Ba tài liệu liên hệ tới “Cum sicut”
Sau khi tìm hiểu Tông thư «Cum sicut», chúng ta nên đọc qua ba tài liệu sau đây. Những tài liệu này sẽ cho chúng ta biết Tông thư «Cum sicut» đã đem lại hiệu quả nào nơi các giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài thời đó.
1, Tại Đàng Trong năm 1675
Nhân chuyến sang Đàng Ngoài (1669-1670), Đức cha Lambert đã lập ra một hội đạo đức gọi là Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Đức Chúa Giêsu Kitô.
Ngài có lập hội đạo đức này tại Đàng Trong không ? Biết rằng, ngài đã sang thăm Đàng Trong hai lần.
Lá thư của cha Jean de Courtaulin viết ngày 30.08.1675 gửi Đức cha Lambert sẽ cung cấp cho chúng ta những dữ kiện lịch sử giúp trả lời thắc mắc trên.[1]
Cha Jean de Courtaulin đã được Đức cha Lambert chọn làm Quyền Đại Diện (provicarius) của ngài tại giáo phận Đàng Trong. Cha Jean de Courtaulin cho biết ngài đã lập ra một hiệp hội đạo đức gọi tên là « Hội Bác Ái » (Confrérie de la Charité). Điều này khiến ta hiểu rằng Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Đức Chúa Giêsu Kitô đã không được lập ra tại giáo phận Đàng Trong. Mặt khác, chúng ta chẳng hề thấy một dấu vết nào về hiệp hội này tại Đàng Trong.
Năm 1935, tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, (Tân Định, Sài Gòn), đã kể lại chuyện cha Jean de Courtaulin lập ra « Hội Bác Ái » mà bài báo gọi là « Họ Yêu Người » (trang 796-798)[2] :
« Trong những việc cha de Courtaulin làm mà giúp bổn đạo phần hồn phần xác, thì phải kể lại Họ Yêu Người. Cha lập họ nầy có ba ý : trước hết là cho đặng cứu giúp bổn đạo, khi có ai bị xéo xát vì đạo ; thứ hai là có ý phù trợ những kẻ bần cùng phải đói khát, phải bịnh hoạn mà chết, vì không ai cứu giúp, không có thuốc men ; sau hết là cho đặng giúp các đẳng linh hồn trong chốn luyện hình.
Người khuyến giục thối thúc bổn đạo cả và tỉnh vào họ ấy. Người dạy các hội hữu phải giữ ba đều :
1, Mỗi tuần phải lần ba chuỗi mà cầu nguyện nhứt thiết cho những kẻ liệt mong sinh thì mà còn đang mắc tội trọng, vì nó không đặng gặp cha thầy mà chịu các phép bí tích sau hết, cho nên cần phải nhờ lời hội hữu cầu nguyện cho lòng lành Chúa ban cho nó đặng ơn ăn năn tội cách trọn.
2, Hội hữu trong mỗi làng phải thăm viếng và giúp đỡ nhau, khi có ai đau ốm. Mỗi tuần phải viếng thăm kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cùng là an ủi kẻ phải âu lo phiền muộn. Khi gặp người ngoại tử tế, không hiềm thù ghen ghét, phải nói chuyện đạo thánh cho nó nghe ; thấy con nít dốt nát, phải dạy cho nó thuộc kinh và biết lẽ đạo.
3, Mỗi ngày các hội hữu phải thờ lạy Đức Chúa Giêsu ba lần ; và mỗi buổi chiều phải đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng.
Sau nữa các hội hữu phải xưng tội mỗi năm bốn lần, khi có thể được. Không ai đi thâu tiền ; song hội hữu nào muốn bố thí, thì đem đến nạp trong tay người thủ bổn cha đã bàu lên mà giữ tiền bạc của hội và lo phân phát cho có ý tứ tuỳ theo chuyện.
Cha buộc người làm thủ bổn của hội trong mỗi làng, cứ một tháng một lần, nhóm mấy người khôn ngoan tử tế trong xóm lại, mà tính phải phân phát tiền bạc thể nào, và những ai là kẻ thật bần cùng túng rối. Cha cũng đặt một người lo lâu lâu viết thơ cho cha một lần cách cẩn mật, cho cha rõ tiền bạc đã phân phát làm sao, trong rương chỉ tồn bao nhiêu. Cha cấm không được giữ lại của gì trong rương của hội quá một năm ; cũng không được phép lấy đó mà buôn bán hay là cho vay bợ. Nếu cuối năm mà còn dư tiền, thì phải lấy mà làm việc lành, như cất nhà thờ, hay là sắm đồ lễ, hoặc đồ gì khác để trau dồi trong nhà thờ. Phải liệu lần hồi cho tiền đó có đủ mà trả tiền thầy giảng. Các chuyện trong hội thì phải tỏ cho cha tường tận, cho đặng nếu làng nào hụt tiền, thì cha lo cho hội hữu các làng khác phụ giúp.
