Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C

Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C

Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C

Ca nhập lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan, và hỡi tất cả các ngươi là những kẻ yêu quý thành ấy, hãy tụ họp lại; hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng, để các ngươi nhảy mừng và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay nói lên lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài quảng đại, rộng mở đối với từng người. Ngài sung sướng hân hoan khi thể hiện lòng yêu thương và bác ái đối với con người, Ngài mời gọi họ chia sẻ niềm vui đó. Vì thế, Chúa Nhật IV mùa Chay còn gọi là Chúa Nhật vui mừng, vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của người cha khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê.

Giờ đây, nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần chúng ta cùng dâng Thánh lễ này để tôn thờ, ca ngợi, tạ ơn Chúa Cha, và xin Ngài đặc biệt thương đến những anh chị em Kitô hữu chưa trở về giao hòa với Chúa trong mùa Chay thánh này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hoà giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12

“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.

Trích sách Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21

“Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha nhân từ hằng yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những ai thành tâm sám hối. Ý thức thân phận tội lỗi của mình và tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn có trái tim từ bi nhân hậu, để hướng dẫn những người tội lỗi, lầm lạc trở về với Thiên Chúa là Cha.

2. “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người có trách nhiệm trong xã hội, luôn biết mưu ích cho mọi người, nhất là những người nghèo đói và đau khổ.

3. “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các tội nhân biết thật tâm ăn năn thống hối, đoạn tuyệt với tội lỗi. Nhờ đó, họ được Thiên Chúa rộng thương đón nhận và trao ban nguồn phúc ân dồi dào.

4. “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết yêu thương, tha thứ, và giúp nhau đạt tới niềm vui ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con biết yêu thương, sẵn sàng tha thứ cho nhau, hầu trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này là của lễ đem lại phúc trường sinh. Xin gia tăng lòng kính tin sùng mộ giúp chúng con dâng thánh lễ này cho xứng đáng, hầu mưu ích cho cả trần gian. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.

Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!..

Ca hiệp lễ

Giê-ru-sa-lem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Lạy Chúa, vì nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên để ngợi khen danh Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.

Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.

Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.

MÀN 1: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT

Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân

Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài. Ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút rỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!

Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.

Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.

Người cha hoàn toàn quên mình vì con

Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.

Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.

Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn mà chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã lòa rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.

Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.

Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.

Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.

Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.

MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ

Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn

Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.

Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.

Cha đi tìm con

Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.

Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!

Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.

Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.

Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha. Xin cho con biết mau mắn trở về với Cha.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?

2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?

3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?

4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)