Dẫn nhập
Mỗi con người, mỗi tập thể hoặc một dân tộc, một quốc gia đều có quá trình hình thành và phát triển. Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (MTG HN) cũng có những trang sử đầy niềm vui nhưng cũng không thiếu những thăng trầm của thời cuộc. Tất cả đều mang đậm dấu ấn lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh tình yêu với Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các nữ tu MTG HN.
I. Quá trình hình thành (1670-1936)
1. Hoàn cảnh lịch sử
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 17 có nhiều biến cố chính trị. Do đó, đời sống tôn giáo cũng có nhiều thăng trầm. Giữa lúc Giáo hội Công giáo đang trên đà phát triển, thì cuộc bách hại đạo xảy ra. Biến cố đó mang đến những tác động vừa tiêu cực vừa tích cực cho đời sống đạo của tín hữu. Như câu chuyện về Ba cô trinh nữ xứ Đông được cha Đắc lộ kể lại, và được nhắc lại trong sách “Sách sử ký” của cha Khánh (P. Ravier) in 1894 và “Đoá hoa tu nữ” của Phạm Đình Khiêm in năm 1970: Năm 1640, chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo. “Bấy giờ có ba người nữ ở xứ Đông đã khấn giữ mình đồng trinh trọn đời, thoạt khi nghe tin chúa đã ra chỉ cấm đạo thì đến Kẻ Chợ (Hà Nội) cho được xưng đạo ra trước mặt chúa. Khi đến Kẻ Chợ thì chúa (Trịnh) đã tha đạo rồi. Bấy giờ ba người nữ ấy dốc lòng chẳng lìa nhau nữa, một ở chung với nhau cho được tập đi đàng nhân đức. Về sau có nhiều người nữ khác bắt chước ba người ấy. Đây là sự quan phòng của Thiên Chúa đã chuẩn bị tâm hồn các trinh nữ, để khi đến thời đến buổi, Người sẽ cho sinh hoa trái dồi dào.
2. Hình thành hội dòng
Năm 1658, Đức cha Pierre Lambert de la Motte Giám mục hiệu toà Bérythe, được cử sang coi sóc địa phận Đàng Trong; Giám quản Tông Tòa Đàng Ngoài (thay mặt Đức cha Pallu).
Năm 1670, trong dịp Đức cha Lambert đi kinh lược Đàng Ngoài thay Đức cha Francois Pallu. Được cha Deydier giới thiệu về nhóm phụ nữa nói trên. Ngài đã cầu nguyện và nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Chúa quan phòng đã ban đặc sủng Mến Thánh Giá cho Ngài và cho cả những người phụ nữ “nhiệt thành tỏ lòng ước ao xem có thể làm gì để hoàn toàn dâng mình phụng sự Thiên Chúa”. Đức cha mau mắn nghe theo sự thúc đẩy của Thần Khí, quyết định lập một dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam mang tên: “Hội dòng chị em Mến Thánh Giá Con Thiên Chúa”
Dựa trên bản luật đã soạn cho “Hiệp hội các tín hữu nam nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” tại Xiêm La, Đức cha Lambert đã soạn cho Dòng nữ này một bản luật ngắn gọn và phù hợp với chị em. Bản luật gồm: lời giới thiệu, mục đích hội dòng, 5 việc làm chính và 14 quy luật phải giữ.
Vào thứ tư lễ Tro, ngày 19/02/1670, Đức cha Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu A-nê và Pau-la. Ngài gọi hai chị là hai người nữ đầu tiên gia nhập Hội dòng các chị em Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô”. Tác giả “Đoá hoa tu nữ” đã để lại một dấu chứng cho lịch sử khi ghi nhận ngày 19/02/1670 là ngày khai sinh Dòng Mến Thánh Giá, tại Phố Hiến (Hưng Yên), đối diện với làng Bái Vàng ở bên kia Sông Hồng.
Trải qua hơn 350 thành lập, làng Bái Vàng (Bái Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn có nhà Dòng Mến Thánh Giá và được truyền khẩu là tu viện đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá.
3. Những bước khởi đầu sinh động
– Các chị Mến Thánh Giá, là những người phụ nữ đầu tiên được học chữ quốc ngữ. Hằng ngày, các chị dạy chữ, dạy giáo lý cho trẻ em, rửa tội cho trẻ sơ sinh.
– Làm thuốc tễ và đi bán khắp nơi.
– Giúp kẻ khó
– Quay tơ dệt vải.
– May áo lễ, khăn thánh.
– Làm bánh lễ, giặt khăn thánh.
– Làm sách kinh, bổn.
