Thứ Năm tuần thánh - Lễ Tiệc Ly

Thứ Năm tuần thánh – Lễ Tiệc Ly

Thứ Năm tuần thánh - Lễ Tiệc Ly

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Thứ năm Tuần Thánh là ngày lễ của tình yêu. Thật vậy, vào chiều hôm nay cách đây hơn 2000 năm, trong bữa tiệc ly, trước khi lìa xa các môn đệ để thi hành tôn ý Chúa Cha mà cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ hết sức ngỡ ngàng là Người trỗi dậy khỏi bàn ăn, lấy khăn thắt lưng, rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường. Chúa dạy các ông bài học này trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu. Vì muốn yêu đến cùng nên Người dạy khiêm nhường bằng việc rửa chân để mọi người biết yêu nhau. Vì muốn yêu đến cùng nên Người lập Bí tích Thánh Thể để ờ lại với chúng ta đến tận thế. Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác vụ của các linh mục.. Để tưởng niệm bữa tiệc ly này cho xứng đáng chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Chúng ta phải được vinh dự nơi Thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Người là sự cứu thoát, sự sống lại của chúng ta, nhờ Người chúng ta được cứu độ và được giải thoát

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Ðức Giê-su đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Xh 12, 1-8. 11-14

“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Mô-sê và A-ha-ron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Ðêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Ki-tô .

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con.

Xướng: Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giê-su trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

Phúc âm: Ga 13, 1-15

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, con Si-môn, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Si-môn Phê-rô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giê-su đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phê-rô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giê-su bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phê-rô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giê-su nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ, để dạy chúng ta bài học yêu thương và phục vụ. Noi theo mẫu gương khiêm nhường của Chúa Giê-su, chúng ta cùng dâng những lời nguyện xin:

1. “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn biết hy sinh và dấn thân để phục vụ đoàn chiên mà Chúa và Giáo Hội trao phó cho mình.

2. “Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để đem lại bình an và niềm vui trong cuộc sống.

3. “Người yêu thương họ đến cùng”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang sống trong cảnh chiến tranh, hận thù, luôn cảm nhận được tình Chúa yêu thương, để biết sống bao dung và tha thứ cho nhau như lời Chúa truyền.

4. “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết sống khiêm nhường, hy sinh và phục vụ anh chị em mình, để mọi người được sống bình an và hiệp nhất trong tình yêu Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ tình yêu Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con luôn trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa, bằng việc hy sinh phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người nghèo, bất hạnh và kém may mắn trong xã hội. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con, cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Thánh Thể I

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Này là mình Ta, sẽ bị nộp vì các con, chén này là Tân Ước trong Máu Ta, mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, chiều nay chúng con đã được bổ sức tại bàn tiệc của Ðức Ki-tô, mai ngày, xin Chúa cũng đón nhận chúng con vào dự tiệc muôn đời trong nước Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

RỬA CHÂN RỬA SẠCH TÂM HỒN

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu làm nhiều việc quan trọng: lập bí tích Thánh Thể, lập bí tích Truyền Chức Thánh, rửa chân cho các môn đệ. Thế mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ tường thuật việc Người rửa chân. Chắc hẳn việc rửa chân phải có một tầm quan trọng đặc biệt.

Để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rửa chân, trước hết ta hãy xem những người được rửa chân là những người nào.

Đó là các Tông đồ, những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Trong số đó, có Giuđa, kẻ sẽ phản bội, bán Thầy với giá 30 đồng bạc. Có Phêrô là môn đệ rất thân tín, nhưng cuối cùng đã chối Thầy 3 lần. Có các Tông đồ thân tín, nhưng cuối cùng khi gặp nguy nan, tất cả đều trốn chạy bỏ mặc Người cô đơn đương đầu với cơn khốn khó.

Tuy đã thấu rõ lòng các môn đệ, Chúa Giêsu vẫn rửa chân cho họ, không loại trừ người nào.

