Tỏa sáng ngọc quý Nước Trời – Những bước thăng trầm Giáo hội Việt Nam 60 năm

Tỏa sáng ngọc quý Nước Trời – Những bước thăng trầm Giáo hội Việt Nam 60 năm

TỎA SÁNG NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI
NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM
GIÁO HỘI VIỆT NAM 60 NĂM

 

I. NƯỚC TRỜI GIÁO HỘI LÀ NGỌC QUÝ

1. Một biểu tượng Kinh Thánh và lịch sử

Hội thánh Việt Nam mừng 60 năm thành lập hàng Giáo phẩm (1960-2020), cũng được gọi là mừng ngọc khánh, mừng lễ ngọc. Xin triển khai đề tài “Ngọc quý Nước Trời”, một biểu tượng có nền tảng Kinh Thánh, đồng thời hàm chứa nhiều nội dung tương hợp và phong phú.

Trước tiên, ta thấy ngôn sứ Isaia đã nói về Dân Chúa, là Giêrusalem mới bằng biểu tượng: “Ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa” (Is 62,3). Sách Tobia ca tụng thánh điện Giêrusalem vững bền nhờ các loại ngọc quý: “Thành thánh Giêrusalem, sẽ làm bằng ngọc xanh ngọc biếc, mọi bức tường, toàn đá quý xây lên, đường phố sẽ lát đá Ô-phia và hồng ngọc” (Tb 13,17). Trong Tin mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh ngọc để nói về Nước Trời: “Nước Trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 45).

Đó cũng là biểu tượng thừa sai Đắc Lộ sử dụng trong lần hội ngộ đầu tiên với dân Việt Nam tại Kẻ Bạng (Thanh Hóa) ngày 19.03.1627. Cha giới thiệu về loại hạt trai quý mà không đắt, người nghèo nhất cũng có thể mua, miễn là có ý ngay lành. “Hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Đó là ‘đạo thật’ có giá trị hơn hết các hàng hóa, có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu”.1

Bước thăng trầm của trân châu bảo ngọc bao gồm hai giai đoạn quan trọng: giai đoạn hình thành và giai đoạn chế tác. Cả hai giai đoạn có một điểm chung là hàm chứa nhiều gian nan và thử thách2.

Trước tiên, viên ngọc được kết tinh, phải trải qua một quá trình lâu dài và gian khổ.

Ngọc dưới nước: khởi từ những dị vật như hạt cát, hạt sạn, vô tình lọt vào động vật nhuyễn thể (thân mềm) như hàu, ngao, sò hoặc trai. Con vật tự phòng vệ tiết ra chất xà cừ để bao phủ cái “dằm” đó lại, lâu ngày các lớp xà cừ đó tạo thành ngọc trai. Như thế, ngọc trai hình thành từ những vết thương lòng qua thời gian dài, hằn khứa vào máu thịt của những con trai ngọc. Ngày xưa người ta phải mò cả tấn con trai, mới tìm được một viên ngọc đẹp.

Ngọc trong lòng đất, mới đầu chỉ là một mẫu than đá hoặc phún thạch, trải qua hàng thế kỷ, có khi cả vạn năm. Cộng thêm nhiều điều kiện hoàn cảnh bên ngoài kích thích, xúc tác, chèn ép, nung đốt, dồn nén… mới trở thành ngọc. Ngọc thiên nhiên có trên 3.000 loại, trong đó hơn 100 loại được gia công và kinh doanh… thông dụng nhất là kim cương (diamond), hồng ngọc (ruby), ngọc bích (sapphire), và lục bảo ngọc (emerald)…3.

Ngọc thường dùng làm vật trang sức (nhẫn ngọc, ấn ngọc, chuỗi ngọc, mũ ngọc, áo ngọc…). Nhưng theo đông y, ngọc còn có tác dụng phối hợp chữa trị bệnh tật như: giải độc, chữa xuất huyết, sốt rét, ngọc có thể giúp bổ mắt và tâm can tỳ phế. Ngọc góp phần tăng vẻ đẹp giới tính và kéo dài tuổi xuân. Một viên ngọc thực sự quý không chỉ ở trọng lượng hay độ lớn (số carat) mà ở độ hiếm, độ bền, màu sắc óng ánh, sự trong suốt, không bị rạn nứt hoặc tỳ vết …

Nhưng ngọc chỉ thực sự giá trị và sáng ngời nhờ các nghệ nhân mài dũa, điêu khắc và chế tác … Như người xưa thường nói: “Ngọc bất trác bất thành khí”, nghĩa là:

“Ngọc kia không dũa, không mài,
Cũng là vô dụng, cũng hoài ngọc đi…”

Tương ứng, lịch sử Giáo hội Việt Nam cũng đã trải qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn hình thành kéo dài trên 400 năm, tính từ giáo sĩ đầu tiên được nói đến trong Khâm Định Việt Sử4, năm 1533 đến năm 1960. Và giai đoạn dũa mài là chủ đề chính của bài này, với những thăng trầm trong 60 năm vừa qua.

Với niềm tin, người tín hữu xác tín: Thiên Chúa mới là tác nhân chính trong việc kết tinh và chế tác ngọc quý Giáo hội. Chính Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử và “làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến…” (Rm 8, 26). Theo ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa chính là thợ gốm, còn con người là sành là sứ, vốn từ đất sét, được bàn tay Thiên Chúa nhào nặn mà thành (Is 45,9).

Trước khi trình bày về Giáo hội thời hiện nay, xin ôn lại đôi nét về quá trình 400 năm kết tinh và hình thành.

2. Ngọc Giáo hội Việt Nam: 400 năm kết tinh

Trong buổi triều yết Đức Phanxicô ngày 5.3.2018, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tịch HĐGMVN đã tóm lược đôi nét quá khứ Giáo hội Việt Nam như sau:

“Các vị thừa sai Âu Châu đã đem Tin Mừng đến Việt Nam từ thế kỷ XVI. Mãi đến hơn ba thế kỷ sau đó, các thế lực thực dân mới xâm lăng Việt Nam, nhưng chính quyền dân sự thời bấy giờ đã chắp ghép truyền giáo với thực dân và tố cáo người công giáo làm tay sai cho các thế lực nước ngoài. Hậu quả là suốt gần hai trăm năm liên tiếp, Kitô hữu Việt Nam đã không ngừng bị bách hại… Người công giáo luôn là nạn nhân của phân biệt, kỳ thị và ngược đãi”.

… “Nhưng chúng con rất vui mừng và cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã biến tất cả những khó khăn thử thách đó thành những kho tàng quý giá: hàng trăm ngàn Kitô hữu đã được phúc tử đạo. Trong số đó, 117 vị đã được Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn hiển thánh ngày 19-06-1988. Biến cố đó đã trở thành một trong những kỷ niệm đẹp nhất và là niềm kiêu hãnh đậm nét nhất trong lịch sử cận đại của Giáo hội chúng con. Trong năm 2018 này chúng con long trọng cử hành (kỷ niệm) ngày hồng phúc ấy một cách cụ thể trong mọi sinh hoạt và ở mọi cấp cộng đoàn”.

Như thế với cái nhìn đức tin, tín hữu Việt Nam không đọc lại lịch sử quá khứ để kết án bất cứ ai hay than thân trách phận, trái lại còn coi đó là lý do để vui mừng và tạ ơn Chúa, như lời thánh Giacôbê từng nhắn nhủ: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì… Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,2-4.12).

Thánh Phêrô thì xác định: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1Pr 1, 6-7).

Đó là số phận chung người môn đệ Đức Giêsu như chính Ngài đã báo trước: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 19-21).

Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô tông đồ chia sẻ trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Chúng ta rao giảng một Đức Giêsu bị đóng đinh” (1Cr 1, 23), cũng là chủ đề thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II tái khẳng định trong bài giảng lễ tuyên thánh 117 tử đạo Việt Nam:

“Giáo hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo hội Âu Châu xưa. Từng ngàn giáo dân tử đạo, hàng trăm ngàn người đã chết lưu lạc trên núi cao hay trong rừng sâu nước độc!”…

“Nhưng các thánh tử đạo đã đóng vai trò người gặt lúa trong thánh vịnh 126: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5, 6).

Quả thế bóng dáng cây thập giá đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI với hai chứng nhân đầu tiên Luis Da Fonseca và Grégoire de la Motte (1588, 1589). Sang thế kỷ sau tại Roma cha Đắc Lộ trình bày về tín hữu Việt Nam đã có chân phước Anrê Phú Yên (1644) và sáu vị tử đạo khác5.

Danh sách ấy kéo dài thêm mãi. Trong số 117 vị đã được tuyên hiển thánh có 2 vị thời chúa Trịnh Doanh (1744); 2 vị thời chúa Trịnh Sâm (1773); 2 vị thời vua Cảnh Thịnh (1789); 58 vị thời vua Minh Mạng; 3 vị thời vua Thiệu Trị và 50 vị thời vua Tự Đức.

Rồi những cuộc sát hại tập thể vào những năm 1861-1862, như: 100 đầu mục bị chôn sống ở cổng Tả Bắc Ninh; 400 tín hữu bị thiêu sống tại Biên Hoà, 444 tín hữu bị thiêu cháy thuộc bốn trại “Thôm, Thành, Đất Đỏ và Phước Dinh Hội”, nay thuộc giáo phận Bà Rịa; 28 tín hữu bị chém tại Ba Giồng, Mỹ Tho. Và đông đảo tín hữu bị tổng đốc Nguyễn Đình Tân thảm sát tại Nam Định: 131 người bị chém, 224 người bị trầm hà và 240 người bị chết đói (cấm cốc)6.

Kế tiếp là phong trào Văn Thân và Cần Vương. Các sĩ phu phản đối triều đình nhượng đất cho Pháp. Nhưng trong khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, phong trào thực hiện mạnh mẽ vế thứ hai khiến nhiều làng Công giáo từ Bình Định trở ra bị tàn phá, với số nạn nhân lên đến 60.000. Lẽ ra trong cảnh nước mất nhà tan, các sĩ phu phải tìm cách nối kết mọi thành phần dân tộc, họ lại tạo nên sự kỳ thị chia rẽ, khiến cho mục đích chính lại càng bị đẩy ra xa hơn. Giáo hội Việt Nam hiện còn trên 2.000 đấng đáng kính đã hoàn tất hồ sơ tử đạo.

Nhân dịp năm thánh 2010, chúng tôi đã có bài giới thiệu về bảy giai đoạn “Thời Bảo Trợ và tông tòa” trong tập “Bối cảnh lịch sử Giáo hội Việt Nam và lịch sử Hàng Giáo Phẩm” do Ủy ban Văn hóa Đức tin HĐGMVN phổ biến7.

II. KHÁM PHÁ NGỌC QUÁ KHỨ GIÁO HỘI VIỆT NAM

Có những ngọc quý ẩn sâu trong đá, phải đập vỡ đá mới thấy ngọc. Như chuyện ông Biện Hòa thời Xuân Thu dâng ngọc trong đá, bị các vua nước Sở nghi ngờ chặt hai chân rồi mới được công nhận8. Giáo hội cũng vậy, để khám phá ánh sáng của ngọc, cần gạn đục khơi trong, gỡ bỏ lớp vỏ bọc đá cứng và bụi bặm bên ngoài. Ngọc thực sự kết tinh nơi những thái độ hành vi có giá trị Tin mừng. Chính Tin mừng tạo nên chất ngọc của cộng đoàn kitô hữu qua mọi thời.

Dĩ nhiên, không ai quá ngây ngô đến ảo tưởng rằng quá khứ lịch sử Giáo hội Việt Nam chỉ toàn những ánh hào quang. Chúa Giêsu đã từng báo trước: trong cánh đồng Nước Trời vẫn luôn có cỏ lùng bên lúa tốt, và trong lưới cá luôn có cá xấu lẫn với cá tốt. Như lời Đức thánh cha Bênêđictô XVI viết trong Tự sắc khai mạc năm đức tin: “Trong lịch sử đức tin, luôn có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi…”9.

