BÁNH TRƯỜNG SINH
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Thiên Chúa đã niêm ấn”: Con Người đến từ trời và các dấu chỉ Người hoàn tất là những hành vi qua đó Thiên Chúa bảo đảm rằng sứ mệnh Người là đích thực (3,33) và nhân loại có thể nhờ Người mà chiếm được sự sống vĩnh cửu. Một vài nhà chú giải coi công thức “niêm ấn” là một ám chỉ đến phép rửa của Chúa Giêsu, vì họ thấy cùng từ ngữ đó được dùng trong thần học phép Rửa tội (x. Ep 1, 13; 4,30; Kh 7,3-4).
“Công việc của Thiên Chúa… là các người tin vào Đấng Ngài đã sai đến”: Gioan sử dụng, bằng cách nhuận sắc lại một thành ngữ của Phaolô (Rm 3,18) và duy nhất hóa tất cả thái độ của Kitô hữu thành đức tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.
“Vậy thì ông làm dấu chỉ gì để chúng tôi thấy mà tin ông”: Lời yêu cầu này không có đáp trả, bởi vì không thể đáp trả Chẳng một dấu chỉ nào có thể minh chứng (mặc dầu nhiều dấu chỉ gợi lên cho thấy) Chúa Giêsu là sứ giả Thiên Chúa sai. Một bằng chứng có tính cách ép buộc bất thành hóa công việc của Thiên Chúa là tin vào Chúa Giêsu. Ở đây những người đối thoại với Chúa Giêsu bắt đức tin lệ thuộc việc chứng kiến những điềm lạ vĩ đại; theo họ, Đấng Thiên sai phải hoàn tất được nhiều phép lạ trổi vượt các phép lạ mà Israel xưa từng mục kích (x. Mc 8,11; Mt 16,1; 12,38), đặc biệt những phép lạ thời Xuất hành. “Ngài đã cho họ ăn bánh bởi trời xuống”: Việc ban manna hằng ngày trong sa mạc đã được nhiều tiến sĩ luật xem như là dấu lạ lớn nhất của thời Xuất Hành (Xh 16, 15; Ds 11,7; 21,5; Đn 8,3; Kn 16,20; ở đây, Gioan trích dẫn Tv 78,24.
KẾT LUẬN
Một lần nữa, Chúa Giêsu đưa thính giả của Người trở lại mầu nhiệm Con Người (c.27), nghĩa là nghĩ đến nhân vật thần thiêng mà Đanien đã thấy bên cạnh Thiên Chúa (Đn 7,13-14), nhân vật của tương lai thiên sai. Đến từ trời, Con Người, tức Chúa Giêsu, sẽ là sứ giả đích thực của Cha, được thánh hiến để thi hành sứ mệnh và được xác nhận qua các phép lạ của Người. Hơn hẳn Môisen trong các dấu lạ cũng như trong chính bản thân (c.32), Người sẽ phát ban một thứ lương thực siêu nhiên cho những kẻ theo Người.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) “Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời (c.27). Y như nước luôn múc từ giếng không làm giảm cơn khát của người đàn bà xứ Samaria (4,13), thì “lương thực hay hư nát” cũng chẳng có sức làm chúng ta no thỏa, bảo đảm cho chúng ta một cuộc sống lâu dài và đích thực; vì một khi ăn vào, nó liền bị tiêu hóa và cuối cùng duy trì tính háu ăn của ta, nhận chìm chúng ta vào sự lệ thuộc bắt buộc, bất lực, tha hóa của khát vọng không bao giờ nguôi, của lòng ao ước đưa tới thất vọng vì sự chết. Của ăn trần thế, cho dù thú vị nhất thời đến đâu vẫn không thể làm no thỏa tâm hồn của con người. Thay vì cố gắng đổ đầy túi thèm khát vô đáy của xác thịt, chúng ta phải “ra công làm việc vì thức ăn lưu lại mãi đến sự sống vĩnh cửu, nghĩa là thức ăn biến đổi chúng ta nên những con người sống chính cuộc sống của Thiên Chúa và hiệp thông vào nguồn phát sinh không bao giờ cạn của Người. Lúc đó niềm ao ước và cơn đói khát của chúng ta sẽ không còn ám ảnh chúng ta nữa; và thay vì lo lắng thái quá cho việc sinh nhai (x. Mt 6,25tt), chúng ta sẽ “đói khát sự công chính” (Mt 5,6), sẽ tìm được của ăn là làm theo ý Thiên Chúa chúng ta (Ga 4,34).
2) “Chúng tôi phải lao công vào việc nào của Thiên Chúa” (câu 28). Câu hỏi xem ra nói lên thiện chí của những người đối thoại với Chúa Giêsu. Nhưng theo văn mạch, nó thật là hàm hồ để được “ăn no nê” (c.26), người ta tỏ ra sẵn sàng đặt một giá nào đó; những công việc tốt họ sẽ thực thi làm cho họ xứng đáng ăn bánh bởi trời, họ tưởng như vậy. Đó là phản ứng thuần bản năng của tôn giáo loài người trong việc “bán buôn” với Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận làm tròn mọi điều kiện Ngài đặt ra, miễn là về phía Ngài, Ngài bảo đảm lợi ích cho chúng ta.
3) Nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến lối tiểu xảo đó “Công việc của Thiên Chúa, tức là các ngươi tin vào Đấng Ngài đã sai” (câu 29). Người đảo ngược viễn tượng: không còn vấn đề các công việc của chúng ta, việc mặc cả thô bỉ của chúng ta với Thiên Chúa nữa, nhưng là công việc mà Thiên Chúa hoàn thành trong chúng ta: đức tin vào Đấng Ngài sai đến. Điều này đòi hỏi ở chúng ta một cái gì khác hơn điều chúng ta đã dự liệu: không còn là một cái tối thiểu khiến chúng ta nên sòng phẳng một cách rẻ tiền, cũng chẳng là những dấu lạ nhân đức làm cho Thiên Chúa trở thành người mắc nợ chúng ta, song là việc cởi mở đón nhận hoạt động của Ngài, hoạt động biến đổi chúng ta tự căn để, làm ta trở về với Chúa Giêsu và đem chúng ta vào trường học của Người. Để Thiên Chúa xâm nhập như thế vào đời sống chúng ta và ra công làm việc, điều đó làm chúng ta sợ hãi, Để biện minh cho sự thối lui trước đòi hỏi này, chúng ta dùng một chiến thuật để câu giờ và đặt một điều kiện mới: “Vậy thì Ngài làm dấu gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm việc chi?” (x. c.30). Trong lúc Chúa Giêsu vừa hoàn thành một dấu chỉ, thì chúng ta muốn ép Người làm nhiều phép lạ càng lúc càng kỳ diệu hơn để chúng ta trơ trẽn lợi dụng. Thật ra, chúng ta đã thấy hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta luôn bị cám dỗ từ chối tin vào Ngài. Chúng ta luôn đòi hỏi những bằng cớ chứng minh sự hiện hữu và hoạt dộng của Ngài trong thế gian, những bằng cớ buộc chúng ta tin từ bên ngoài, trong lúc Thiên Chúa lại ưa nói cùng chúng ta từ bên trong bằng những dấu chỉ kín đáo vốn để chúng ta được tự do từ chối lời mời gọi của Ngài. Thiên Chúa muốn được những người con tự do mến yêu, chứ không muốn những tên nô lệ sợ hãi thờ kính.
4. “Ai đến với Ta…” (c.35). Đức tin bao hàm một bước tự ý, một sự dấn thân. Người ta không thể chỉ ngồi nhìn như khán giả say sưa hay phê bình những gì Chúa Giêsu làm và nói để rồi tùy cơ lợi dụng. Chúa Giêsu chỉ cho no thỏa hoàn toàn và dứt khoát những ai dám bước cái bước quyết định của đức tin. Kẻ tài tử thích nhìn người từ xa thôi sẽ luôn đói. Những ai “đến cùng Chúa Giêsu” sẽ được tràn đầy hoan lạc và an bình. Kẻ ấy sẽ khám phá hương vị đích thực của cuộc sống, là sống bình dị như con cái Thiên Chúa giữa đại gia đình nhân loại được tụ tập quanh Cha.
HÃY TIN VÀ ĐÓN NHẬN ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Chúa nhật tuần này, chúng ta bắt đầu được nghe những bài Tin mừng về Bánh hằng sống. Chúa Giêsu, người Con một của Chúa Cha chính là bánh hằng sống được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, để những ai tin vào người thì có sự sống đời đời. Bánh là lương thực cần thiết nuôi sống con người, bánh còn là lương thực cho hành trình dài để đi đến nơi mong đợi. Bánh đã được ban tặng cho dân Israel trong hành trình sa mạc, và trở nên hình ảnh báo trước Bánh hằng sống là lương thực thần linh là Chúa Giêsu cũng là Mình máu thánh của người và Lời của người được ban cho nhân loại. Trong hành trình sa mạc để đi về đất hứa, dân Israel đã nhiều lần than trách, họ nói những lời xúc phạm và vô ơn thiếu hiểu biết với Môisen: “thà để chúng tôi chết ở Ai cập hơn là bên nồi thịt còn hơn phải chết đói ở nơi hoang địa này”. Thiên Chúa nghe những lời trách của dân chúng và Chúa ban cho họ manna và chim cút nuôi sống họ suốt hành trình sa mạc. Manna là thức ăn do Chúa ban, buổi sáng khi sương xuống quanh trại người do thái và bốc hơi để lại những mẫu bánh và dân chúng cứ lấy về để ăn. Khi thấy manna, dân chúng không biết là loại lương thực gì nên nói với nhau cái gì vậy, còn Môisen thì giải thích cho dân chúng đây là bánh Thiên Chúa ban cho anh em ăn. Manna quả là bánh Thiên Chúa ban một cách quảng đại và dư dật để nuôi dân chúng, và cũng để diễn tả lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa và tiền báo Thánh Thể sẽ được ban do bởi chính Chúa Giêsu.
