Đường tình thập giá

Đường tình thập giá

Viết về Thập Giá có lẽ là đề tài xưa như trái đất đối với bất cứ người Công giáo nào.

Khi tôi hỏi các bé trong lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu rằng: “Thập giá khác Thánh Giá như thế nào?”, một em bé 8 tuổi đã trả lời: “Thưa Sơ, thập giá không có Chúa, còn Thánh Giá có Chúa.” Thật là một câu trả lời đơn sơ mà lại đúng . Đó là câu trả lời của một em bé chỉ mới 8 tuổi. Thập giá không phải là một cái gì xa lạ kể cả với những người không Công giáo. Hình chữ thập màu đỏ là biểu tượng của Hội Chữ Thập Đỏ nên được in trên rất nhiều nơi trong các bệnh viện cũng như trên các dụng cụ y tế. Vào thời Chúa Giê-su, đó là một dụng cụ ghép từ hai thanh gỗ để Đế quốc Rôma hành hình các tội phạm bị kết án tử. Họ sẽ trải qua cái chết từ từ đầy đau đớn trên cây thập giá. Đối với những người Công giáo, thập giá là nơi Chúa Giê-su, Đấng vô tội, chịu chết như một tử tội vì tình yêu đối với nhân loại. Vì vậy chúng ta gọi cây thập giá đó là Thánh Giá. Trong mọi nơi thờ phượng hay trong các gia đình, cây Thánh Giá được đặt ở nơi tôn kính nhất. Ngay cả các trẻ em người Công giáo cũng không cảm thấy sợ hãi trước hình ảnh Chúa Giê-su chịu treo trên Thánh Giá bởi đó là biểu tượng của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thánh Phao-lô đã viết: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa”(1Cr 1, 18). Còn đối với Đức Cha Lambert, Tất cả ân sủng và thánh đức nơi mọi người đã sống qua các thế kỷ trước, trong hiện tại, hoặc sẽ sinh ra cho đến tận thế, là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu Kitô mà thôi” (Luật HHTH MTG, trích trong “Những Di Ngôn Trân Quý của Đức Cha Lambert”, tr.9). Thánh Giá là nguồn mạch tuôn chảy ơn lành cho nhân loại. Vì vậy, tôn thờ, yêu mến Thánh Giá Chúa là một điều đương nhiên đối với người Công Giáo.

Yêu mến Thánh giá Chúa thì dễ, yêu mến thập giá mình thì không. Vì vậy mà khi nói về “vác thập giá mình hằng ngày” thì thật khó để vui vẻ. Nói đến thập giá trong đời sống hàng ngày nghĩa là những đau khổ, buồn phiền, những khó khăn, thử thách, những sự trái ý xảy đến trong cuộc đời mỗi người. Đau khổ, ai cũng có. Thử thách, ai cũng gặp. Vậy nên ai cũng có thập giá. Thập giá của chúng ta có trở nên thánh giá hay không phụ thuộc vào cách mỗi người vác chúng. Nếu ta đặt tình yêu mến vào đó, chúng trở nên thánh giá, là gánh nặng ngọt ngào; ngược lại, nếu chỉ có buồn phiền, chản nản, đó là cực hình. Tại sao phải yêu mến những sự đau khổ khi mà mưu cầu hạnh phúc là điều mà ai cũng nhắm tới? Ai sẽ coi trọng, yêu mến thập giá khi mà con người tìm kiếm sự hưởng thụ, tiện nghi, lợi ích vật chất? Đâu là sức mạnh, là hoa quả của thập giá trong đời sống mỗi người?

Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt thích nhìn ngắm quá trình những quả trứng nở thành gà con. Sau khoảng 21 ngày được gà mẹ ấp, những quả trứng bắt đầu xuất hiện vết nứt do gà con tự mổ, rồi giãy giụa đạp vỡ vỏ trứng để thoát ra ngoài. Đôi khi có những quả trứng nở chậm hơn vì gà con không đủ sức đạp vỡ vỏ trứng, là một đứa trẻ, tôi giúp đỡ bằng cách bóc một phần vỏ để gà con thuận lợi chui ra. Rất nhanh, tôi học được rằng những con gà được tôi giúp yếu ớt hơn, dễ sinh bệnh hơn những con khác. Lớn hơn một chút, tôi được học về quá trình con sâu hoá thành bướm xinh đẹp rực rỡ như một phép màu. Từ trong chiếc kén kiên cố, sâu phải dùng lưng cọ cho chiếc kén thủng lỗ để chui ra. Quá trình giãy đạp, phá kén thoát xác của gà con và sâu bướm có thể đau đớn nhưng đó là bước không thể thiếu do tạo hoá đã sắp đặt cho sự phát triển đầy đủ của chúng.

Cũng vậy, con người bình thường không thể biết đi nếu không trải qua những cú ngã khi chập chững những bước đi đầu tiên, sẽ không trở nên mạnh mẽ nghị lực nếu không tôi luyện qua những gian nan. Người Ki-tô hữu sẽ không triển nở sung mãn nếu không vác thập giá mình hằng ngày như lời Chúa Giê-su dạy: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 17, 24).

Đức Cha Lambert có lòng yêu mến đặc biệt đối với Thánh Giá Chúa. Ngay từ năm ngài mới 9 tuổi, ngài đã được ơn quy tụ những người yêu mến Thánh Giá thành một Hiệp hội. Dòng Mến Thánh Giá là hoa trái phát xuất từ ơn soi sáng đó. Vậy những người yêu mến Thánh Giá có phải là những người yêu thích tìm đau khổ, tìm thập giá chăng? Không, Đức Kitô đã mang lấy thập giá để con người được sống và sống dồi dào. Cảm kích tình yêu bao la ấy, những người Mến Thánh Giá vui lòng đón nhận những khó khăn thử thách trong cuộc sống hằng ngày cách can đảm, như lời Thánh Phaolô đã viết: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Kitô, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,9-10).

Maria Tâm Phạm – Lớp khấn 2017

 

 

 

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)