Sống giữa thế gian đầy cám dỗ, cạm bẫy và thử thách, nhiều tín hữu cũng a dua theo đời; cũng có lúc ích kỷ cầu an. Nhiều tín hữu thất bại trong hôn nhân gia đình. Không thiếu những Giuđa, phản thầy phản bạn, trao nộp bạn bè và người thân cho quan lính để kiếm tiền thưởng. Trước những đe doạ của gông cùm, xiềng xích, ngục tù và cái chết, không thiếu những người, có cả các linh mục, vì ham

sống sợ chết mà đang tâm chối bỏ đức tin. Ngay trong danh sách 117 hiển thánh cũng có các vị từng đạp lên thập giá.

Trong bài viết này, ngoài các vị tiền bối trong đức tin, xin ghi nhận hai nội dung đặc biệt, không phải để đánh bóng tô hồng, nhưng để rút ra bài học cho tín hữu ngày hôm nay, đó là mẫu gương bác ái tập thể, và những đóng góp về văn hóa xã hội …

1. Những vị tiền bối trong đức tin

Không hề nghi ngờ viên ngọc quá khứ Giáo hội Việt Nam sáng ngời nhất trong mẫu gương can đảm, sự kiên trung của các tín hữu, đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin, thắng vượt mọi thử thách đau thương và cả cái chết. Bên các hiển thánh và chân phước, còn có nhiều chứng nhân vô danh. Ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô II đã suy tôn lên bàn thờ 117 hiển thánh Tử Đạo tại Việt Nam, cũng là cơ hội để tín hữu Việt Nam “tiếp nối đức tin của Tổ tiên và truyền sang nhiều thế hệ tương lai”10.

Năm 2018 Hội đồng Giám mục đã tổ chức kỷ niệm 30 năm biến cố tuyên thánh, cổ võ học hỏi, hành hương và phổ biến tập “Hạnh các thánh tử đạo Việt Nam”11. Danh sách các chứng nhân được bổ sung thêm chân phước thầy giảng Anrê Phú Yên (suy tôn 5.3.2000 tại Roma), hai chân phước linh mục Gioan Malot, MEP, tử đạo tại xứ Vĩnh Hội, Hà Tĩnh và Giuse Lương Thạo Tiến, thuộc linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa (suy tôn 21.12.2016 tại Lào).

Xác tín Hội thánh Việt Nam được trưởng thành nhờ dòng máu hào hùng của các chứng nhân đức tin, Tòa thánh đã sắp xếp lễ “Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo” vào đúng ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam năm 1960, ngày 24.11 hằng năm. Hội thánh Việt Nam mừng trọng thể, còn với Hội thánh khắp nơi, đây là lễ nhớ buộc.

Từ ngày ấy, nhiều thánh đường và đền kính các thánh tử đạo đã được khánh thành tại quê hương, tại nơi các vị đã sinh sống, hay tại nơi các vị làm chứng cho đức tin…, ngày càng thu hút nhiều khách hành hương, đặc biệt trong ngày kính các ngài.

Đó cũng là một trong những ưu tiên mục vụ của các vị mục tử.Nhiều giáo phận đã tổ chức những năm thánh kỷ niệm năm sinh hoặc tử đạo của vị thánh. Đặc biệt, đa số các buổi lễ kính được tổ chức theo nghi thức truyền thống dân tộc, với kiệu rồng, áo thụng, chiêng trống, bài vị và văn tế.

 

Tâm thức tín hữu Việt Nam hiện nay, đã dành một vị trí đặc biệt để yêu mến và tôn kính các thánh tử đạo tại Việt Nam. Danh sách 120 vị tiền bối đức tin được suy tôn trên bàn thờ là niềm tự hào chính đáng của hội thánh và của chúng ta, những đồng hương của các thánh, đồng thời cũng là lời kêu mời chúng ta, phải sống sao cho xứng đáng với tổ tiên mình, qua đời sống chứng nhân đức tin mỗi ngày.

Trong thư chung 2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu mời: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái” (x.Ga 12,23-25). Và nhắc lại lời nhắn nhủ của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lễ tuyên thánh tại Rôma, ngày 19-6-1988:

“Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”12.

2. Sống Tin mừng bác ái yêu thương

Ngay từ thời cha Đắc Lộ, đã thấy có những giáo dân tốt lành chăm sóc các bệnh nhân: “Với thánh giá Chúa, với nước phép họ đã thông thường chữa các thứ bệnh tật… Họ đến thăm viếng bệnh nhân, đọc kinh và cho bệnh nhân uống vài giọt nước phép. Không đầy năm ngày đã chữa khỏi hai trăm bảy mươi hai người. Tiếng đồn khắp nước…”13.

Tại Phú Yên, có công chúa Mađalêna Ngọc Liên con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đã làm nhiều việc thiện. “Bà còn sáng lập một bệnh viện để săn sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị (bệnh nan y)14.

Ở làng Van Nô có ông bà Giuse Lina “chuyên làm các việc bác ái… có một nhà thương cho người nghèo, trong đó hai ông bà thi thố các việc bác ái rất đáng khen. Không xa nhà thờ chúng tôi, có một bệnh xá cho một số người cùi15.

Theo lời cha Đắc Lộ, các tín hữu thay thế việc đốt vàng mã, đã gửi quà cho cha mẹ bằng cách “rộng rãi phát áo cho kẻ cùng khổ… Đến nỗi một kẻ nghèo khoe nhận được trong một năm, 28 cái áo chia sẻ cho người nghèo này… “16.

Cách sống của các tín hữu phản ảnh qua lời nhận định của người đương thời. Cha Gaspar d’Amaral, trong báo cáo gửi từ Thăng Long về Macao ngày 31-12-1632, đã ghi nhận, vì không biết đạo danh xưng mới: “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”17.

Công đồng Ayuthia 1664, trong tập “Chỉ dẫn các thừa sai”, khuyên các vị “thành lập hội những người bảo trợ trẻ mồ côi và người goá bụa, có đạo hay ngoại đạo”… “Phải chăm sóc cách riêng những người bệnh, đến đầu giường những người hấp hối, và chôn cất tín hữu đã qua đời…”18

Về sau, qua hạnh tích các thánh Tử đạo chúng ta còn thấy nhiều mẫu gương bác ái yêu thương19:

Với người “có đồng ăn đồng để” như y sĩ Phan Đắc Hoà, ông rộng rãi giúp người nghèo khổ, gặp bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ, thì “công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”, và ông trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ông là Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại một lý trưởng đòi sưu cao thuế nặng. Ông Năm Thuông (Thông) là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Ông Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại phong cùi và sẵn sàng chăm sóc người mắc bệnh dịch tại nhà mình.

Với ông Cai Tả, thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”. Với ông Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì ông nói: “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.

Với quan Hồ Đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tổ tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành, một xin đi tu một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.

Đặc biệt, các tín hữu thời tử đạo còn để lại hai mẫu gương bác ái mang tính tập thể:

Mẫu gương thứ nhất thể hiện trong các mùa dịch: các tín hữu có mặt bên giường những bệnh nhân, chăm sóc và đưa họ đi nhà thương. Đó là giai đoạn các linh mục đi lại tự do. Trong mùa dịch toàn quốc năm 1850-1851, ngay tại kinh đô Phú Xuân, người ta được chứng kiến những nghi lễ an táng trọng thể, đi đầu là thánh giá nến cao, tiếp đến hai hàng tín hữu, rồi linh mục với phẩm phục khăn choàng, họ vừa đi vừa hát vang lên bài thánh ca tiễn biệt.

Mẫu gương thứ hai là phong trào Thánh Nhi20. Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước và các bà đỡ, tìm mọi cách cứu giúp và rửa tội cho trẻ em bệnh nặng chết yểu. Họ thăm nom, săn sóc nuôi nấng, thuốc men và tổ chức an táng. Nếu các em sống sót, họ dạy giáo lý và nghề nghiệp cho đến khi tự lập được. Nhiều gia đình rất quảng đại nhận trẻ mồ côi làm con nuôi. Giáo phận Đàng Trong năm 1843 rửa tội 8.273 em21. Giáo phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) năm 1855 rửa tội được 35.349 em22.

Phong trào thánh nhi được duy trì lâu dài. Năm 1912, công đồng Kẻ Sở đã ghi nhận: “Trong các địa phận miền Bắc Kì này, nhờ ơn họ Tiểu nhi, là thật mẹ rất nhân lành cứu giúp các trẻ con nhà ngoại đạo, thì hằng năm gặt được ở đất kẻ ngoại đạo một bó hơn bảy vạn linh hồn, để thu vào kho tàng trên thiên đàng”23.

Truyền thống bái ái trên còn được phát huy qua các cơ sở bác ái từ thiện và nhà thương như: các trại phong Văn Môn (1900), Quả Cảm (1913), Di Linh (1927), Quy Hòa (1929), Bến Sắn (1959)24; các bệnh viện Saint Paul Hà Nội (1923), Saint Paul Sài Gòn (1936); trường câm điếc Lái Thiêu (khiếm thính Thuận An, 1880); các nhà tế bần, dưỡng lão. Các cô nhi viện còn được gọi là nhà thiên thần, hay viện Dục Anh. Một cơ sở Giáo hội vẫn đang phụ trách là cô nhi viện thánh An ở giáo phận Bùi Chu (1852).

3. Lưu truyền chữ quốc ngữ và phát triển văn hóa

Chữ quốc ngữ dựa trên mẫu tự Latinh được chính thức sử dụng tại nước ta từ năm 1919 thời vua Khải Định. Các sĩ phu như Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, dù xuất thân nho học đã cổ võ vì sự tiện lợi của nó. Nhưng trong thực tế, chữ quốc ngữ trải qua một quá trình nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các kitô hữu.

Nếu nhân vật đầu tiên ký âm tiếng Việt năm 1618 là thừa sai Francisco de Pina ở vùng Nước Mặn Quy Nhơn, thì sau đó ta thấy công lao của nhiều thừa sai khác. Tại Macao, cha Gaspar Amaral hoàn tất từ điển Việt-Bồ, cha Antonio Barbosa soạn từ điển Bồ-Việt,là hai tác phẩm được cha Đắc Lộ sử dụng khi biên soạn và cho in tại Roma năm 1651 từ điển Việt-Bồ-La, với ký âm đủ 5 dấu. Khoảng năm 1684, cha chính giáo phận Đàng Trong là Pierre Langlois biên soạn từ điển Pháp-Việt 1500 từ.

Cũng phải ghi nhận sự đóng góp của một số người Việt thời này như nho sĩ Phêrô, các thày giảng Ignatio Liêm Công, Raphael Rhodes và Anrê Phú Yên. Tại Rôma hiện còn lưu giữ các lá thư chữ quốc ngữ của Igessio Văn Tín (1659) và tập Lịch sử nước Annam của Bento Thiện,25 và nhiều tác phẩm của linh mục Philipphê Bỉnh SJ26.

Suốt giai đoạn triều đình thượng tôn nho giáo, địa chỉ giúp cho chữ quốc ngữ được bảo vệ và lưu truyền là các cộng đoàn kitô hữu. Họ dùng sách kinh, sách suy niệm, hay sách truyện các thánh bằng chữ quốc ngữ. Ngoài ra đa số các từ điển chữ quốc ngữ do các nhân vật công giáo biên soạn:

Năm 1773, đức cha Bá Đa Lộc biên soạn từ điển La Việt và Việt La, sẽ được đức cha Taberd Từ và thánh Phan Văn Minh bổ sung, hoàn thành và phổ biến bộ “Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị” (tiếng Việt in bằng chữ quốc ngữ và chữ Nôm) in lần đầu năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ.

Kế đó là các bộ từ điển: Dictionnaire élémentaire Annamite- Français của cha Jean Génibrel Trường, in 1868; Tự vị Annam – PhaLanSa của Đức cha Caspar Lộc, in 1877; Dictionarium Annamiticum – Latinum của Đức cha Theurel Chiêu, in 1877; Dictionarium Latino – Annamiticum của linh mục Ravier Khánh, 1880.

Về phía người Việt: học giả Petrus Trương Vĩnh Ký soạn từ điển Petit dictionnaire Français-Annamite, in 1884; và ông Paulus Huình Tịnh xuất bản Đại Nam quấc âm tự vị (từ điển Việt – Việt đầu tiên), in 1895. Hai vị là giám đốc và chủ bút Gia Định Báo từ năm 1869.

Hai học trò của Petrus Ký là Gioan B. Nguyễn Trọng Quản xuất bản tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên Truyện Thầy Lazaro Phiền (in 1887); và Trương Minh Ký với tuồng hát bội đầu tiên Joseph tuồng (ấn bản 1888).

