Có Chúa bao nhiêu phần trăm?

Có Chúa bao nhiêu phần trăm?

Thời đại ngày nay – thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông đã trở thành yếu tố quyết định chủ yếu của đời sống xã hội. Điện thoại, laptop của bạn đã bao giờ nhận được thông báo “pin yếu” phải tắt chưa?… Chắc hẳn lúc đó bạn sẽ nhanh chóng tìm bộ sạc để sạc lại pin. Bởi khi “yếu pin” dẫn đến nguy cơ “sập nguồn”, công việc đang dang dở sẽ bị gián đoạn. Ta sẽ mất kết nối với người khác và dường như cảm thấy bị tách mình khỏi thế giới xung quanh.

Nếu như những thiết bị thông minh là công cụ giúp con người kết nối và giao tiếp với thế giới, thì trong kế hoạch của Thiên Chúa, người sống đời thánh hiến cũng chính là cánh tay nối dài tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người, giúp truyền đạt thông điệp lòng thương xót của Chúa đến với nhân loại.

Hình ảnh những thiết bị thông minh phải cần sạc pin đủ đầy mới vận hành được tốt, ví tựa như người sống đời Thánh hiến cũng cần phải “sạc pin Giê-su” mới hoạt động và phục vụ cách nhiệt thành. Thật vậy khi cầu nguyện với Chúa trong thinh lặng, người thánh hiến kín múc được nguồn ân sủng như dòng sữa ngọt ngào nuôi sống tâm hồn. Như vườn cây khô cạn nay gặp nước và đâm chồi nảy lộc, không chỉ thế, Chúa còn hâm nóng lại những gì đã nguội lạnh trong tâm hồn họ.

Gần đây trong các buổi học, tôi nghe sơ giáo thường sử dụng cụm từ “có Chúa”. Cụm từ tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng thật sâu sắc. Và trong tôi đã tự hỏi “Có Chúa bao nhiêu phần trăm?”. Có lẽ, đây là câu hỏi có rất nhiều câu trả lời, phụ thuộc vào từng cá nhân nhận thức được sự hiện hữu của Chúa trong đời. Nhìn lại mình, tôi không thể nào trả lời được câu hỏi trên khi quy đổi sang một số phần trăm nhất định.

Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể trả lời chính là minh chứng qua cách mình sống, chu toàn bổn phận từ những việc nhỏ nhặt cách chu toàn, tận tuỵ với một tình yêu chân thành. Hơn thế, là người đang tìm hiểu ơn gọi Mến Thánh Giá Hà Nội, tôi được Chúa mời gọi từ bỏ những dính bén không cần thiết để xác tín hơn vào Chúa và ý thức tự huấn luyện bản thân mỗi ngày để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa, ngõ hầu mang Ánh Sáng Tình Yêu đến với mọi người.

Con đường thánh hiến là hành trình điểm tô bởi những khoảnh khắc an vui, bình yên nhưng cũng không vắng bóng những ưu phiền, khắc khoải. Khi tâm hồn tràn đầy ân sủng của Chúa là lúc nhận thức rõ ràng sự hiện diện của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Để đạt được điều ấy, ta cần nỗ lực tìm kiếm Ngài trong cõi lặng của tâm hồn, đồng thời lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Khi ấy, Chúa sẽ dần dần tỏ lộ nơi ta, như Thánh Phao-lô đã từng chia sẻ: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Hành trình dấn thân trong ơn gọi  thánh hiến cũng như bao ơn gọi khác, không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Trên hành trình ấy, thử thách và gian nan là điều không thể tránh khỏi: ốm đau, bệnh tật, mất mát, hay những bất đồng, nghi ngờ trong cộng đoàn, thậm chí cả những khó khăn trong việc phục vụ tông đồ… đều là những thử thách đòi hỏi lòng can đảm và sự bền bỉ. Trong những khoảnh khắc ấy, người tu sĩ dễ rơi vào trạng thái “cạn pin Giê-su”, chìm đắm trong nỗi buồn phiền, nghi ngờ và dựa vào sức lực bản thân.

Tuy nhiên, hãy luôn tin tưởng và hi vọng vào Chúa bằng lòng Tin – Cậy – Mến. Mọi sự đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Ngài. Hãy can đảm đối mặt và vượt qua thử thách, phó thác trọn vẹn vào ý Chúa. Trong một bài thơ của Charles Péguy, có tựa đề tiếng Anh là “Door to the Mystery of Hope”. Tác giả so sánh đức tin, đức cậy và đức mến như ba chị em gái, mà đức cậy được gọi là “niềm hi vọng bé bỏng”. Cô là người chị thứ hai trong ba chị em, giữa chị đức tin và em đức mến. Câu chuyện nói về ba chị em cùng tiến bước trên đường. Khi đức tin ta bị mệt mỏi hay kiệt sức, hoặc đức mến bị nguội lạnh hay trống vắng, thì niềm hi vọng ở tận đáy lòng lại bắt đầu lớn lên trong ta. Vực dậy tinh thần giúp ta tiếp tục tiến bước trên hành trình theo Chúa. Chính trong những lúc khó khăn, sức mạnh và ơn Chúa sẽ được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, giúp con người yếu đuối, mỏng manh như chúng ta thêm vững tâm và kiên cường. Bởi vì, “Ơn Chúa đủ cho Ta” (2Cr 12,9).

Cũng như chiếc điện thoại cần năng lượng để vận hành, đời sống thánh hiến cần được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch thiêng liêng – Đức Giê-su Ki-tô. Đặc biệt, đối với những tâm hồn đang dấn thân vào ơn gọi Mến Thánh Giá, việc duy trì kết nối với nguồn sức mạnh ấy là điều tối quan trọng. Trong những khoảnh khắc căng thẳng, bận rộn, hãy ý thức về sự hiện diện của Chúa, đặt Ngài lên hàng đầu và là trung tâm đời sống, để tránh khỏi tình trạng tâm hồn “mệt mỏi” hay “suy yếu”.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Cha Lambert – Đấng Sáng lập Dòng ban cho chúng con luôn biết sống kết hợp hài hòa giữa 3 chiều kích Chiêm niệm – Hoạt động và Tông đồ, đó là con đường đẹp nhất dẫn chúng con hướng về Đối tượng Duy Nhất là Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh.

Theophilo

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)