Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 2)

Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 2)

II

Đức cha Pallu

Đức cha Pallu hiện diện tích cực ngay từ đầu trong hoạt động truyền giáo xây dựng Giáo Hội Việt Nam do cha Đắc Lộ khởi xướng tại Paris năm 1653.

1, Buổi ban đầu.

Phanxicô Pallu chào đời tại thành phố Tours, được rửa tội ngày 31.08.1626, trong một gia đình quý tộc và vị vọng nhất nhì thành phố này. Ông nội ngài, rồi sau đó thân phụ ngài, là thị trưởng thành phố. Gia đình ngài gồm 18 anh chị em, mà ngài là người thứ 10. Trong số những anh chị em của ngài sống được, 4 người đi lập gia đình và 7 người đi tu : 2 linh mục Dòng Tên, 3 nữ tu và 2 linh mục triều, kinh sĩ.

Sau những năm thơ ấu và vị thành niên tại thành phố Tours, Pallu lên học đại học tại Paris, trong học viện Clermont (Louis-le-Grand) của các cha Dòng Tên bảy năm : 3 năm triết học và 4 năm thần học.

Trong thời gian này, ngài là một trong 5 thành viên đầu tiên của hiệp hội « Các Bạn Hiền » : Phanxicô Pallu, François de Laval, Henri Boudon, Bernard Gontier và Luc Fermanel de Favery.

Năm 1649, ngài gia nhập Hiệp hội Thánh Thể Paris.

Ngài chịu chức linh mục tháng 09.1650 tại Paris, rồi về dâng lễ mở tay tại Tours.

Ba năm sau đó, ngài đạt được học vị tiến sĩ dân luật và giáo luật. Ngài ở Paris với hiệp hội « Các Bạn Hiền » mà nay đã đông hơn, trong đó có Vincent de Meur, Louis Chevreuil và Michel Gazil, những nhân vật mà chúng ta sẽ gặp lại sau này.

Và chính vào thời kỳ ấy, cha Đắc Lộ tới Paris hoạt động cho việc gửi giám mục sang Việt Nam. Đức khâm sứ Tòa Thánh tại Paris đã đề cử ngài, cùng với cha François de Laval và cha Pierre Piques, làm giám mục cho Việt Nam. Nhưng việc không thành, Pallu trở về làm kinh sĩ tại thành phố quê hương nơi ngài chào đời. Lúc đó là vào tháng 7 năm 1654.

2, Hành hương sang Rôma.

Ngày 07.01.1655, Đức Giáo Hoàng Innôxentê X từ trần. Đức Giáo Hoàng mới được bầu lên ngày 7 tháng 4 sau đó là Alexandre VII, người sẽ lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại Việt Nam.

Phần cha Pallu, ngài vẫn ở Tours. Đầu tháng 05.1656, Pallu nhận được thư của cha Vincent de Meur từ Paris mời đi hành hương sang Rôma. Pallu tới Paris và cùng Vincent de Meur lên đường hành hương, họ đi bộ và tới được thành phố Marseille vào tháng 11 sau đó. Nhưng vì có bệnh dịch xuất hiện trong vùng, hai người sẽ phải lưu lại nhiều tháng trời tại thành phố cảng này. Lúc đó, có thêm ba linh mục trẻ khác cũng thuộc « Các Bạn Hiền » từ Paris xuống nhập đoàn với các ngài. (Tuy nhiên, chúng tôi không biết tên tuổi của ba linh mục này).

Tháng 5 năm sau là năm 1657, phái đoàn 5 linh mục người Pháp mới có thể lên tàu sang Ý mà tới được Rôma vào đầu tháng 6 sau đó.

Chính vào thời điểm này, Lambert de la Motte tới Paris và khám phá ra hiệp hội « Các Bạn Hiền » cùng cuộc vận động gửi các giám mục sang Việt Nam :

« Cũng trong năm 1657 đó, vì trách nhiệm điều hành Trung tâm Xã hội của thành phố [Rouen], ngài phải đi Paris tới hai lần tất cả. Lần đầu, ba tháng trời, xem được như ngài hoàn toàn thất bại về việc xin trợ cấp cho người nghèo tại Rouen. Chúng ta lại không biết gì nhiều hơn về lần thứ hai chỉ kéo dài độ mười ngày trời. Nhưng nói theo kinh nghiệm người đời, ‘rủi’ chuyện này lại ‘may’ chuyện khác. Quả tình như vậy, vì lúc đó em trai ngài là Nicolas Lambert đang sống với nhóm Các Bạn Hiền (Bons Amis) tại Paris, ngài đến thăm em, ở lại với em và khám phá ra chương trình truyền giáo Trung Hoa và Việt Nam đã khá sôi nổi tại kinh đô mà ngài chẳng hề hay biết gì nơi tỉnh lẻ Rouen. Vào lúc đó, năm người trong nhóm Các Bạn Hiền do cha Vincent de Meur dẫn đầu đã đi Marseille chờ tàu sang Rôma, tức vào tháng Năm 1657. »*[1]

3, Tại Rôma.

