Trong thế giới mạng xã hội ngày nay, ngôn từ mạnh thường được dùng để nhấn mạnh về điều gì đó. Nhưng lạm dụng từ ngữ, ví dụ như từ “ghét”, có nguy cơ làm phai nhạt nhận thức của chúng ta về sự dữ.
“Ôi, tôi ghét sốt mayonnaise quá!” Bạn đã từng nghe ai đó nói câu này (hoặc tương tự) mà thấy khó chịu vì chúng ta dùng từ “ghét” một cách quá cẩu thả không? Quả thật, việc thực sự ghét điều gì đó là điều nghiêm trọng. Và là Kitô hữu, chúng ta cần hiểu sức nặng ngữ nghĩa mà nó mang theo.
Thánh Tô-ma A-qui-nô, nhà thần học và triết học đáng kính thuộc dòng Đa Minh, đã đào sâu vào ý nghĩa thực sự của sự căm ghét trong kiệt tác của ngài, cuốn “Tổng luận Thần học” lừng danh. Trong câu hỏi thứ 29 ở phần đầu của cuốn Tổng luận, ngài giải thích rằng ghét bắt nguồn từ sự bất hòa vốn có với những gì chúng ta nhận thấy là phá hoại hoặc gây hại cho bản thân hoặc người khác. Theo nhiều lối diễn đạt khác nhau, thánh Tô-ma A-qui-nô nói lên điều hiển nhiên: Ghét đối nghịch với yêu thương. Nhưng ngài còn bổ sung một nhận xét quan trọng: Trong khi tình yêu bắt rễ từ điều thiện và tìm kiếm sự hòa hợp, thì ghét bắt rễ từ điều ác và tìm kiếm sự bất hòa.
Theo nghĩa này, điều quan trọng là phải hiểu rằng sự dữ không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của điều thiện, mà còn là một thế lực hoạt động chống lại sự viên mãn. Cũng như bệnh tật thể xác không chỉ là sự thiếu vắng sức khỏe, mà còn là một thế lực hoạt động làm xói mòn sự cân bằng của cơ thể. Sự dữ về mặt đạo đức hay tâm linh cũng thế.
Những lập luận minh định của thánh Tô-ma A-qui-nô
Thánh Tô-ma A-qui-nô đưa ra những minh định rõ hơn về khái niệm “ghét” như sau.
Đối tượng của ghét luôn là sự ác, mặc dù đôi khi nó bị hiểu sai. Nghĩa là, chúng ta có thể không thích một số loại thức ăn hoặc thấy hành động của một người là đáng chê trách, nhưng thánh Tô-ma sẽ không coi đó là “ghét”, trừ khi có yếu tố gây hại thực sự.
Mức độ ghét tương ứng với mức độ của sự dữ. Ghét một con muỗi mang mầm bệnh tiềm ẩn thì phần nào có thể hiểu được. Nhưng ghét một ai đó ở mức độ tương đương với việc ghét một tội ác luân lý nghiêm trọng thì cho thấy sự lệch lạc trong phản ứng của chúng ta. Có điều gì đó trong cảm thức về công bằng của chúng ta bị sai lệch.
Chúng ta có nghĩa vụ phải ghét sự dữ, nhưng không phải ghét con người. Điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên, thế nhưng con người vốn tốt vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính những gì ở trong họ (chủ yếu là những thói quen họ đã hình thành) đã làm tổn hại họ hoặc có thể gây hại cho người khác. Đây mới là điều mà chúng ta phải ghê tởm. Thật vậy, thánh Tô-ma đang nói dưới khía cạnh nghĩa vụ, nghĩa là chúng ta phải ghê tởm sự dữ.
Tầm quan trọng của sự phân định
Trong thế giới mạng xã hội ngày nay, ngôn từ mạnh thường được dùng để nhấn mạnh cho một điều gì đó. Tuy nhiên, theo thánh Tôma Aquinô, một bậc thầy của suy luận, chúng ta nên cẩn trọng từng chữ mỗi khi bàn luận về đời sống thiêng liêng. Lạm dụng từ ngữ như từ “ghét” có nguy cơ làm phai nhạt sự hiểu biết của chúng ta về sự dữ. Quan trọng hơn, nó đi ngược lại thông điệp của Chúa Giêsu là yêu thương cả kẻ thù.
Lần tới, khi bạn bị cám dỗ gán mác “ghét” cho một điều phiền phức nhỏ nhặt, hãy khựng lại và cân đo đong đếm sức nặng của từ ngữ đó nhé. Sự dữ thực sự đáng bị loại trừ một cách chính đáng. Nhưng suy cho cùng, với tư cách những người đi theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi thu phục sự dữ bằng tình yêu thương và niềm hy vọng cứu độ – ngay cả khi điều đó là rất khó. Đó là vấn đề biết lựa chọn điều đúng trong hành động và lời nói để phản ánh nhận thức đúng đắn về sự khác biệt giữa việc căm ghét vô cớ và việc loại trừ sự dữ một cách chính đáng.
Nguồn: https://dongten.net