Ngay khi học phổ thông trung học ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến câu nói này: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng Trái Đất lên!”. Đó chính là câu nói của Archimedes, một nhà cơ học thiên tài thời cổ, người đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Nhưng bạn có biết, muốn nâng một vật nặng bằng Trái Đất lên cao dù chỉ 1cm thôi, Archimedes sẽ mất bao nhiêu thời gian không? Không dưới ba mươi nghìn tỷ năm! Cho nên điều này là không thể xét về mặt vật lý. Tuy nhiên, lại có rất nhiều người đã làm được việc này. Không hẳn về mặt vật chất như Archimedes nhưng về khía cạnh thiêng liêng. Đó chính là các vị thánh trong Đạo Công giáo chúng ta.
Các ngài đã thấu hiểu được một nguyên lý tiềm tàng rằng: Thiên Chúa chính là sức mạnh để không những nâng được cả thế giới mà còn có sức mạnh thay đổi thế giới này. Vì “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,3). Các Thánh đã tựa vào một điểm tựa vững chắc là chính Thiên Chúa toàn năng, và bằng việc cầu nguyện là đòn bẩy, các ngài đã để chính Thiên Chúa nâng cả thế giới lên. Các ngài nhờ ân sủng của Thiên Chúa đã làm được những việc phi thường và lạ thường đến mức thay đổi hướng sống của cả thế giới này.
Việc cầu nguyện là đòn bẩy cần thiết để có ân sủng cho chúng ta, hay nói cách khác, lời cầu nguyện bảo đảm cho chúng ta ân sủng dồi dào. Thiên Chúa đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta bằng việc ban ân sủng, ân huệ Chúa Thánh Thần và các nhân đức cho chúng ta. Và qua cầu nguyện chúng ta được nuôi sống mỗi ngày bằng thức ăn Lời Chúa và được ân sủng là sức mạnh của Thiên Chúa, để chu toàn nhiệm vụ của mình trong cuộc sống hằng ngày. Vì “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Thật vậy, sẽ không có một đời sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa và Giáo hội nếu không có việc cầu nguyện kiên trì của mỗi cá nhân. Mọi tâm hồn khao khát kết hợp với Chúa và phụng sự Người cách hoàn hảo thì không thể bỏ cầu nguyện. Tất cả các vị thánh đều là những con người cầu nguyện. Các ngài luôn nhắc nhở chúng ta rằng, chính trong cầu nguyện mà các ngài được mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa, và cũng chính nơi cầu nguyện, các ngài đã học yêu mến Thiên Chúa. Các ngài đã trở nên những bậc anh hùng trong Giáo hội bằng việc một lòng sống đức tin vào Thiên Chúa, đã hy sinh cho người khác, hoặc đã bị giết vì đức tin. Các ngài đã trở nên vì sao sáng cho Giáo hội, không chỉ ở những thập kỉ của các ngài đã sống mà còn cho chúng ta ngày hôm nay noi theo bắt chước.
Chúng ta ngày hôm nay, những linh mục, tu sĩ là những người kế thừa di sản của các thánh. Những người được hy vọng sẽ làm đổi mới thế giới bằng lối sống Tin Mừng để xoay chuyển thế giới đang bị tục hoá về với Thiên Chúa. Để làm được điều này, dĩ nhiên cầu nguyện không chỉ là bổn phận mà còn là một nhu cầu khẩn thiết của chúng ta. Điều đó, giúp chúng ta tìm được sự hỗ trợ của Thiên Chúa và học biết suy nghĩ, ước muốn như Chúa. Hãy tin chắc rằng, để giữ được ơn gọi và chu toàn nhiệm vụ của mình, linh mục và tu sĩ phải thực sự là một con người cầu nguyện. Đặc biệt, đối với các linh mục, việc dành một thời gian nhất định trong ngày để suy niệm về những chân lý vĩnh cửu là điều hết sức cốt yếu… Linh mục cần thiết phải có một khả năng nào đó để vươn mình lên và hướng về những sự trên trời, bởi vì nhiệm vụ chính yếu của họ là nghiền ngẫm, dạy dỗ về những điều ấy. Chính việc cầu nguyện sẽ duy trì nơi linh mục sự sốt mến, tình yêu phép Thánh Thể, tâm tình của Chúa Ki-tô. Thánh Giáo hoàng Pi-ô X có nói: “Nếu ai hỏi chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa ra chỉ thị nào vào buổi đầu của triều đại Giáo hoàng cho các linh mục của Hội Thánh Công giáo, chúng tôi sẽ trả lời: Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện mỗi ngày một nhiều hơn. Hãy cầu nguyện với một sự thành khẩn mỗi ngày một lớn hơn” (Pi-ô XII, AAS 1939, p. 249).
Căn tính của người tu sĩ và linh mục chúng ta là cầu nguyện. Giáo hội đã tin tưởng và giao cho các linh mục, tu sĩ chúng ta nhiệm vụ cầu nguyện (thần vụ) thay mặt cho toàn thể Hội Thánh. Những người bận rộn những công việc trần thế không thể cầu nguyện liên lỉ được và đặc biệt cho những người vô tín. Chính họ cũng có phận sự tôn thờ Thiên Chúa, nhưng họ không biết và cũng không muốn biết đến nhiệm vụ ấy. Cho nên, để cho thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho mình mà cần phải cầu nguyện thay cho họ và cầu nguyện cho họ. Chúng ta là sứ giả của nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Cha Charles de Foucauld nói: “Nếu chúng ta cầu nguyện cách tệ hại hay không cầu nguyện đủ, chúng ta cũng chịu trách nhiệm về mọi sự thiện mà chúng ta đã có thể làm bằng việc cầu nguyện mà đã không làm.”
Chúng ta chỉ là hạt cát trong vũ trụ, tầm thường và nhỏ bé. Thế nhưng, nếu Chúa muốn dùng những hạt cát bé xíu ấy để thay đổi thế giới này thì chuyện đó cũng chẳng khó gì. Về phía chúng ta chỉ cần cầu nguyện rồi cứ để Chúa làm những gì Chúa muốn qua chúng ta. Đây không phải là thái độ ươn lười mà là thái độ phó thác giống chị Tê-rê-xa nhỏ. Con đường thơ ấu của chị đã thực sự là một lối mòn cho những ai muốn về Trời. Do đó, hãy cầu nguyện để chúng ta có điểm tựa vững chắc và đòn bẩy đủ dài, để không những nâng ta lên mà còn nâng những người xung quanh và nâng cả thế giới này lên với Chúa. Thiên Chúa đã dùng những điều đơn giản để làm nên những điều kỳ diệu theo cách của Ngài. Tạ ơn Chúa đã bày cách cho chúng con để cứu độ mình và cứu độ người khác.
Little Star