Bức họa chân dung Đức cha Pallu (Luquet, Lettres à Mgr l’Évêque de Langres, Paris, Gaume, 1842) |
Lời ngỏ
Kính thưa Quý Chị,
Dòng Mến Thánh Giá của các chị do Đức cha Lambert de la Motte sáng lập. Ngài đã truyền đạt cho các chị đặc sủng Mến Thánh Giá mà chính ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Các chị tìm hiểu về đấng sáng lập của mình là điều rất đúng và rất tốt.
Tuy nhiên, ngoài đấng sáng lập ra, còn có rất nhiều vị khác đã gìn giữ, xây dựng và phát triển hội dòng nữ này suốt dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Không có họ, chắc chắn dòng Mến Thánh Giá đã không thể tồn tại mà góp phần phục vụ Tin Mừng trên phần đất quê hương, như dòng đã thực hiện được một cách đáng ca ngợi. Thực vậy, bên cạnh Đức cha Lambert còn có các Đức cha Pallu, rồi Laneau, Bourges và Deydier. Sau đó, tuần tự theo thời gian là các vị đại diện tông tòa khác. Tại Đàng Ngoài thì có các Đức cha Néez Lui, Longer Gia, Retord Liêu, Marcou Thành, Cooman Hành, v.v. Tại Đàng Trong thì có các Đức cha Carôlô Labbé, Bá Đa Lộc, Gioang Labartette, Cuenot Thể, Lefebvre Ngãi, Grangeon Mẫn, thừa sai Gernot Quí, v.v.
Qua tập viết này, tôi hân hạnh giới thiệu Đức cha Pallu trong những gì có liên hệ tới dòng Mến Thánh Giá. Tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ về vị giám mục đầu tiên của xứ Đàng Ngoài, dù ngài là một nhân vật rất hy hữu. Tôi chỉ có ý nêu ra đây những đóng góp của ngài cho dòng Mến Thánh Giá mà thôi.
Chúng ta có thể thấy rằng chính ngài là người đã đem lại cho dòng Mến Thánh Giá, mà Đức cha Lambert đã lập ra, một sự hiện hữu chính thức trong Giáo Hội, qua sự công nhận của Tòa Thánh và giáo luật. Điều này rất quan trọng, giúp cho dòng Mến Thánh Giá giữ vững được vị trí và căn tính của mình qua những thay đổi do thời gian đem lại. Thay đổi về tổ chức truyền giáo, nhân sự, chính trị, địa lý, văn hóa, v.v.
Những người viết tiểu sử Đức cha Pallu không đề cập bao nhiêu về điểm này. Vì nói thật ra, những điều mà ngài đã thực hiện được để xây dựng các Giáo Hội địa phương tại Đông Nam Á, cách riêng là Việt Nam, nhất là khi ngài ở Rôma, thì thật là to lớn, so với những điều liên quan tới dòng Mến Thánh Giá.
Qua những trang sau đây, tôi rất ước mong được góp phần vào sự hiểu biết và lòng tôn kính cùng biết ơn của riêng các nữ tu Mến Thánh Giá đối với Đức cha Pallu, một ân nhân đáng kính của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Ngày 29.06.2010
Đào Quang Toản
I
Cha Đắc Lộ
Ngài là vị thừa sai thuộc chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha, nhưng lại hoạt động cho Giáo Hội Việt Nam ngược lại với chế độ này. Tên tuổi của ngài gắn liền với nguồn gốc, không những Hội Thừa Sai Paris, mà nhất là Giáo Hội Việt Nam.
1, Ra đi truyền giáo.
Đắc Lộ đi tu và gia nhập Dòng Tên vì muốn đi truyền giáo bên Á châu.
Được bề trên cho phép đi truyền giáo bên Nhật Bản, ngài rời Rôma vào tháng 10 năm 1618. Và ngày 4 tháng 4 năm 1619, ngài lên tàu tại hải cảng Lisboa rời Âu châu. Lúc đó, cha Đắc Lộ được 26 tuổi.
Ngài đã ra đi truyền giáo hoàn toàn với tư cách một thừa sai của chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha.
Thế nào là một thừa sai của chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha?
