– Đi đâu giờ mới về, hả?
– Sao cứ trốn trong phòng hoài vậy?
Tiếng quát làm cô bé tủi thân, càng muốn ẩn sâu trong “cái vỏ” của mình! Cô bé cảm thấy cô đơn vô cùng tận, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình… bởi không có tiếng nói chung với người thân, không ai chia sẻ buồn vui trong cuộc sống thường ngày!
…Nó đứng tần ngần trước cửa, trong tay là chiếc vali quần áo to đùng! Mẹ nó sững sờ hồi lâu, rồi bật khóc nức nở, như bị ai đó xúc phạm nặng nề! Như vậy là vợ chồng nó đã cãi nhau và chia tay sao? Hết cứu vãn thật rồi sao?
Trên đây là những câu chuyện vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Tựa như vấn nạn xoáy vào mỗi gia đình, vào các mối quan hệ; một câu hỏi lớn trong thời đại ngày nay: Làm sao để mọi người có thể “sống chung” một cách hài hòa và hạnh phúc?
Đêm 04/5/2024 tại Giáo xứ Chí Hòa, Tiến sĩ Tâm lý Thécla Trần thị Giồng, CND., đã giải đáp thỏa lòng những tâm tư thắc mắc cho các tham dự viên đến với chuyên đề HỌC CÁCH SỐNG CHUNG do CTCĐGD BMVGĐ TGPSG tổ chức.
Với lối diễn giải nhẹ nhàng, dí dỏm dễ thương, Tiến sĩ đã để lại ấn tượng trong lòng các học viên. Buổi giao lưu hôm nay, Sơ gửi đến mọi người những kinh nghiệm “học cách sống chung” rất gần gũi thực tế nhằm cải thiện các mối quan hệ khác nhau: gia đình, cộng đoàn, nhóm, bạn bè…Một gia đình muốn hạnh phúc, có các thành viên biết quan tâm, lắng nghe và chia sẻ, thì cần học cách yêu thương nhau. Các mối quan hệ khác cũng vậy, muốn được thoải mái, vui vẻ, hài lòng thì cũng cần học cách sống chung với nhau. Biết yêu đủ và đúng cách để chung sống và duy trì lâu dài cuộc sống ấy. Nếu không, thì gia đình sẽ là thảm cảnh của các mối tương quan bị phá vỡ và hủy hoại đau lòng.
Sơ Thécla nhấn mạnh các ý chính để các tham dự viên dễ hình dung cách học sống chung:
– Yêu để cùng lớn lên: tăng niềm vui, lan tỏa bình an cho nhau. Nếu ngược lại, sẽ gây khổ cho nhau.
– Yêu thì tin tưởng nhau hết mực. Sống nội tâm hơn hình thức, mạnh mẽ để trưởng thành. Sẵn sàng đối diện với chính mình và với mọi vấn đề.
– Giữ sự tôn trọng vì đó là độ bền của tất cả các mối quan hệ. Nếu nói lời xúc phạm, sẽ làm tổn thương nhau. Vì khi đó, bạn không thấy giá trị của người kia. Mà hãy nói lời tích cực, nhìn ra điểm tốt, khuyến khích động viên người ấy để cùng giúp nhau “lớn lên”. Lời động viên chưa đủ, cần nỗ lực bản thân, kiên trì trong mọi việc “học”. Sống chung nên biết nói lời chân tình, tử tế, khiêm tốn, nhẫn nhịn và “tha thứ tất cả”!
– Điểm cuối cùng là Biết ơn nhau. Bạn có khi nào tự hỏi mình có được ngày hôm nay là nhờ ai chăng? Và cảm ơn họ không? Hơn hết, biết ơn Chúa đã ban hồng ân cho bạn, cho gia đình bạn, và trên các mối tương quan khác của bạn.
Bạn hãy chiêm ngắm Gia đình Thánh Gia: Ở đó, có một người cha Giu-se quảng đại, hy sinh, nhân hậu, khiêm nhường và giàu lòng yêu thương. Ngài hết lòng che chở, bảo vệ cho hài nhi Giê-su bé nhỏ và chăm sóc Mẹ Maria cẩn thận, chu đáo.
Ở đó, có một người mẹ “vĩ đại”, dù “không biết chuyện vợ chồng” vẫn một lòng “xin vâng” theo lời Sứ thần truyền. Mẹ đã sinh con trong hang đá nghèo hèn, đã từng ôm con chạy trốn…cuối cùng, Mẹ đã kiên cường đứng dưới chân thập tự, mẹ thinh lặng chứng kiến cái chết đau thương của con mình! Nhưng Mẹ vẫn vượt qua… Có tình yêu nào hơn tình mẫu tử thâm sâu?
Còn Đức Giê-su, Người đã lớn lên trong tình cha, nghĩa mẹ dạt dào. Tình yêu của Người dành cho các Đấng sinh thành thật cảm động. Dù lúc cận kề cái chết trên thập giá, Chúa cũng kịp gửi Mẹ mình cho Thánh Gio-an chăm sóc. Tình yêu của Đức Kitô cũng thể hiện sâu sắc khi Người đón mẹ lên trời để hưởng vinh phúc thiên đàng. Và trên hết, tình yêu Chúa dành cho dân Người cao vời biết bao!ccd” Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15, 13).
Bạn có bao giờ nghĩ: mình hãy học cách “yêu” của Gia đình Thánh Gia chăng? Tạ ơn Chúa vì thế giới con được sống, Chúa đã ban cho con cơ thể để làm việc, trí óc để suy nghĩ, trái tim để thương yêu. Người đã ban cho con rất nhiều điều để học hỏi, nhiều việc để thực hành, nhiều người để yêu thương…Xin Người giúp con biết cách “sống chung” hữu ích cho tha nhân, cho người thân quanh con; để cuộc đời này có giá trị hoàn hảo và tốt đẹp hơn…