
- Giới thiệu
- I
- CUỘC ĐỜI Ở CHÂU ÂU
- 1. Tuổi thơ ấu và thời niên thiếu.
- 2. Người cậu bị ám sát.
- 3. Ông Bernières.
- 4. Chức linh mục.
- 5. Ở Triều đình.
- 6. Biểu hiện đầu tiên của Chúa Quan Phòng
- 7. Biểu hiện thứ hai của Chúa Quan Phòng.
- 8. Ngài Lambert ở Roma.
- 9. Chiến lược của cha Lambert.
- 10. Các Đức Giáo Hoàng với những buổi triều yết thuận lợi.
- 11. Cha Lambert chuẩn bị rời Roma.
- 12. Bổ nhiệm 3 Đại diện Tông toà.
- 13. Lễ tấn phong Đức cha Lambert.
- 14. Đắm tàu ở Texel.
Giới thiệu
Tôi xin hân hạnh giới thiệu chuyện cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte do linh mục Bénigne Vachet ghi lại trong những tập Hồi ký của cha. Phần lớn những tập Hồi ký này chưa từng được công bố, vẫn còn nằm trong Văn khố của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.
Cha Vachet sinh năm 1641 ở thành phố Dijon, nước Pháp, thụ phong linh mục năm 1668, và lên đường sang Xiêm ngày 13 tháng 2 năm kế tiếp. Sau nhiều năm phục vụ công cuộc truyền giáo ở Giáo Hội Đàng Trong và ở Xiêm, từ tháng 11 năm 1691, cha chuyển hẳn về sống ở Chủng viện Paris cho đến khi qua đời, vào ngày 19 tháng 1 năm 1720. Chính trong thời kỳ ở Paris cha đã « soạn thảo nhiều bài viết mà độ chính xác thì, theo ý kiến của Adrien Launay, nhà sử học của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, không phải là điều chủ yếu ». Henri Sy, người quản thủ Văn khố của Hội Thừa sai, đã nhận xét như sau : « văn phong của cha Vachet tràn đầy hình ảnh, được nhồi nhét bằng nhiều bản văn Kinh Thánh ». Vị linh mục Choisy nổi tiếng, người biết rõ cha Vachet, đã nhận định về cha như sau : « Ngài đúng là con người truyền giáo chân chất và chỉ mong làm vui lòng người khác. Ngài không phải là nhà hùng biện ; nhưng một khi nghe ngài nói, và nhìn con người ngài, người ta không nghi ngờ là ngài nghĩ sao thì nói vậy ».
Những trang dưới đây có thể không phải là một tiểu sử đúng nghĩa, nhưng là một chứng tá sống động và tràn đầy tình cảm của một nhà truyền giáo đối với vị Giám mục của mình. Thực vậy, hệt như chúng ta, cha Vachet kể về một Đức cha Lambert mà cha tôn kính mến yêu, theo những hiểu biết của con tim chứ không theo mách bảo của lý trí.
Tôi rất hy vọng quý bạn sẽ thích thú khi đọc những trang sau đây.
Tại Toulouse,
Mùa Xuân 2013.
Đào Quang Toản.
I
CUỘC ĐỜI Ở CHÂU ÂU
1. Tuổi thơ ấu và thời niên thiếu.
Có những người đã hạnh phúc từ lúc chào đời. Bởi vì Thiên Chúa muốn dùng họ để thực hiện điều vĩ đại nào đó cho Giáo Hội Người, nên Người đã liệu trước cho họ bằng những ân huệ thật đặc biệt. Đó là trường hợp của ngài Pierre Lambert de la Motte, xuất thân từ một gia tộc rất quý phái. Song thân ngài đã qua đời trước khi ngài đến tuổi tự lập. Bà nội của ngài, ở đất La Boissière, cách Caen vài dặm, cùng trong Giáo phận Lisieux, đã thay mặt cha mẹ ngài chăm sóc ngài. Tuy mới 9 tuổi, người ta đã nhận thấy ngài chững chạc trưởng thành đến lạ lùng : ngay từ thời thơ ấu, không trò chơi hoặc trò đùa trẻ con nào khiến ngài mất đi vẻ nghiêm nghị đứng đắn. Tính nghiêm trang khiến ngài thích những việc đạo đức, đến nỗi trong nhà và hàng xóm láng giềng gọi ngài là ông thánh nhỏ. Lòng đạo đức tăng dần theo tuổi tác, đến mức bà nội ngài những muốn nuôi dạy ngài để sống đời trần tục, vì ngài là trưởng nam của gia đình, đã bắt đầu e sợ ngài sẽ đi tu mất. Nhưng bà vẫn thán phục khuynh hướng tự nhiên ngài vốn dành cho lòng đạo đức.