Câu chuyện Tin mừng theo Phúc âm Gioan tường thuật lại việc dân chúng tìm kiếm Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, vì thế họ đoán trước và đi trước người đến Capharnaum nơi người định đến. Khi thấy dân chúng, Chúa Giêsu đã trách họ tìm kiếm người không phải vì dấu chỉ của phép lạ mà là vì họ được ăn bánh no nê. Đồng thời người cũng nhắc nhở họ hãy làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng là vì của ăn đem lại sự sống đời đời mà Con người sẽ ban tặng cho họ. Quả thật, thấy được dấu chỉ và nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ không phải là điều dễ dàng. Trong Cựu ước, dân chúng đón nhận và dùng manna làm lương thực nhưng không hiểu ý nghĩa nên cứ tự hỏi cái gì đây. Chính Môisen phải giải thích cho họ đây là bánh Thiên Chúa ban cho họ. Vì thế, điều quan trọng khi đứng trước phép lạ, đó là cần đón nhận được ý nghĩa của dấu chỉ phép lạ, hay sứ điệp của dấu chỉ. Phép lạ do Chúa ban không chỉ dừng lại ở mục đích thực tiễn của những điều lạ lùng được thực hiện, mà hướng đến một ý nghĩa mới và quyết định của thời cánh chung, của sự can thiệp mạnh mẽ và quyết định của Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu làm cũng thế, không chỉ dừng lại ở mục đích là nuôi dân chúng ăn no nê, bởi vì sau đó Chúa Giêsu không tiếp tục làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no nữa, mỗi người phải tự làm việc để nuôi sống mình. Thế nhưng khi thực hiện phép lạ, Chúa Giêsu muốn đánh thức sự hiểu biết của dân chúng về ý nghĩa cánh chung, ý nghĩa rộng lớn hơn của dự định cứu độ của Thiên Chúa đối với họ để dẫn đưa họ không phải chỉ để hưởng sự sống phần xác mà là đến sự sống thần linh vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã khẳng định với những người do thái Chính người là Đấng mà họ phải tin và đón nhận, chứ không phải chỉ để tìm kiếm bánh vật chất dư dật nuôi phần xác.
Khi dân chúng hỏi Chúa Giêsu: “chúng tôi phải làm gì để chu toàn công việc của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Đây là công việc của Thiên Chúa, đó là anh em tin vào người mà Thiên Chúa sai đến. Tôi là bánh ban sự sống, ai đến với tôi sẽ không hề đói, và ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ”. Những phép lạ hóa bánh ra nhiều hướng đến việc tin và đón nhận Chúa Giêsu, nơi người có sự sống đời đời. Vì thế, điều quan trọng và quyết định, đó là khởi đầu mối tương quan mật thiết và quyết định với Chúa Giêsu. Người chính là bánh sự sống, lương thực thần linh, bánh bởi trời. Người là bánh bởi trời được ban tặng cho con người và chúng ta là Thân thể của người, được mời gọi kết hợp nên một với người để đón nhận sự sống thần linh tuôn trào từ chính người, nơi Lời hằng sống mà người ban tặng, nơi Thánh Thể của người. Chúa Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã ghi dấu, và chúng ta cũng được Thiên Chúa ghi dấu ấn qua bí tích rửa tội và thêm sức, và chúng ta được mời gọi kết hợp nên một với Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày với lòng khiêm tốn, nhẫn nại phục vụ và quảng đại trong mọi việc làm của mình. Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta tìm kiếm trong suốt cuộc đời của mình bởi người có sự sống thần linh.
Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống đời đời, chính Người đến để mời gọi, thúc đẩy con người yếu hèn của chúng ta nhận biết tầm quan trọng của đời sống thần linh. Con người chúng ta thường dừng lại ở sự sống vật chất, bị thu hút và choáng ngợp bởi những quyến rủ của sự sống trần gian đển chỗ quên mất sự cần thiết phải chuẩn bị cho sự sống đời đời. Nghịch lý của những người do thái trong câu chuyện cũng là nghịch lý của cuộc đời chúng ta và lời mời gọi nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với những người trong câu chuyện cũng là những lời nhắc nhở thúc bách đối với chúng ta. Đừng để mình bị thu hút bởi lương thực và của cải chóng qua đời tạm này, mà ngược lại phải biết nhanh nhẹn và tỉnh thức để Tin vào Chúa Giêsu và đón nhận người, chính người là bánh hằng sống. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, đừng sống như dân ngoại là những người không hiểu biết và tâm trí theo đuổi những điều phù phiếm, bởi vì chúng ta đã là những người Kitô hữu là những người được Chúa Giêsu dạy dỗ và là những người đã được học với người. Vì đã được học với Chúa Giêsu, người kitô hữu phải biết bỏ đi con người cũ với những ước muốn hư hỏng và tội lỗi để mặc lấy con người mới đầy tràn thánh thiện và chân lý.