Tưởng như đã khá quen thuộc với dụ ngôn nắm men và hạt cải, nhưng hôm nay một luồng Ánh Sáng mới của Chúa Thánh Thần soi rọi vào tâm hồn tôi, gợi lên cho tôi một suy tư mới, một cái nhìn mới giữa hạt cải và người gieo, giữa nắm men với người ủ bột. Đó là sự “lệ thuộc”.
Hạt cải đúng là loại hạt nhỏ nhất trong các loại hạt nhưng khi lớn nó lại trở thành cây lớn nhất có thể làm tổ cho chim trời được. Thế nhưng, hạt cải có thể tự mình gieo xuống lòng đất và trở thành cây chăng? Tự chúng có thể sinh ích cho mọi người và làm chỗ trú ẩn cho chim trời chăng? Chắc chắn là không! Chúng phải lệ thuộc hoàn toàn vào người gieo. Chính người gieo dùng nó như ý muốn, chăm sóc nó cho đến khi đạt được mục đích. Và để đáp lại tâm ý, công sức của người gieo, việc của hạt cải là gì nếu không phải là chịu chết đi trong lòng đất, chịu bóc tách lớp vỏ ngoài an toàn của mình để bật lên mầm sống, tiếp tục khiêm tốn đón nhận các chất dinh dưỡng cần thiết để băng mình qua lớp đất đá vươn lên, phát triển thành cây, lớn lên và sinh ích như lòng người gieo hằng mong ước.
Soi mình vào bài Tin Mừng này, hạt cải ấy chính là tôi và người gieo không ai khác chính là Thiên Chúa. Cũng như hạt cải, tôi không thể tự mình hiện hữu, chẳng có gì là của tôi, tự tôi cũng chẳng sinh ích gì cho đời. Tất cả những gì tôi đang có, đang là, đều phát xuất từ tình yêu vô điều kiện của Chúa. Thật đúng như lời Thánh Phao-lô đã nói: “Tôi có là gì, thì cũng là nhờ ơn Chúa” (1 Cr 15,10). Nhờ Người mà tôi được hiện hữu trong cuộc đời này, được lớn lên trong một gia đình, một giáo xứ, một ơn gọi sống đời thánh hiến cao quý mang tên Mến Thánh Giá Hà Nội và.. được ngồi viết những dòng suy tư này.
Tiếp tục bước theo ánh sáng, tôi tự hỏi: Sự lệ thuộc ấy là gì? Nó có ý nghĩa gì với tôi trong thời đại hôm nay- một người nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội?
Không phải tôi chưa từng nghe đến hai từ này, hay chưa từng nghe nói về nó. Nhưng đúng hơn, chính tôi đang khao khát hiểu nó cách tường tận để sống triệt để quyết tâm của tôi. Và hôm nay hai từ “lệ thuộc” còn mơ hồ trong trí hiểu mới thực sự chạm vào trái tim tôi. Sự lệ thuộc ấy không phải chỉ một phần, một lúc hay một khoảng thời gian nào đó, nhưng là lệ thuộc hoàn toàn. Nếu đã lệ thuộc hoàn toàn thì tất cả những gì tôi đang sở hữu là tự do, ý riêng, dự định, khao khát, khả năng, của cải,.. cả những yếu đuối bất toàn của tôi, những gì tôi đang là và sẽ là, cũng đều tùy thuộc ý Chúa. Người muốn tôi làm gì, ở đâu, dù vui hay buồn, thử thách hay thuận lợi, quá khứ, hiện tại hay tương lai.. thì việc của tôi là gì nếu không phải là hoàn toàn tin tưởng, phó thác tuyệt đối và sẵn sàng vâng theo ý muốn của Người trong mọi sự, hầu có thể sinh ích như Người muốn.
Vì là lệ thuộc hoàn toàn nên đòi hỏi tôi phải năng đến cùng Người trong cầu nguyện, thinh lặng, tỉnh thức để có thể lắng nghe tiếng Người, trò chuyện, bàn hỏi với Người. Nhờ đó, tôi biết được ý Người muốn để thi hành.
Sự lệ thuộc ấy xem ra đưa người ta vào thế bị động, mất tự do, chẳng khác chi nô lệ chăng? Thưa, không. Với tôi đó lại là sự chủ động, sự tự do đích thực, bởi “Tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12). Vâng, Người mà tôi lệ thuộc không phải ai khác mà là chính Đấng Chịu Đóng Đinh – Đấng luôn bao bọc tôi bằng tình yêu của Ngài cho dù tôi bất xứng.
Nhìn ngắm Đức trinh nữ Ma-ri-a, Thánh Cả Giu-se hay các thánh nam nữ trên trời, tôi càng thêm xác tín rằng: các ngài đều là những người đã sống sự lệ thuộc ấy. Điều đó không hề làm mất đi tự do, cách suy nghĩ, cá tính.. nhưng trái lại, làm cho các ngài trở nên độc đáo và duy nhất bằng con đường nên thánh riêng của mình. Tôi tin mình cũng không ngoại lệ. Tôi vẫn là tôi, vẫn có những sáng kiến, những ước mơ, những yếu đuối… nhưng nhờ lệ thuộc vào Chúa, tôi sống là mình hơn, nên giống Chúa hơn để ngày nào đó tôi có thể nói một cách xác tín như Thánh Phao-lô: “ Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2,20).
Với những bước đột phá của thời đại công nghệ hôm nay, khi con người thay vì để mình lệ thuộc vào Chúa là khởi nguyên và cùng đích cuộc đời, lại để mình bị lệ thuộc quá nhiều vào những tiện nghi hưởng thụ, các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, của cải vật chất… là nguyên nhân gây ra biết bao cảnh chết chóc, bạo lực, và các tệ nạn trên thế giới này.
Sống trong thời đại ấy, tôi cũng đứng trước những nguy cơ đánh mất cảm thức về sự lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Thay vì bằng lòng với những gì được trao ban, tôi lại đòi hỏi phải có cái này cái kia. Thay vì từ bỏ ý riêng, sống kỷ luật chung của Hội dòng, tôi tìm đủ mọi lý do để cố tìm thỏa mãn và thoải mái cho mình. Thay vì cố gắng nên giống Đấng Chịu Đóng Đinh, tôi lại cố trở nên như tôi muốn. Hay thay vì đến nơi Chúa muốn, làm việc Chúa trao, tôi lại ưa nơi tôi muốn và làm điều tôi thích. Thay vì chọn Chúa, tôi lại chọn công việc của Chúa hơn… Trước những mối nguy ấy, Người đã dùng Dụ ngôn hạt cải nhỏ bé kia để đánh động tôi, giúp tôi xác định lại căn tính Mến Thánh Giá và hướng đi cho mình trong thời đại hôm nay.
Để đi tới cùng sự lệ thuộc ấy, chắc chắn không phải chỉ dừng lại ở những suy tư, nhưng là sống những điều đã xác tín hàng ngày. Việc của tôi là dùng tất cả tài năng và trí khôn hữu hạn của mình để cố gắng đi tới. Việc còn lại là.. của Chúa.
PS