Phái đoàn năm linh mục người Pháp hoạt động tích cực tại Rôma cho chương trình gửi giám mục sang Trung Hoa và Việt Nam. Họ được vào triều kiến Đức Thánh Cha ngày 17.07.1657. Cha Vincent de Meur đọc bài thỉnh nguyện bằng tiếng la tinh*[2]. Đức Thánh Cha tỏ ra rất bằng lòng và ngài cho thành lập một ủy ban gồm 4 Hồng Y để lo vấn đề. Việc gửi các giám mục sang Trung Hoa và Việt Nam coi như đã được Đức Thánh Cha và ủy ban các Hồng Y chấp thuận trên nguyên tắc.

« Đây là lần đầu tiên, từ khi vấn đề được đặt ra từ 8 năm rồi, Đức Giáo Hoàng vừa cho một ý kiến thuận lợi. »*[3]

Ở Rôma, vào thời gian đó, Pallu làm quen được với một linh mục người Ái Nhĩ Lan, thư ký của Hồng Y Charles Barberini. Linh mục này sẽ giúp rất nhiều cho các giám mục người Pháp trong tương lai. Tên ngài là Lesley.

Các linh mục người Pháp lúc đó rất vui mừng. Nhưng công việc xem ra không xúc tiến mau lẹ và dễ dàng như họ mơ tưởng. Và chính khi họ ở trong tình thế đó thì Lambert de la Motte xuất hiện tại Rôma, ngày 18.11.1657.

Pallu sẽ nói về chuyện Lambert xuất hiện tại Rôma ấy như sau :

« Rời Rouen đi Dijon, rồi Avignon vì một vài công việc, ngài nghĩ tới chuyện sang Rôma, hoàn toàn do tình cờ, ít nữa bên ngoài là thế ; nhưng thực sự, ngài theo sự thúc đẩy thiêng liêng.

Ngài đến với chúng tôi mà chúng tôi chẳng chờ đợi ngài, vào lúc chúng tôi đang hết lòng ao ước sự giúp đỡ và những lời chỉ dẫn của ngài. »*[4]

Có lẽ chúng ta có thể lấy ngày 18.11.1657 như thời điểm « nhập cuộc truyền giáo » của Lambert de la Motte, muộn màng sau Pallu gần 5 năm.

Và có lẽ đây cũng là thời điểm mà hai người ấy gặp nhau lần đầu tiên. Từ nay, cuộc đời hai người sẽ gắn liền với nhau cho tới chết.

4, Hai giám mục cho Việt Nam.

Pallu là con người khiêm tốn, không có tính khoe khoang, nên được người ta quý mến. Lambert là con người cương nghị, có chí khí cao, nên được người ta kính nể.

Tại Rôma, công việc diễn tiến như sau :

  • Ngày 13.05.1658, ủy ban bốn Hồng Y (do Đức Thánh Cha Alexandre VII lập ra năm trước) đề cử Pallu và Lambert làm giám mục.
  • Ngày 08.06, Đức Thánh Cha chuẩn nhận đề nghị trên.
  • Ngày 29.07, Đức Thánh Cha ký đoản sắc phong Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis, và Lambert làm giám mục hiệu tòa Bérythe.
  • Ngày 17.08, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin chỉ định Đức cha Pallu làm đại diện tông tòa Đàng Ngoài, và Đức cha Lambert làm đại diện tông tòa Đàng Trong*[5].

Đó là kết quả cụ thể của một cuộc vận động mà rất nhiều người đã tham dự vào với nhiều hy sinh, cố gắng, nhiệt tình, kiên nhẫn, v.v.: hiệp hội « Các Bạn Hiền », Hiệp hội Thánh Thể, hàng giáo sĩ nước Pháp, bà công tước Aiguillon, v.v.

5, Chủng Viện Paris.

Khi Pallu và Lambert ở Rôma chung với nhau, các ngài đã cùng soạn ra một chương trình để thỉnh xin Thánh Bộ cho lập một chủng viện « mà mục đích duy nhất là truyền bá đức tin nơi dân ngoại và trong chủng viện đó các vị giáo sĩ [muốn đi truyền giáo nói trên] có thể quy tụ lại để thử luyện ơn gọi mình và để chuẩn bị bằng tất cả mọi cách thức thích hợp cho bất kỳ sứ vụ nào. »*[6]

Sau một thời gian ở tại lâu đài La Couarde và tại giáo xứ Saint-Josse, chủng viện được thiết lập tại Paris ngày 16.03.1663, được công nhận bởi chính quyền vua Louis XIV và giáo quyền sở tại Paris (năm 1663) cũng như Tòa Thánh (năm 1664)*[7]. Chủng viện này mang tên là « Séminaire des Missions Étrangères » (Chủng Viện Truyền Giáo Hải Ngoại).

