ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE – CHỨNG NHÂN HY VỌNG

Con người mọi thời vẫn khao khát được sống lâu, sống hạnh phúc. Tuy nhiên, tuyệt vọng giống như một căn bệnh quái ác ăn mòn đời sống con người mọi thời đại. Ngày nay, con người đang phải đối mặt với một hiện thực: sự dư thừa vật chất lại sản sinh ra một hoang mạc tinh thần tuyệt vọng chưa từng có.

Những gương mặt vô hồn lướt qua những trang mạng xã hội. Người tiêu dùng thất vọng, không biết đặt niềm tin vào đâu vì thật giả lẫn lộn. Sự trỗi dậy của văn hóa sống ảo chỉ để chứng minh mình đang sống trong khi tâm trí thì tuyệt vọng bơi trong biển thông tin rác. Những khuôn mặt bị che khuất bởi lớp kính lọc hoàn hảo thất vọng với dung mạo thật của mình. Các căn bệnh thời đại như “thối não”, hội chứng kiệt sức, rối loạn lo âu… vô tình phơi bày một nội tâm tuyệt vọng giữa cơn lốc ham muốn và kỳ vọng. Cơn sốt chăm sóc sức khỏe ngày một lớn, người ta chi rất nhiều tiền cho yoga, khóa trị liệu thiền định đắt đỏ, thải độc cơ thể… nhưng không thể giải độc một tâm hồn bị thất vọng bao trùm. Tất cả như một vòng lặp tuyệt vọng không hồi kết.

Tác giả “Tiến bộ mỗi ngày” nói: Cuộc đời giống như một con đường dài vô tận, bạn có thể đi được bao xa, điều đó không thể hỏi đôi chân của bạn mà phải hỏi bạn có niềm hy vọng để bước đi hay không? Quả thế, trong dòng lịch sử, giữa những vòng xoáy của sự tuyệt vọng, vẫn có những con người tỉnh thức chọn một lối đi khác, hướng tới ánh sáng của hy vọng. Một trong những chứng nhân của niềm hy vọng trổi vượt đó là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Niềm Hy Vọng như ngọn hải đăng soi chiếu muôn cung đường trong cuộc đời ngài.

Hy vọng là có một mục tiêu chính xác ngay từ lúc ban đầu.

Bi kịch của đời người không phải là không thể thực hiện mục tiêu của mình mà là không biết mục tiêu của mình là gì. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Lambert đã xác tín được mục tiêu của mình, đó là đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.[1] Giống như câu nói của nhà thơ Leonard Norman Cohen: “Mọi thứ đều có vết nứt là để cho ánh sáng lọt vào”. Sớm mồ côi cha mẹ và là trưởng nam trong gia đình gồm bảy chị em[2], Pierre Lambert đã trải qua một tuổi thơ nhuốm màu đau buồn nhưng không đáng buồn mà đầy can đảm và mạnh mẽ. Bởi vì bên trong cậu bé ấy tỏa chiếu một thứ ánh sáng. Đó là ánh sáng của Hy Vọng.

Niềm hy vọng bất khuất chính là ngọn đèn soi sáng cuộc đời cậu. Ngay từ năm lên 9 tuổi, cậu bé Lambert đã được ơn Chúa soi sáng cho biết: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một Dòng mang tên Mến Thánh Giá.[3] Từ đó cậu say mê Thánh Giá và hướng trọn lòng trí vào Đức Kitô Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá. Chính niềm Hy vọng ấy khiến cậu thiếu niên Lambert nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, toàn tâm toàn lực theo đuổi hy vọng.

Hy vọng là kiên trì với chọn lựa của mình.

Để sống trọn vẹn ơn gọi dâng hiến, chàng luật sư trẻ Pierre khi đó đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và công danh đã từ bỏ tất cả; Bỏ lại sự nghiệp danh vọng, bỏ lại tài sản, bỏ lại gia đình và quê hương yêu dấu; mang theo hành trang là tình yêu Đấng Chịu Đóng Đinh đến vùng đất Viễn Đông xa xôi[4].

Trên hành trình truyền giáo, Đức Cha Lambert đã gặp vô vàn khó khăn trở ngại, có khi do thời thế không ủng hộ, có khi lại do những người anh em mang cùng chí hướng. Thế nhưng ngài vẫn kiên trì giữ vững niềm hy vọng và hành động không mỏi mệt. Vì với niềm xác tín mạnh mẽ vào Chúa Kitô đã chịu chết trên Thập Giá và đã Phục Sinh vimnh hiển. Ngài không hề lùi bước trước những hiểm nguy, gian khó nhưng can đảm tiến bước và phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Vào ngày 19/2/1670 – thứ Tư lễ Tro tại Phố Hiến, Đàng Ngoài, Đức Cha đã nhận lời tuyên khấn, gửi gắm niềm hy vọng vào hai chị nữ tu đầu tiên là Anê và Paula, khai sinh ra Dòng Mến Thánh Giá[5]. Để từ đây, chị em Dòng Mến Thánh Giá được mời gọi noi gương Đấng sáng lập đặt trọn niềm hy vọng vào Đức Kitô Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá.