Giữa thế kỷ XIX, xuất hiện các nhà in công giáo như Tân Định, Phú Nhai, Ninh Phú đường, Làng Sông, Thánh Gia, Thiện Bản… phổ biến sách kinh, giáo lý, tu đức, phụng vụ, Kinh Thánh, các loại tự điển và sách giáo khoa.

Năm 1912, công đồng Kẻ Sở cổ võ việc in ấn tài liệu phổ biến cho các tín hữu “bằng tiếng annam kể tích nọ điều kia trong đạo”. Công đồng cũng cổ võ các họ đạo xây trường, “góp công hiệp lực vuối nhau mà lập ra tràng học riêng”, và nhắc các cha xứ, “lo liệu dựng lập những tràng học mở lòng cho các trẻ em nam nữ…”. Chính vì thế sau này, thường cứ bên nhà thờ là có nhà trường, ít là tiểu học.

Về báo chí, có tuần báo “Nam Kỳ Địa Phận” phát hành liên tục 37 năm từ 1908-1945, phổ biến Đạo lý, Phong hóa, Bá nghệ, Bát học và Văn tín, với tôn chỉ “để cho bà con An Nam thông phần đạo, ngoan phần đời”. Giáo phận Qui Nhơn có tuần báo Lời Thăm (từ 1920). Hà Nội có nhật báo Trung Hòa tồn tại 22 năm (1923-1945). Bùi Chu có Đaminh bán nguyệt san, Phát Diệm có Thánh thể báo (1919), Vinh có Đường Ngay (1936) mỗi tháng hai số, Hải Phòng có Văn Côi và Hy Vọng nguyệt san (1937), Huế có nguyệt san Sacerdos Indosinensis27 (1927-1945) do cố Cadiere Cả phụ trách, và tuần báo Vì Chúa (1936) với ba ngôn ngữ Việt, Hán và Pháp, do cha Nguyễn Văn Thích. Dòng Chúa Cứu thế có Đức Mẹ hằng cứu giúp (1929).

Với giáo hữu, ngoài tờ Công giáo đồng thinh (1927-1930), và tuần báo Công giáo tiến hành (1936-1938), phong trào Thanh Lao Công có báo Công giáo Nam Thanh sau đổi tên là báo Thanh niên (1936-1944)28

Tại các thành phố thì có các trường trung học, góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Nhờ sáng kiến của các giám mục, dòng sư huynh Lasan phụ trách các trường Taberd Saigon (1873), Puginier Hà Nội (1894), Pellerin Huế (1904), Giuse Hải Phòng (1906), Giuse Mỹ Tho (1908), Thomas Nam Định (1924), Lui Phát Diệm (1932), Gagelin Bình Định (1932), Adran Đà Lạt (1941), Kim Phước Kontum (1956), và Bình Lợi Quy Nhơn (1957)…

Theo Niên giám 1964, các hội dòng và các giáo xứ đã phụ trách 145 trường trung học với 62.324 học sinh, 1.122 trường tiểu học với 234.749 học sinh. Về bác ái xã hội, Giáo hội chăm lo 58 cô nhi viện với 6.616 trẻ, 48 bệnh viện với 6.453 giường, 35 viện dưỡng lão với 244 cụ, 8 trại phong với 3.465 người và 159 phòng phát thuốc.29

Cũng nên biết, Giáo hội Việt Nam từng có ba trường đại học, nhằm góp phần đào tạo nhân tài phục vụ đất nước.

Trước tiên là Viện đại học công giáo Đà Lạt, do các giám mục thiết lập và điều hành năm 1958, với một giám mục làm chưởng ấn, có 5 phân khoa: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Thần học và Chính trị Kinh doanh30.

Năm 1970 có thêm hai đại học công giáo tại Sài Gòn. Đó là Đại học Minh Đức do linh mục Bửu Dưỡng sáng lập, có sự cộng tác của các trí thức lương và giáo, hội Minh Trí, với 5 phân khoa: Triết học, Y khoa, Kinh tế thương mại, Khoa học kỹ thuật và Kỹ thuật canh nông. Và Đại học Thành Nhân do các Sư huynh Lasan thành lập và điều hành với khoa Sư phạm Giáo dục, sau thêm ba phân khoa Dầu khí, Thực phẩm, và Nông nghiệp…

Trong Thư Chung hậu đại hội dân Chúa 2010, sau khi nhận định về hiện tình đất nước, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu bổn phận phục vụ quê hương, thực thi bác ái và góp phần vào công tác giáo dục:

“Là công dân trong một đất nước, người công giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương… Như lời đức Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”31.

“Các tín hữu… yêu thương mọi người không trừ một ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ”32.

Cũng trong lá thư trên, Hội đồng Giám mục đã kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị chính quyền mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường “là chìa khóa cho tương lai tươi sáng của đất nước”. Giáo hội công giáo có thể cống hiến cho xã hội triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình, nhằm đào tạo những con người có trách nhiệm với bản thân, với tha nhân và xã hội… Đồng thời, Giáo Hội mong ước các cộng đoàn Kitô hữu, gia đình cũng như các đoàn thể, giáo xứ cũng như các dòng tu, hãy hết sức quan tâm đến giáo dục, hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công Giáo.”33

Hiện nay số các trường dân lập trong nước, từ mầm non, tiểu học, trung học và đại học ngày càng tăng, hy vọng kiến nghị trên sớm có ngày thành hiện thực.

III. GIÁO HỘI VIỆT NAM, 60 NĂM THĂNG TRẦM

Ngày 24.11.1960, Đức thánh cha Gioan XXIII qua sắc chỉ “Venerabilium Nostrorum” (Chư huynh đáng kính) thành lập thêm ba giáo phận mới là Mỹ Tho, Long Xuyên và Đà Lạt. Sắc chỉ được công bố ngày 08.12.1960, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Từ nay chấm dứt giai đoạn Hội thánh thời Tông Tòa, các giám mục đều là giám mục chính tòa.

Hội thánh Việt Nam lúc này có trên 2 triệu tín hữu với 20 giáo phận, thuộc ba Giáo tỉnh, quy tụ quanh ba Tổng giáo phận được cai quản bởi ba vị Tổng Giám mục Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Trải qua 60 năm, bảy giáo phận mới được thành lập gồm: Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc, Phú Cường (1965), Ban Mê Thuột (1967), Phan Thiết (1975), Bà Rịa (2005) và Hà Tĩnh (2018).

Hiện nay hội thánh Việt Nam có 27 giáo phận. Giáo tỉnh Hà Nội có 11 giáo phận: Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa và Vinh. Giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận: Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum, Đà Nẵng và Ban Mê Thuột. Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận: Sài Gòn, Bà Rịa, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Mỹ Tho, Phú Cường, Xuân Lộc và Vĩnh Long.

1. Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hàng giáo phẩm Việt Nam được thành lập năm 1960 trong bối cảnh của Công đồng Vaticanô II, với tinh thần trở về nguồn Tin mừng và canh tân thích ứng với thời đại; cởi mở và đối thoại với mọi nền văn hóa, cùng chung âu lo và hy vọng với mọi người, để dấn thân phục vụ xã hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn34.

Đến năm 2020, Tòa thánh đã bổ nhiệm 123 giám mục Việt Nam (68 vị qua đời, 19 về hưu và 36 vị tại chức), trong đó có sáu hồng y, và sáu giám mục phục vụ tại hải ngoại.

Sáu vị hồng y của hội thánh Việt Nam là: Giuse Trịnh Như Khuê (1976-1978), Giuse Trịnh Văn Căn (1979-1990), Phaolô Phạm Đình Tụng (1994-2009), Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận (2001-2002) từng phục vụ tại giáo triều trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Công lý Hòa bình, Gioan B. Phạm Minh Mẫn (2003-2014), và Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (2015-2018).

Sáu giám mục được bổ nhiệm phục vụ tại hải ngoại là Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt (2003), các giám mục: Đa Minh Mai Thanh Lương (2003-2017), Vinhsơn Nguyễn Mạnh Hiếu (2009) Vinhsơn Nguyễn Văn Long, OFM (2011), Giuse Nguyễn Thế Phương (2016) và Tôma Nguyễn Thái Thành (2017).

Tham dự Công đồng Vatican II, có 17 giám mục từ Việt Nam. Mười giám mục chính tòa là các Đức cha Nguyễn Văn Bình, Ngô Đình Thục, Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Văn Hiền, Trần Văn Thiện, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Khắc Ngữ, Seitz Kim và Piquet Lợi. Bảy giám mục hiệu tòa là Tổng giám mục Urrutia Thi, các Đức cha Lê Hữu Từ, Hoàng Văn Đoàn, Trương Cao Đại, Cooman Hành, Mazé Kim và Jacq Mỹ.

Từ Roma, các vị thấy yêu cầu phải thành lập Hội đồng Giám mục, như trong thư gửi cho các linh mục ngày 08.11.1963: “Tại Rôma, qua sự tiếp xúc với nhiều giới trong Giáo hội, chúng tôi cảm thấy Giáo hội bắt đầu một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên cộng đồng hợp tác. Ngày nay trách nhiệm của giám mục tăng thêm, đòi hỏi sự hợp tác của các giám mục trong một nước với nhau”35.

Như vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức được thành lập từ năm 1964. Mới đầu chỉ có một Chủ tịch: Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, hai Tổng thư ký: Đức cha Seitz Kim, Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ, và một linh mục phụ trách văn phòng thường trực: cha Nguyễn Huy Mai36.

Tổ chức Hội đồng Giám mục ngày càng được hoàn thiện hơn. Năm 1967, Bản nội quy Hội đồng Giám mục soạn đã được Đức Phaolô VI châu phê. Trong phiên họp thường niên năm 1968, Hội đồng đã lập ra Ban thường trực và các Ủy ban với nhiệm kỳ bốn năm 1967-1971, gồm:

Ban Thường trực: Chủ tịch: Tgm. Nguyễn Văn Bình. Phó chủ tịch kiêm Thủ quỹ: Đức cha Phạm Ngọc Chi. Tổng thư ký: Đức cha Nguyễn Ngọc Quang. Với bảy Ủy ban: Phụng vụ Thánh nhạc; Công giáo Tiến hành; Chủng viện và Giáo dục; Dòng tu; Truyền thông Xã hội; Liên lạc Tôn giáo; và Bảo vệ Đức tin. Cùng bốn vị đặc trách: Cơ quan Caritas; Chưởng ấn Viện đại học Đà Lạt; Giám đốc nha Tuyên úy và Giám đốc Trung tâm Công giáo.

Nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, Hội đồng giám mục nhiệm khóa 1971-1974 phân phối các giám mục thành bốn miền, mỗi miền chịu trách nhiệm một Ủy ban với một vị đặc trách và ba ủy viên thuộc ba miền còn lại, đồng thời phụ trách một số đoàn thể giáo dân.

– Miền Duyên Hải gồm các giáo phận Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, chịu trách nhiệm Ủy ban Phát triển.

– Miền Cao Nguyên gồm các giáo phận Đà Lạt, Kontum, Ban Mê Thuột, chịu trách nhiệm Ủy ban Giáo dục.

– Miền Sài Gòn gồm các giáo phận Sài Gòn, Xuân Lộc, Phú Cường, chịu trách nhiệm Ủy ban Phụng vụ và Thông tin.

– Miền Cửu Long gồm các giáo phận Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, chịu trách nhiệm Ủy ban Truyền bá Phúc Âm (Truyền giáo, Công giáo Tiến hành).

Nhiệm khóa 1974-1977. Ban thường vụ được bổ sung thêm hai Đức cha Nguyễn Kim Điền và Lê Văn Ấn. Một số Ủy ban mới được thành lập. Xin ghi danh các vị đặc trách.

– Miền Sài Gòn: Ủy ban Phụng vụ: Đức cha Phạm Văn Thiên. Ủy ban Tu sĩ: Đức cha Jacq Mỹ. Ủy ban Truyền thông Xã hội: Đức cha Nguyễn Văn Bình.

– Miền Duyên Hải: Ủy ban về Phát Triển: Đức cha Nguyễn Văn Thuận, phụ trách Caritas Việt Nam và hội Hợp tác tái thiết (COREV)37.