Ngày 11.06.1664, vị bề trên (le supérieur) đầu tiên của Chủng Viện được bầu ra là cha Vincent de Meur (+1668). Sau ngài, các bề trên Chủng Viện là :

  • cha Michel Gazil (1668-1670)
  • cha François Bezard (1670-1674)
  • cha Luc Fermanel (1674-1680)

Bên cạnh cha bề trên, có những vị lo việc tuyển chọn và huấn luyện các thừa sai tương lai, những vị này được gọi là các « directeurs » (mà tiếng Việt dịch ra là « các vị giám đốc »). Nhìn chung, những vị giám đốc đầu tiên của Chủng Viện đều là những thành viên cũ của hiệp hội « Các Bạn Hiền » như Michel Gazil, Armand Poitevin, Vincent de Meur, Luc Fermanel, François Bezard, Nicolas Lambert, v.v.

Khi các Đức cha Pallu và Lambert rời nước Pháp ra đi, các ngài đặt để lại những vị đại diện các ngài hầu thay các ngài lo mọi việc liên quan, nhất là về pháp lý và hành chánh. Những vị đại diện này gọi là « procureur » (người đại diện, người được ủy quyền). Đại diện của Đức cha Lambert là cha Vincent de Meur, cha Luc Fermanel, ông Jean de Garibal và ông René de Voyer. Đại diện của Đức cha Pallu là bốn vị đại diện của Đức cha Lambert và thêm hai vị khác là cha Michel Gazil và ông Pajot de la Chappelle.

Về tổ chức của Chủng Viện, « xin dừng lẫn lộn các vị giám đốc (directeurs) với các vị đại diện (procureurs) của các Giám Mục, mặc dù, nhất là vào lúc đầu, cũng cùng những vị này lo cả hai phận vụ. Các vị đại diện thì phải được chính các Giám Mục tin cậy mà lập thành người được ủy quyền ; trái lại, các vị giám đốc thì được chỉ định ra mà không cần ý kiến của các Giám Mục. »*[8]

*

Lưu ý ghi nhớ :

Một vài điểm mà chúng ta nên lưu ý để dễ hiểu những chuyện xảy ra sau này trong lịch sử dòng Mến Thánh Giá là :

a, Tòa Thánh.

Chuyện phái đoàn 5 linh mục người Pháp hành hương sang Rôma, một lần nữa, giúp chúng ta hiểu cần phải có người đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích, v.v., cho Tòa Thánh.

b, Thừa sai người Pháp.

Dòng nữ Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập. Dòng sẽ được và chỉ được nâng đỡ bởi các vị thừa sai, đặc biệt là các giám mục, xuất thân từ Chủng Viện của Hội Thừa Sai Paris mà thôi. Điển hình là suốt thời kỳ Đàng Trong dưới quyền các giám mục Pérez, rồi Alexandris, là hai vị không thuộc Hội Thừa Sai Paris, dòng Mến Thánh Giá tưởng chừng như biến mất. Tại Đông Đàng Ngoài, khi giáo phận được các giám mục dòng Đa Minh cai quản, dòng Mến Thánh Giá chỉ còn lại ba nhà mà thôi, không thể nào phát triển hơn được.

c, Tinh thần Chủng Viện Paris.

Buổi ban đầu, các vị bề trên và giám đốc Chủng Viện đều từ hiệp hội « Các Bạn Hiền » mà đến. Họ là những linh mục triều, và gần gũi thân cận, nếu không dám nói là được huấn luyện trong trường các cha Dòng Tên ra. Tinh thần của họ là tinh thần các linh mục triều, chịu nhiều ảnh hưởng linh đạo Dòng Tên và chuyên chú tới việc truyền giáo hải ngoại. Do đó, họ không thể đón nhận dễ dàng một thứ linh đạo thần bí và khổ hạnh kiểu các tu sĩ do Lambert de la Motte đề xướng sau này qua dự án « Hội Dòng Tông Đồ ».

< >

 

[1] Đào Quang Toản, Đức cha Lambert de la Motte, giai đoạn tại Pháp, Toulouse, 2002, trang 145-146.

[2] Adrien Launay đã xuất bản bài thỉnh nguyện này : sđd, trang 5-10.

[3] Jean Guennou, sđd, trang 58.

[4] Jean Guennou, sđd, trang 63.

[5] Xem Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, Les Débuts, Paris, Églises d’Asie, 1998, trang 93. (Thánh Bộ chỉ định như thế ; nhưng mãi tới ngày 9.9.1659, Đức Thánh Cha mới ký đoản sắc Super Cathedram chính thức chuẩn nhận chỉ định này của Thánh Bộ.)

[6] Nguyên bản tiếng la tinh đăng trong : Adrien Launay, sđd, trang 13 ; bản dịch tiếng Pháp, trong : Henri Sy, sđd, trang 93-94.

[7] Xem Jean Guennou, sđd, trang 107-108.

[8] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire, Paris, Églises d’Asie, 2000, trang 181.

PJD

(Còn tiếp)

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)