Hy vọng là nỗ lực cho tới cùng để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trong đêm tối nội tâm kinh hoàng mà ngài đã trải qua trên giường bệnh, ngài vẫn bình an trong sâu thẳm của tâm hồn[6]. Vì chính trong đêm tối ấy vẫn le lói ánh sáng của một niềm tin, một niềm hy vọng ngài đặt trọn nơi Đức Kitô đã Chịu chết và Phục Sinh vinh hiển. Ánh sáng ấy đã dẫn ngài tới cội nguồn của ánh sáng là chính Chúa, Đấng là suối nguồn bình an và hạnh phúc. Hy vọng chiến thắng sự chết và mặc cho cái chết một ý nghĩa nhân sinh tươi sáng và ấm áp hơn. Vì cái chết đau thương của Đức Cha không hủy diệt được niềm hy vọng nhưng trái lại đã tái sinh nơi chị em nữ tu Mến Thánh Giá. Một giai đoạn hy vọng mới mẻ và trẻ trung được mở ra. Là chứng nhân cho niềm hy vọng giữa lòng Giáo Hội và thế giới, người nữ tu Mến Thánh Gía ấp ủ một sứ mạng chuyển trao niềm hy vọng cho tha nhân trong đời sống dâng hiến vô vị lợi, qui hướng vào Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và đã vinh thắng sự chết

Cố gắng đủ đầy, Hy Vọng nở hoa. Đức Cha Lambert đã đi con đường của mình, chuyên tâm với công việc của mình, khắc phục những khó khăn của mình, tự dọn đi những viên đá cản chân mình, chủ động tổng kết thất bại cũng như thành công và hoàn thành sứ mệnh ơn gọi của mình với trọn niềm hy vọng. Người đã thanh thản tạm biệt thế giới và để lại niềm hy vọng cho những lớp người đi sau. Xin được mượn lời của Thánh Phaolô để tóm kết cuộc đời Đức Cha Lambert: “Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng”. Hy vọng đã cứu rỗi một tuổi thơ đau thương. Niềm hy vọng cưu mang và dẫn lối cho những hành động nơi miền truyền giáo tưởng chừng như đi ngược với số đông vào thời của ngài nhưng lại hòa hợp với Đấng Tạo Hóa và với chính mình. Trọn cuộc đời của Đấng Sáng Lập là cuộc thương khó và vác Thập Giá Theo Đức Ki-tô. Nhưng ngài đã viết nên bài ca hy vọng hào hùng. Đã hơn 400 năm trôi qua, ngày nay chị em Mến Thánh Giá chúng ta tự hào lại được hát vang lên giai điệu hy vọng ấy với niềm tri ân cha Tổ phụ và Mẹ Hội dòng bằng một đời sống cầu nguyện, khổ chế và hy sinh phục vụ thầm lặng.

Cha đáng kính,

Càng lớn khôn con càng nhận ra rằng cuộc sống cũng thay đổi nhanh như thời tiết vậy. Có những ngày nắng ngập tràn tiếng cười giòn tan và cũng có những đêm giông tố phủ đầy nước mắt. Khi chiêm ngắm chân dung của Cha, con nghiệm ra rằng, đằng sau nụ cười mỉm hiền lành, ánh mắt nhân hậu là một tinh thần thép tràn đầy hy vọng. Hy vọng là thái độ sống đáng quý mà con học được từ cha. Con tin rằng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn có một kế hoạch tốt đẹp của Đấng Yêu Thương và Nhân Hậu đã dành sẵn cho con và đang chờ con khám phá. Điều này sẽ tiếp thêm lòng can đảm cho con, cả trong lúc con mất đi người mẹ thân yêu vĩnh viễn. Thực sự con cảm thấy rất thất vọng, đau xót và nhớ mẹ; nhưng giống như khi bị thương, cơ thể ta sẽ tự sản sinh ra quá trình chữa lành, vết thương tự phục hồi, hình thành sẹo và trở nên mạnh mẽ hơn ngay từ lúc bị thương. Trái tim và tâm hồn của con cũng sẽ được chữa lành theo cách tương tự. Con tin mình cũng được Đấng Yêu thương bắt đầu quá trình chữa lành từng chút một. Nỗi đau xót không bị xóa tan, nhưng con chấp nhận nó với một chút duyên dáng và hy vọng. Trong hành trình của riêng mình, con đã học được rằng chấp nhận Thập Giá không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng có những điều tốt đẹp đến từ sự chấp nhận đó. Bằng cách chấp nhận những gì con không thể thay đổi, với thời gian và lòng kiên nhẫn, con sẽ nhận ra vẫn có những viên ngọc ẩn giấu cần khám phá và một giếng nước ngọt lành ẩn mình ngay giữa hoang mạc của khổ đau và nước mắt. Cuộc sống giống như một con sông dài, ở những khúc sông khác nhau, sẽ luôn có những khó khăn riêng. Nhưng khi con cảm thấy mơ hồ cho tương lai, hay khi con muốn bỏ cuộc, muốn chạy trốn khỏi thực tại nghiệt ngã quá đau thương này thì mong câu nói của nhà văn Viktor E. Frankl trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” sẽ nhắc nhớ con: “Người có niềm hy vọng có thể chịu đựng được tất cả”.

 

Mr Thăm viếng

[1]  Bts I,1-2)

[2] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, Téqui, Paris 1923, rééditées par les MEP 2000.

[3] X. J. GUENNOU, Missions Étrangères de Paris, Fayard Paris 1968, pp. 111-112.

[4] Adrien LAUNAY, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904.

[5] Adrien LAUNAY, Histoire de la Mission du Tonkin, p. 102-104.

[6] Thư của Đức Cha Lanneau gửi các Giám đốc Chủng viện, Siam, 02.11.1679. AMEP, c.860, tr.25.

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)