Đứng đầu chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha là chính nhà vua xứ này. Theo sử gia Henri Chappoulie, nhà vua làm chủ việc sắp đặt các bài sai. Nhà vua đề cử người vào các toà giám mục. Các cha chính xứ, phó xứ đều thuộc quyền nhà vua. Nhà vua lo việc xây dựng và bảo quản các nhà thờ, nhà nguyện, tu viện, các nơi thờ phượng, lo cung cấp các đồ cần thiết như mũ gậy giám mục, chén lễ, áo lễ, chuông nhà thờ, v.v. Các giáo sĩ và các giáo dân làm việc nhà thờ thì được nhà vua cung cấp bổng lộc. Ví dụ, giám mục tại Goa nhận được từ vua 650 quan tiền « ducats vàng ».*[1]
« Mặt khác, chỉ có các tàu bè của nhà vua mới có thể đưa các thừa sai tới nơi làm việc. Mỗi năm, nhà vua quy định con số thừa sai ra đi. Các linh mục triều người Bồ Đào Nha, các tu sĩ linh mục thuộc các hội dòng khác nhau thì tụ tập lại tại Lisboa để lên tàu ra đi truyền giáo. Tại đây, họ phải chịu một sự kiểm soát chặt chẽ. Người ta lập một biên bản cho từng người, ghi rõ tuổi tác, dấu hiệu nhận dạng riêng, quê hương và giáo phận gốc, chức vị trong hội dòng. Các tu sĩ gốc ngoại quốc thì lợi dụng thời gian phải lưu trú tại Lisboa để học tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ không thể thiếu được tại vùng Đông Ấn. Ngay cả tên của họ cũng được «Bồ Đào Nha hóa» nữa. […] Trước khi khởi hành, bình thường, tất cả thừa sai đều được tới trình diện Đức Vua mà họ buộc phải tuyên thệ trung thành.
Cuộc hành trình tới Đông Ấn được đặt dưới sự hướng dẫn của một vị tu sĩ người Bồ Đào Nha nào đó và điểm tới là thành phố Goa [tại Ấn Độ]. Tại đó, các thừa sai còn phải chịu một sự kiểm tra chính thức nữa của vị Phó Vương ở đây.»*[2]
Bởi vậy, người ta nói được là việc truyền giáo như bị Bồ Đào Nha «quốc hữu hóa».
2, Được sai về Rôma.
Cha Đắc Lộ đến truyền giáo tại Việt Nam lần đầu là vào tháng 12 năm 1624.
Và trên 20 năm sau, ngài rời Việt Nam vĩnh viễn vào ngày 03.07.1645.
Tại Macao, cha Đắc Lộ được bề trên tỉnh dòng là cha Emmanuel de Azevedo, người Bồ Đào Nha, sai đi Rôma, với nhiệm vụ rõ ràng như sau :
«[Các bề trên chúng tôi] quyết định phái tôi trở về Âu châu tìm viện trợ tinh thần và vật chất [cho các ngài]. Các ngài cho rằng tôi đủ hiểu biết tất cả những nhu cầu lớn lao của đất nước mà tôi đã ở trong bao nhiêu năm. Tôi sẽ trình bày:
- Với Đức Thánh Cha biết rất cần sai các giám mục tới những giáo đoàn đó;
- Cho các vua Kitô giáo hiểu sự nghèo túng cùng khổ của hết các cha làm việc ở các xứ truyền giáo;
- Cho cha Bề Trên Cả thấy rất nhiều triển vọng làm cho các nước đó trở lại, nếu chúng ta có người tới rao giảng Phúc Âm.
Đó là ba việc ủy thác cho tôi và tôi vui lòng đảm nhận.»*[3]
Phái cha Đắc Lộ đi gặp Đức Thánh Cha, các cha Dòng Tên tại Macao có đề nghị với Đức Thánh Cha một chương trình cụ thể, chi tiết và rõ ràng cho Giáo Hội tại Việt Nam không ?
Về điểm này, chúng ta không thấy một sử gia nào xác định cả.