– Miền Cao Nguyên: Ủy ban Giáo sĩ chủng sinh: Đức cha Nguyễn Huy Mai. Ủy ban Giáo dục (trường học): Đức cha Hoàng Văn Đoàn.

– Miền Cửu Long: Ủy ban Tông đồ giáo dân: Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ. Ủy ban Truyền bá Phúc Âm: Đức cha Nguyễn Văn Thiện.

– Bên cạnh đó là bốn vị đặc nhiệm: Hội thừa sai Việt Nam; Viện Đại học Đà Lạt; Trung tâm Công giáo và Tuyên úy Công giáo.

Việc Tòa thánh thiết lập duy nhất một hàng giáo phẩm Việt Nam nói lên sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam không lệ thuộc vào ranh giới chính trị. Các giáo tỉnh được phân chia theo ranh giới nhân văn (Bắc, Trung, Nam) chứ không theo biên giới chính trị của thời đất nước bị chia đôi lẫn thời Pháp thuộc. Do đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam trước 1975, đã được Tòa thánh châu phê, đầy đủ tính pháp lý để cử đại diện tham gia sinh hoạt của Hội thánh toàn cầu, và đưa ra những quyết định chung38.

Năm 1980, Hội đồng Giám mục bước vào giai đoạn mới, quy tụ tất cả các giám mục toàn quốc, 33 giám mục đã tham dự (vắng 5 vị). Các giám mục xác định tiếp nối truyền thống đã có, và duyệt lại nội quy trong hoàn cảnh mới.

“Chúng tôi thấy rằng, mặc dù sống xa nhau, tâm hồn chúng tôi vẫn là một, và cùng chia sẻ những nỗi âu lo, niềm phấn khởi và nguyện vọng của toàn thể Dân Chúa trên đất nước thân yêu này… Chúng tôi đã duyệt lại Nội quy và đặt lại Cơ cấu của Hội đồng Giám mục Việt Nam” (số 2).

Theo Quy chế 1980, ban Thường vụ Hội đồng Giám mục gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch, một tổng thư ký, với ba vị phó, cộng với ba vị đặc trách: Ủy ban Phụng tự, Ủy ban Linh mục, tu sĩ, chủng sinh; và Ủy ban Giáo dân. Cơ chế này được duy trì đến năm 1998, khi thêm Ủy ban Thánh Nhạc.

Từ năm 2001, Hội đồng Giám mục chỉ còn một phó chủ tịch và một phó tổng thư ký, nhưng có 9 Ủy ban, với năm Ủy ban mới:

Phúc Âm hóa, Giáo lý, Tu sĩ, Văn hóa, và Bác ái Xã hội. Năm 2007, số Ủy ban tăng lên 15 với sáu Ủy ban mới: Kinh thánh, Nghệ thuật thánh, Mục vụ Gia đình, Giới trẻ, Di dân, và Truyền thông Xã hội. Cộng thêm hai Ủy ban Giáo dục (2009) và Công lý Hòa bình (2010). Từ năm 2019 Hội đồng Giám mục ngoài 17 Ủy ban còn có một giám mục đặc trách Đối thoại Liên tôn.

Sát cánh với Hồng y Trịnh Văn Căn, chủ tịch Hội đồng Giám mục từ 1980 đến 1989, là hai Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Kim Điền. Thời Đức cha chủ tịch Nguyễn Minh Nhật từ 1989 đến 1995, có hai phó là Đức cha Nguyễn Văn Sang, Đức cha Nguyễn Huy Mai (1989-1992), và Đức cha Huỳnh Đông Các (1992-1995).

Cộng tác với Hồng y chủ tịch Phạm Đình Tụng (từ 1995 đến 2001), có hai vị phó, Đức cha Huỳnh Văn Nghi và Đức cha Nguyễn Văn Hoà. Trong sáu năm Đức cha chủ tịch Nguyễn Văn Hòa (từ 2001 đến 2007) có Hồng y Phạm Minh Mẫn là phó. Khóa 2007- 2013, chủ tịch Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, phó Đức cha Nguyễn Chí Linh. Khóa 2013-2016, chủ tịch Tgm. Bùi Văn Đọc, phó: Tgm. Lê Văn Hồng.

Ban thường vụ Hội đồng Giám mục 2016-2022:

Chủ tịch: Tgm. Giuse Nguyễn Chí Linh. Phó: Tgm. Giuse Nguyễn Năng, Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Phó tổng thư ký: Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên.

Các giám mục chủ tịch các Ủy ban khóa 2019-2022: UB Giáo lý Đức tin: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân; UB Kinh Thánh: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản; UB Phụng tự: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn; UB Thánh nhạc: Đức cha Alosio Nguyễn Hùng Vị; UB Nghệ thuật thánh: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi; UB Giáo sĩ Chủng sinh: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng; UB Tu sĩ: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt; UB Giáo dân: Đức cha Giuse Trần Văn Toản; UB Mục vụ gia đình: Đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh; UB Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên; UB Loan báo Tin Mừng: Đức cha Anphong Nguyễn Văn Long; UB Mục vụ di dân: Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn; UB Văn hoá: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân; UB Giáo dục Công giáo: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai; UB Truyền thông Xã hội: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước; UB Bác ái Xã hội – Caritas: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu; UB Công lý – Hoà bình: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường; Đặc trách Liên Tôn Đại Kết: Đức cha Giuse Tri Bửu Thiên.

2. Hội thánh Việt Nam trước 1975

Trong buổi tiếp kiến phái đoàn Giám mục Việt Nam đi dự Công đồng Vatican ngày 18.11.1962, Đức Gioan XXIII tóm tắt tình hình Hội thánh tại Việt Nam. Ngài biểu dương tinh thần dũng cảm của các giám mục, linh mục và tín hữu miền Bắc; khen ngợi lòng sốt sắng của tín hữu miền Nam vì dồi dào số ơn gọi và tân tòng, đặc biệt là món quà các tín hữu dâng tặng là một ngàn thánh lễ và một triệu chuỗi mân côi cầu nguyện cho Công đồng chung.

Giai đoạn này, Hội thánh miền Bắc còn phải đối diện với nhiều khó khăn, các cơ sở và trường học bị trưng thu, sự di chuyển của các giáo sĩ bị hạn chế. Năm 1960, các giám mục và thừa sai nước ngoài đều bị trục xuất39.

Trong hoàn cảnh đó, các mục tử phải phát huy nhiều sáng kiến, đôi khi phải sẵn sàng đối diện với nguy hiểm, để có thể đào tạo và phong chức linh mục âm thầm, hầu có những cộng tác viên trong công tác mục vụ. Nhờ truyền thống đức tin đã ăn sâu qua nhiều thế hệ, trừ một số gia đình phải sống riêng lẻ, đa số tín hữu miền Bắc vẫn sốt sắng giữ đạo trong môi trường giáo xứ và giáo họ. Họ đoàn kết và hỗ trợ nhau thực hành tôn giáo.

Ở nơi thiếu linh mục, giáo dân vẫn tụ họp kinh nguyện, tổ chức các cuộc rước kiệu, dâng hoa, ngắm thương kho… cách trọng thể và sốt sắng, bảo vệ tài sản chung khi có thể, và đảm nhận một số công tác mục vụ như rửa tội, chứng hôn, trao Mình Thánh Chúa… Vào các ngày đại lễ, có giáo dân phải đi hàng chục cây số và đi trước một ngày để có thể tham dự thánh lễ.

Trong khi đó, Hội thánh miền Nam có điều kiện hơn để phát triển và hội nhập vào sinh hoạt Hội thánh toàn cầu. Từ tháng 7 năm 1959, trụ sở Khâm sứ Tòa thánh được đặt tại số 176, đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Kế nhiệm giám mục khâm sứ Mario Brini là Đức cha Salvatore Asta (1962-1964), rồi Đức cha Angelo Palmas (1964-1969) và Đức cha Henri Lemaitre (1969-1975). Vị Khâm sứ cuối cùng bị buộc rời khỏi Sài Gòn vào cuối năm 1975.

Tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ nhất năm 1967, có Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Đức cha Hoàng Văn Đoàn. Thượng hội đồng lần II năm 1969, có Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Đức cha Phạm Ngọc Chi. Tại Hội nghị Giám mục Á Châu được tổ chức tại Philippines năm 1970, có chín giám mục Việt Nam tham dự, và có 31 phó tế được chính tay Đức Phaolô VI truyền chức.

Thượng hội đồng lần III năm 1971, có Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Đức cha Nguyễn Văn Thuận tham dự. Đặc biệt Thượng hội đồng lần IV năm 1974, có sự hiện diện và phát biểu của Tổng Giám mục phó Hà Nội, Giuse Trịnh Văn Căn, cùng với Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Đức cha Nguyễn Huy Mai. Tại Roma, các giám mục hai miền Nam Bắc có cơ hội gặp gỡ và có những thông tin chính xác về tình hình đôi bên.

Trung tâm Công giáo, số 72/12 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, từ nay là trụ sở nhiều văn phòng Hội đồng Giám mục như Công giáo tiến hành, Caritas, Thông tin và Báo chí Công giáo, Giáo dục Công giáo và Văn phòng Xã hội. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt liên giáo phận.

Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ, phụ trách Công giáo Tiến hành, sau khi tham dự Đại hội Quốc tế Tông đồ Giáo dân tại Roma vào tháng 10-1967, đã tổ chức Đại hội Ban trị sự Công giáo Tiến hành tại Trung tâm Công giáo vào tháng 12.1967 với đại biểu của 18 hội đoàn công giáo.

Nhân kỷ niệm 350 năm thành lập Thánh bộ Truyền giáo (1622-1672), Trung tâm Công giáo tại Sài Gòn đã khai trương Thư viện Hội đồng Giám mục, tổ chức Triển lãm công cuộc Truyền Giáo. Ngày 23-08-1972, “Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam”, do Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đảm trách, được Hội đồng Giám mục chuẩn y, hướng đến sứ vụ loan báo Tin mừng cho các nước lân bang.

Mối quan tâm hàng đầu của các giám mục là đào tạo giáo sĩ và chuẩn bị nhân sự cho sứ vụ tương lai. Tất cả các giáo phận phía Nam đều có Tiểu chủng viện. Chủng sinh tối thiểu phải tốt nghiệp phổ thông trước khi tu học tại các Đại chủng viện Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Long, hoặc Long Xuyên. Năm 1972, “Quy chế các Chủng viện” (Ratio), do Ủy ban giám mục về giáo dục và các giáo sư chủng viện soạn thảo được Tòa thánh phê chuẩn.

Ngoài ra, để chuẩn bị nhân sự cho sứ vụ đào tạo linh mục, các giáo phận và dòng tu đều chọn gửi một số thành viên đi du học tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình này bị đình hoãn một thời gian sau năm 1975, nhưng đã đều đặn trở lại trong ba thập niên gần đây.

Riêng Giáo hoàng Học viện Piô X tại Đà Lạt, một Đại chủng viện miền trực thuộc Hội đồng Giám mục, ra đời từ năm 1958, được xây dựng khá quy mô và được chính thức thành lập với sắc lệnh Tòa thánh ngày 31.07.1965. Tại đây, các linh mục dòng Tên điều hành việc huấn luyện chủng sinh từ các giáo phận thuộc ba quốc gia là Việt Nam, Lào và Campuchia. Tính đến năm 2020, đã có 20 giám mục xuất thân từ Học viện này. Tại Sài Gòn, dòng Đa Minh tổ chức Học viện liên dòng tại Thủ Đức, sinh hoạt từ 1967 đến 1978, đào tạo nhiều lớp linh mục cho một số hội dòng.

Theo Vatican II, người tín hữu được thông chia ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả. Năm 1969, Học viện Đa Minh mở thêm các lớp triết lý, thần học Sedes Sapientiae dành cho nữ tu với chương trình ba năm, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 3 tiết. Năm 1970, Giáo hoàng học viện mở giảng khóa “Khoa học thuật Tôn giáo” mở rộng cho cả tu sĩ lẫn giáo dân muốn tham gia vào công tác mục vụ, với chương trình 3 năm, mỗi tuần 2 buổi mỗi buổi 4 tiết.