Ngài đã nêu gương tuyệt vời trong thời gian học phổ thông, và khi ngài kết thúc môn triết, người ta có ý muốn chuyển ngài vào khoa luật hoặc vào giới văn chương. Ngài có vẻ thích hợp với ngành luật hơn, nên ngài chăm chỉ học tập và gặt hái được nhiều kết quả phi thường. Chính vào thời kỳ này ngài phải chọn lựa bậc sống. Ngài rút lui về ở với bà nội và sống ẩn dật cách biệt với mọi người để hồi tâm và rảnh rang tìm hiểu ý định Thiên Chúa dành cho mình. Thế là ngài đã trở thành nhà chiêm niệm mà không cần người trợ giúp.
2. Người cậu bị ám sát.
Cuối cùng, một biến cố đáng buồn và tang tóc đã giúp ngài quyết định, đó là khi người cậu đến thăm ngài và đề nghị với ngài về một đám cưới rất nhiều lợi thế, nhưng ngài chẳng buồn nghe lấy ngay từ những lời đầu tiên. Con người quý tộc đó đành từ giã cháu mình và lên xe ngựa trở về nhà cùng với phu nhân và hai tiểu thư. Khi ra khỏi La Boissière khoảng một phần tư dặm, thì ông bị một kẻ tử thù ám hại. Từ lâu đài người ta nghe tiếng súng bắn tứ phía, nên ngài Lambert chạy ngay đến chỗ có tiếng nổ. Nhưng ngài tới quá muộn, ngài thấy người cậu đã tắt thở, còn bọn sát nhân thì đã rút lui. Biến cố này làm ngài chán ngán trần gian đến nỗi ngài quyết định vĩnh biệt hẳn thế gian.
3. Ông Bernières.
Ngài khép mình trong ẩn viện của ông Bernières, con người phi thường và nổi tiếng. Tại đây đã quy tụ nhiều nhân vật có lòng đạo đức cao vời. Chẳng bao lâu sau ngài trỗi vượt trên tất cả những người ấy. Bởi vậy, vị thầy khôn ngoan trên đường thiêng liêng là ông Bernières thường đưa ngài Lambert ra làm gương và nhiều lần ông đã buột miệng thốt ra :
« Các bạn tận mắt thấy đấy, chàng trai trẻ này chỉ mới bắt đầu mà đã tài giỏi tương đương với những bậc thầy thông thái nhất trên đường hoàn thiện. »
Sau gần 2 năm sống trong tịnh viện ấy, nơi ngài đã hưởng được những chỉ dạy của vị thầy tuyệt vời Bernières, ngài được hướng dẫn quyết định sống bậc Giáo sĩ.
4. Chức linh mục.
Thông thái cho bản thân mình như thế là đủ, nhưng ngài cần phải trở nên thông thái cho những người khác nữa. Chỉ trong vài năm, người ta ngạc nhiên nhận thấy ngài từ một luật gia thuần tuý chưa hề biết gì về Giáo sử, đã trở thành nhà thần học tài ba, hiểu biết thấu đáo Kinh Thánh và Thư quy của các Giáo phụ. Đức cha Harlay [François I], Tổng Giám mục Rouen, đã phong chức linh mục cho ngài Lambert. Sau này, chính cháu của Đức cha sẽ lên kế vị làm Tổng Giám mục, [François III de Harlay], nổi tiếng là con người thông thái và sâu sắc nhất của vương quốc, đã có cảm tình sâu đậm với ngài Lambert đến mức không muốn rời xa ngài. Để ngài được kề cận với mình, Đức cha đã đề nghị ngài nhận chức vụ Giáo sĩ Uỷ viên tại Nghị viện. Và dường như công việc này chưa đủ quyết liệt để gắn bó ngài với Đức cha, Đức cha còn đề cử ngài làm Giám đốc Trung tâm Xã hội vừa được thiết lập. Nếu ai đó muốn ước lượng bao công sức, bao gian khổ và khó nhọc để đưa Trung tâm đến mức độ như hiện nay, hẳn người ta sẽ nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần là làm sao chỉ một con người mà thực hiện một công trình thành công đáng phục đến thế. Ngài đã gặp trở ngại tứ bề, từ phía Nghị viện, từ phía Triều đình lẫn cả từ phía hàng Giáo sĩ và tu sĩ. Tính cương quyết và lòng bền bỉ đã giúp ngài thắng vượt mọi khó khăn.
