Papa! Cha ơi!

Papa! Cha ơi!

Có một nỗi buồn trong thẳm sâu tâm hồn mà nó chẳng thể diễn tả hay bộc bạch nổi khi được tin Chúa đã gọi cha về với Ngài. Nó cảm thấy một sự hụt hẫng, trống vắng xuất hiện trong tâm tưởng… Cha ơi! Cha đã về nhà Chúa thật sao?

Dường như nó chẳng thể tin vào điều tai nó nghe, mắt nó thấy lại có thể xảy ra nhanh như vậy. Bởi cách đó mấy hôm, nó vẫn còn thấy đăng tin về chuyến viếng thăm của cha tại nhà tù Regina Coeli. Tuy rằng chỉ được ngắm nhìn cha qua những bức hình nhưng trong thâm tâm nó rộn ràng niềm vui mừng mà thầm tạ ơn Chúa vì thấy cha đã hồi phục và đang tiếp tục thực thi sứ mạng của mình: “Tôi luôn muốn đến nhà tù để thực hiện nghi thức Rửa Chân. Năm nay tôi không thể, nhưng tôi vẫn gần gũi anh chị em” (ĐGH Phan-xi-cô). Nó hy vọng vào dấu hiệu tốt đẹp cho một khởi sắc mới đến với cha. Vậy mà giờ đây, trên khắp các trang mạng xã hội đã đưa tin cha đã về với Chúa. Nó thầm thĩ trong lòng như than thở với Chúa: “Ý Chúa thật bất ngờ!”

Đọc những dòng tin về sự ra đi của Cha nó chẳng thể cầm lòng bồi hồi,  xúc động. Một sự thương nhớ, đau xót ùa đến cùng đan xen với niềm tạ ơn. Nó thương nhớ một người Cha già kính yêu và gần gũi. Mọi hình ảnh của người Cha giờ trở về trong tâm trí nó. Nó nhớ lại những lời giáo huấn chất chứa đầy tâm tình của Cha qua những Thông điệp, Tông thư đã ban hành. Dẫu rằng ở trên một cương vị tối cao của Giáo Hội nhưng Cha vẫn dành tình yêu thương, nỗi ưu tư cho từng đối tượng, từng lứa tuổi cụ thể của đoàn con cái. Mọi thông điệp của Cha như có một nguồn sức mạnh thiêng liêng đụng chạm đến cõi lòng của từng người đón nhận. Nó không chỉ mang gam màu sắc thái của những lời chỉ dạy mà chất chứa bên trong đó là sự thôi thúc, truyền cảm hứng khơi dậy sức sống, niềm vui và tình yêu mà Cha muốn gửi đến từng người con.

Đối với Cha, tuổi già không phải là một căn bệnh mà là hồng ân của Thiên Chúa ban. Cha đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người già “họ là những người gìn giữ ký ức của một dân tộc, và sự khôn ngoan của họ là kho tàng cho tương lai”. Hay đối với những người trẻ thì Cha luôn khích lệ, động viên: “Người trẻ đừng để ai đánh cắp hy vọng của mình, đừng về hưu non mà hãy làm ồn lên! Cha muốn thấy các con gây xáo trộn trong các Giáo phận”. Cách riêng, đối với người nghèo, Cha luôn ấp ủ niềm mong ước: “Ôi! Tôi ước ao một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Cha đang thực hiện chính lời nhắn nhủ của một vị Hồng Y đã ghé vào tai Cha sau khi được bầu làm Giáo Hoàng: “Đừng quên người nghèo nhé!”. Điều này cũng được toát lên ngay trong chính danh hiệu mà Cha đã chọn cho mình: “Tôi được gọi là Phan-xi-cô”. Nhắc đến đây, hình ảnh người Cha già ngồi trên xe lăn luôn vui tươi với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sáng ngời hiện lên trong tâm trí nó. Nó ngậm ngùi, thổn thức nhớ về Cha nhiều…