Các điều cha de Courtaulin chỉ định cho Họ Yêu Người đây cũng mường tượng những sự Đức Giáo Tông rao truyền về việc Công Giáo Tiến Hành, vì trí ý Hội Thánh hằng cứ giữ theo hành vi qui tắc Chúa đã truyền cho các thánh Tông đồ xưa.
Ngày mồng một tháng tư [1675], nhằm lễ ông thánh Máccô, cha nhóm hết thảy các thầy giảng trong tỉnh, mà rao luật lệ Hội Yêu Người, cho ai nấy nghe tỏ, mà rao lại cho bổn đạo và khuyên thúc vào hội. Cha phân tỏ đành rành, cha không có ý thâu tiền bạc của ai, một muốn cho đâu đó bổn đạo đều đồng tâm hiệp ý giữ đức yêu người như Chúa dậy, mà giúp đỡ nhau phần hồn phần xác. Các thầy hiểu đó là một phương phép rất hay mà làm cho mọi người đặng ích, và mở mang đạo thánh. Vì vậy hết thảy đều bằng lòng, theo ý cha và hứa lo gầy lập hội ấy trong các sở.
Trong các thầy giảng tựu đó, có một người đã lớn tuổi, là người kỳ khôi, cha kêu là thầy già hai lòng, vì bấy lâu những phò tá các cha dòng, theo phe Búttughê [Bồ Đào Nha], không ưa, không phục các cha Thừa sai, bị Đức cha năm trước hăm dứt phép thông công, nên mới chịu dấu, song trong lòng hãy còn dính bén bên Búttughê luôn. Trước cha Bartholomêu, bên dòng, cũng có lập một hội như vậy, mà thầy ấy lãnh xem sóc, thì đã giúp được một số tiền khá to. Đặng tiền nầy trong tay, thầy ấy đã xuất ra mà buôn bán cùng cho vay ; rày đã ra một bổn vốn thật nhiều.
Cha đã cho mời thầy ấy đến dự hội với kẻ khác, cho thầy biết tỏ luật lệ mới ra, và biết nay mai sẽ tới kỳ phải tính sổ về ngữ tiền bạc ; lại cho đặng truyền thêm đều khác nữa. » (Mátthêu Đức).
2, Năm 1679: Đức cha Pallu điều hành giáo phận Đàng Ngoài
«Đức cha Pallu không hề đặt chân được tới giáo phận Đàng Ngoài của ngài. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ trách nhiệm của ngài và thường xuyên điều hành giáo phận bằng thư từ và các phương thế khác.
Vào đầu năm 1679, sau khi thỉnh xin được các ân xá cho những Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá tại Tòa Thánh, Đức cha Pallu lúc đó đang ở Rôma, đã gửi một lá thư hướng dẫn mục vụ cho hai cha Deydier và Bourges đang làm việc tại Đàng Ngoài. Trong lá thư tiếng Latinh đó, có đoạn đề cập đến Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá.
Trước tiên, với tư cách Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài, ngài cho phép lập các hiệp hội Mân Côi trong giáo phận. Bởi vì cha bề trên tổng quyền dòng Đa Minh muốn thiết lập khắp nơi các hiệp hội này, với những ân xá đã được ban. Tiếp theo, Đức cha Pallu nhận thấy rằng:
«Cùng với các hiệp hội đó, và các hiệp hội Mến Thánh Giá nam và nữ, do Đức cha Pierre, giám mục Bérythe, thành lập, với rất nhiều ân xá đặc biệt do Tòa Thánh đã ban, thì đã dư đủ cho lòng sốt sắng của các tín hữu, chung cũng như riêng.» (Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome 1, 1904, tr. 220).
Đức cha Pallu nhắc nhở lại rằng Tòa Thánh đã cấm tất cả mọi thừa sai, giáo sĩ cũng như tu sĩ, lập ra các hiệp hội đạo đức mà không có phép của các vị Đại Diện Tông Tòa : sắc lệnh của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 21.03.1678 (xem Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, 1904, tr. 63-66).»[3]
Ngày 25.11.1679, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI bổ nhiệm cha Deydier và cha Bourges cùng làm Giám Mục Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài.[4]
Ngày 15.04.1680, Đức cha Pallu được từ chức Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài, và được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa xứ Phúc Kiến, với quyền giám quản các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tây, Hồ Quảng, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam, các đảo Đài Loan, Hải Nam và các đảo lân cận.[5]
3, Thư gửi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin năm 1685
Theo sử gia Adrien Launay, năm 1685, các Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong[6] đã gửi về Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin một lá thư, trong đó có đoạn nhắc tới hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá và hội dòng Mến Thánh Giá như sau :
« […] Điểm thứ 7 liên quan tới những gì Đức Giám Mục Bê-rít đã thực hiện tại Đàng Ngoài. Nhân danh vị giám chức này, chúng con xin Thánh Bộ vui lòng duyệt xét văn kiện Công Đồng gồm 34 điều khoản. Vị giám chức đã triệu tập Công Đồng đó để thiết lập kỷ luật cho Giáo Hội Đàng Ngoài, đồng thời để lập trật tự giữa các thừa tác viên điều hành Giáo Hội này, cũng như để sắp đặt hai tổ chức mà tổ chức thứ hai đã được đề ra vì lợi ích của dân Kitô giáo tại các nơi truyền giáo. Thực vậy, hình như thật thích đáng khi thúc đẩy đến một lòng đạo đức rất căn bản những người có một tình yêu đặc biệt đối với cái chết và thập giá Chúa Giêsu. Nhưng dù có vẻ đã được mọi người đón nhận, một tổ chức như thế phải cần được Toà Thánh chấp thuận và nhận được các ân xá mà Đức Thánh Cha sẽ thương ban cho những ai gia nhập, để tổ chức vui hưởng ơn huệ tràn đầy và sức mạnh cần thiết.