5. Ở Triều đình.
Khi ngài đến Paris để xin một số ân huệ và đặc ân cho Trung tâm Xã hội, ông Colbert [bộ trưởng] thậm chí không muốn nghe ngài trình bày. Ngài đã kiên nhẫn và chuyên cần đến mức ông chịu hết nổi và phải ban tất cả những gì ngài yêu cầu. Viên thư ký của ông đã hỏi :
« Thưa ngài, làm sao ngài lại xiêu lòng với linh mục này vậy ? »
Ông Colbert trả lời :
« Anh cứ làm việc một chút với linh mục đó rồi anh sẽ thấy liệu có từ chối được gì với ông ta không ? »
Ngài là linh hồn của Trung tâm Xã hội. Ngài xem mọi người nghèo là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô. Ngài cung kính phục vụ họ bằng chính đôi tay ngài và đầu trần không đội mũ nón. Ngài thường xuyên chăm chút không để họ thiếu thốn gì. Ngài còn cung cấp thức ăn ngon, vì để có các món gia cầm, bánh mứt ngài tiêu đến đồng xu cuối cùng trong số tiền bổng của ngài. Ở Trung tâm Xã hội mọi người xem ngài là người cha chung. Người cha này có một uy lực thật kiên nhẫn trên những con người đau khổ đáng thương đó, kiên nhẫn đến nỗi ngài không nề hà làm những gì ngài muốn miễn là đưa họ đến được với ơn cứu rỗi đời đời.
Ở Nghị viện thành phố Rouen, ngài cũng được quý mến không kém. Tính trung thực đến tuyệt đối của ngài đã mang lại nhiều vinh dự cho tập thể cao quý này trong một vấn đề khá phức tạp và tế nhị. Đó là khi họ đề cử ngài đại diện cho họ đi đến vùng đất Gex sát biên giới Genève để điều tra về các mốc giới. Dựa trên bản báo cáo của ngài, họ sẽ ban hành nghị quyết cuối cùng. Ngài đã tránh phiền phức được cho các đồng sự, vì ai nấy đều công nhận ngài là con người hoà hợp được các phe phái để họ đồng thuận.
6. Biểu hiện đầu tiên của Chúa Quan Phòng
Ta không được bỏ quên biểu hiện của Chúa Quan Phòng tỏ ra trên đường ngài đi. Trong lần ngang qua một ngôi làng vào lúc 2 giờ chiều, ngài thấy cửa nhà thờ mở, liền đi bộ vào đó để chào kính Thánh Thể. Ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ đứng cạnh bàn thờ cùng 4 đứa con nhỏ bé của bà. Ngài tiến lại gần bà ta và hỏi lý do khiến bà sốt sắng như thế. Con người tội nghiệp đó chảy nước mắt trả lời là 4 đứa trẻ mồ côi cha đang đói lả, mà bà thì không còn gì để cho chúng ăn, kể từ khi các nhân viên thuế thân đã khiến bà trở nên bần cùng khi họ tịch thu giường chiếu của bà cũng như dụng cụ đẽo gọt guốc gỗ, nghề kiếm sống của bà. Ngài Lambert trao cho bà 3 đồng tiền vàng [pistole d’or], và hỏi họ tên, địa chỉ của bà cũng như của các nhân viên thuế. Hàng xóm của bà goá phụ đó chứng nhận với ngài tình hình túng bấn của bà đúng như bà đã kể. Trước khi rời khỏi ngôi làng, ngài đã viết đơn đệ lên Toà án Rouen, vì đây là việc ngài thông thạo. Các nhân viên lạm thu đã bị bắt và tống giam. Người ta bắt họ nộp phạt một số tiền lớn, trong đó trích một phần để cấp lại cho bà goá phụ đáng thương kia.
7. Biểu hiện thứ hai của Chúa Quan Phòng.
Cuộc tranh luận của Gex đã kết thúc. Ngài Lambert đến Annecy để tôn kính hài cốt quý giá của thánh Phanxicô Salêsiô mà ngài có lòng tôn sùng cách đặc biệt.
