Phần 3.1:
« Hơn nữa, tất cả các thành viên nam nữ nói trên có lòng thành thực sám hối và xưng tội cùng chịu lễ, kính viếng và cầu nguyện tại nhà thờ hay nhà nguyện hay phòng nguyện thuộc loại trên, vào bốn ngày lễ khác trong năm do các vị Đại Diện Tông Toà hay các quyền đại diện của các ngài chỉ định theo cách thức như đã nói, vào ngày lễ mà họ làm việc trên thì được hưởng ân xá 7 năm và 7 mùa. »
Nhận xét :
1. Về bốn ngày lễ :
Nghị định ngày 28.08.1678 của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin nêu ra 4 ngày lễ : Hiển Linh, Truyền Tin, Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và Thiên Thần Bản Mệnh. Nhưng sau Tông thư « Cum sicut », chúng ta không biết các đấng bản quyền sở tại đã quy định 4 ngày lễ nào.
2. Về « ân xá 7 năm và 7 mùa »:
Ân xá « 7 năm và 7 mùa » có lẽ rất xa lạ đối với người công giáo Việt Nam ngày xưa cũng như ngày nay. Kiểu nói của tông thư ban ân xá xa xưa này : « septem annos et totidem quadrigenas » (tiếng Pháp : « sept années et autant de quarantaines », hay, « sept années et sept quarantaines »), nếu dịch đúng từng từ một, thì là : « 7 năm và 7 lần 40 ngày », tức, « 7 năm và 7 mùa chay ».
(Chữ « quadrigenas », « quarantaines », có nghĩa là « mùa chay », mùa chay có 40 ngày. Các bản dịch tiếng Việt thời xưa thường chỉ nói : « 7 năm và 7 mùa », ví dụ : Thơ Chung năm 1918, Tân Định, Saigon).
Xin trích dẫn 2 tài liệu để giải thích thêm :
1. « Hỏi : Ân xá 7 năm và 7 mùa là gì ?
Thưa : Ân xá 7 năm và 7 mùa được hiểu là ân xá tha hình phạt 7 năm và 7 mùa chay đền tội mà ngày xưa Giáo Hội ra cho các hối nhân phải làm việc đền tội công khai. »
(trích Abrégé du catéchisme de persévérance de Mgr Gaume, 1852, bài thứ 41).
2. «Trong tư tưởng của Hội Thánh, một ân xá 7 năm và 7 mùa là tương đương với 7 năm và 7 mùa chay đền tội mà Giáo Hội đã dạy phải làm.»
(Louvet, Purgatoire d’après les Révélations de Saints, Biên-Hoa, août 1879, tr. 345).
Phần 3.2:
«Mỗi khi họ tham dự Thánh lễ và kinh Phụng vụ vào lúc cử hành và lúc đọc kinh trong những nhà thờ hay nhà nguyện đã nói, hay trong các buổi họp công cộng hoặc riêng tư của các Huynh Đoàn bất kỳ tại nơi nào;
Hay khi họ đón tiếp người nghèo vào một nơi cư trú;
Hay khi họ đem hoà bình đến cho các kẻ thù nghịch nhau, một cách trực tiếp hoặc qua trung gian;
Cũng như khi họ tham dự lễ an táng các thành viên nam nữ đồng hội hay người nào khác theo nghi thức Giáo Hội;
Hay khi tham dự vào bất kỳ cuộc rước nào, với phép của các vị Đại Diện Tông Toà hay các quyền đại diện của các ngài, và tham dự vào cuộc rước kiệu Thánh Thể, hay cuộc rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, hay cho ai khác, bất kỳ nơi nào và bất kỳ cơ hội nào.
Nếu họ bị ngăn trở không tham dự được, họ đọc một lần kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, lúc nghe tiếng chuông báo hiệu;
Hay họ đọc năm lần kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng cho linh hồn các thành viên nam nữ đồng hội đã qua đời;
Hay họ đem một người lầm lạc về đường cứu rỗi,
Và họ dạy bảo những kẻ mê muội các giới răn Thiên Chúa cùng những sự cần thiết cho phần rỗi; Hay họ làm việc đạo đức hoặc việc bác ái nào đó.
Cho mỗi lần thi hành một việc trong các việc nói trên, Ta ban cho họ theo thể thức quen thuộc trong Giáo Hội, một ân xá 60 ngày đền tội mà họ phải chịu.
Những ân ban bằng Tông thư này có giá trị vĩnh viễn trong tương lai.»
Nhận xét :
Như đã nói, gần như tất cả những việc đạo đức có thể làm mà Tông thư nêu ra, để được hưởng ân tiểu xá 60 ngày, thì thích hợp cho một xứ công giáo Tây phương hơn là Việt Nam thời đó. Tông thư « Cum sicut » theo khuôn mẫu có sẵn nên có vẻ rất ít am hiểu hoàn cảnh xã hội, chính trị và văn hoá cụ thể của các giáo phận tông tòa tại Đông Nam Á.
PJD
(Còn tiếp)