Câu chuyện của đôi giày sờn rách

Câu chuyện của đôi giày sờn rách

Tôi là đôi giày da được tạo nên giống như bao đôi giày khác, sáng mịn và hoàn hảo. Điều đó cho phép tôi mơ ước được sở hữu bởi một người có địa vị, thế giá. Và ước mơ của tôi đã thành hiện thực khi tôi được chọn bởi người kế vị thứ 266 của Thánh Phê-rô, một vị Giáo Hoàng. Người ta gọi ngài là Phan-xi-cô.

Từ giây phút ấy, tôi tưởng tượng mình sẽ được sải bước trên những thảm đỏ, được bước đi trong những hội nghị, những bữa tiệc sang trọng với ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Nhưng những mơ mộng vinh hoa ban đầu đó của tôi đã bị tan biến. Bởi thay vì được sải bước trên thảm đỏ, những lâu đài xa hoa hay những hội trường rực ánh đèn thì ngài lại đưa tôi đến những vùng ngoại biên xa xôi hẻo lánh: Những khu phố nghèo bùn lầy, những khu trại tị nạn đầy nỗi sợ, những nhà tù u ám và những bệnh viện ngột ngạt; Từ những con đường bụi bặm ở Buenos Aires đến quảng trường Thánh Phê-rô rộng lớn. Tôi đã cùng ngài bước đi trên những con đường lấm lem bùn đất của những khu ổ chuột, lội qua những con hẻm nhỏ nơi những mái nhà xiêu vẹo che chắn cho bao kiếp người nghèo khổ. Tôi đã cùng ngài len lỏi vào những trại tị nạn, nơi những khuôn mặt khắc khổ đang chờ đợi trong hoài nghi và thất vọng. Ngài đến chỉ đơn giản là để ở bên cạnh những con người nghèo khổ ấy và để lắng nghe những câu chuyện của họ. Lời nhắn nhủ duy nhất của ngài là: “Xin anh chị em đừng đánh mất niềm hy vọng!” (ĐTC Phan-xi-cô, Bài diễn văn trong cuộc viếng thăm trại tỵ nạn Moria trên đảo Lesbos Hy lạp, ngày 16/04/2016).

Tôi đã mòn đi khi cùng ngài bước đến những nhà tù, nơi mà nhiều người tưởng như đã bị lãng quên. Ngài đến đó không để xét đoán nhưng để mang đến cho họ niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Tháng 4 năm 2022, ngài đến rửa chân cho các tù nhân và nói với họ: “Chúa chờ đợi đến cùng, tha thứ tất cả. Chúng ta mệt mỏi xin tha thứ, nhưng Thiên Chúa luôn thứ tha. Mỗi người trong chúng ta đều có một điều gì đó trăn trở trong lòng từ lâu, nhưng hãy xin Chúa tha thứ” (ĐTC Phan-xi-cô). Tôi đã bạc màu dưới ánh nắng gay gắt của những sa mạc, nơi ngài thăm các nạn nhân chiến tranh tại Phi Châu. Tôi đã lấm lem khi ngài không ngại đi vào giữa những dòng người vô gia cư, không mái nhà che mưa nắng. Chính khi tôi không còn đẹp đẽ, không còn hoàn hảo là lúc tôi bắt đầu sống một cuộc đời trọn vẹn hơn bao giờ hết. Từng vết rách, vết trầy xước, vết lấm lem của tôi là bằng chứng về một người mục tử, người cha không biết mỏi mệt để ra đi đem niềm hy vọng cho những mảnh đời đau khổ, vụn vỡ.

Giờ đây, tôi được cùng ngài trở về nhà Cha, được an nghỉ trong vòng tay của Mẹ Ma-ri-a. Không còn những chuyến đi dài dằng dặc, không còn những vết bùn lầy, bụi bặm, chỉ còn lại sự bình an ngập tràn. Tôi kể câu chuyện này không phải để mọi người thêm cảm phục, ngưỡng mộ ngài cho bằng để nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng: Chúng ta cũng phải đi ra khỏi vùng an toàn của mình để tìm đến những người nghèo hèn, những ai bị quên lãng, những người đang mòn mỏi chờ một ánh sáng hy vọng.

Ước gì từng bước chân của chúng ta, dù nhỏ bé, dù âm thầm cũng trở thành sự tiếp nối cho những bước chân hy vọng và yêu thương mà ngài đã khởi sự nhưng còn dang dở. Bởi lẽ, chính ngài đã sống và để lại cho con cái: “Hội Thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi” (ĐTC Phan-xi-cô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 23).

M.D

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)