Chúa Nhật II PS C - Kính Lòng Chúa Thương Xót

Chúa Nhật II PS C – Kính Lòng Chúa Thương Xót

Chúa Nhật II PS C - Kính Lòng Chúa Thương Xót

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Cùng với các môn đệ, chúng ta đang sống trong những ngày sau cái chết của Chúa Ki-tô và cùng với các ngài, chúng ta đang sống và sinh hoạt vào thời điểm sau biến cố Phục Sinh, đó là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, vốn được xem là ngày đoàn tụ của các Ki-tô hữu tiên khởi.

Đồng thời đó cũng là ngày đặc biệt mà Đấng Phục Sinh chọn để hiện diện giữa một cộng đoàn còn non trẻ để chia sẻ với họ niềm vuii Phục Sinh, đồng hành với họ trong việc cử hành Lời Chúa và nghi lễ bẻ bánh, và sau cùng là sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho nhân loại.

Nhân loại đang trong cuộc hành trình đức tin, nhiều cạm bẫy và đầy cam go. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi để xứng đáng cue hành mầu nhiệm vượt qua này.

Ca nhập lễ

Như trẻ sơ sinh, anh em hãy ao ước sự thiêng liêng không phôi pha, để nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu độ – Allêluia.

Hoặc đọc:

Anh em hãy nhận lãnh niềm vui vinh quang của anh em, hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào nước trời – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 5, 12-16

“Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 22-24. 25-27a

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.

Bài Ðọc II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19

“Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: “Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á”. Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: “Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, đã ban Đức Ki-tô cho nhân loại, để ai tin vào Người thì được cứu độ. Tin tưởng vào lòng Chúa xót thương, chúng ta cùng dâng lên Người những lời nguyện xin:

1. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các mục tử trong Hội Thánh, luôn mang nơi mình trái tim yêu thương của Đấng Phục Sinh, để các làm chứng cho lòng thương xót của Người.

2. “Bình an cho anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, nỗ lực xây dựng hòa bình và công lý, để đem lại hạnh phúc cho mọi người.

3. “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang gặp thử thách về đức tin, cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Chúa, để can đảm đặt niềm tin nơi Người.

4. “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho cộng đoàn chúng ta, luôn trở nên dấu chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, bằng đời sống yêu thương và dấn thân phục vụ mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin cho chúng con trở nên chứng nhân của lòng thương xót qua đời sống yêu thương và hiệp nhất, để đem sự bình an và tình thương của Chúa đến với những người mà chúng con gặp gỡ. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Con hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhìn xem những vết đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

XEM TẬN MẮT BẮT TẬN TAY

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Mỗi khi nói đến Tông đồ Tôma, người ta thường kèm theo biệt hiệu “Cứng lòng tin”.

Thật ra Tôma không cứng lòng tin hơn các Tông đồ khác. Khi Chúa đã chết rồi, các ngài hoang mang sợ hãi. Khi nghe tin Chúa sống lại, các ngài bàng hoàng bỡ ngỡ nhưng nửa tin nửa ngờ. Vì thế hai môn đệ đi đường Emmau vẫn còn buồn bã. Dù đã nghe các phụ nữ tường thuật việc Chúa sống lại, các ngài vẫn không tin, nên muốn bỏ về làng cũ.

Vì thế, Chúa phải hiện ra nhiều lần. Và mỗi lần hiện ra, Người phải trấn an các môn đệ, cho các ngài xem các vết thương, cùng ăn uống để các ngài tin tưởng.

Tuy các môn đệ chưa hoàn toàn tin nhưng không ai trong các ngài phát biểu câu nào. Chỉ có Tôma nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì câu nói mạnh mẽ này mà ông bị mang biệt danh “Cứng lòng tin”.

Tôma đại diện cho những người thời nay, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông.

Nhưng ta phải cám ơn thánh Tôma, vì nhờ Ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Vì nhờ Ngài mà Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ Ngài mà ta được nghe mối phúc cuối cùng Chúa hứa cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Việc thánh Tôma đòi xem vết thương ở tay chân và cạnh sườn của Chúa đặt ra cho ta những tiêu chí mới cho việc truyền giáo hôm nay.

Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt.

Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.

Làm sao người ngoài đạo mến đạo nếu những người trong đạo cũng chia rẽ bất hoà? Làm sao đạo có sức thuyết phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ người khác? Làm sao làm chứng được đạo là tốt trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của cải không phải của mình?

Năm 2003 tôi về làm việc ở Hà Nội. Và được quen biết bác sỹ Trần Hữu Ngoạn. Bác sỹ Ngoạn là một người suốt đời phục vụ bệnh nhân phong. Ông đã từng làm giám độc bệnh viện phong Quỳnh Lập. Tại đây ông đổi mới phong cách quản lý. Coi bệnh nhân như người nhà. Cùng ăn cùng ở cùng làm với bệnh nhân. Ông nghiên cứu và viết nhiều sách về bệnh phong. Muốn cho xã hội không còn kỳ thị bệnh nhân phong, bác sỹ Ngoạn đã lấy trùng Hansen cho vào cơ thể để minh chứng bệnh phong không lây nhiễm.

Năm 1984 khi được điều chuyển vào phục vụ trại phong Quy Hoà, nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử đã từng ở và qua đời, bác sỹ gặp các nữ tu dòng Phan Sinh. Đó là thời bao cấp đầy khó khăn. Nhưng các nữ tu đã hi sinh tất cả, phục vụ bệnh nhân với tâm tình yêu thương trân trọng. Vì các nữ tu tâm niệm phục vụ bệnh nhân là phục vụ Chúa. Không chỉ làm tốt công việc phục vụ, các nữ tu còn có tấm lòng yêu thương quý mến bệnh nhân thực sự. Khiến các bệnh nhân cảm thấy được yêu thương như ở gia đình. Và bầu khí trại phong thật đầm ấm không tìm thấy ở nơi đâu khác. Từ đó bác sỹ yêu mến các sơ. Rồi yêu mến đạo.

Năm 2002, sau khi được nghỉ hưu, bác sỹ quyết định theo đạo. Việc học đạo kéo dài hơn một năm. Năm 2003 một lễ rửa tội long trọng dự tính được diễn ra. Bác sỹ công khai mời các bạn bè, đa số là quan chức cao cấp. Nhưng tình hình chưa thuận lợi, nên chúng tôi khuyên bác sỹ nên chờ thêm một thời gian. Nhưng ít lâu sau ông bị tai biến. Và đã được rửa tội âm thầm, lấy tên thánh là Phanxicô Assisi, vị thánh mà bác sỹ yêu mến cách đặc biệt. Bị tai biến nặng. Nhưng bác sỹ còn sống hơn mười năm mới qua đời. Gia đình đều nói rằng nhờ các bí tích mà bác sỹ còn hồi phục sau tai biến.

Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chứng kiến cuộc thương khó của Chúa Giê-su, niềm tin của các Tông đồ bị chao đảo. Đời bạn cũng đã gặp nhiều thử thách, niềm tin của bạn có bị chao đảo không?

2. Lời nói hay và việc làm tốt, đàng nào có sức thuyết phục hơn?

3. Trong mùa Phục sinh này, bạn quyết định làm gì để góp phần vào việc truyền giáo?

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)