Nó chẳng thể quên được lời nhắn nhủ thân thương nhưng rất đỗi khiêm nhường mà người Cha già thường kết thúc sau mỗi thông điệp hay bài huấn từ: “Xin các con hãy nhớ đến Cha trong lời cầu nguyện!”. Mỗi khi đọc dòng chữ này nó đều cảm mến sự khiêm nhường thẳm sâu nơi con người của người Cha chung. Là một người cao trọng, địa vị quyền thế đại diện Đức Ki-tô nơi trần thế vậy mà Cha không ngại ngần ngỏ lời xin con cái hãy cầu nguyện cho mình. Có lẽ vì Cha luôn ý thức và sống trọn tâm tình của một Giáo Hoàng: “Là tôi tớ của các tôi tớ”.  Và ngày hôm nay người tôi tớ này đã được an nghỉ bình an trong nhà “Ông chủ của mình”.

Nó nghẹn ngào nhớ về Cha nhưng trong lòng nó cũng dâng trào tâm tình tạ ơn. Nó tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban tặng cho Giáo Hội và nhân loại một tôi tớ lột tả sống động và chân thực gương mặt thương xót của Ngài giữa thời đại đầy biến động. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ và đồng hành với người tôi tớ của Ngài để Cha luôn trung thành và nhiệt thành rao giảng, trở nên dấu chứng xác thực cho những giá trị Tin Mừng đến giây phút cuối cùng. Dẫu rằng, triều đại Giáo Hoàng của Cha chỉ kéo dài trong 12 năm nhưng tất cả mọi tâm huyết, tình yêu của Cha còn được nối dài mãi trong lòng của Giáo Hội và con người. Bởi chưng, Cha luôn sống và quảng diễn về tình yêu của Chúa Giê-su cho con người để họ cảm nhận được tình yêu ấy qua những lời nhắn nhủ tha thiết: “Con là một tuyệt tác, Thiên Chúa luôn yêu thương con!”.

Nó cũng thầm tạ ơn Chúa đã cho nó có cơ hội được lớn lên dưới triều đại của Cha. Nó trầm ngâm trong một câu nói rất nổi tiếng của Cha dành cho giới tu sĩ: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Đó là niềm thao thức mà Cha đặt để nơi những người sống đời thánh hiến trong đó có nó. Nó tự hỏi mình vậy: “Tôi có đang là niềm vui cho nơi tôi ở, cho người tôi gặp và cho Thiên Chúa của tôi không?” Một câu chất vấn đòi buộc nó phải trả lời bằng chính đời sống thực tiễn chứ không phải gánh lý thuyết trên sách vở.

Dòng suy tư kéo dài miên man trong tâm trí nó. Những hình ảnh về Cha cứ hiển hiện lên trong tâm trí nó. Nó nhớ đến những câu chuyện về cuộc đời của Cha qua cuốn tự truyện “Hy Vọng”. Cuốn sách đó một phần nào hé mở giải thích cho cuộc đời và đường hướng mục vụ của vị Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Suy tư về cuộc đời của Cha, nó thấy thấm thía câu nói của Mẹ Tê-rê-sa Calcutta: “Tôi chỉ là cây bút chì nhỏ trong tay của một vị Chúa đang viết, Người đang gửi một bức thư tình yêu đến thế giới”.

Với hương tình Phục Sinh đang lan tỏa khắp nơi, không biết nói gì hơn, nó lặng lẽ thành tâm dâng một lời cầu nguyện cho người Cha già mến yêu: Cha ơi, cả cuộc đời Cha đã dành để ôm ấp lấy những con người đau khổ, nghèo nàn. Giờ đây, con nguyện xin Thiên Chúa là tình yêu cũng ôm lấy Cha vào lòng để Cha được nghỉ ngơi thanh thản trong Ngài!

Thương mến Cha!

M.T

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)