Âm thầm nở hoa

Âm thầm nở hoa

Có những cuộc đời lặng lẽ trôi qua như dòng suối nhỏ, êm đềm và không ồn ào. Nhưng cũng có những cuộc đời mang trong mình một dòng chảy mãnh liệt không bởi sức mạnh bề ngoài mà bởi một năng lực thiêng liêng phát xuất từ nội tâm: sức mạnh của Thập giá, một tình yêu dám vắt kiệt chính mình để nên một với Đấng Chịu Đóng Đinh. Đó là cuộc đời của sơ Ma-ri-a Nguyễn Thị Cậy – một chứng nhân sống động của linh đạo Mến Thánh Giá: kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh trong mọi đau khổ đời mình.

Tôi hạnh phúc vì đã từng sống gần bên sơ, được tiếp xúc không chỉ bằng ánh nhìn trực diện mà còn qua những chứng từ, những câu chuyện thấm đẫm cảm xúc về một cuộc đời tưởng như mong manh, bệnh tật, yếu đuối nhưng lại bừng lên một điều gì đó rất sâu xa, một sự kết hiệp nhiệm mầu với Chúa trên Thập Giá.

Thông thường, đau khổ khiến người ta khép lại nhưng nơi sơ, đau khổ lại mở ra một chiều sâu tâm linh lạ lùng. Nơi đó, từng hơi thở, từng nhịp tim rã rời đều trở thành lời thì thầm thân mật với Thiên Chúa. Thân xác sơ có thể giới hạn nhưng linh hồn sơ lại nhẹ bay như được nâng đỡ bởi đôi cánh đức tin và lòng mến. Chính trong thân phận tưởng như bị giam hãm bởi bệnh tật, sơ đã khám phá ra một con đường tuyệt vời của tình yêu. Nơi đó, Chúa không vắng mặt mà hiện diện sống động trong từng vết thương, từng tiếng rên siết.

Đau khổ không quật ngã sơ. Trái lại, nó trở thành chiếc cầu nối linh hồn sơ với Đấng Chịu Đóng Đinh. Sơ đón nhận mọi nỗi đau như một ân sủng như con đường nên thánh. Không chạy trốn, không oán thán, sơ âm thầm kết hợp và dâng từng giây phút cho Thiên Chúa như một của lễ sống động. Đó chính là tinh thần Mến Thánh Giá, dám bước theo Chúa trên con đường Thương khó để được thông phần vào mầu nhiệm cứu độ của Người.

Tôi tự hỏi: Làm sao một con người có thể sống trọn vẹn từng ngày trong bệnh tật mà vẫn giữ được nụ cười bình an? Làm sao một tâm hồn có thể biến cơn đau thành lời kinh, biến từng đêm trắng thành cuộc trò chuyện thân tình với Chúa? Phải chăng vì sơ đã chạm đến một chân lý mà nhiều người đi ngang qua đời này dễ lãng quên: rằng đau khổ không vô nghĩa nếu được sống trong tình yêu hay Thập Giá không phải là dấu chấm hết mà là khởi đầu của một tình yêu cứu độ.

Sơ Ma-ri-a không giảng dạy bằng lời nói, không viết sách, không đứng trên tòa giảng nhưng đời sống của sơ như một trang Tin Mừng âm thầm được viết bằng máu, nước mắt và những hy sinh không tên. Một đời sống như tấm vải len lặng lẽ được dệt giữa lòng thế giới chẳng mấy ai để ý nhưng lại đủ sức sưởi ấm những tâm hồn đang giá lạnh. Đau đớn thể xác không thể cướp đi niềm vui sâu thẳm nơi sơ. Trái lại, ai từng gặp sơ đều cảm nhận được trong ánh mắt ấy một ánh sáng bình an, thứ bình an chỉ có thể đến từ một tâm hồn đã hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa. Sau những giờ phút mệt nhoài với công việc, sơ là người giúp tôi mỉm cười, là điểm tựa, là nguồn động lực âm thầm giúp tôi bước tiếp. Có lẽ, sơ đã sống trọn vẹn ý nghĩa lời Thánh Phao-lô: “Tôi mang trong thân mình những đau khổ của Đức Kitô, để bổ túc những gì còn thiếu trong cuộc thương khó của Người, vì lợi ích của Hội Thánh.” (Cl 1, 24)

