Quay sự tôn trọng hướng vào trong

Quay sự tôn trọng hướng vào trong

QUAY SỰ TÔN TRỌNG HƯỚNG VÀO TRONG

“Tất cả mọi người đều tìm kiếm sự tôn trọng từ những người khác bởi vì lý do đơn giản không một ai biết cách tự tôn trọng chính mình.”

Tôi dành nhiều sự tôn trọng cho tính người của mỗi người. Với tính người ấy thì tất cả đều bình đẳng như nhau từ vị vua cho tới kẻ ăn mày, từ tổng thống cho tới tên tội phạm, từ cô gái điếm cho đến người tu hành… Tất cả đều mang một bản tính người như nhau và tôi tôn trọng cũng như yêu quý tất cả.

Nhưng bắt tôi phải tôn trọng một người chỉ vì nghề nghiệp, chức danh của người đó thì tôi không làm được. Bắt tôi phải yêu quý một ông tướng hơn anh lính, tôi không làm được. Bắt tôi phải tôn kính một người vì anh ta làm nghề xã hội ưa thích như giáo viên, bác sĩ, học sĩ… tôi không làm được. Bắt tôi phải kính sợ người nào đó vì họ uy quyền, tôi không làm được. Lý do là vì tôi tôn trọng tính người chứ không phải tính nghề.

Thế giới này bắt người ta phải tôn trọng tính-nghề nhiều hơn tính-người và nó làm cho giá trị cuộc sống bị đảo lộn.

Tôn trọng là một từ rất mang tính bản ngã, tôi cho là như vậy. Tôn trọng ai đó là cho rằng người đó rất quan trọng, muốn ai đó tôn trọng mình là có ý rằng bản thân mình rất cao quý, rất đáng khen… Tôn trọng là nhu cầu sâu sắc của con người, nhu cầu đỉnh cao.

Tất cả mọi người dù chạy theo hướng nào thì mục tiêu sau cùng cũng là làm mọi thứ để bản thân mình được nhiều người tôn trọng nhiều nhất có thể.

Và sự tôn trọng: cái sợi xích bản ngã tinh vi ấy nhốt tất cả chúng ta vào trong một nhà tù vô hình, chúng ta tưởng mình tự do nhưng thứ tự do đó chỉ là giả tạo.

Sự tôn trọng là thứ công cụ vô hình khiến mọi người phân cấp bậc cho mọi người khác và vì vậy mà mọi người cứ liên tục đánh giá phán xét lẫn nhau.

Chúng ta là bình đẳng vì chúng ta cùng mang tính người như nhau và nếu sự tôn trọng được dành cho mọi người như nhau thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Xã hội chúng ta đang sống đề cao một người vì giá trị của người đó đối với xã hội, không phải vì giá trị đích thực của người đó. Giống như việc bạn xem trọng người đối xử tốt với bạn, bất kể anh ta đối xử với người khác ra sao. Giống như việc bạn rất tôn trọng những người nổi tiếng, xinh đẹp, giàu có hay quyền lực bất kể họ chẳng liên quan gì tới cuộc đời bạn. Thật là ngớ ngẩn. Bạn dễ dàng tôn trọng những người không liên quan tới cuộc đời bạn nhưng những người ngay bên cạnh thì bạn lại lãng quên dễ dàng.

Nếu cuộc sống này cũng như bạn hẳn nó sẽ ưu tiên cho hoa hồng mà làm lơ tất cả mọi loài hoa dại khác. Nếu cuộc sống này cũng như bạn hẳn nó sẽ chỉ để cho cổ thụ mọc lên còn tất cả cỏ dưới chân sẽ bị thiêu rụi. Nhưng này, nếu không có hoa dại thì làm sao người ta thấy được cái đẹp của hoa hồng; nếu không có cỏ non dưới đất thì làm sao cổ thụ có thể vươn lên cao? Cỏ tạo ra dưỡng chất, cỏ làm thức ăn cho động vật, động vật ăn cỏ và sống sót, động vật ăn thịt ăn động vật ăn cỏ và sống sót, tất cả động vật thải ra dưỡng chất và cả chính chúng bị phân hủy làm cho đất màu mỡ mà từ đó cổ thụ mới có thể bắt rễ mà vươn cao được. Không có cỏ làm sao cổ thụ có thể tồn tại?

Nhưng tất cả những gì xã hội này đang làm là chỉ nhìn vào cổ thụ, nó to thế, mát thế, cho nhiều gỗ thế – thế thì nó đáng được tôn trọng hơn đám cỏ vô dụng kia – đấy là cách nghĩ của xã hội và nếu bạn là một nạn nhân trong xã hội thì đấy cũng là cách nghĩ của bạn. Bạn cho rằng tổng thống Mỹ thì đáng tôn trọng hơn người đi thu dọn rác giúp nhà bạn sạch sẽ mỗi ngày; bạn nghĩ một cô người mẫu xinh đẹp thì đáng tôn trọng hơn một cô giúp việc đang lau chùi căn nhà của bạn; bạn nghĩ một ai đấy làm bác sĩ trong bệnh viện thì đáng tôn trọng hơn một người hàng xóm đang thu đồ giúp bạn khi trời mưa… Đấy là cách bạn luôn đánh giá thế giới, bạn tôn trọng cổ thụ, bạn xem thường cỏ.

