
Lễ Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô – Lễ trọng

Lễ Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô – Lễ trọng
Ca nhập lễ
Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thoả thuê.
Bài đọc 1
Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em.
Bài trích sách Xuất hành.
3 Ngày ấy, khi từ núi Xi-nai xuống, ông Mô-sê thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp : “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” 4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. 5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. 6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” 8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”
Đáp ca: Tv 115,12-13.15-16.17-18 (Đ. c.13)
Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
12Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?13Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa..
Bài đọc 2: Hr 9,11-15
Máu của Đức Ki-tô thanh tẩy lương tâm chúng ta.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
11 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.
15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
Alleluia
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26
Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
12 Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ : “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà : Thầy nhắn : ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào ?’ 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng : và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật anh em : chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.
SUY NIỆM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU
“TẤM BÁNH TÌNH YÊU”
(Suy niệm của ĐTGM. Giu-se Ngô Quang Kiệt)
Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.
Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.
Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.
Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.
Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.
Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.
Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.
Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.
Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách song Bí tích Thánh Thể.
Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?
Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mon, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?
Ca hiệp lễ
Chúa nói : “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì luôn kết hợp với tôi, và tôi luôn kết hợp với người ấy.”