Và biểu hiện thứ hai của Chúa Quan Phòng đã lộ ra không kém phần kỳ diệu so với lần trước. Các vị đang ở Roma [gồm cha Pallu, cha Meur và 3 linh mục Pháp khác nữa] xét thấy nên gửi một ai đó thông thạo tin tức đến gặp cha Lambert. Người này khi đi ngang qua vùng Piémont và Savoie, cũng nảy lòng hiếu kỳ lành thánh muốn đến Annecy. Ông ta ở trọ đúng cùng một nhà với cha Lambert. Gặp được ngài, ông trao cho ngài bó thư ông tính mang tới Rouen.
8. Ngài Lambert ở Roma.
Cha Lambert đã ra sức chăm chú đọc hết các thư. Ngài đi đến kết luận là nếu chỉ viết thư trả lời thì không giải gỡ được các khó khăn mà các vị ở Roma đang vướng mắc. Ngài cần phải có mặt ở Roma. Thế là sáng hôm sau ngài lên đường, với lòng xác tín là dự định lớn lao về truyền giáo phải ưu tiên trước mọi lý lẽ kêu mời ngài trở lại Rouen.
Các vị ở Roma hết sức bất ngờ khi ôm chào ngài. Sự hiện diện của ngài trấn an mọi nỗi lo ngại của họ, đem sinh khí đến cho lòng can đảm của họ đang hòng buông xuôi. Họ đã dám hy vọng thành công tốt đẹp khi thấy ngài đứng đầu nhóm họ. Ngài yêu cầu họ đề cử cho ngài một người có uy tín để ngài dễ dàng vào gặp Đức Thánh Cha cũng như các Hồng y của Thánh bộ Truyền giáo. Cha Tổng quyền dòng nam Carmêlô đảm nhận trọng trách này. Đức Giáo Hoàng và các Hồng y đều thán phục cha Tổng quyền. Tuy nhiên cha Lambert tin là công việc tiến được khá nhiều mặc dầu ngài chưa làm được gì. Nhưng một vị Hồng y góp ý với ngài là nếu chưa được lòng Đức Hồng y Slusius [Antoine Alberici], thư ký của Thánh bộ, ngài sẽ không bao giờ thành công.
9. Chiến lược của cha Lambert.
Vị giám chức người Roma này ghét tất cả những gì là mới lạ. Ông đã từng từ chối nghe các vị [nhóm cha Pallu] trình bày, nên khi cha Lambert xuất hiện, ông đã không muốn gặp rồi. Cha Lambert không chán nản : ngài có kế hoạch chiến thắng con người ương ngạnh đó bằng một phương cách thật khác thường.
Cứ sáng sáng ngài đứng ở cửa dinh thự của Đức Hồng y Slusius, và khi ông lên xe ngựa, ngài gập người vái chào. Đức Hồng y thư ký gặp ngài khắp nơi, khi thì ở cửa các nhà thờ lúc vào cũng như lúc ra, khi thì ở cửa dinh thự lúc đi cũng như lúc về, khi nào ngài cũng tỏ lòng tôn kính cách khiêm tốn làm ai cũng vui thích, trừ Đức Hồng y Slusius. Nghi thức chào hỏi đã diễn ra được 8 ngày, và vẫn tiếp tục cho đến một lúc, chiếc xe ngựa của Đức Hồng y Slusius dừng lại trên phố để Đức Hồng y trao đổi chuyện trò với một quý bà sang trọng và nổi tiếng. Cha Lambert tiến lại gần cửa và vái chào sâu như mọi hôm. Vị thư ký không thể thấy ngài vì ông đứng quay lưng lại với ngài, nhưng bà quý phái nhìn thấy và nói với Đức Hồng y :
« Thưa Đức Hồng y, có một cha muốn thưa chuyện gì với Đức Hồng y thì phải. »
Khi quay lại, Đức Hồng y Slusius thấy cha Lambert đang vái chào thêm lần thứ hai. Đức Hồng y nói :
« Thưa bà, vị giáo sĩ này chỉ muốn ám sát tôi bằng các vái chào cung kính và đức khiêm tốn của ông ta đấy mà. »