Các tài liệu căn bản cần thiết được chuyển ngữ. Bản dịch Sách lễ Rôma và Sách Bài đọc được phổ biến năm 1971. Văn bản Công đồng Vatican II có hai bản dịch của Senatus (1966) và Giáo hoàng Học viện Pio X (1972).

Ngoài bộ Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của tác giả Xavier Léon Dufour SJ, và Tuyển Tập Thần Học gồm các bài dịch của Giáo hoàng Học viện Pio X (từ 1969), chúng ta phải nói đến một số tập san thần học phổ biến định kỳ như Nhà Chúa, Sacerdos, Phụng vụ, Thời sự Thần học … với các bài dịch và viết, giúp cộng đoàn được nối kết với những biến chuyển của thần học trên thế giới.

Về Phụng vụ, Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ ra đời năm 1971. Ấn bản rônêo “Phụng vụ Các Giờ Kinh” được sử dụng thử nghiệm nhiều năm, trước khi được Hội đồng Giám mục cho phép chính thức năm 1985.

Về Kinh Thánh, nếu trước đây chỉ có bản dịch của cố Chính Linh (thừa sai Albert Schlicklin, ấn bản 1916), thì nay có thêm nhiều bản dịch mới của cha Gagnon Nhân, CSsR (1963), cha Trần Đức Huân (Tân ước 1959, Cựu ước 1968), cha Nguyễn Thế Thuấn, CSsR (Tân ước 1969, Cựu ước 1976), cha Ansơn Vị (Tân ước 1983), Hồng y Trịnh Văn Căn (Tân ước, Cựu ước 1985), và Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ (Tân ước 1991, Cựu ước 1998). Đặc biệt tại miền Nam, sách Tân ước được phổ biến rộng rãi hướng đến từng gia đình và những người trưởng thành.

Ngày 13.04.1961 Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Huế đã quyết định thiết lập Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang. Quyết định này được Hội đồng Giám mục năm 1980 tái xác nhận. Trong hướng hội nhập văn hóa, Hội đồng Giám mục đã xin Tòa thánh và chính thức cho phép thi hành các nghi thức thờ kính tổ tiên ngày 14.06.196540: “Hội thánh Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo từng trường hợp… (như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, Tổ chức giỗ, kỵ) thì được thi hành và tham gia cách chủ động. Hội đồng Giám mục sẽ quy định rõ ràng hơn trong nghị quyết 14.11.1974 và “Văn kiện hướng dẫn việc thờ kính tổ tiên” ngày 4.10.2019.

Các giám mục xác định hiếu thảo không chỉ là bổn phận mà là điều răn buộc. Cổ võ các gia đình lập bàn thờ tổ tiên, được trưng hương hoa nến quả, và tham dự việc cúng giỗ. Được vái lạy bàn thờ, giường thờ trong ngày giỗ hoặc hôn lễ, được vái niệm trước thi hài người quá cố, được tham dự nghi lễ tôn kính thành hoàng và các phúc thần….

Năm 1969, các giám mục đã xin chuẩn kiêng việc xác ba ngày lễ Chúa thăng thiên, Đức Mẹ về trời và Lễ các thánh. Trừ Giáng sinh, các lễ buộc được dời sang Chúa nhật để mọi giáo dân được hiệp thông41. Năm 1971, các vị đưa ra những chỉ thị cụ thể về việc thánh hóa các ngày tết dân tộc: mùng Một cầu bình an cho năm mới; mùng Hai cầu cho cha mẹ tổ tiên; và mùng Ba cầu cho công việc làm ăn.

Thánh ca Việt Nam ra đời từ đầu thế kỷ XX với bài Nửa đêm mừng Chúa ra đời của cha Phaolô Đạt (1907), kế đến các tập thánh ca lời Việt của cha già Vượng, cha Gabriel Long, cha Phaolô Quy. Đến giữa thế kỷ ta thấy sự xuất hiện các nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ở Hà Nội (1945), Sao Mai ở Bùi Chu (1945), Tiếng Chuông Nam ở Thanh Hóa (1951). Các nhóm nhạc sĩ: Ca Thánh ở Phát Diệm, Thiên Cung ở Hải Phòng, và Minh Nhạc do Đa Minh Thiện bản phổ biến.

Năm 1957, tại miền Nam xuất hiện thêm hai nhạc đoàn Thánh Gia và Á thánh Phan Văn Minh. Năm 1963, cha Vinh Hạnh với hai tập Hương Thánh Kinh, khởi xướng việc viết lời ca dựa vào Thánh Kinh và phụng vụ. Đóng góp cho sự nghiệp thánh nhạc, ngoài cha Tiến Dũng với trường Suối Nhạc và nhạc sư Hải Linh với các lớp ca trưởng, đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Hùng Lân, Kim Long, Tâm Bảo, Hoàng Diệp, Hoàng Kim, Hoài Đức, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Văn Thích, Phạm Liên Hùng, Huyền Linh…42

Cuối thập niên 60, xuất hiện thánh ca Vào Đời với cha Thành Tâm và ca đoàn Alleluia, gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác thánh ca theo tân nhạc và dân nhạc như: Văn Chi, Xuân Thảo, Dao Kim, Viết Chung, Nguyễn Duy, Phanxicô, Trầm Hương… Nhiều giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu đã góp phần phổ biến thánh ca đến các ca đoàn, và cổ võ mọi người hát thánh ca cộng đồng trong phụng vụ.

Người giáo dân ngày càng được mời gọi sống đạo tích cực. Hầu hết các xứ đạo đều có Hội đồng Mục vụ cấp giáo xứ và giáo họ, có các ca đoàn và giáo lý viên. Nhiều giáo trình được soạn đáp ứng nhu cầu các lớp Thần học giáo dân, Dự tòng và Hôn nhân.

Phong trào công giáo tiến hành đã từng được cổ động sau Công đồng Đông Dương năm 1934, nay phát triển với nhiều đoàn thể tông đồ giáo dân đa dạng và phong phú, theo giới, theo tuổi, hay nghề nghiệp.

Giới trẻ có Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Con Đức Mẹ, Hướng đạo Công giáo, Sinh viên Công giáo (JECU), Thanh Sinh Công (JEC), Thanh Lao Công (JOC), Thanh niên thánh nghiệp (JAC, Mỹ Tho), Thanh niên Công giáo (JIC), Tổng đoàn Hiệp sinh (1963). Người lớn có Liên minh Thánh Tâm, Công tư chức Công giáo, và Các Bà mẹ Công giáo. Giới trí thức có Pax Romana, Hiệp hội Giáo chức, Hội Bác sĩ Công giao…

Ngoài ra còn có đoàn thể tông đồ như: Legio Mariae, Hiệp hội Thánh Mẫu, Gia đình Phạt tạ, Hiệp hội Bác ái Vinh Sơn, Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, Phan sinh tại thế, và Dòng Ba Cát Minh. Hoặc các phong trào Hội học Kitô giáo Cursillos (1967), phong trào Focolari (1998).

Giáo dân còn có thể tham gia nhiều công tác tông đồ chuyên biệt như: Caritas chuyên bác ái xã hội; ATAS – âm thanh và ánh sáng, phổ biến video và cassette; Ủy ban Giáo dục tại các trường tư thục công giáo; Ủy ban Báo chí xuất bản công giáo; các phong trào Chấn hưng Luân lý, Văn hóa Duy linh, Tận hiến cho Trái Tim Mẹ, Thánh Kinh Cầu nguyện, Canh tân Đặc sủng.

IV. GIÁO HỘI VIỆT NAM, THỜI BAO CẤP VÀ ĐỔI MỚI

Từ năm 1975, Hội thánh Việt Nam hai miền Nam Bắc được sum họp một nhà. Nhưng cùng với cả nước phải trải qua một giai đoạn quen gọi là thời bao cấp kéo dài hơn chục năm trước khi bước vào thời đổi mới.

Sau ngày thống nhất, Việt Nam được tổ chức theo mô hình chủ nghĩa xã hội xưa với nền kinh tế tập trung, xóa bỏ những khái niệm về tư sản, tư hữu. Trong tình hình đó, mọi sinh hoạt từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật đến tôn giáo đều phải thực hiện theo chỉ đạo, chỉ huy, chỉ định, chỉ dẫn, chỉ thị và chỉ tiêu43. Nhà nước bao cấp và phân phối, đưa đến cơ chế “xin cho” và chính sách cào bằng.

Thời bao cấp tuy tồn tại nhiều khó khăn, nhưng để lại những kỷ niệm với niềm vui khó diễn tả, những kỷ niệm gắn bó và nghĩa tình. Những kỷ niệm cho thấy con người có thể tìm được hạnh phúc ngay trong những điều giản dị. Khi khó khăn người ta biết quý những điều nhỏ bé, biết sống tương thân tương ái và đùm bọc lẫn nhau. Rất nhiều người cổ võ những cuộc triển lãm Ký ức thời bao cấp, sách Thương nhớ thời bao cấp và gameshow Ký ức vui vẻ44.  Khi số linh mục thụ phong không đủ thay thế số linh mục về với Chúa, một giáo xứ có cha dâng lễ đã là niềm vui lớn, huống chi việc đón một giám mục. Có nơi, giáo dân tập trung đông đảo dự lễ ở tòa giám mục vì đức cha không được phép rời nơi này. Việc đào tạo phải tiến hành âm thầm và hồi hộp. Có lúc cả giáo phận chỉ có một linh mục rưỡi45. Thời đó thiếu nhi phấn khởi với gói kẹo rẻ tiền; ca đoàn liên hoan chỉ cần bánh mì với cà ri gà hầm; đội dâng hoa được bồi dưỡng với nồi chè đậu, các đoàn thể mừng bổn mạng bằng cách tự xay bột để đổ bánh xèo.

Từ năm 1986, ảnh hưởng việc đổi mới của Liên Xô, đất nước cũng bước vào thời đổi mới, với nền kinh tế nhiều thành phần, có những thay đổi về cơ chế, cổ võ xã hội hóa, hòa nhập vào thế giới và nói thẳng nói thật. Tuy nhiên việc đổi mới nhanh hay chậm cũng còn tùy vào địa phương.

Thời đổi mới, bên những thành tựu đáng ca ngợi, vẫn tồn tại không ít thách đố mới. Như nhận định của Hội đồng Giám mục trong Thư chung hậu Đại hội dân Chúa:

“Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, việc tiếp cận thông tin và thành quả khoa học kỹ thuật mở ra những cơ hội mới, kéo theo nhiều thách đố mới. Những khó khăn trong quản lý tài nguyên, thị trường, các tệ nạn tham nhũng, nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực… Ảnh hưởng não trạng và lối sống thực dụng, tín hữu có nguy cơ tương đối hóa các tiêu chuẩn tốt xấu, và rời xa những giá trị truyền thống dân tộc như tình gia đình gia tộc, sự tương thân tương ái, hay tôn sư trọng đạo…46

Dù trước hay sau đổi mới, Hội đồng Giám mục Việt Nam luôn chọn hướng đồng hành với dân tộc, như lời xác định ngay từ lần họp đầu tiên năm 1980:

Con người là con đường của Hội Thánh… tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này”;

Và khẳng định muốn “Tận dụng những cái hay trong kho tàng văn hóa mà xây dựng một nếp sống và lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”. “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào…”47.

Nếu sau năm 1975, các chủng viện phía Nam cũng phải tạm ngưng, thì sau 1986 một số Đại chủng viện liên giáo phận được mở cửa dần. Mới đầu là Hà Nội, Sài Gòn, kế đó là Vinh, Cần Thơ, Huế, Nha Trang, rồi Bùi Chu, Thái Bình, Xuân Lộc, Thanh Hóa, Đà Lạt. Để có nhân sự trong sứ vụ đào tạo, các giáo phận và dòng tu đều gửi nhiều linh mục tu sĩ du học hay tu nghiệp nước ngoài. Ngày 14.9.2016, Học viện Công giáo đào tạo Cao học Thần học được khai giảng, với viện trưởng là đức cha Đinh Đức Đạo.