Việc rửa chân nói lên sự quan tâm. Rửa chân là một chăm sóc. Có quan tâm mới chăm sóc. Chẳng ai rửa chân người dưng. Chỉ rửa chân người thân. Rửa chân là một việc làm tỉ mỉ. Phải rất quan tâm mới làm công việc tỉ mỉ này. Chúa Giêsu quan tâm tới từng người. Người quan tâm tới môn đệ yêu dấu. Người quan tâm tới môn đệ hèn nhát. Người quan tâm tới môn đệ chối Thầy. Người quan tâm tới cả môn đệ sẽ phản bội, vì ham tiền mà bán Thầy.

Việc rửa chân nói lên sự tha thứ. Chúa Giêsu biết các môn đệ tội lỗi, nhưng Người vẫn rửa chân cho các ông. Người đã tha thứ cho các ông rồi. Rửa chân các ông, Người muốn rửa cả tâm hồn các ông nữa. Để các ông sạch mọi thói ham mê tiền bạc coi rẻ tình nghĩa. Để các ông sạch mọi thói tị hiềm ích kỷ, tranh nhau chỗ cao chỗ thấp. Để các ông sạch mọi thói huênh hoang hời hợt.

Việc rửa chân nói lên sự phục vụ. Rửa chân là công việc của người giúp việc nếu không là công việc của bà mẹ. Chúa Giêsu là Thày, là Chúa nhưng đã làm công việc của người giúp việc. Người muốn thực hành nguyện ước của Người: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”. Người phục vụ không lựa chọn đối tượng. Người phục vụ tất cả, kẻ thánh thiện cũng như người tội lỗi, kẻ thân thiết cũng như người xa lạ, kẻ trung tín cũng như người phản bội.

Nhưng trên hết, việc rửa chân nói lên tình yêu thương. Quan tâm, tha thứ, phục vụ chính vì yêu thương. Yêu thương cho đến cùng. Đến cùng của bản thân Chúa, không còn có thể làm gì hơn được nữa. Đến cùng của các môn đệ. Dù các ông có phản bội Người vẫn yêu thương. Dù các ông có chối bỏ Người, Người vẫn yêu thương. Dù các ông có bỏ rơi Người, Người vẫn yêu thương.

Hôm nay, nếu Chúa hiện diện ở đây, Người sẽ rửa chân cho từng người chúng ta. Trước tình yêu thương vô biên của Người, ta không khỏi hối hận ăn năn. Biết bao lần ta đã vì đồng tiền mà trở thành Giuđa, bán rẻ lương tâm công giáo. Biết bao lần ta đã vì sợ sệt, sợ mất danh vọng chức quyền, sợ mất lợi lộc vật chất mà chối Chúa trước mặt người đời. Biết bao lần vì sợ liên luỵ mà ta trốn chạy, bỏ mặc Chúa, mặc Giáo hội lâm nguy, hoạn nạn. Biết bao lần ta đã nhỏ nhen ghen ghét mà chia rẽ, bất hoà với anh em.

Hôm nay, ta hãy bắt chước thánh Phêrô thưa với Chúa: Lạy Chúa xin hãy rửa không chỉ chân con, mà còn rửa cả linh hồn con nữa. Rửa linh hồn con cho sạch những phản bội. Rửa linh hồn con cho sạch những tham lam, dục vọng. Rửa linh hồn con cho sạch những chia rẽ bất hoà. Rửa linh hồn con để con biết yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Rửa linh hồn con để con biết phục vụ Chúa và phục vụ anh em.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Yêu thương cho đến cùng. Bạn có cảm nhận được tình yêu Chúa trong đời bạn như thế không?

2.  Đã bao giờ bạn cúi xuống rửa chân cho một người?

3. Giuđa đã được rửa chân nhưng rồi vẫn cứ theo đường cũ. Bạn có quyết tâm đi vào đường mới không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)