Tuy nhiên, trong hệ thống bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha, việc bổ nhiệm giám mục cho Việt Nam lúc đó thì phải thuộc về nhà vua Bồ Đào Nha. Vậy tại sao cha Đắc Lộ lại được phái đi, không phải về triều đình Bồ Đào Nha, mà lại tới «trình bày với Đức Thánh Cha biết rất cần sai các giám mục tới những giáo đoàn đó»? Kể cũng lạ! Bởi vì cha Đắc Lộ được phái đi bởi một cha bề trên tỉnh dòng người Bồ Đào Nha, đang nằm trong chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha, mà chính bản thân Đắc Lộ cũng là một thừa sai thuộc chế độ này. Trước thắc mắc đó, ta có thể đưa ra hai giả thuyết :
1, Các cha Dòng Tên, dù sinh hoạt trong hệ thống Bồ Đào Nha, vẫn có tinh thần truyền giáo biệt lập đối với hệ thống «truyền giáo quốc doanh» của Bồ Đào Nha.
2, Cha Đắc Lộ là người Pháp, quốc tịch Vaticanô, và có lòng lo lắng thực sự cho tiền đồ Giáo Hội tại Việt Nam, nên đã chạy thẳng tới Tòa Thánh thay vì tới triều đình Bồ Đào Nha, vì ngài dư biết chạy tới triều đình Bồ Đào Nha chỉ là điều luống công vô ích.
3, Tại Rôma.
Cha Đắc Lộ tới Rôma ngày 27.06.1649. Và ngài kể :
«Ngay khi tới Roma, tôi liền hoạt động để tất cả thành phố lớn này biết rõ ý của tôi đã đưa tôi từ tận cùng thế giới trở về đây. Tôi thường được trình bày với Đức Thánh Cha và Người tỏ ý rất muốn giúp đỡ chúng tôi. Ngày nào tôi cũng đến gõ cửa quý vị Hồng y, hầu bày tỏ cho các ngài biết những giáo đoàn mới đó [Đàng Ngoài, Đàng Trong] đang ngửa tay xin các ngài chỉ cho biết lối vào thiên đàng. Tôi ở đây 3 năm [ở Roma từ 1649-1652] một phần tham dự ba Tổng hội Dòng […], một phần về những vụ việc liên hệ đến các Vương quốc là luôn luôn xin gửi các Giám mục và các Thừa sai đến đó để ngăn được nhiều người khỏi bị án phạt [mất ơn cứu độ].»*[4]
Cha Đắc Lộ đã nói gì ? đã trình bày chi? cho Đức Thánh Cha và cho các Hồng Y của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin? – Chúng ta hiện có được của cha Đắc Lộ :
- bài trình các Hồng Y tựa là « Annamitica Ecclesia » (1650)*[5]
- bài trình Đức Thánh Cha (ngày 06.05.1652)*[6]
- thư gửi các Hồng Y (ngày 07.03.1653)*[7]
- thư gửi Hồng Y chủ tịch (ngày 27.03.1654)*[8]
Qua các tư liệu còn lưu lại đó, chúng ta thấy cha Đắc Lộ nói rằng tại Việt Nam « có từ 200.000 đến 300.000 tín hữu, mỗi năm số tín hữu ít ra cũng thêm 15.000 »*[9], đó là những con số mà sau này sẽ bị phê phán là giả tạo*[10].
Cha Đắc Lộ đã đề nghị Tòa Thánh gửi sang Việt Nam « một Đức Thượng Phụ ; vị này sẽ bổ nhiệm hai hoặc ba Tổng Giám Mục trong phần đất dân ngoại (in partibus infidelium) ; chung quanh các ngài sẽ có khoảng mười Giám Mục ; như thế sẽ là chừng mười lăm vị Đại Diện Tông Tòa mà Tòa Thánh sẽ gửi đi trực tiếp, qua mặt nhà vua Bồ Đào Nha.»*[11].
Chúng ta phải nói rằng đề nghị của Đắc Lộ là viễn vông, bất khả thực thi trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó.
4, Tại Paris.
Ngày 11.09.1652, cha Đắc Lộ rời Rôma sang Pháp.