Các chuyến Ad Limina của các Giám mục Việt Nam viếng mộ thánh Phêrô theo giáo luật đã được thực hiện vào những năm 1980, 1985, 1990, 1996, 2002, 2009 và 2018. Đức Gioan Phaolô II đã nói lên ý nghĩa của quy định này trong chuyến “Ad limina” năm 1985: “Cuộc viếng thăm Tòa thánh của một Hội đồng Giám mục đầy đủ, không những thể hiện, một cách hữu hình, những mối dây liên hệ thiêng liên, kết hiệp các Hội thánh địa phương với Hội thánh phổ quát, nhưng còn là dấu chỉ cho biết rằng sự tự do tôn giáo được tôn trọng tại đất nước đó”. Năm 1985 cũng là năm kỷ niệm 25 năm hàng Giáo phẩm Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II đã gửi một sứ điệp với lời chúc đầy hứa hẹn: “Hạt giống hôm qua gieo vào lòng lịch sử đã có một quá khứ oai hùng, cũng sẽ đảm bảo muôn phần phong phú cho tương lai mùa hoa nở trong vườn hoa Hội thánh Việt Nam của quý Chư huynh”.

Giáo hội Việt Nam tiếp tục có đại biểu tại tất cả các Thượng hội đồng Giám mục thế giới: Khóa IV (1977) về Huấn giáo, có Hồng y Trịnh Như Khuê, Tgm. Nguyễn Văn Bình và Tgm. phó Trịnh Văn Căn. Khóa V (1980) về Gia đình, có hai Đức cha Huỳnh Đông Các và Nguyễn Sơn Lâm. Khóa VI (1983) về Hòa giải có hai Đức cha Huỳnh Văn Nghi và Nguyễn Quang Sách. Khóa VII (1987) về Giáo dân, có hai Đức cha Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Văn Sang.

Tại Thượng hội đồng Giám mục khóa VIII (1990) về Huấn luyện linh mục, có ba Đức cha Nguyễn Văn Hoà, Lê Phong Thuận, và Trần Xuân Hạp. Khóa IX (1994) về Đời tận hiến, có Đức cha Nguyễn Văn Hoà, Tgm. Nguyễn Như Thể, và nữ tu Nguyễn Thị Thanh, Tổng phụ trách Mến Thánh Giá Gò Vấp. Khóa X (2000) về Giám mục, có Tgm. Phạm Minh Mẫn, các Đức cha Bùi Văn Đọc, Nguyễn Soạn, Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Hoà. Khóa XI (2005) về Thánh Thể, có hai Đức cha Bùi Văn Đọc và Trần Đình Tứ.

Khóa XII (2008) về Lời Chúa, hai Đức cha Nguyễn Chí Linh và Võ Đức Minh. Khóa XIII (2012) về Tái truyền giảng Tin Mừng, hai Đức cha Nguyễn Năng và Vũ Duy Thống. Khóa ngoại thường 2014 và khóa XIV (2015) về Gia Đình, có Tgm. Bùi Văn Đọc và Đức cha Đinh Đức Đạo. Khóa XV (2018) về Giới Trẻ, có hai Đức cha Nguyễn Văn Viên và Đỗ Mạnh Hùng.

 

Đặc biệt tại Thượng hội đồng Giám mục năm 1998 về Châu Á, phái đoàn Việt Nam có nhiều bài phát biểu và có chín đại biểu. Đó là Hồng y Phạm Đình Tụng, Tgm. Nguyễn Như Thể, Tgm. Nguyễn Văn Thuận, các giám mục Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Sơn Lâm, Nguyễn Văn Nhơn, Bùi Tuần và Lê Phong Thuận.

Hội đồng Giám mục đã cử đại biểu tham dự Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) tại Hồng Kông năm 1993, tại Thái Lan năm 1997, 2000, 2006, tại Hàn Quốc năm 2004, 2010, tại Manila, Philippines năm 2009. Tháng 10.2009, Văn phòng Giáo dục và Đào tạo Đức tin FABC đã tổ chức hội thảo tại Trung tâm mục vụ Sài Gòn. Tháng 12.2012, Đại hội FABC lần thứ mười được tổ chức tại giáo phận Xuân Lộc.

Từ năm 1997, tại các Đại hội Giới trẻ Thế giới: Paris 1997, Roma 2000, Toronto 2002, Köln 2005, Sydney 2008, Madrid 2011, Rio de Janeiro 2013, Krakow 2016 và Panama City 2018 đều có phái đoàn giới trẻ công giáo Việt Nam do các giám mục hướng dẫn đi tham dự. Riêng tại giáo tỉnh Hà Nội, từ năm 2002 đến nay, Đại hội giới trẻ hằng năm được tổ chức luân phiên tại từng giáo phận.

Tháng 07 năm 1989, Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình đại diện Tòa thánh viếng thăm Việt Nam, mở đường cho nhiều chuyến viếng thăm của các phái đoàn Tòa thánh. Việc các giáo phận đón tiếp những Hội đồng Giám mục nước ngoài như Hoa Kỳ, Ý, Pháp… đã trở thành khá bình thường. Năm 2005, Hồng y Crescenzio Sepe, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo đã đến thăm Việt Nam. Ngài đã chủ trì thánh lễ phong chức cho 57 tân linh mục thuộc 8 giáo phận giáo tỉnh Hà Nội, và chủ tọa lễ công bố thành lập giáo phận Bà Rịa.

Việc Đức Bênêđictô XVI đón tiếp tại Roma Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2009) Trần Đại Quang (2016), và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013), đã đánh dấu những bước tiến mới dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Và cụ thể nhất là ngày 13.01.2011, khi Tòa thánh đặt Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú ở Việt Nam. Ngài thực hiện nhiều chuyến viếng thăm các địa điểm chính yếu của tất cả 26 giáo phận, nhiều dòng tu, và tham gia nhiều sự kiện tôn giáo quan trọng. Kế nhiệm ngài từ 21-5-2018, là Tổng Giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan48.

Sau năm 1975, một số đoàn thể tông đồ giáo dân tạm ngưng hoạt động, và được thay thế bằng các phong trào mới. Nhiều nơi tổ chức sinh hoạt mục vụ giáo dân theo giới như: gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ và thiếu nhi.

Các nhóm chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện xuất hiện ở nhiều nơi, đôi khi có linh mục, tu sĩ hướng dẫn, gợi hứng cho nhiều hoạt động thiết thực như: mở các mái ấm cô nhi, khuyết tật, các nhà lỡ, chăm sóc bệnh nhân sida, các chuyến cứu trợ và từ thiện, các nhóm “ve chai”, bảo vệ sự sống, các nghĩa trang đồng nhi trên nhiều miền đất nước.

Thời đổi mới, các đoàn thể giáo dân được chính thức sinh hoạt theo thủ bản. Nhiều hội đoàn có tổ chức theo cấp giáo phận hoặc toàn quốc. Riêng Tổng giáo phận Sài Gòn có đến 25 phong trào mục vụ giáo dân, với nhiều tổ chức mới như: Gia đình cùng theo Chúa, Cộng đoàn Khôi Bình, Gia đình Chúa, Gia đình Phúc âm, Thăng tiến hôn nhân gia đình, Người cao tuổi, Doanh nhân Công giáo, Nghệ sĩ Công giáo, Lòng Chúa Xót Thương…

Qua các thư mục vụ, các giám mục nhắc tín hữu hòa nhịp với Hội thánh toàn cầu, phổ biến và tổ chức học hỏi các văn kiện của Tòa thánh và của các Bộ, cử hành Đại năm thánh 2000, các Năm Mân Côi, thánh Phaolô, Năm Linh mục, Năm Đức tin, Năm thánh hiến, Năm Lòng thương xót… Nhiều hội dòng hay giáo xứ cũng tổ chức Năm thánh vào các thời điểm quan trọng. Bản dịch Bộ Giáo luật

1983 và sách Giáo lý Hội thánh 1992 được phổ biến rộng rãi. Người tín hữu được cổ võ sống đạo giữa đời, sống dồi dào, sống chứng tá và loan báo Tin Mừng, qua các hoạt động bác ái, xã hội và giáo dục, ngay từ môi trường gia đình.

Các Ủy ban đặc trách của Hội đồng Giám mục ngày càng năng động với những tổ chức hội thảo, tu nghiệp và đại hội toàn quốc. Nhân dịp Năm thánh 2000, các Ủy ban đều tổng kết quá trình hoạt động trong 50 năm.

Ủy ban Thánh nhạc phổ biến nội san Hương Trầm, thành lập Câu lạc bộ những người viết thánh ca, và thực hiện các Tuyển tập Thánh ca. Ủy ban Bác ái Xã hội thực hiện các dự án xã hội và cứu trợ thiên tai, lũ lụt… Việc Caritas được tái sinh hoạt từ năm 2008, mở ra các hoạt động mới từ trung ương đến địa phương. Ủy ban Giáo sĩ tổ chức gặp gỡ và thường huấn giữa giáo sư các chủng viện.

Ủy ban Văn hóa quy tụ các cuộc hội thảo và triển lãm tại nhà Truyền thống Sài Gòn về Dấu ấn Đức tin hội Thừa sai Paris (2008) và Dấu ấn đức tin Hội dòng (2009), 400 năm hình thành phát triển chữ quốc ngữ (2018), phối hợp tổ chức tại Huế hội thảo về “Thân thế và sự nghiệp Cố Cả Léopold-Michel Cadière” (2010).

Cũng tại Huế, trong hướng về nguồn và hội nhập văn hóa, các giám mục cũng đã tổ chức những buổi Tọa đàm về “Tôn kính Tổ tiên” từ ngày 26 đến 29.10.1999 và “Một số vấn đề về Văn hóa công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX”, từ ngày 24 đến 27.10.2000.

Nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, ngoài trang mạng của Hội đồng Giám mục và các giáo phận, nhiều Ủy ban đặc trách, hội dòng và giáo xứ đều có trang mạng riêng để phổ biến tài liệu, thông báo các dự án và cập nhật thông tin. Tương tự, ngoài Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục, nhiều giáo phận và đoàn thể có các nội san, để phổ biến thông tin, linh đạo, các bài nghiên cứu và suy niệm.

Tháng 09.2008, Hội đồng Giám mục có văn bản công bố quan điểm của mình về một số vấn đề xã hội, như: cần hoàn chỉnh luật lệ, quan tâm tới quyền lợi của người dân theo tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Theo truyền thống văn hóa và đạo đức dân Việt, cần tránh mọi hình thức bạo lực, quan tâm đến tình tương thân tương ái và sự hài hòa trong xã hội. Ngoài ra, theo yêu cầu, Hội đồng Giám mục cũng có văn bản góp ý năm 2013 về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992) và năm 2017 về dự thảo Luật tôn giáo 2018.

Hội đồng Giám mục đã tổ chức Năm thánh kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang (1798-1998), “Năm thánh Truyền giáo” nhân 470 năm Hội thánh Việt Nam đón nhận Tin mừng (1533-2003), tổ chức Năm thánh “Kỷ niệm 350 năm hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài – Đàng Trong (1659-2009), và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam” (1960-2010).

Năm thánh 2010 là cơ hội đặc biệt để tín hữu học hỏi về Hội thánh mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Năm thánh khai mạc long trọng tại Sở Kiện, Hà Nội ngày 24.11.2009, lễ các thánh Tử đạo Việt Nam. Những ý kiến đóng góp của mọi thành phần được đúc kết trong Đại hội Dân Chúa, tổ chức tại Sài Gòn từ ngày 21 đến 25-11-2010, và bế mạc vào lễ Hiển Linh ngày 6-1-2011 tại linh địa La Vang, Huế.

Năm 2016, Hội thánh Việt Nam có 6.469.084 tín hữu, 4.921 linh mục (1209 dòng), 17.603 nữ tu và 3.393 nam tu49. Trong đó giáo tỉnh Hà Nội 2.167.643 tín hữu, 1.241 linh mục (129 dòng), 3.655 nữ tu và 172 nam tu, giáo tỉnh Huế có 1.143.838 tín hữu, 872 linh mục (227 dòng), 10.572 nữ tu và 2.852 nam tu; giáo tỉnh Sài Gòn có 3.157.603 tín hữu, với 2.908 linh mục (853 dòng), 10.572 nữ tu và 2.852 nam tu.

Vườn hoa muôn sắc các dòng tu

Cùng với sự trưởng thành của Hội thánh địa phương, các Dòng tu quốc tế tại Việt Nam lần lượt tiến đến độc lập và thành lập tỉnh dòng: Nữ tử Bác ái (1932), Chúa Cứu Thế (1964), Đa Minh (1967), Chúa Quan Phòng (1974), Phanxicô (1984), Don Bosco (1999) và Dòng Tên (2007). Riêng dòng thánh Phaolô đã có đủ nhân sự để thiết lập bốn tỉnh dòng Sài Gòn, Đà Nẵng, Mỹ Tho và Hà Nội.

