Thứ Bảy tuần III Mùa Chay

Thứ Bảy tuần III Mùa Chay

Thứ Bảy tuần III Mùa Chay

Ca nhập lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người, Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi của ngươi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, này chúng con vui mừng cử hành phụng vụ Mùa Chay thánh. Xin cho chúng con được thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua, để tận hưởng ơn Chúa cứu độ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hs 6, 1b-6

“Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ”.

Trích sách Tiên tri Hô-sê.

Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. “Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất”.

Hỡi Ép-ra-im, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giu-đa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab

Ðáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Xướng: Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giê-ru-sa-lem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng ban ơn thanh tẩy tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng cử hành lễ tế cực trọng này; xin giúp chúng con đem tất cả lòng sùng mộ để dâng lễ tế này lên trước tôn nhan Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Người thu thuế đứng xa xa, đấm ngực mà nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa không ngừng rộng tay ban phát bánh bởi trời cho chúng con; xin cho chúng con biết hết lòng quý trọng của ăn thánh này, và năng lãnh nhận với tất cả niềm tin. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Nhìn bề ngồi thì ai cũng thấy người Pharisêu được đánh giá cao hơn. Ông thuộc tầng lớp đạo đức, được mọi người kính trọng. Làm nhiều việc lành hơn cả luật đòi hỏi.

Người thu thuế bị mọi người khinh miệt. Bị coi là người tội lỗi công khai. Bị coi là người phản quốc, vì tiếp tay với ngoại bang để hà hiếp dân chúng. Bị coi là gian dối, vì thu thuế đồng nghĩa với tham nhũng hối lộ.

Thái độ trong nhà thờ khi cầu nguyện tiếp nối cách sống ở ngoài đời. Người Phrisêu đứng thẳng người trên cung thánh và lớn tiếng cầu nguyện. Còn người thu thuế quì sụp xuống đất ở cuối nhà thờ, chỉ nài xin Chúa tha tội. Nhưng kết quả trái ngược hẳn với những gì ta thấy bên ngoài. Tại sao?

Người Pharisêu kiêu ngạo. Thực ra ông không cầu nguyện, ông chỉ khoe khoang và tự đánh giá mình cao hơn người thu thuế. Còn người thu thuế khiêm nhường. Ông cầu nguyện thầm thĩ, đấm ngực ăn năn, và xin tha thứ.

Người thu thuế được nên công chính, người Pharisêu thì không. Có 3 lý do.

Chúa kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Chẳng ai có quyền tự hào. Tất cả là của Chúa. Tất cả phải trả về cho Chúa. Đó là điều phải làm. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi.

Ta muốn tình yêu chứ không cần hi lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa là tình yêu và giầu có vô cùng. Người chỉ cần tình yêu chứ không muốn gì khác. Người thu thuế đến với Chúa bằng tấm lòng yêu mến và nghèo công phúc. Nên được công chính.

Thư Rôma 3, 27: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy”. Người Biệt phái làm điều luật dạy nên tự hào. Người thu thuế chẳng dám tự hào, chỉ tin vào lòng thương xót của Chúa. Nên ông được công chính.

Ma Chay là lúc ta nhận biết mình tội lỗi, yếu hèn và không thể tự mình đạt được ơn cứu độ. Ta hãy noi gương người thu thuế nhận thức tội lỗi của mình. Nài xin ơn tha thứ. Cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, để ta được công chính, được ơn cứu độ.

Lạy Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân, biết chạy đến với Chúa để được nên công chính. Amen

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)