Về tổ chức kia thì nhằm giúp đỡ các phụ nữ đạo đức tại Đàng Ngoài, mà từ nhiều năm trời nay, họ có vẻ chờ đợi một người chỉ cho họ một lối sống hoàn thiện hơn. Sau khi đã xem xét ơn gọi của họ, nhiệt tâm của họ đối với những gì thuộc về Thiên Chúa, những tư chất tinh thần, thể lý và tài sản của họ, và đã cẩn thận dò xét ý định của Thiên Chúa trên họ, Đức Giám Mục Bê-rít xét rằng không nên từ chối cho họ tiếp tục điều họ đã bắt đầu thực hiện để vâng phục Thiên Chúa, sau khi đã thêm vài điều luật.
Từ kinh thành Xiêm La vào năm 1670, Đức Giám Mục Bê-rít đã gửi đến các Đức Hồng Y đáng kính của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin một bản văn kiện Công Đồng cùng các bản luật của hai tổ chức nói trên, để mọi sự được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Và nếu không bị từ chối, Đức Giám Mục Bê-rít đó khiêm tốn xin Toà Thánh nhìn nhận bằng quyền bính Đức Giáo Hoàng, không phải như những dòng tu nam và nữ có lời khấn trọng thể, nhưng như những hiệp hội các người dâng hiến mình bằng một lời khấn đơn, và xin ban cho họ những ân xá theo như ý muốn của Đức Giáo Hoàng.
Đức Giám Mục Bê-rít cũng đề nghị, để tôn vinh chức vụ các thầy giảng là một chức vụ quan trọng bậc nhất nơi các người dân tại đây, xin thiết lập như một thứ cấp bậc các thầy giảng và được vinh dự mang phẩm tính tông đồ ; xin ban một ân toàn xá cho các phụ nữ đó và cho các thầy giảng vào ngày họ gia nhập hiệp hội hay chức vị nói trên, và vào các ngày lễ thánh Giuse và thánh Phanxicô Xaviê. »[7]
Trên đây là một sử liệu đáng quý, vì cho chúng ta hiểu rằng :
1, Dòng Mến Thánh Giá không phải là một dòng tu có lời khấn trọng thể, nhưng theo nghĩa giáo luật thời đó, là một hiệp hội đạo đức có lời khấn đơn.
2, Vào năm 1685 là năm của tư liệu trên, tại Đàng Ngoài vẫn tồn tại hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá đã được Đức cha Lambert lập cuối năm 1669 hay đầu năm 1670.
3, Ít nữa là cho tới năm 1685, giáo phận Đàng Ngoài đã không nhận được Nghị định « Ut confraternitatibus » ngày 28.08.1678 của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, và nhất là Tông thư « Cum sicut » ngày 02.01.1679 của Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI.
< >
Mục Lục
Tìm hiểu «Cum sicut» … 1
Giá trị của Tông thư «Cum sicut» 10
Ba tài liệu liên hệ tới «Cum sicut» 12
[1] Lá thư này hiện được lưu giữ trong AMEP, tập 734, tr. 99-107. Cha Adrien Launay cũng đã xuất bản một phần lá thư này trong cuốn Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents Historiques, tập I, tr. 158-162, nhà xuất bản Téqui, Paris, 1923.
[2] Bài báo này có lẽ đã tường thuật theo cuốn sách của cha Adrien Launay (sđd, tr. 159-160).
[3] Đào Quang Toản, Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr. 58-59.
[4] Hai tông sắc bổ nhiệm được xuất bản trong A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents Historiques, Paris, Maisonneuve, 1927, tr. 597-600.
[5] Tông sắc bổ nhiệm được xuất bản trong A. Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, 1904, tr. 100-101.
[6] Vào năm 1685, các Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài là Đức cha Jacques de Bourges và Đức cha François Deydier ; giáo phận Đàng Trong đang trống toà, vì Đức cha Guillaume Mahot đã từ trần ngày 01.06.1684 tại Hội An, cha Labbé là Quyền Đại Diện Bắc Đàng Trong và cha Forget, Quyền Đại Diện Nam Đàng Trong.
[7] A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents Historiques, Paris, Maisonneuve, 1927, tr. 351-352
PJD
(Hết)