II. Giai đoạn xây dựng và thử thách (1936 – 1983)
1. Cải tổ lần thứ nhất
Năm 1936, Đức cha F. Chaize (Thịnh) nhờ Dòng nữ Kinh sĩ Augustin, giúp huấn luyện các chị Mến Thánh Giá để khấn theo Giáo luật, nhưng chỉ chọn một số chị trẻ trong các nhà.
Ngày 15/01/1940, Toà Thánh châu phê hiến pháp.
Ngày 02/02/1941, lớp khấn đầu tiên cử hành
Như thế Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội từ năm 1941 có hai nhánh: Một nhánh cải tổ có lời khấn (1954 di cư vào Nam, nay là Dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm), một nhánh vẫn giữ lời khấn tư ở lại với giáo phận.
2. Cải tổ lần thứ hai
Năm 1950, Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê lên coi sóc Giáo phận Hà Nội. Người thương các chị em Mến Thánh Giá đã ở lâu trong Dòng, giúp đắc lực trong việc truyền giáo của giáo phận mà chưa được khấn theo Giáo luật. Cuối năm 1950, Đức cha quyết định cải tổ lần thứ hai và nhờ Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm giúp.
Khu nhà Thánh Mẫu ở Kẻ Sở được chọn làm nơi huấn luyện, cải tổ Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.
Khoảng cuối năm 1952, Đức cha xin Toà Thánh châu phê luật mới nhưng không được, vì Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã cải tổ 1 lần rồi, hiến pháp đã được Toà Thánh chấp nhận. Nếu muốn cải tổ lần nữa thì phải đổi tên Dòng. Vì vậy, Đức cha đổi thành Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria Nữ Vương.
Khi vấn đề được đặt ra, tất cả các chị đều muốn giữ tên Mến Thánh Giá, các chị xin Đức cha xét lại, nhưng người không thể làm khác được.
Các chị đã làm đơn khiếu nại lên Đức Khâm Sứ Toà Thánh (Đức khâm Sứ Dooley) ở 40 phố Nhà Chung, Hà Nội. Cuối cùng việc cải tổ không thành, Trung tâm huấn luyện Kẻ Sở giải tán, các bà Mến Thánh Giá Phát Diệm trở về Phát Diệm, các chị em Mến Thánh Giá Hà Nội, ai ở nhà nào trở về nhà ấy giữ luật cũ như trước.
3. Bước chân ly tán
Năm 1954, xảy ra cuộc di cư, các dòng nữ ở Hà Nội hầu hết di cư vào Nam, trong đó có các chị Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã cải tổ (1941) đã có lời khấn. Riêng các chị giữ lời khấn tư, Đức cha khuyên nên ở lại với Giáo phận. Một số chị em vâng lời, đã ở lại cùng với Giáo phận, trải qua những năm tháng gian lao, đầy thử thách, và cũng nhờ có quyết định của Bề trên, hầu hết cộng đoàn Mến Thánh Giá trong khắp Giáo phận mới còn tồn tại và lớn mạnh như ngày nay.
* Nhà Mẹ đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội (72 Nguyễn Thái Học – Hà Nội)
Trước kia, Hội dòng chỉ hoạt động tông đồ ở nông thôn. Đầu năm 1955, một số đông chị em lên trọ ở 40 Nhà Chung – Hà Nội để di cư vào Nam. Nhưng nghe lời Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, các chị đã ở lại với Giáo phận. Đức cha đưa một số chị về ở Nhà Kín Camêlô, 72 Nguyễn Thái Học để giữ nhà. Đây là cơ sở đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá tại thủ đô Hà Nội.
Hồ sơ lưu trữ của các bà Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội còn giữ một bản văn ghi như sau: Chính thức tuyên bố thành lập Nhà Mẹ của Dòng Các Bà Mến Thánh Giá và đặt tên cho nhà ấy là: Nhà Thánh Giá. Hiện nay nhà này đang tạm trú ở nhà Dòng Kín – Hà Nội, 72 Nguyễn Thái Học, về sau nhà này di chuyển đi đâu trong địa phận cũng vẫn giữ tên “Nhà Thánh Giá”.
Hà nội ngày 14/09/1957
G.M Khuê
Vic. Apost
Đồng thời, Đức cha đặt Ban Phụ trách đầu tiên của Dòng Các Bà Mến Thánh Giá, và toàn Dòng sẽ theo bản luật người soạn năm 1956, trong dịp này Đức cha cũng cho đổi y phục Dòng.
* Nhà Đức Mẹ Hà Nội – 29-31 Nhà Chung, Hà Nội
Năm 1957, Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê lại định lập Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria Nữ Vương ở Nhà Thánh Mẫu 29-31 Nhà Chung, Hà Nội.