Tại Paris vào đầu năm 1653, cha Đắc Lộ được mời đến nói chuyện với một hiệp hội đạo đức có tên là «Bons Amis» (Các Bạn Hiền) do một linh mục Dòng Tên điều khiển là cha Jean Bagot. Trong hiệp hội đạo đức «Các Bạn Hiền», có một linh mục trẻ, 27 tuổi, tên là Phanxicô Pallu. Ngài là một trong ba linh mục của hiệp hội được đề cử ra vào dịp đó như ứng sinh làm giám mục cho Việt Nam.
Cha Đắc Lộ đã khơi dậy chương trình truyền giáo cho Việt Nam tại Pháp, đặc biệt nơi hiệp hội « Các Bạn Hiền ». Chính từ hiệp hội nhỏ bé này mà việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam được khởi sự, Hội Thừa Sai Paris được thành lập và Đức cha Lambert de la Motte khám phá ra ơn gọi truyền giáo Á Đông của mình.
Với sự hậu thuẫn tích cực của bà công tước Aiguillon và Hiệp hội Thánh Thể, vào tháng 03.1654, vị khâm sứ Tòa Thánh tại Paris và chính cha Đắc Lộ đã báo tin cho các Hồng Y của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin hay rằng :
– Đã tìm được ba linh mục triều xứng đáng chức vụ giám mục.
– Đã có tài trợ suốt đời cho ba vị ấy là 600.000 quan ê-cu mỗi năm.
– Cha Đắc Lộ sẽ dẫn đoàn thừa sai ra đi với thêm 20 linh mục Dòng Tên.*[12]
Tuy nhiên, chương trình gửi giám mục sang Việt Nam đã không thành sự, vì khó khăn không vượt qua được vào lúc đó là chế độ bảo trợ truyền giáo của Bồ Đào Nha.
Chính cha bề trên cả của Dòng Tên lúc đó là cha Goswinus Nickel, ngày 08.06.1654, đã viết cho cha Bagot rằng : «Việc Cha và các đấng bậc vị vọng đề nghị thiết lập hai tòa giám mục tại xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong gặp nhiều khó khăn; khó khăn đến nỗi chúng tôi chẳng dám nghĩ rằng sẽ thành tựu; rất ngại rằng Thánh Bộ sẽ không chấp thuận những điều kiện nêu ra đâu […] Đã hơn một lần, chúng tôi thấy cái khó chịu của nhà vua [Bồ Đào Nha] khi ngài biết có vài vị giám mục nào đó thâm nhập vào miền Đông Ấn mà không cho ngài hay và không có sự ưng thuận của ngài.»*[13]
Nói cho cùng, «đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông». Và cái «lòng người ngại núi e sông» ở đây, theo nhận định của nhiều sử gia, ví dụ: Jean Guennou hay Guy-Marie Oury*[14], thì là cái lòng kém can đảm của vị giáo hoàng đương nhiệm: Innôxentê X. Do đó, việc thành lập Giáo Hội Việt Nam phải chờ thêm nhiều năm nữa.
*
Lưu ý ghi nhớ :
Chúng tôi nói về cha Đắc Lộ ở đây chỉ là để khởi đầu câu chuyện « Đức cha Pallu và dòng Mến Thánh Giá ». Để hiểu những chuyện sẽ xảy ra sau này, chúng ta sẽ lưu ý ghi nhớ đôi điều vừa trình bày liên quan tới cha Đắc Lộ trên đây. Đó là :
a, Tòa Thánh.
Trong Giáo Hội công giáo, có những chuyện chỉ có Tòa Thánh mới có quyền quyết định. Ví dụ chuyện bổ nhiệm các giám mục. Và để cho Tòa Thánh thông hiểu vấn đề thì phải có người đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích, v.v., như cha Đắc Lộ đã làm. Nếu không, có thể sẽ có những hiểu lầm và uổng phí những sáng kiến tốt đẹp. Đây là công việc thường đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn mà sau này Đức cha Pallu thường hay phải đảm đương.
b, Chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha.
Chuyện cha Đắc Lộ về Âu châu cho chúng ta nhìn ra rằng chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha không còn giúp ích chi nhiều cho việc truyền giáo tại Việt Nam nữa. Trái lại, chế độ này còn trở nên một ngăn trở nghiêm trọng cho việc thành lập Giáo Hội Việt Nam. Có nghĩa rằng muốn thành lập Giáo Hội Việt Nam, thì phải vượt qua được cái chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha này.
c, Dòng Tên.