Sự thinh lặng, lòng kiên nhẫn và tình mến mà sơ sống trong từng ngày bệnh tật là một lời rao giảng mạnh mẽ cho thời đại hôm nay, một thời đại dễ sợ đau khổ và mãi mê chạy theo tiện nghi. Sơ là chứng từ sống động cho một tình yêu không ồn ào, không hào nhoáng nhưng sâu sắc, trung tín và kiên cường. Dù thân xác hao mòn, sơ chưa từng than thở, chỉ âm thầm mỉm cười và thốt lên những lời nhỏ nhẹ. Chuỗi Mân Côi chưa bao giờ rời khỏi tay cũng như những lời kinh thương xót chưa từng dứt trên môi trong sứ mạng âm thầm nhưng mãnh liệt của một nữ tu Mến Thánh Giá.

Điều khiến tôi cảm phục nhất là dù trí nhớ đã phai mờ vì tuổi già và thân xác quặn đau vì bệnh tật, sơ vẫn luôn hướng lòng về tha nhân. Sơ lo lắng, hỏi han những bệnh nhân cùng phòng: “Anh kia bị sao vậy? Anh có đau không? Khổ thân họ nhỉ, cầu nguyện nhiều cho họ,…” Ngay cả khi chính mình đang chịu đựng, sơ vẫn nghĩ đến người khác trước. Đặc biệt, trong giây phút cuối đời, khi tôi nhìn vào thân xác hao gầy của sơ, tôi như thấy hiện lên bóng dáng của Đức Giê-su đang hấp hối, đang cô đơn nhưng vẫn can đảm bước vào cuộc Thương khó vì yêu. Một tình yêu không giữ lại gì cho mình.

Những ngày Tuần Thánh khi suy niệm cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, tôi càng nghĩ đến sơ nhiều hơn. Tôi thấy thật xấu hổ cho những lần mình than trách vì những điều nhỏ nhặt của mình. Nghĩ về sơ, tôi nhận ra mình còn quá xa Thập Giá, quá xa với một tình yêu không đòi đáp lại. Nghĩ về sơ, tôi khát khao được sống lại: sống trọn vẹn hơn, dâng hiến hơn và đón nhận mọi sự với lòng tín thác. Khi chiêm ngắm đời sống của sơ, tôi học được cách yêu mến Thập Giá không như biểu tượng của đau thương nhưng như con đường của tình yêu và hy vọng. Bởi nơi đó, tôi không đơn độc vì có Chúa đồng hành, cùng đau với tôi và biến đau khổ thành ân sủng cứu độ.

Tôi nhớ đến cái tên mà sơ thường gọi tôi trong những ngày nằm giường bệnh: “Hồng Hoa”. Ban đầu, tôi không hiểu vì sao sơ lại gọi tôi như thế. Nhưng càng sống gần sơ, tôi dần nhận ra: Đó là lời nhắn nhủ dịu dàng của sơ, rằng tôi hãy trở nên một bông hoa để trao tặng cho tha nhân, đặc biệt là những người đau ốm, những ai cần đến sự hiện diện và đôi bàn tay nhỏ bé của tôi. Điều đó, tôi được thôi thúc mỗi ngày sống tốt hơn vì những người bệnh bên cạnh tôi chính là hình ảnh của Đức Giê-su đang cần đến tình yêu cụ thể từ một con người giới hạn như tôi.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu Thập Giá như sơ Ma-ri-a đã yêu. Không bằng những lời lớn lao mà bằng một đời sống thầm lặng, hiến dâng như hạt lúa âm thầm mục nát đi để sinh nhiều bông hạt cho Hội dòng, cho Giáo Hội và cho bao người đang quằn quại trong khổ đau mà chưa nhận ra ánh sáng của Thập Giá.

Maria Hoàng Hồng
Học viện MTG Hà Nội

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)