Ngoài Đan viện Xitô Mỹ Ca (1934), từ đan viện Biển Đức Thiên An, Huế (1936) có thêm các đan viện Thiên Hòa Ban Mê Thuột (1962), Thiên Bình Long Thành (1967), Thiên Phước Thủ Đức (1972). Chi dòng Xitô Thánh Gia, từ gốc Phước Sơn (1918) và Châu Sơn (1936) có nhiều Đan viện: Phước Lý (1950), Châu Thủy Bình Thuận (1971), Phước Vĩnh Trà Vinh (1975), Thiên Phước Vũng Tàu (1975), Xuân Sơn Bình Giã (1978), và An Phước Bình Giã (1979).

Bên cạnh các Đan viện Cát Minh đã tổ chức 150 năm hiện diện (1861-2011), hai Đan viện Clara Thủ Đức và Xuân Sơn (1972, 2005), các đan viện nữ Xitô được quy tụ từ 1971, đến nay có ba đan viện tự trị Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước, Hố Nai (1972), Phước Hải Vũng Tàu (1976) và Phước Thiên Bà Rịa (1988).

Nhiều hội dòng đã có cơ hội phát triển tại Việt Nam.

Dòng Nam: tu hội Xuân Bích (1933), Gioan Trợ thế (1952), Dòng Vinh Sơn (1954), Đức Mẹ người nghèo (1970), Thánh Thể (1973, tỉnh dòng 2008), Thừa sai Đức Tin (1994, tỉnh dòng 2003), Ngôi Lời (1998, tỉnh dòng 2008).

Dòng nữ: Đức Bà Truyền giáo (1924), Phanxicô thừa sai Đức Mẹ (1932); Dòng Đức Bà (1935), nữ tá Quốc tế Công giáo (1954), Nữ tu Đấng Chăn Lành (1958); tu hội Hiện diện và Sống (1961), Con Đức Mẹ Phù hộ (1961), Nữ tỳ Chúa Giêsu Mẹ Maria (1961), tu hội Lao động Thừa sai (1963), tu hội Dâng truyền (1964), các Cộng đoàn Bác ái (1968), Phaolô Thiện Bản (1974), Chúa Giêsu Hài Đồng (1974), tu hội Thừa sai Chúa Giêsu (1979), tu hội nữ Jesus Caritas (1985), Trợ thế Thánh Tâm Chúa Giêsu (1987), tu hội Nữ tỳ Chúa Kitô (2002), và Nữ tỳ Thánh Thể (2005).

Trong khi đó số đơn vị hội dòng và tu hội sau thời gian thử nghiệm, được chính thức thành lập tại Việt Nam, ngày càng đa dạng phong phú:

Dòng nam: Gia đình Na Gia (1964), Thánh Gia Long Xuyên (1970), tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa (1971), hội Thừa sai Việt Nam (1971), tu hội Chúa Giêsu (1973), tu hội Gioan Tiền sứ (1974), tu hội Thừa sai Chúa Giêsu (1979), tu hội Sống Thánh Thể (1980), tu hội Nhập thể Tận hiến Truyền giáo (2000), tu đoàn Thừa sai Phúc Âm (2004).

Dòng nữ: tu hội Tôi tá Thánh Tâm (1963), Nữ Lasan (1966), Con Đức Mẹ Bình Thủy Cần Thơ (1967), Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương Bùi Chu (1969), Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột (1969), Con Đức Mẹ Phú Cường (1970), Thừa sai bác ái Sài Gòn (1979), Thừa sai bác ái Vinh (1980), Nữ tỳ Đức Giêsu Linh Mục (1984), tu hội Nô tỳ Thiên Chúa (1987), Con Đức Mẹ Thăm Viếng Bùi Chu (1990), Đức Mẹ Nhân Ái Phú Cường (1990), tu hội Thừa sai Bác ái Phan Thiết (1998), tu hội Nhập thể Tận hiến Truyền giáo (2000), tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu (1991), tu hội Đức Mẹ Hiệp nhất (2002), Ánh sáng Phúc Âm Phan Thiết (2002), tu đoàn Truyền Tin (2007)…

Dòng Mến Thánh Giá do đức cha Lambert de La Motte sáng lập tu viện đầu tiên ở Kiên Lao Nam Định năm 1670. Cuối năm 2019 Mến Thánh Giá toàn quốc có 8.961 nữ tu, 1094 tập sinh thuộc 24 hội dòng Mến Thánh Giá: Huế (1719), Cái Nhum (1800), Thủ Thiêm (1840), Cái Mơn và Vinh (1844), Chợ Quán (1852), Phát Diệm và Gò Vấp (1902), Qui Nhơn (1929), Thanh Hóa và Đà Lạt (1932), Khiết Tâm (1938), Hưng Hóa (1943), Nha Trang (1953), Cần Thơ (1958), Tân Lập (1960), Tân Việt, Bắc Hải, Tân An (1963), Thủ Đức (1965), Phan Thiết và Hà Nội (1983) Bùi Chu (1998), Bà Rịa (2008)y: 50.

Dòng nữ Đa Minh Việt Nam do các cha Đa Minh quy tụ từ năm 1715 và được cải tổ thành dòng giáo phận theo tinh thần Công đồng các giám mục Đông Dương 1934. Năm 2015 có 2.207 nữ tu và 154 tập sinh thuộc 12 đơn vị Đa Minh: Bùi Chu (1951) Tam Hiệp (1951), Thánh Tâm (1958), Rosa Lima (1973), Gò Vấp (1978), Thái Bình (2004), Bà Rịa, Bắc Ninh, (2012), Đan viện Đa Minh (2002), các hiệp hội hướng đến hội dòng: Phú Cường (2012) Đa Minh Tin Mừng (2015), Mẫu Tâm Hải Phòng (2018). Thống kê dịp Năm thánh 2010, tại Việt Nam có 124 đơn vị tu trì, gồm 21 đan viện, 24 tỉnh dòng và miền dòng thuộc Tòa thánh, 50 hội dòng giáo phận, 29 tu hội và tu đoàn, với 770 linh mục, 2.172 nam tu sĩ, 15.049 nữ tu.

Đầu năm 2019, Tổng giáo phận Sài Gòn có 262 đơn vị sống đời thánh hiến, bao gồm các dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số là 8.804 tu sĩ, gồm 1.782 nam tu và 7.022 nữ tu, trong đó có 602 linh mục dòngy: 51.

Đức Bênêđictô XVI trong thư ngày 4.7.2009 từ Rôma gửi cộng đoàn dân Chúa, đã nhấn mạnh sự phong phú của ơn gọi tu sĩ tại Việt Nam, nhất là đời sống thánh hiến của các nữ tu. Ngài mong các giám mục “khuyến khích những đặc sủng này bằng cách vừa cổ võ vừa tôn trọng”.

Các dòng tu đều sống theo ba mục tiêu Đức Phanxicô đã đề ra trong năm Đời sống Thánh hiến 2015, là: 1- Nhìn về quá khứ với tâm tình biết ơn và thống hối về những thiếu sót. 2- Hướng đến tương lai với một niềm hy vọng, dù vẫn tồn tại nhiều khủng hoảng và khó khăn. 3- Nhiệt thành sống giây phút hiện tại, tiếp tục “phúc âm hóa” ơn gọi dâng hiến để làm chứng cho Chúa Kitô trong những hình thức khác nhau của đời tu trì.52

V. GIÁO HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY: TRUYỀN THỐNG VÀ ƯU TIÊN

Nhìn lại lịch sử Hội thánh Việt Nam, đặc biệt trong 60 năm qua, chúng ta thấy điểm nổi bật của tín hữu Việt Nam là lòng tin tưởng vào Thiên Chúa qua trung gian bầu cử của Đức Maria. Ngoài ra, mối quan tâm hàng đầu của các mục tử hôm nay là mục vụ gia đình và giới trẻ.

1. Lòng sùng kính Đức Maria

Trong thư ngày 14.01.1961 gửi các Giám mục Việt Nam, Đức Gioan XXIII đã nhắc đến Năm thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Lộ Đức tổ chức tại Sài Gòn năm 1958:

“… Tâm hồn Ta không khỏi xúc động sâu xa, khi biết rằng: cả các vị giám mục và con cái thân yêu miền Bắc, dầu bị ngăn trở không tham dự những cuộc đại lễ bách chu niên tại Saigon, nhưng cũng đã đoàn kết để hiện diện bằng tinh thần “một lòng một linh hồn” để hợp mừng với Chư Huynh chung quanh tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”: 53.

Ngay từ thời cha Đắc Lộ, ta đã thấy các tín hữu dùng tràng hạt chữa các dịch bệnh dịchy: 54. Thày Inhaxu xin vị thừa sai gửi tràng hạt và ảnh đạo để phát cho các bạn tù. Và khi xảy ra bách hại, cha Đắc Lộ phải khéo léo để thuyết phục các tín hữu tạm ngưng đeo tràng hạt trên cổ: 55.

Người giáo dân Việt Nam từ ban đầu, đã siêng năng lần chuỗi mân côi, tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt trong tháng Hoa, tháng Mân Côi, trong những cuộc cung nghinh rước kiệu và giữ những ngày thứ bảy đầu tháng.

Nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu, đoàn thể và thánh đường đã chọn bổn mạng Đức Maria, với các tước hiệu khác nhau. Ngoài các linh địa Đức Mẹ truyền thống như La Vang 1798, Trà Kiệu 1885, La Mã Bến Tre 1950… Các điểm hành hương kính Đức Mẹ ngày càng gia tăng và luôn thu hút đông đảo tín hữu thập phương kính viếng: Bãi Dâu Vũng Tàu, Núi Dinh Bà Rịa, Fatima Bình Triệu, Tà Pao Phan Thiết, Măng Đen Kontum, Phượng Hoàng Pleiku, Giang Sơn Ban Mê Thuột, Thác Mơ Phước Long, Trinh Phong Ninh Thuận, Sao Biển Đà Nẵng, Fatima Châu Sơn, Fatima Vĩnh Long, Đức Mẹ Cần Thơ, và Mêkông Campuchia …

Ngoài ra, làm sao quên được sự nhiệt thành kính yêu dành cho Đức Mẹ trong những khung cảnh đặc biệt của Đại hội Thánh Mẫu 1958, dịp khánh thành Vương cung thánh đường La Vang 1961, cuộc thánh du Đức Mẹ hòa bình trên khắp các giáo phận ở miền Nam được tổ chức từ 10.10.1965 đến 29.10.1966, cũng như cuộc thánh du Đức Mẹ Fatima từ 31.01 đến 03.02.1974.

Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, giáo dân Việt Nam đã có cơ hội biểu lộ niềm tin tập thể đầy sức sống. Trong ngày Đại hội 15 tháng 08, có khoảng 300 ngàn tín hữu hành hương đến thánh địa này. Và hơn thế nữa, khoảng nửa triệu tín hữu đã về đây tham dự ngày bế mạc năm thánh 6.1.2011. Cả bốn Vương cung Thánh đường tại Việt Nam là Sài Gòn, Lavang, Phú Nhai và Sở Kiện đều được dâng kính Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội56

2. Ưu tiên mục vụ gia đình và giới trẻ

Năm 2011, Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung hậu đại hội dân Chúa, đã nhấn mạnh mối ưu tư chính của Giáo hội Việt Nam hiện nay trong hai số 43 và 44:

“Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục  vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận. Thừa hưởng nền văn hóa đạo hiếu luôn lấy gia đình làm gốc, chúng tôi kêu gọi anh chị em giáo dân quan tâm xây dựng gia đình mình nên như Giáo hội tại gia, trở thành trường dạy đầu tiên, nơi đào tạo những thế hệ mới vững mạnh trong đức tin và can đảm sống đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội và Giáo hội. Để thực hiện mục tiêu này, các giáo phận và giáo xứ cần hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm các ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích Hôn nhân…

“Sống trong một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ rất cao, đồng thời kinh nghiệm được về khả năng, sự nhiệt tình và tính năng động của người trẻ, Giáo hội tại Việt Nam ý thức rằng người trẻ không chỉ là tương lai nhưng còn là chính hiện tại của Giáo hội. Do đó, mục vụ giới trẻ vừa phải nhìn người trẻ như đối tượng cần được chăm sóc vừa phải xem họ như những chủ thể, sứ giả loan báo Tin mừng, đặc biệt trong môi trường của giới trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Giáo hội tại Việt Nam cần đầu tư năng lực và thời giờ hơn nữa cho mục vụ-giáo dục giới trẻ, cách riêng trong hoàn cảnh ngày nay khi người trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn cũng như cám dỗ trong cuộc sống. Cần nghiên cứu cách nghiêm túc về tình hình giới trẻ và tìm kiếm những phương thế đồng hành thiết thực với họ trong cuộc sống. Theo hướng đi này, việc đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo và biết làm việc tập thể là điều hết sức cần thiết.”

