
Trong tông huấn “Đức Ki-tô đang sống”, ĐGH Phan-xi-cô viết: “Khả năng nhận ra những con đường ở nơi người khác chỉ thấy những bức tường, nhận ra tiềm năng ở nơi mà người khác chỉ thấy vô vọng. Đó chính là cách mà Chúa Cha nhìn mọi sự” (Tông huấn Christus vivit, số 67). Thật vậy, có lẽ với nhiều người, đường Thập Giá mà Đức Giê-su đã đi gắn liền với một câu chuyện về sự thất bại, về nỗi đau và cái chết thảm thương. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới con mắt đức tin, đường Thập Giá ấy lại chính là đường của hy vọng, đường dẫn đến sự sống mới, phục sinh và niềm hạnh phúc được sống trong vinh quang với Thiên Chúa. Đó chính là kế hoạch của Thiên Chúa, là cách mà Chúa Cha đã nhìn mọi sự.
Mùa Chay Thánh năm nay đã dần khép lại. Trọng tâm của Mùa Chay Thánh luôn hướng ánh nhìn của chúng ta về con đường Thập Giá – con đường mà Đức Giê-su đã bước đi năm xưa. Việc Giáo Hội cho chúng ta nhìn lại và chiêm ngắm con đường Thập Giá ấy không phải để chúng ta nhớ lại những quá khứ đau thương, cũng không phải để chúng ta than thân trách phận vì tội lỗi của mình nhưng hơn hết là cơ hội để “Chúng ta cùng nhau bước đi trong hy vọng”. Đó cũng chính là lời mời gọi của ĐGH Phan-xi-cô trong sứ điệp Mùa Chay năm nay: “Chúng ta hãy cùng đi về một hướng, hướng tới cùng một mục tiêu, quan tâm đến người khác bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn”.
Nhìn vào con đường Thập Giá mà Chúa Giê-su đã đi, tôi như tìm thấy hình bóng của chính mình trong đó. Thật vậy, đã là con người, ai trong chúng ta cũng đều mang những thập giá riêng. Đó có thể là những thử thách, khó khăn, thất bại trong cuộc sống, những nỗi đau mất mát khi phải chia xa những người thân yêu hay đơn giản chỉ là những hiểu lầm trong đời sống hằng ngày. Tất cả đều trở thành những Thập Giá vô hình mà chúng ta phải mang vác mỗi ngày. Có những khoảnh khắc, cuộc đời dường như chỉ còn lại sự tối tăm và bế tắc, khiến tôi hoang mang và chao đảo. Nhưng chính trong những giây phút tuyệt vọng nhất, khi mọi thứ dường như sụp đổ xung quanh mình, khi tôi không biết phải bám víu vào đâu thì hình ảnh của Chúa Giê-su trên đường Thập Giá lại như là động lực để tôi tiếp tục bước đi. Thật vậy, dù đau đớn về thân xác, dù nát tan nơi tâm hồn nhưng Chúa không kêu gào, không oán trách cũng chẳng giận dữ mà chỉ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng và dâng hiến tất cả cho Chúa Cha vì ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Chúa Giê-su thực sự đã chết, một cái chết đầy đau đớn và tủi hổ, một cái chết dường như đã xoá bỏ tất cả niềm tin và hy vọng nhưng lại là nơi ẩn chứa một nguồn hy vọng mới, một sự sống mới. Như hạt giống phải thối đi, phải chết đi mới trổ sinh bông hạt thì Chúa Giê-su cũng đã chết đi để từ cái chết ấy vươn lên niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai tin vào Ngài. Qua đó, mỗi tín hữu được mời gọi bước theo Chúa trên con đường Thập Giá. Điều này không có nghĩa là Chúa muốn chúng ta đi tìm sự đau khổ, cũng không phải muốn chúng ta cam chịu hay chối từ Thập Giá nhưng Ngài muốn chúng ta đón nhận trong tình yêu vì đau khổ, thập giá là điều chúng ta không thể tránh trong cuộc sống này. Khi ta chấp nhận mang vác Thập Giá, ta cũng đồng thời đón nhận niềm hy vọng. Hy vọng không phải từ những điều cao siêu, huyền bí hay kỳ diệu mà hy vọng từ chính những gì ta đang trải qua, từ chính những thử thách, khó khăn và cả đau khổ ta đang gặp trên đường đời. Đó là cách ta nhìn Thập Giá, và đó cũng là cách ta sống với nó để mỗi ngày, ta có thể lại gần hơn với niềm hy vọng đích thực của cuộc đời mình.