Khi cha Đắc Lộ về Rôma giới thiệu Giáo Hội tại Việt Nam thì Dòng Tên đã làm việc tại Việt Nam từ trên 30 năm rồi. Phần lớn những thừa sai đã tới Việt Nam là các cha người Bồ Đào Nha, thuộc hệ thống bảo trợ truyền giáo. Và nói chung, Dòng Tên lúc đó rất lớn mạnh, có rất nhiều uy tín trong xã hội và nơi các triều đình công giáo bên Âu châu.
d, Hiệp hội «Các Bạn Hiền».
Hiệp hội này do cha Dòng Tên lập ra và hướng dẫn : cha Bagot. Bởi thế, khi Hội Thừa Sai Paris thành hình từ phần lớn những thành phần của hiệp hội « Các Bạn Hiền », Dòng Tên rất được quý mến và được kính trọng bởi các vị điều hành Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris.
*
Cho tới bây giờ, đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert de la Motte, hoàn toàn vắng bóng trong tất cả mọi hoạt động truyền giáo xây dựng Giáo Hội Việt Nam do cha Đắc Lộ khởi xướng, tại Rôma cũng như tại Paris. Chính bản thân Đức cha Lambert thì cũng chẳng bao giờ gặp cha Đắc Lộ.
Khi Đắc Lộ ở Paris: 1652-1654, Lambert làm thẩm phán tại tòa án thuế vụ ở thành phố Rouen. Đắc Lộ rời Pháp ngày 16.11.1654. Trên một năm sau, ngày 27.12.1655, Lambert mới chịu chức linh mục.
Và khi trên đường sang Á Đông, Lambert đặt chân tới Ispahan vào ngày 12.06.1661, thì cha Đắc Lộ đã qua đời ở đấy trước đó gần một năm rồi : ngày 05.11.1660.
< >
[1] Xem Henri Chappoulie, Aux origines d’une Église, Rome et les missions d’Indochine au XVIIè siècle, (tome 1), Paris, Bloud et Gay, 1943, trang 48-49.
[2] Henri Chappoulie, sđd, trang 49-50.
[3] Alexandre de Rhodes, Divers Voyages et Missions, Paris, Cramoisy, 1653, phần III, trang 1-2, bản dịch của Hồng Nhuệ.
[4] Alexandre de Rhodes, sđd, phần III, trang 78, bản dịch của Đỗ Quang Chính.
[5] Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, trang 506-511.
[6] Henri Chappoulie, sđd, trang 390-392; Adrien Launay, sđd, trang 512-513.
[7] Adrien Launay, sđd, tr. 513.
[8] Adrien Launay, sđd, tr. 516.
[9] Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp Hồ Chí Minh, 2005, trang 52.
[10] Alain Forest, Les missionnaires français au Tonkin et au Siam, XVIIè – XVIIIè siècles, (livre 2), Paris, l’Harmattan, 1998, trang 140-141.
[11] Guy-Marie Oury, Le Vietnam des Martyrs et des Saints, Paris, Fayard, 1988, trang 41.
[12] Xem: thư Đức Khâm Sứ Bagni và hai thư cha Đắc Lộ gửi về Thánh Bộ, đăng trong Adrien Launay, sđd, trang 514-516.
[13] Bertrand J., Historiques sur les missions des ordres religieux et spécialement sur les questions du clergé indigène et des rites malabares d’après des documents indédits, deuxième édition, Paris, Brunet, 1862, p. 84: «Quod Reverentia Vestra cum illustrissimis Dominis proposuit pro fundatione duorum episcopatuum apud Tung-Kinenses et Cochinchinenses suis sane difficultalibus non vacat, iisque ejusmodi, quae non ita facile superari possint. Valde dubium num quae conditiones offeruntur eas sancta Congregatio probatura sit… non semel comprobatum quam aegre tulerit rex (Portugulliae) episcopos in ejusmodi oras se inscio ac non consentiente penetrasse.»
[14] Xem: Jean Guennou, Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986, trang 39-45; Guy-Marie Oury, sđd, trang 41-43.
PJD
(Còn tiếp)