Chính vì thế Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm liền, từ 2016 đến 2019 với những điểm nhấn:

+ Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

+ Đồng hành với các gia đình trẻ;

+ Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Kế tiếp hiện nay: chương trình Mục vụ Giới trẻ cũng ba năm liền (2020, 2021, 2022) với các chủ đề:

+ Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện;

+ Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình;

+ Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

Hai chủ đề trên cũng là nội dung nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô trong sứ điệp video gửi Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội tại Bùi Chu ngày 29.11.2019. Xin trích lược ghi vài nội dung chính: “Thông điệp cha gởi đến các con xoay quanh chữ “nhà”, hàm ý trong chủ đề được chọn cho kỳ Đại hội giới trẻ lần này: “Hãy về nhà với thân nhân” (Mc 5,19)…

“Trong văn hóa Việt Nam, chữ “nhà” gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”…

“…Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hóa và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy”.

“Hơn nữa, là những người đã chịu Phép Rửa, các con thừa hưởng một căn nhà khác là Giáo Hội. Giáo Hội là một ngôi nhà. Là ngôi nhà của các con. Các con thật may mắn khi được sinh ra trong cung lòng của một Giáo Hội anh dũng với nhiều mẫu gương nhân chứng sáng ngời. Cha nghĩ đến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha nghĩ đến thế hệ ông bà và cha mẹ của các con. Họ đã chịu đau khổ vì chiến tranh loạn lạc, hầu như đã mất tất cả trừ đức tin, mà họ đã truyền lại cho các con như là di sản quý giá nhất. Vậy nên nơi chính căn nhà Giáo Hội này, các con luôn có thể trở về, để kín múc nguồn sức mạnh và cảm hứng cho đức tin các con. Nơi đây các con luôn có thể đào luyện lương tâm và nhân phẩm của các con. Nơi đây các con luôn tìm thấy con đường sự sống theo ơn gọi của Thiên Chúa”.

“Chúng ta không được quên rằng Giáo Hội của các con là một Giáo Hội đã được sinh ra từ những nhà truyền giáo quảng đại, từ những nhà truyền giáo nhiệt tâm …Ước gì lòng biết ơn đối với họ luôn là nguồn của lòng nhiệt thành truyền giáo đối với các con”.

“… Chính các con phải đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một Giáo Hội – Ngôi Nhà trẻ trung và vui tươi, đầy sức sống và đượm tình huynh đệ… Nhưng: Làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ ấy? Cha đề nghị với các con ba đức tính cho việc làm chứng của các con trong giai đoạn này, đó là (1) trung thực, (2) tinh thần trách nhiệm và (3) lạc quan. Cả ba đức tính này cần được hướng dẫn bởi tinh thần phân định”.

“Trong một xã hội tục hóa bị lèo lái bởi chủ nghĩa duy vật, rất khó để trung thành với căn tính và niềm tin tôn giáo của mình nếu không có khả năng phân định. Đây là điều xảy ra tại tất cả mọi thành thị và mọi đất nước trên thế giới. Việc sống trung thực có thể thường mang đến những thiệt thòi. Tinh thần trách nhiệm có thể khiến các con vất vả và đòi các con phải hy sinh. Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục hóa này. Nhưng đó chính là những giá trị mà xã hội và Giáo Hội của các con đang cần nơi các con. “Giữa một thế giới như vậy, các con hãy chiếu sáng như những vì sao” (x. Pl 2,15). Các con đừng sợ chiếu toả căn tính Công giáo thật đẹp của các con. Điều này cũng sẽ làm cho các con trở thành người yêu nước hơn, thành người Việt Nam hơn: một tình yêu lớn dành cho đất nước của các con, một lòng trung thành tuyệt vời của một người yêu nước”.

VI. LỜI KẾT

Cũng xin được kết bằng lời nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô, vị cha chung toàn Giáo hội, dành cho giới trẻ và cũng là cho mọi tín hữu Việt Nam hôm nay:

“Cha khuyến khích các con đáp lại bằng sự sáng tạo và phát triển những chương trình mà Hội đồng Giám mục của các con dành ba năm này ưu tiên mục vụ giới trẻ…

“Cha cầu chúc cho kỳ Đại hội Giới trẻ lần này trở nên như một cuộc hành hương giúp các con tìm về cội nguồn văn hóa và tôn giáo, giúp cho kinh nghiệm đức tin của các con nên vững mạnh, và giúp cho nhiệt huyết truyền giáo của các con được canh tân.

“Các con hãy yêu nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc”.

Nguồn: WHĐ

 

 

  1. Xc. A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG Tp HCM 1994, tr 82.
  2. Có thể thêm giai đoạn ba, tùy thuộc người sử dụng
  3. Khác với ngọc nhân tạo, sử dụng đá công nghiệp, hoặc chủ động cấy dị vật vào các loài nhuyễn thể
  4. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr 275. Bộ Khâm Định Việt Sử có 53 cuốn, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn từ 1856 đến 1881, bản Việt Ngữ của Viện Sử Học, Nxb Giáo dục Hà Nội, 1998, trang 720. Inikhu được nói đến trong Dã lục 33, 6b.
  5. Anh Phanxicô năm 1630, hai thày Ignatio, Vinhsơn cùng các ông Alexi, Simeon, Agostino năm 1645.
  6. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, Chân lý 2013, tr 149-151
  7. Bài “Thời Bảo Trợ và tông tòa” trang 10 – 162
  8. Biện Hòa bị Sở Lệ Vương và Sở Võ Vương mỗi vị chặt một chân, đến Sở Văn Vương mới công nhận. Từ Tần Thủy Hoàng ngọc Biện Hòa trở thành ngọc tỷ truyền quốc của Trung Hoa.
  9. Xc. Mt 13, 24-50. Đức Bênêđictô XVI: Tự sắc Porta Fidei, công bố Năm Đức Tin 2013, các số 1, 13.
  10. Trích bài giảng đức Gioan Phaolô II, lễ tuyên thánh 19-6-1988
  11. Giám mục tổng thư ký Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên. Nxb Tôn Giáo 2018.
  12. HĐGMVN, Thư chung 2017, số 5.
  13. A. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG Tp HCM 1994, tr 74.
  14. A. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Sđd, tr 105.
  15. A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG Tp HCM 1994, tr 93.
  16. A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Sđd, tr 57-58.
  17. Gaspar d’Amaral, trong Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin. 85, tờ 132. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, Chân lý 2013, trang 69.
  18. Tòa giám mục Kontum, Khơi nguồn Tiếp bước. Lưu hành nội bộ 2005, Monita ad missionarios, trang 208.
  19. HĐGMVN, Hạnh các thánh Tử Đạo Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2018, trang 16- 18. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, Chân lý 2013, trang 245-247
  20. Phong trào Thánh Nhi (Sainte Enfance) do đức cha Forbin Janson lập năm 1843, nhằm giúp các trẻ em xứ truyền giáo.
  21. Louvet, Sđd II, tr.128.
  22. Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai 1916, tr.74
  23. Tòa Giám mục Hà Nội: Công đồng miền Bắc Kỳ, Lưu hành nội bộ 2012, trang 106.
  24. Sau đó là trại phong Thanh Bình (1967) và Phước Tân (1968) … Hiện nay các trại phong được Nhà nước đảm nhiệm.
  25. Đỗ Quang Chính. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Ra Khơi, 1972, tr. 107-129
  26. Linh mục Philipphê Bỉnh (1759-1832) hơn 30 năm ở Bồ Đào Nha viết hơn 21 cuốn sách quốc ngữ, có cuốn đã in, nổi bật nhất là “Sách sổ sang ghi chép các việc”, ấn bản ĐH Đà Lạt 1968.
  27. Sau bảy năm bị đình bản vì chiến tranh, Sacerdos Indosinensis tục bản năm 1952 với danh xưng Sacerdos. Năm 1954, báo đổi tên là Linh mục Nguyệt san, và tồn tại đến tháng 5.1975.
  28. Đào Trung Hiệu, Hành trình ân phúc, trang 179-180.
  29. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr 506. Giáo hội Công giáo Việt Nam Niên giám 2005, tr 200.
  30. Phật Giáo có hai viện đại học Vạn Hạnh (1964) và Phương Nam (1967). Hòa Hảo có viện đại học An Giang (Long Xuyên 1970): Cao Đài có viện đại học Cao Đài (Tây Ninh 1971).
  31. Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho HĐGMVN nhân dịp Ad limina 2009.
  32. Thư Chung hậu đại hội dân Chúa 2010; TTMV Tgp Tp.HCM 2011, số 33, trang 29.
  33. Thư Chung hậu đại hội dân Chúa 2010; TTMV Tgp Tp.HCM 2011, số 37, trang 32. Luật Tôn Giáo 2018, điều 55 quy định: Các tôn giáo được quyền tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo:
  34. Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng, số 1
  35. Trần Anh Dũng, Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam 1960-1995. Paris, 1995. trang 153
  36. Như trên, trang 159. Hiến chế Lumen Gentium, 18.
  37. Hội “Hợp tác Tái thiết” được HĐGMVN thành lập năm 1973. COREV: Cooperation for the reconstruction in Vietnam.
  38. Danh xưng Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam chỉ được các giám mục hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn sử dụng trong giai đoạn 1975 đến 1980.
  39. Thông cáo HĐGMVN, Linh mục Nguyệt San 1965 số 43.
  40. Thông cáo HĐGMVN, Linh mục Nguyệt San 1965 số 43.
  41. Các lễ này tại giáo tỉnh Hà Nội vẫn buộc theo ngày.
  42. Theo nghĩa rộng, thánh nhạc xuất hiện đã lâu tại Việt Nam, khi giáo dân hát bộ lễ và thưa đáp trong phụng vụ la ngữ, họ ngắm nguyện, dẫn lễ… với cung giọng tiết tấu trầm bổng và phong phú
  43. Nghị quyết 297 về tôn giáo ban hành ngày 11.11.1977.
  44. Sách Thương nhớ thời bao cấp của Thành Phong và Hữu Phong; Triển lãm Ký ức thời bao cấp, Ký ức Hà Nội; chương trình Ký ức vui vẻ trên VTV3 do đạo diễn Lại Văn Sâm
  45. Giáo phận Bắc Ninh, khi một trong hai linh mục là âm thầm.
  46. Xc. Thư Chung hậu đại hội dân Chúa 2010, số 4-9, trang 5-8.
  47. Xc. Thư chung 1980, các số 7, 11 và 14
  48. Hai vị đều là Sứ thần Tòa Thánh và ở tại Singapore.
  49. Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2016, trang 480-481
  50. Mến Thánh Giá có sáu hội dòng tại hải ngoại là: Los Angeles, Campuchia, Lào, ba tại Thái Lan, và 10.000 MTG Tại Thế.
  51. Vietcatholic, phỏng vấn đặc trách tu sĩ Tôma Vũ Quang Trung.
  52. Đức thánh cha Phanxicô: Tông thư ngày 21.11.2014 về Năm đời sống thánh hiến, số 1-3.
  53. Trần Anh Dũng, Thoáng nhìn GHCGVN 1933-2010. Đắc lộ Tùng thư 2009, trang 269.
  54. A. De Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Sđd, tr 119y
  55. De Rhodes, Hành trình và truyền giáo. Sđd, tr 195 và 59.
  56. Saigon (xây 1880, 1959), Lavang (xây 1928, 1961), Phú Nhai (xây 1933, 2008) và Sở Kiện (xây 1882, 2011).
Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)
Index