Người ta thường nói: Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chúng ta đang tiến gần hơn đến cái chết. Nói như vậy không phải để lo lắng sợ hãi nhưng là để nhắc nhở chúng ta rằng: Cuộc đời của con người chỉ là một cuộc hành hương, nơi chúng ta ở trên trần gian này chỉ là chốn tạm bợ. Cái chết không phải là đích điểm mà chúng ta hướng tới bởi con đường Chúa Giê-su đã đi không dừng lại ở đau khổ, ở sợ hãi hay ở cái chết nhưng Ngài đã chiến thắng tử thần và đã phục sinh vinh hiển. Sự phục sinh của Ngài chính là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy rằng, đau khổ và cái chết không phải là điểm kết thúc mà chỉ là bước đệm để dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Chính Thập Giá trong cái vẻ đau đớn và đau khổ lại là một ngọn đuốc sáng soi lối cho những ai dám tin và dám sống vì tình yêu. Điều đó muốn minh chứng rằng, niềm hy vọng của chúng ta không phải là vô căn cứ, là mơ mộng hão huyền nhưng được xây dựng vững chắc trên nền tảng đức tin vào Đức Ki-tô Phục sinh:“ Chúa Giê-su, tình yêu và hy vọng của chúng ta, đã phục sinh. Người đang sống và hiển trị trong vinh quang. Sự chết đã được biến đổi thành chiến thắng và đức tin cùng hy vọng lớn lao của người Kitô hữu đặt vào điều này: sự phục sinh của Chúa Kitô!” (ĐGH Phan-xi-cô, Sứ điệp Mùa Chay năm 2025). Khi có niềm hy vọng ấy, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình, ra khỏi những buồn sầu thất vọng để sống lại trong tình yêu, trong niềm vui và sự bình an của Đấng Phục Sinh.
Điều đặc biệt về con đường Thập Giá ấy là dù nó đầy rẫy thử thách nhưng nó không bao giờ để ta đi một mình bởi chúng ta luôn có Chúa Giê-su cùng song hành. Chúa Giê-su không chỉ là người đã đi bước trước mà Ngài còn là người bạn đồng hành luôn đi sát bên chúng ta. Ngài chính là nguồn an ủi mỗi khi chúng ta gục ngã, là nguồn sức mạnh để nâng ta đứng dậy. Chúng ta có thể không nhìn thấy Ngài trong những giờ phút gian nan, thử thách ấy nhưng Ngài luôn hiện diện cách thầm lặng và đầy yêu thương. Đó cũng chính là cách mà Chúa Cha đã hiện diện với Đức Giê-su khi Ngài mang vác Thập Giá. Chúa Cha không hiện diện một cách hữu hình nhưng Ngài vẫn luôn âm thầm đồng hành và đau khổ cùng con. Tất cả chỉ vì tình dành cho nhân loại. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi hãy luôn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa như chính Đức Giê-su đã làm. Bởi chính trong tình yêu và niềm tin tưởng tuyệt đối ấy mà Chúa Cha đã làm cho Đức Giê-su sống lại. Chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Đức Ki-tô nếu chúng ta đặt trọn niềm tín thác nơi Ngài.
Đường Thập Giá không phải là con đường dễ dàng nhưng nó là con đường của từ bỏ, của hy sinh. Đối với những người nữ tu Mến Thánh Giá, Thập Giá không chỉ là một biểu tượng mà còn là một lời mời gọi, là hành trình để sống yêu thương mỗi ngày. Qua con đường ấy, chúng ta được mời gọi không chỉ chấp nhận đau khổ nhưng còn nhìn thấy trong đó niềm hy vọng, sự phục sinh và vinh quang. Vì thế, Thập Giá không phải là điểm kết thúc nhưng là con đường dẫn chúng ta đến sự tự do hoàn toàn trong tình yêu và sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.
A. Angel