
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để mỗi người kitô hữu nhìn lại cuộc đời của mình, bước vào hành trình sám hối, đổi mới và kết hiệp sâu xa hơn với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, việc sống khổ chế trong Mùa Chay không chỉ là một bổn phận cần chu toàn, mà còn là cơ hội để thực thi linh đạo đặc thù của Hội dòng: Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con.[2] Chính trong Linh Đạo đặc thù này mà người nữ tu Mến Thánh Giá sống khổ chế trong tinh thần yêu mến, hãm mình và hiến thân cho Đấng Chịu Đóng Đinh để góp phần cứu rỗi các linh hồn. Noi gương Đấng Sáng Lập – Đức cha Pierre Lambert de la Motte, chị em Mến Thánh Giá được mời gọi sống khổ chế trong Mùa Chay, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trên đường Thánh Giá.
1. Đức Cha Lambert de la Motte – Tấm gương sống khổ chế triệt để
Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624–1679), vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội Tông Toà Đàng Trong – Giám Quản Tông Toà Đàng Ngoài và là Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá, là một mẫu gương sáng chói về đời sống khổ chế và tự hủy. Ngài không chỉ rao giảng về thập giá mà chính mình đã sống tinh thần thập giá một cách triệt để:
Từ bỏ quê hương, gia đình và danh vọng để đến với vùng đất Viễn Đông xa xôi, sẵn sàng đối mặt với bao gian nan, thử thách, thậm chí cả cái chết.
Chọn một đời sống đau khổ, từ bỏ mọi sự, không đầy đủ tiện nghi vật chất, chấp nhận mọi thiếu thốn để đồng hành với đoàn chiên nghèo khổ.
Thực hành khổ chế trường kỳ, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi đến những hy sinh âm thầm trong đời sống thường ngày.
Yêu mến và kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, coi mọi đau khổ là phương thế để thánh hóa bản thân và cứu độ các linh hồn.
Chính nhờ tinh thần đau khổ này, Đức cha Lambert đã thiết lập nền móng vững chắc cho Dòng Mến Thánh Giá, mời gọi các nữ tu đi vào con đường Thập Giá để nên giống Chúa Giêsu Ki-tô Chịu Đóng Đinh hơn.
2. Sống khổ chế trong Mùa Chay theo linh đạo Mến Thánh Giá
Là ái nữ của Đức cha Lambert de la Motte, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi sống Mùa Chay một cách ý nghĩa, không chỉ bằng những thực hành bên ngoài mà quan trọng hơn, bằng một cuộc biến đổi nội tâm sâu xa.
2.1. Hãm mình – Bước vào tinh thần từ bỏ
Mùa Chay là thời gian để mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá nhìn lại đời sống và tâm hồn mình xem: Mình đang thực sự bước đi trên con đường Thánh Giá không? Thật vậy ‘Ai muốn thuộc về Hội dòng Mến Thánh Giá thì phải yêu mến sự đau khổ làm đích điểm, từ bỏ ý riêng và sống tinh thần thập giá.’ Cũng như Đức Cha Lambert đã nói: Đối với những người thuộc Hội Mến Thánh Giá, nếu họ đi theo Con Thiên Chúa bằng sự từ bỏ chính mình, vác thập giá bản thân mà tiến bước trên đường Núi Sọ suốt cả cuộc đời, họ sẽ chu toàn thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo theo đúng ơn gọi của mình. [3]
Từ bỏ những tiện nghi không cần thiết để sống đơn sơ, nghèo khó hơn.
Thực hành chay tịnh không chỉ trong ăn uống, mà còn trong lời nói, hành động và suy nghĩ.
Kiềm chế những ham muốn cá nhân để ưu tiên cho ý Chúa.
2.2. Cầu nguyện – Kết Hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh
Một trong những điểm nổi bật nơi Đức cha Lambert là đời sống cầu nguyện thẳm sâu. Ngài dành nhiều thời gian để chiêm niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, vì ngài xác tín rằng: “Nếu người ta trung thành với việc chiêm ngắm Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, người ta sẽ gặp được ở đó bí quyết lớn nhất của đời sống nội tâm và trọn lành”.[4] Vâng, chỉ khi kết hiệp mật thiết với Chúa trên Thập Giá, người ta mới có thể vác thập giá với niềm vui và bình an.
Dành nhiều thời gian hơn cho việc chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa và lần hạt Mân Côi.
Suy niệm sâu xa về cơn đau đớn của Chúa Kitô, đặc biệt là cơn đau đớn hấp hối của Chúa trên Thánh Giá.
Cầu nguyện đặc biệt cho những linh hồn đang đau khổ và những người chưa nhận biết Chúa.
2.3. Yêu thương và phục vụ – Sống thánh giá giữa đời thường
Sống khổ chế không chỉ giới hạn trong những hy sinh cá nhân, mà vẫn có thể hiện thực hóa khổ chế trong tình yêu và phục vụ. Noi gương Đức cha Lambert, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi:
Chấp nhận những đau khổ trong cuộc sống đời thường với tâm tình vui vẻ và yêu thương.
Ân cần phục vụ những người nghèo, bệnh tật, những người đang đau khổ về thể xác lẫn tinh thần.
Tha thứ và cầu nguyện cho những ai làm tổn thương mình.
3. Hoa trái của cuộc đời đau khổ trong Mùa Chay
Mùa Chay không phải là thời gian để chịu đựng đau khổ một cách vô ích, mà là một hành trình thần linh giúp người nữ tu Mến Thánh Giá:
Trở nên giống Chúa Ki-tô hơn trong sự hiền lành, nhân hậu và phó thác.
Thanh luyện bản thân từ những Mũi nhọn trần gian để tự sống trong Chúa.
Gia tăng lòng yêu mến Thánh Giá, biến mọi hy sinh thành lời cầu nguyện cho thế giới.
Trổ sinh hoa trái thánh thiện, giúp Hội dòng và Giáo Hội có thêm nhiều chứng nhân đích thực của Tin Mừng.
Kết luận
Noi gương Đức cha Lambert de la Motte, người nữ tu Mến Thánh Giá sống mùa Chay với một tinh thần chịu đau khổ nhưng không bi quan, vì chính trong Thánh Giá, chị em tìm thấy niềm vui và ý nghĩa đời mình. Như Đức cha Lambert từng khẳng định:
Mục đích chính của Tu hội các con là tiếp nối nơi bản thân cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu-Kitô và hằng ngày dâng việc suy niệm, cầu nguyện, nước mắt, các việc làm và hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu tội lỗi được ơn ăn năn trở lại. [5]
Và như Thánh Phaolô cũng nói: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Ki-tô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh”. [6]
[1] Những tài liệu tham khảo:
1.Tiểu sử Đức Pierre Lambert de La Motte- NNCLĐMTG. 1998
2. Linh đạo Lâm Bích- NNCLĐMTG. 2006
3. HC HDMTGHN. 2007
4. Tuyển tập Bút tích
[2] HC 2
[3] Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 760
[4] Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 696
[5] Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216
[6] Cl 1,24
Tín thác