
Chúa nhật VII Phục sinh – Năm C

Bậc lễ: Chúa Nhật
Màu phụng vụ: Trắng
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Về phần Chúa, lòng tôi tự nhắc lời này: Hãy tìm ra mặt Chúa, và tôi tìm ra mặt Chúa, xin Chúa đứng ẩn mặt xa tôi – Alleluia.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Chúa Giê-su tha thiết cầu xin Chúa Cha ban ơn cho loài người được ơn hiệp nhất. Ngài không muốn chúng ta sống chia rẽ, bất hòa. Ngài muốn chúng ta nên một như chính Ngài với Chúa Cha là một.
Hôm nay là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53. Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta dùng các mạng xã hội để kiến tạo tình hiệp thông, với ý thức chúng ta cùng họp thành một thân thể và là chi thể của nhau.
Ý thức thân phận yếu đuối và những đổ vỡ do chính chúng ta gây nên bởi những lời nói, bởi những tin nhắn, bởi những tấm hình phản cảm gây đau buồn cho người khác, giờ đây chúng ta cùng ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha và kéo chúng ta vào trong sự hiệp nhất nên một với Ngài nơi bàn tiệc Thánh Thể này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chúng con tin thật rằng Ðức Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại đang ngự bên hữu Chúa trong vinh quang. Xin nhận lời chúng con tha thiết cầu khẩn mà làm cho chúng con nghiệm thấy Người ở giữa chúng con hằng ngày cho đến tận thế, như lời Người đã hứa trước khi lên trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 7, 55-59ab
“Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông, Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quì xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9
Ðáp: Chúa hiển trị, Người là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu.
Xướng: Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.
Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
Bài Ðọc II: Kh 22, 12-14. 16-17. 20
“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã nghe tiếng phán cùng tôi rằng: “Này Ta đến ngay, Ta có phần thưởng để trả công cho mỗi người tuỳ các việc người ấy đã làm. Ta là Alpha và Ômêga, là thứ nhất và cuối cùng, là nguyên thuỷ và cùng đích. Phúc cho những ai giặt áo của mình trong máu Con Chiên, để được hưởng dùng cây sự sống, và được qua cửa để vào thành.
“Ta là Giêsu, đã sai thiên thần đến làm chứng cho các ngươi về những điều có liên quan đến các giáo đoàn. Ta là gốc rễ, là dòng dõi Ðavit, là sao mai sáng chói”.
Thần Trí và tân nương nói: “Hãy đến!” Và kẻ nào nghe cũng hãy nói: “Hãy đến!” Và ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy nhận lãnh nhưng không nước sự sống.
Ðấng làm chứng những điều ấy phán: “Phải, Ta đến ngay”. “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến!”
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 18; 16, 22
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 17, 20-26
“Ðể chúng được hoàn toàn nên một”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.”
“Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng: Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Ki-tô phục sinh ban cho chúng ta sự sống mới, sự sống làm con Thiên Chúa. Trong tâm tình cảm tạ và yêu mến, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
1. “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các mục tử trong Hội Thánh, luôn chuyên chăm cầu nguyện và sống thánh thiện, để đời sống và lời giảng dạy của các ngài giúp cho mọi người nên một trong Đức Ki-tô.
2. “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn biết kiếm tìm chân lý, để cùng nhau xây dựng hòa bình và tình huynh đệ trên thế giới này.
3. “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các gia đình trẻ đang gặp khủng hoảng, được tham dự vào niềm vui phục sinh của Chúa, để có thể đón nhận nhau và xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình.
4. “Thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết sống vâng phục thánh ý Chúa, và có thể làm chứng về tình yêu Chúa cho thời đại này.
Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su là mẫu gương tuyệt hảo của lòng yêu mến Chúa Cha. Xin nhận những ước nguyện chúng con thành kính dâng lên và ban cho chúng con ngày càng nên một với Chúa và với nhau trong gia đình Giáo Hội. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, mà làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Ca hiệp lễ
Lạy Cha, Con xin Cha cho chúng nên một, như Chúng Ta là một – Alleluia
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ, xin nhận lời chúng con cầu khẩn; và nhờ bí tích chúng con vừa tham dự, xin giúp chúng con là chi thể của Ðức Kitô, hằng tin tưởng sẽ được đồng vinh hiển với Người là Thủ Lãnh của chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA
Trong lịch sử Việt Nam, tôi thích nhất tướng Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo không những có tài thao lược mà lại có đức độ hơn người. Người ta gọi ngài là Đức Thánh Trần thật xứng đáng. Thời nhà Trần có hai tướng tài: Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải. Nhưng hai gia đình có mối thù không đội trời chung. Trần Liễu, cha của Trần Hưng Đạo trước khi tắt thở còn dặn Trần Hưng Đạo phải thay cha trả thù. Nhưng giặc Nguyên sang xâm lăng nước ta. Trần Hưng Đạo suy nghĩ: Giặc ngoại xâm đang đe doạ. Nếu trong nước các tướng tá không đoàn kết thì không phá nổi thế giặc đang rất mạnh. Nghĩ thế, Trần Hưng Đạo gạt bỏ thù nhà, đến làm hoà với Trần Quang Khải. Một hôm, Trần Hưng Đạo sang thăm Trần Quang Khải, tự tay nấu nước và tắm cho Trần Quang Khải và nói: “Hôm nay được hân hạnh tắm cho Ngài quốc công”. Trần Quang Khải vui vẻ trả lời: “Hôm nay hân hạnh được tướng công tắm cho”. Từ đó hai người hoà thuận. Cùng chung vai sát cánh phục vụ đất nước. Nhờ sự đoàn kết của hai tướng tài, quân ta đã đánh thắng giặc Nguyên (ĐVSKTT, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, t.1b).
Sự đoàn kết của Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải rất phù hợp vơi bài Tin Mừng của Chúa nhật 7 Phục sinh. Hôm nay, Chúa tha thiết cầu nguyện cho con cái Chúa được hiệp nhất.
Chúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng: Có hiệp nhất mới xây dựng được cộng đoàn vững mạnh. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Có đoàn kết làm việc gì cũng xong. Chia rẽ làm suy yếu cộng đoàn. Làm cho công việc trì trệ. Và có khi làm tan rã cộng đoàn.
Chúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng có hiệp nhất trong nội bộ mới có thể truyền giáo thành công. Hiệp nhất chính là dấu chỉ của môn đệ Chúa như lời Chúa dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương yêu nhau”. Qua dấu chỉ hiệp nhất, người ngoài mới nhận biết Chúa. Thời sơ khai, khi nhìn thấy các tín hữu đầu tiên sống đoàn kết yêu thương, người ngoại đạo đã bảo nhau: “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”. Từ đó có nhiều người xin vào đạo để được sống trong cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.
Sau cùng, Chúa tha thiết với sự hiệp nhất, vì Chúa muốn ta được hạnh phúc. Có hiệp nhất mới có hạnh phúc. Hạnh phúc của ta là được sống sự sống của Thiên Chúa. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi hiệp nhất với nhau đến nỗi trở thành một. Như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Thầy và Cha Thầy là một”. Cho đến độ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”.
Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc của ta. Tuy nhiên để được thông phần vào sự sống hạnh phúc đó, ta phải hiệp nhất yêu thương nhau. Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp Nhất. Muốn được hoà nhập vào nguồn mạch hạnh phúc đó, ta cũng phải đoàn kết yêu thương nhau. Chỉ những ai có tinh thần hiệp nhất yêu thương mới có thể gia nhập cộng đoàn hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi Thiên chúa.
Hiệp nhất yêu thương không là một món hàng làm sẵn, nhưng là một tiến trình phải xây dựng dài lâu. Xây dựng bằng từ bỏ ý riêng. Xây dựng bằng nhịn nhục tha thứ. Xây dựng bằng hi sinh quên mình. Vì thế để đạt đến yêu thương đòi hỏi phải rất nhiều phấn đấu. Phấn đấu của bản thân. Phấn đấu của cả tập thể.
Nếu biết phấn đấu để hiệp nhất, ta sẽ xây dựng được cộng đoàn vững mạnh, ta sẽ truyền giáo thành công và nhất là ta sẽ được tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin thương hiệp nhất chúng con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Tại sao người ta luôn chia rẽ. Chia rẽ đem đến những thiệt hại nào?
2. Tại sao Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp nhất?
3. Ba Ngôi Thiên Chúa đã thể hiện sự hiệp nhất thế nào?
4. Bạn phải làm gì để xây dựng sự hiệp nhất?