. Để rồi một thanh niên vùng dậy sống lại đức tin, theo cách nói của anh là được “nhìn mặt Chúa”. Mẹ Ma-ri-a đã hỏi Sứ Thần: “Làm thế nào để sự việc ấy xảy ra?” chứ Mẹ không hỏi tại sao? Noi gương Mẹ, anh ấy cũng làm tất cả để đến với Chúa. Từ nay, Mẹ và con cùng đi chung một con đường là thi hành ý Chúa. Chứ không còn than thở tại sao có khó khăn trên đường.
Mẹ Ma-ri-a là chứng nhân tuyệt hảo trên đường hiệp hành với con cái mình. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã cất lên lời ca khen: “Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng biết cách biến một hang nuôi súc vật thành ngôi nhà cho Chúa Giê-su, với một tã vải nghèo nàn và một núi đầy âu yếm. Mẹ là nữ tỳ bé nhỏ của Cha, Đấng đã vui mừng hát lên lời chúc tụng Ngài. Mẹ là người bạn luôn luôn lưu tâm ngõ hầu chúng ta không thiếu rượu trong cuộc sống của mình. Mẹ là người có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu qua, Đấng hiểu tất cả nỗi thống khổ của chúng ta. Như Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ là một dấu chỉ của niềm hy vọng cho những người bị đau đớn vì sinh nở cho đến khi công lý được sinh ra. Mẹ là nhà truyền giáo đến gần chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, mở lòng chúng ta ra với đức tin bằng tình mẫu tử của Mẹ. Như một người Mẹ thật, Mẹ bước đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, và không ngừng tuôn đổ sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.[1]
Chúng ta cũng hãy cùng nhau theo gót chân Mẹ ra đi để: hiệp thông là lắng nghe nỗi lòng của người khác, tham gia bằng việc chia sẻ và khích lệ họ, hiện diện trọn vẹn là cách thức sống sứ vụ ngày hôm nay. Mặt khác, hãy khơi lên trong chính mình khát khao “nhìn mặt Chúa” “cưu mang Chúa trong tâm hồn” và “làm cho mọi người gặp gỡ Chúa” qua chính cuộc sống của chúng ta. Hãy cộng tác với Chúa và nhờ Mẹ cầu bầu để những khát mong tốt đẹp của chúng ta được thực hiện.
Cỏ Thần