Bà kia đáp lời :
« Thế ạ, vậy thì Đức Hồng y hãy ban cho người ấy một cơ hội diện kiến đi. »
Vì lời thỉnh cầu của bà ta, Đức Hồng y Slusius xuống xe, đi vào một lối đi nhỏ và vời cha Lambert đến. Khuôn mặt tỏ vẻ giận dữ, Đức Hồng y vắn tắt hỏi :
« Thưa cha, tôi phải làm gì để thoát khỏi những quấy rầy của cha đây ? »
Cha Lambert trả lời :
« Con chỉ xin Đức Hồng y thuận cho con được bái yết một lần thôi, rồi sau đó Đức Hồng y sẽ không còn thấy mặt con nữa. »
Đức Hồng y Slusius nói :
« Tôi đồng ý. Tám giờ sáng mai cha đến tư dinh gặp tôi. »
Câu trả lời này an ủi cha Lambert vô cùng. Ngài đến đúng giờ. Vị thư ký biết ngài đang chờ ở phòng khách nên cho mời vào phòng riêng, và cả 2 người ở với nhau cho đến 7 giờ tối, vì Đức Hồng y Slusius cho người đem bữa ăn trưa lên tận phòng riêng. Đó là một cuộc thương nghị tốt lành vì nó đã hoàn toàn hoán cải con tim của Đức Hồng y Slusius. Từ đó trở đi, Đức Hồng y kết bạn với cha Lambert, một tình bạn keo sơn gắn bó đến mức không gì có thể phá hỏng nó được, một tình bạn kéo dài cho đến hơi thở cuối cùng của Đức Hồng y [+1680]. Vị thư ký này tự đảm nhiệm vai trò bảo trợ đặc biệt và vô tư cho sứ vụ của các Giám mục Đại diện Tông toà người Pháp. Năm nào Đức Hồng y Slusius cũng đều đặn viết thư cho người bạn Giám mục Béryte của mình.
10. Các Đức Giáo Hoàng với những buổi triều yết thuận lợi.
Hai ngày sau, Đức Hồng y Slusius giới thiệu với Đức Giáo hoàng cha Lambert và các bạn hữu ngài. Đức Giáo hoàng tiếp đón họ hết sức tử tế, hứa sẽ cho tiến hành công việc liên tục cho đến khi thoả mãn yêu cầu họ. Nhưng chẳng bao lâu sau, Đức Giáo hoàng qua đời. Đức Giáo hoàng AlexandreVII kế vị. Ngay trong tuần đầu tiên Đức Tân Giáo hoàng vừa lên ngôi, Đức Hồng y Slusius đã tiến dẫn nhóm cha Lambert với ngài. Đức Thánh cha cũng đã quen biết họ, vì ngài đã từng là Hồng y của Thánh bộ Truyền giáo. Đức Thánh cha đã tốt bụng báo cho họ biết ngài đánh giá cao dốc quyết hào hiệp của họ, và nếu Thiên Chúa không đặt ngài vào ngai toà thánh Phêrô, hẳn ngài sẽ từ bỏ mọi sự để gia nhập với họ ra đi lo công việc hoán cải lương dân. Ngài hứa bản thân ngài cũng như Toà Thánh sẽ bảo trợ cho họ.
11. Cha Lambert chuẩn bị rời Roma.
Cha Lambert thấy công việc của các bạn ngài tiến triển tốt đẹp, nên cho rằng từ nay họ không cần đến ngài nữa. Đàng khác, Trung tâm Xã hội vẫn đang là mối quan tâm của ngài. Vì thế ngài thuyết phục các bạn đồng ý để ngài nhất thiết trở về Pháp. Ngài đến chào từ biệt Đức Hồng y Slusius. Vị này hết lòng khen ngợi cha Lambert đã nhiệt tình đối với người nghèo như thế, và hứa đi hứa lại sẽ giữ mãi tình bạn với ngài. Vị Hồng y người Ý đã giữ kín không tiết lộ ra ý định Đức Giáo hoàng đã dành sẵn cho cá nhân cha Lambert. Ông chỉ nói là trong hai ngày nữa, ông sẽ đưa ngài đến gặp Đức Thánh cha để nhận chúc lành trước khi ra đi, và tốt nhất là quý vị bạn ngài cũng nên có mặt ở đó.