Tuy nhiên, tình hình Miền Bắc ngày càng khó khăn, không đủ điều kiện để lập dòng mới, nên Đức cha quyết định cho các chị em đang ở nhà Thánh Mẫu vào Dòng Các Bà Mến Thánh Giá.
Ngày 08/09/1958 theo đơn xin của các bà Mến Thánh Giá, Đức cha ban phép cho Dòng lập một nhà mới vĩnh viễn ở Hà Nội tại nhà Thánh Mẫu 29-31, Nhà Chung và đặt tên là Nhà Đức Mẹ Hà Nội, để ghi nhớ các Đấng giảng đạo đã đến giảng đạo ở Hà Nội, ngày 02/07/1627, là ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.
* Nhà Mẹ Dòng Các Bà Mến Thánh Giá – 31 Nhà Chung, Hà Nội
Cuối năm 1960, Nhà Nước lấy khu nhà số 29 Nhà Chung làm trường học.
Ngày 05/08/1961, Nhà Nước lấy Nhà Thánh Giá, 72 Nguyễn Thái Học làm bệnh viện.
Năm 1965, Bề trên sát nhập hai cộng đoàn: Thánh Giá và Đức Mẹ Hà Nội thành một cộng đoàn và giữ tên là Nhà Thánh Giá. Nhà Mẹ của Dòng các bà Mến Thánh Giá.
4. Cải tổ lần ba
Ngày 27/11/1978, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê qua đời. Suốt 28 năm coi sóc địa phận Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá được người hết lòng chăm lo, dạy dỗ. Dòng không những đứng vững, tồn tại, mà còn âm thầm lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần.
Năm 1978, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn lên kế vị. Đức cha nhắc nhở chị em lo vun trồng những ơn gọi mới, nâng cao trình độ tu đức và văn hoá cho từng chị em. Người đề ra chương trình cụ thể giúp chị em tiến bộ cả bề trong lẫn bề ngoài.
Ngày 01/11/1979, áo dòng của chị em Mến Thánh Giá Hà Nội được Ngài cho thay bằng áo dài Việt Nam.
Nhưng việc Đức cha lưu tâm và thao thức ấp ủ từ lâu là cải tổ Dòng, để Chị em Mến Thánh Hà Nội được khấn theo Giáo luật. Trong 5 năm (1978-1983), Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tiến hành chuẩn bị làm luật và xin phép Toà thánh để chị em học hỏi và thi hành.
Năm 1983 – Năm Thánh Cứu Độ, Toà Thánh châu phê Luật Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.
Ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/09/1983, lớp khấn đầu tiên được tổ chức với 7 chị được khấn theo Giáo luật trong tay Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. 7 chị này cũng là Ban Phụ trách toàn Dòng, khoá thứ I.
Lớp thứ hai, được tuyên khấn ngày 29/09/1983, với 45 chị.
Lớp thứ ba, khấn ngày 13/10/1983, với 15 chị.
Năm 1994, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về coi sóc giáo phận, ngài đặt Đức cha Phụ tá Phaolô Lê Đắc Trọng làm Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.
Năm 2003, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt lên coi sóc Tổng Giáo phận, ngài đã từng bước đổi mới Hội dòng, mỗi ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, Đức cha đã phê chuẩn Hiến chương dòng Mến Thánh Giá, cho toàn Dòng áp dụng từ năm 2008.
III. Thời kỳ trưởng thành và phát triển
1. Nhân sự
Năm | Khấn trọn | Khấn tạm | Tập sinh | Tiền tập | Thanh tuyển | Đệ tử | Tổng |
1983 |
67 | 59 |
5 |
Chưa có | Chưa có | 40 |
171 |
2015 |
276 | 104 | 43 | 23 | Chưa có | 140 |
486 |
2024 |
400 | 108 | 22 | 9 | 9 | 41 |
589 |
2. Cơ sở
Năm 2000: 17 cộng đoàn.
Năm 2015: 42 cộng đoàn trong nước và 1 cộng đoàn tại Pháp.
Năm 2024: 50 cộng đoàn trong nước và 2 cộng đoàn hải ngoại (1Pháp-Bỉ + 1Hoa Kỳ)
III. Lời kết
Trong tình thương Chúa quan phòng, Hội dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đã trải qua 354 năm thăng trầm và phát triển. Nhìn lại dòng lịch sử để thêm một lần nữa xác tín và cảm nhận sâu xa hồng ân bao la Chúa đã tuôn đổ trên Hội dòng. Chị em Mến Thánh Giá tiếp tục sống trọn vẹn ơn gọi và nỗ lực tiếp bước để viết nên những trang sử hào hùng của người nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội trong lòng Giáo Hội Việt Nam thân yêu.