Chẳng biết vì một lý do nào đấy mà tôi luôn khác biệt với số đông ngay từ khi còn rất nhỏ. Tôi không nhớ nổi tên của các giáo viên từng dạy mình, nếu người đó không đi sâu được vào tâm hồn tôi. Tôi cũng chẳng mấy khi hứng thú việc đi thăm hỏi họ trong các dịp lễ và cũng không cho rằng ngành nhà giáo hiện tại thì “đáng tôn kính” hơn các ngành khác… Tôi “phải” tôn kính giáo viên vì họ dạy mình ư? Tại sao? Họ dạy tôi là công việc họ được nhận lương để làm, họ không dạy tôi vì yêu thương tôi, họ chưa từng nghĩ đến việc họ làm điều đó vì họ muốn, họ làm nó vì nghĩa vụ. Và kiểu giáo viên nào mới có mong muốn người khác phải biết ơn mình? Tôi không tôn trọng những giáo viên có cái ý nghĩ rằng người khác phải tôn trọng họ, kính mến họ chỉ vì họ là giáo viên. Tất nhiên có rất nhiều người giáo viên tốt, tận tâm và yêu nghề, tôi tôn trọng những giáo viên đó rất nhiều vì họ làm mọi việc vì cái tâm, không phải vì muốn được người khác ghi ơn hay đáp lễ. Tôi tôn trọng mọi giáo viên cũng hệt cách tôi tôn trọng chị lao công dọn rác hay bác bảo vệ giữ xe hay bất cứ người nào tôi gặp. Tôi không thô lỗ hay bất kính với họ nhưng kêu tôi phải thể hiện sự biết ơn và tôn trọng họ chỉ vì họ là giáo viên ư? Tôi không làm được. Tôi cảm ơn họ nhưng không phải biết ơn.

Và theo cách nào đó tôi lại rất thân với những người bị xã hội ít tôn trọng nhất, những người làm những công việc bị cho là tầm thường. Tôi thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi những người giữ xe, lao công, giúp việc, người từng bị án tù. Tôi nhiệt thành cảm ơn khi ai đó dắt xe giúp tôi, thu rác cho nhà tôi bằng một sự trân quý tôi chưa từng dành cho bất cứ giáo viên nào… Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy yêu mến họ thế, có lẽ vì tôi thích cỏ. Cỏ thật êm đềm và khiêm nhường.

Tôi tôn trọng tất cả những ai làm những việc tốt đẹp mà không màng được người khác tôn trọng và tôi không tôn trọng những ai làm mọi thứ chỉ để bắt người khác phải tôn trọng mình.

Thế giới này được lập trình để tất cả mọi người chỉ nhìn lên cổ thụ và tìm cách trở thành cổ thụ, thế giới này quên béng những bụi cỏ lùm dưới chân.

Người ta mệt mỏi phần nhiều là vì cố trèo lên cao để chinh phục cổ thụ, không mấy ai nghĩ đến việc nằm dài trên bãi cỏ mà nghỉ ngơi, thư giãn.

Có một bí mật lớn cho những người tìm sự tự do đích thực đó là nếu họ có thể buông nhu cầu được mọi người tôn trọng thì họ sẽ trở nên tự do rất rất nhiều.

Vì vậy, thay vì làm mọi cách để người khác tôn trọng mình, hãy chuyển hướng, hãy làm mọi cách để tự mình tôn trọng mình nhiều hơn.

Và một khi bạn tôn trọng bản thân đủ nhiều thì việc thế giới ngoài kia có tôn trọng bạn hay không cũng không còn quá quan trọng nữa.

Có hai loại tôn trọng: tôn trọng của thế giới bên ngoài làm mạnh bản ngã của bạn. Tôn trọng của thế giới bên trong, tức thế giới tâm linh thì giết chết bản ngã của bạn, nhưng làm mạnh ý thức và trái tim của bạn. Lý do đơn giản thôi, khi bạn tôn trọng bản thân một cách vô điều kiện thì bạn cũng nhận ra tất cả mọi người xung quanh cũng đều đáng được tôn trọng, một cách vô điều kiện hệt như bạn. Bạn nhận ra mình chẳng là ai cả để mà phán xét ai, thay vào đó bạn học được cách trở nên là một với mọi người, bạn hành xử với mọi người theo đúng cách bạn đối xử với bản thân bạn. Cái này bạn phải thực hành thì mới có thể hiểu được rõ hơn.

Có một nhân vật mà tôi tôn trọng hơn tất cả mọi nhân vật tôi từng đọc qua: Giáo sư Severus Snape trong tiểu thuyết Harry Potter – Ông ấy làm tất cả mọi việc vì tình yêu vĩ đại ông dành cho Lily – không cần được ai biết đến, không cần được thấu hiểu, không cần được sẻ chia – lẳng lặng làm mọi việc cần làm dù cho bị cả thế giới hiểu lầm, xem thường và phỉ nhổ. Tôi yêu ông ấy hơn cả người tôi yêu mến nhất là Dumbledore. Snape là kiểu người đáng tôn trọng nhất vì ông ấy không màng đến việc cần được người khác tôn trọng một chút nào.

Tôi ước ao chúng ta có thể sống trong một thế giới nơi mà sự tôn trọng mọi người dành cho nhau được đặt trên nền tảng của tình yêu, sự công bằng và hồn nhiên không tính toán – chứ không phải một thế giới như hiện tại nơi mà sự tôn trọng được đặt trên nền tảng của áp đặt, của phán xét, của vật chất, của hơn thua nhau và tính toán với nhau rất nhiều.

Tất cả mọi người đều tìm kiếm sự tôn trọng từ bên ngoài, từ những người khác bởi vì lý do đơn giản không một ai biết cách tự tôn trọng chính mình.

Nguồn: MTG Tân Lập

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)