12. Bổ nhiệm 3 Đại diện Tông toà.
Khi tất cả nhóm đã tề tựu đầy đủ dưới chân Đức Thánh cha, vị cha chung hiền hoà tiếp đón họ với vẻ mặt tươi cười, phản ảnh niềm vui từ trong lòng hiện ra khuôn mặt. Quay sang cha Lambert de la Motte, Đức Thánh cha nói :
« Xem kìa, cha vội vàng từ biệt chúng ta để quay về với Trung tâm Xã hội của cha thật sao ? »
Đức Thánh cha đứng lên cầm tay cha Lambert, kéo ngài đứng lên theo (vì ngài đang quỳ), rồi nói :
« Còn ta, ta giữ con lại để làm Đại diện Tông toà cho ta ở Giáo Hội Đàng Trong. »
Và Đức Thánh cha quay sang làm cử chỉ y hệt như thế với cha Pallu:
« Ta tuyên bố con là Đại diện Tông toà của ta ở Giáo Hội Đàng Ngoài. »
Cha Lambert sẽ được tấn phong Giám mục hiệu toà Béryte, cha Pallu Giám mục hiệu toà Héliopolis. Đức Thánh cha còn giữ kín danh tánh vị Đại diện Tông toà cho Trung Quốc, bởi vì cha Cotolendi chưa đến, nhưng người ta đã biết là cha đang trên đường tới Roma. Dựa trên bản mô tả đầy ưu điểm về cha Cotolendi đã được trình lên Toà Thánh, Đức Giáo hoàng Alexandre VII đã quyết định bổ nhiệm cha làm vị Đại diện Tông toà thứ ba với hiệu toà Giám mục Métellopolis, một khi cha đặt chân đến Roma.
Nhưng đế chế Trung Quốc là vùng đất bao la so với đất Đàng Ngoài và Đàng Trong, vì thế trong 15 tỉnh lớn của Trung Quốc, Giám mục Métellopolis sẽ trông nom 9 tỉnh, Giám mục Héliopolis và Giám mục Béryte mỗi vị kiêm nhiệm thêm 3 tỉnh.
13. Lễ tấn phong Đức cha Lambert.
Một khi Bề trên đã tuyên phán, Giám mục Béryte, từ nay chúng ta sẽ gọi ngài dưới danh xưng đó, chỉ biết cúi đầu, vâng phục tất cả những gì Đức Giáo hoàng yêu cầu ngài. Ngài chỉ dám trình bày lên Đức Giáo hoàng ngài cần một ít thời gian, không phải để rút lui, nhưng để sắp xếp các công việc cách êm thấm, hầu không ai nghi ngờ được nhiệm vụ mới của ngài. Người ta cam kết giữ bí mật cho ngài. Và ngày hôm sau, người ta gửi đi những sắc chỉ liên quan đến ngài. Chỉ có Đức cha François de Harlay, Tổng Giám mục Rouen, người liên hệ mật thiết với Đức cha Lambert, được ngài thổ lộ tin này, vì ngài cần dựa trên uy tín và uy quyền của Đức Tổng Giám mục để trao công việc phụ trách Trung tâm Xã hội cho một người khác. Người từ chức Uỷ viên ở Nghị viện, bán hết đồ đạc nội thất và một mảnh đất nhỏ để có quỹ chi dùng vào những cơn cấp bách trong sứ vụ truyền giáo cũng như trong các cuộc di chuyển đi lại. Xong hết mọi việc trên, ngài đến Paris và lập tức đi tĩnh tâm. Sau kỳ tĩnh tâm, ngài được tấn phong Giám mục trong nhà thờ của dòng Nữ tử Thánh Thể ở đường Cassette.
14. Đắm tàu ở Texel.
[Bấy giờ người ta đặt đóng một chiếc tàu ở Hà Lan để đưa các Đại diện Tông toà đến nhiệm sở của các ngài].
Nhưng thật rủi ro, đúng vào đêm con tàu căng buồm chuẩn bị rời cảng Texel nhân lúc thuỷ triều lên, thì một cơn bão đổ ập vào hải cảng làm hơn cả trăm chiếc tàu va đập vào nhau vỡ tan tành. Và chiếc tàu kia cùng chịu chung số phận.
Sau rủi ro đó, các vị Giám mục không còn cách chọn lựa nào khác ngoài việc đi đường bộ vượt qua phần lớn đế quốc Ottoman, vùng đất Ba Tư mênh mông và vùng đất Mông Cổ rộng lớn.
(Còn tiếp)
Cao Kỳ Hương lược dịch
PJD giới thiệu