“Đời sống phục vụ của một tu sĩ sẽ kết thúc khi họ về hưu?” Đó là câu hỏi hiện lên trong đầu tôi vào ngày cộng đoàn nơi tôi đang sống chào đón một nữ tu về hưu dưỡng.
Câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi suốt mấy ngày sau đó. Và rồi, băn khoăn ấy cũng dần có lời giải đáp. Những ngày tháng được sống trong nhà dòng đã cho tôi nhận ra rằng: Đời sống phục vụ của người nữ tu không dừng lại khi họ bước chân vào nhà hưu dưỡng. Nhưng bằng nhiều cách thức khác nhau, người nữ tu ấy đang thi hành một sứ vụ quan trọng khác cho Hội dòng và Giáo hội bằng chính cuộc sống tuổi già của mình.
Chúng ta khó để tìm thấy sự trẻ nhanh nhẹn, hăng hái hay nhiệt huyết nơi các tu sĩ lớn tuổi. Thay vào đó, sự trầm lắng trong lối sống, sự thánh thiện và nhân đức trong cách ứng xử và cả tâm tình tín thác là điều ta dễ nhận ra hơn nơi các ngài. Như tác giả sách Khôn ngoan viết: “Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ” (Kn 1,18), vậy một trong những sứ vụ của tu sĩ lớn tuổi chẳng phải là sống có phẩm giá để thế hệ sau noi theo hay sao?
Như hạt lúa vùi sâu dưới lòng đất, đời sống của các nữ tu lớn tuổi cũng được chôn vùi trong Đức Kitô. Sự can đảm, sẵn sàng huỷ mình để hoa trái là Hội dòng và Giáo hội được trổ sinh. Niềm tin và lòng phó thác vào Thiên Chúa khi phải sống trong những giai đoạn biến động của lịch sử và đất nước. Sự bền đỗ và kiên trì trong những tháng ngày đạo Công Giáo tại Việt Nam bị cấm cản, cách riêng là các dòng tu không được hoạt động công khai. Và cả khi mọi hoạt động đã đi vào trật tự, những tu sĩ lớn tuổi ấy sẵn sàng trở về làm hậu phương trong sự khiêm nhường thẳm sâu và vâng phục bề trên trọn vẹn. Những nhân đức bắt nguồn từ Đức Kitô ấy đã làm trổ sinh biết bao ơn gọi và trở thành nền tảng phát triển cho biết bao dòng tu.
Trong bài giảng Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô qua vị phát ngôn viên là Đức Tổng giám mục Fisichella đã nói: Người cao tuổi “là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”. Thật vậy, những người cao niên, cách riêng là các tu sĩ lớn tuổi được coi như kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Hội thánh, là nhân chứng sống động cho Đức Tin của Giáo hội Việt Nam. Ở nơi những con người này, kho tàng khôn ngoan của Giáo hội và gia sản thiêng liêng của các Hội dòng không ngừng được gia tăng.
Hồng ân sống tuổi già là phúc lành Thiên Chúa dành cho con người. Tuổi già không chỉ đơn thuần là thời gian nghỉ ngơi nhưng theo cách nói trong văn kiện “Phẩm giá của người cao tuổi và sứ vụ của họ trong Giáo hội và thế giới” của Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo dân (1998), tuổi già còn mang đến cho tu sĩ “những cơ may mới để trưởng thành và dấn thân”.
Khi các hoạt động tông đồ phải tạm gác lại vì lý do tuổi tác, các tu sĩ trở thành ngọn đèn chầu nhỏ bé nhưng luôn cháy sáng bên Thánh Thể Chúa. Đời sống cầu nguyện liên lỉ của họ là sức mạnh thiêng liêng cho mọi hoạt động của nhà dòng. Không có khái niệm “nghỉ hưu” theo nghĩa thông thường trong đời sống thánh hiến. Thay vào đó, các ngài chuyển sang hoạt động trong một sứ vụ mới. Sứ vụ kết hợp mật thiết với Chúa Kitô trong đời sống cầu nguyện, hy sinh để chuyển cầu và thông ban ơn Chúa cho mọi người.
Dấn thân trong đời sống thánh hiến không chỉ ở nơi các giáo xứ, các miền truyền giáo, các việc làm tông đồ nhưng còn là sự đón nhận những đau đớn từ bệnh tật. Đến cùng với tuổi già là sự xuất hiện của những căn bệnh. Đau đớn thể xác khi tuổi đà xế bóng không là vật cản trên con đường nên thánh của các tu sĩ. Bởi lẽ, họ chọn cách kết hợp với Đức Kitô trên thập giá để thánh hóa những đau bệnh của mình. Mỗi sự đau đớn đều là dịp hy sinh. Và cả khi nằm trên giường bệnh, cũng là lúc các tu sĩ được sống kết hợp với Đức Kitô cách thâm sâu nhất, cả về thể xác và tinh thần.
Tuổi già không chỉ là phúc lành Thiên Chúa ban riêng cho các tu sĩ của Ngài, nhưng là cho tất cả chúng ta. Đời sống phục vụ nơi người tu sĩ sẽ chỉ thực sự kết thúc vào ngày họ trở về nhà Cha trên trời. Nguyện ước đời sống của các tu sĩ lớn tuổi sẽ mãi là ngọn hải đăng chiếu sáng tình yêu Chúa, để chính tình yêu ấy lại một lần nữa được thắp lên và tỏa lan nơi những người được đón nhận.
A.nT