Ngày 07/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 07/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 07/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Ca nhập lễ

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và con lòng Bà gồm phúc lạ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Kitô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại:”Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa:”Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19

“Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! – Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống chúng con cho xứng hợp với hiến lễ này, và giúp chúng con biết để tâm suy gẫm những mầu nhiệm cuộc đời Con Một Chúa hầu đáng hưởng những phúc lộc người đã hứa ban. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ

Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, chúng con vừa cử hành bí tích Thánh Thể để tuyên xưng Ðức Kitô Con Một Chúa đã chịu chết và sống lại. Xin cho chúng con biết cùng chịu đau khổ với người, hầu đáng được hạnh phúc cùng người sống lại vinh hiển. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

SUY NIỆM: XIN VÂNG 

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ.  Hai tiếng “Xin Vâng” thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao. Trước hết hai tiếng “Xin Vâng” có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin Vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa. Vì vâng lời Chúa Cha, Chúa Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng “Xin Vâng” với thiên thần, Chúa Giêsu cũng nói “Xin Vâng” với Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin Vâng”, Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin Vâng”, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin Vâng” có ảnh hưởng tới cả cuộc đời. Hai tiếng “Xin Vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, nhưng ảnh hưởng tới cả cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này Con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Chúa Cha, Chúa Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin Vâng” với thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai Cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng “Xin Vâng” với Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Để một lần nói “Xin vâng” với Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hi sinh bé nhỏ âm thầm. Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng “Xin Vâng” với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn. Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

III. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến chương trình của Thiên Chúa?

2. Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của Đức Mẹ.

3. Chúa Giêsu đã sống lời “Xin Vâng” thế nào?

4. Ta phải làm gì để chương trình của Chúa nơi ta được thực hiện?

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)