Cái chết của người môn đệ

Cái chết của người môn đệ

CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

 

Khác với rất nhiều người thời đại hôm nay, Đức cha Lambert có thói quen suy nghĩ về cái chết. Tại Xiêm La vào năm 1666, ngài đã cho làm cỗ quan tài đặt trong phòng riêng, phủ tấm vải đen. Và ngài viết cho Đức cha Pallu lúc đó đang ở Âu châu rằng :

« Tôi đã cho làm cỗ quan tài của tôi, đặt trong phòng ngủ của tôi, phủ một tấm vải đen. Tôi thấy cảnh tượng này rất hữu ích cho tôi, nó nhắc nhở tôi phải nhanh nhẹn hơn, chẳng còn lại cho tôi được bao lâu nữa, và giữ tôi khỏi yêu chuộng cái thân xác mà sẽ sớm bị chôn kín trong nấm mộ này, bị dòi bọ xâu xé và chỉ còn là nắm tro tàn. Vào nơi ở sau cùng đó trước giờ đã định, tôi dễ dàng tránh được lòng yêu thích những sự hữu hình mà tôi coi như đã qua rồi. Tôi cần sự trợ giúp này. Vả lại, đời sống của một người tông đồ phải là một bài thực tập chết đi liên tục. »[1]

Sau đây là chứng từ của Đức cha Laneaungười đã ở bên cạnh Đức cha Lambert trong cơn bệnh cuối đời của ngài và lúc ngài từ trần.[2]

 

Thư của Đức cha Laneau gửi các cha giám đốc Chủng Viện Paris

Ngày 02 tháng 11 năm 1679

Kính thưa quý Cha và quý Anh Em rất thân mến,

Xin Chúa Giêsu Kitô là đối tượng duy nhất của tư tưởng chúng ta.

Nỗi mất mát mà Chúa đã vui lòng cho chúng tôi gánh chịu năm nay khi ngài lấy đi khỏi chúng tôi Đức cha Bêryte, thì các Cha sẽ chỉ biết được quá ít qua bản tường thuật giản lược và các thư từ của chúng tôi trước đây, nên chúng tôi buộc phải nói chuyện nhiều hơn với quý Cha.

Ngài chết đầy đau đớn và Chúa đã cho ngài cảm nếm tới cực độ sức nặng của thánh giá Chúa mà ngài đã rất say mến trong đời ngài. Chúng tôi đã không dám viết ra trong bản tường thuật tất cả những điểm đặc thù nơi các nỗi đau khổ của ngài, sợ rằng điều đó có vẻ khó tin được cho những ai không biết cách thức mà Thiên Chúa đối xử với các kẻ thân tín nhất của Chúa. Nhưng vì chúng ta không phải giấu diếm sự gì với nhau, nay tôi xin nói vài sự với quý Cha.

Đã từ nhiều năm trời ngài cảm thấy rất khó đi tiểu ; nhưng điều này không ngăn cản ngài chu toàn các công việc bình thường, mặc dù nói thật ra, năm vừa qua [1678], ngài đã không dám liều lĩnh đi Đàng Trong[3]. Vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời [1678][4], một mụn nhọt sinh ra nơi ngài mà chúng tôi nghĩ là mụn trĩ, nhưng khi nó suy biến rò lở ra, ngài rất đau đớn, nhất là vì ngài lại không chịu nổi những thuốc thang cần thiết người ta áp đặt. Vua Xiêm La gửi các y sĩ của vua đến với ngài, họ cho ngài rất nhiều thuốc, nhưng tất cả những thứ đó đều vô ích với ngài, trái lại, lại làm ngài đau đớn.

Sau đó, ngài bị một cơn sốt gây cạn kiệt cơ thể[5] và làm rã rời tứ chi[6], một cơn khát cháy bỏng, tiểu tiện không kềm chế được, điều này khiến người ta nghĩ rằng ngài không bị sạn, nhưng sau khi ngài chết, người ta tìm ra ba hòn sạn lớn dính cả vào với nhau. Trước đó, người ta đã không chắc chắn, vì ngài không hề bằng lòng cho người ta đặt đồ thăm dò, vì việc này khiếm nhã. Và với các hòn sạn đó, người ta còn thấy bàng quang ngài hoàn toàn hư hoại và lở loét, và một quả thận sưng lớn như nắm tay với một mụn viêm loét, do vậy nước tiều ngài rất nặng mùi.

Trong những tháng đầu, ngài còn dậy được để đi vệ sinh, nhưng sau thì ngài buộc phải nằm trên giường, điều ấy khiến sinh ra những lở lói nhiều nơi, bởi vì vào cuối đời, ngài chỉ còn da bọc xương. Lúc đầu, ngài không đi việc cần được, và vào thời gian cuối thì lại bị tháo dạ.

Thật là thương xót khi nghe những tiếng kêu la của ngài lúc những cơn đau lại hành hạ ngài, gần như cứ mỗi mười lăm phút hay nửa tiếng đồng hồ. Mà ngài thường nói điều đó chẳng là gì cả so với những buồn phiền và cay đắng ngập trong lòng ngài. Tại vì Thiên Chúa đã cất khỏi ngài tất cả những niềm an ủi nội tâm, và chỉ còn lại cho ngài một tia sáng nhỏ mà tôi không biết là thứ ánh sáng nào, đã ngăn ngài khỏi bị tuyệt vọng.

Ngài ở trong những nỗi lo âu và những bóng tối kỳ lạ đến nỗi ngài không biết phải quay mình về phía nào ; ngài cho người đưa ngài nơi này sang nơi khác ; và trong phòng ngài, ngài đổi giường liên tục. Tuy nhiên, vì thấy người ta cho là kỳ lạ những lo âu như vậy, ngài xin người ta đừng khó chịu vì chuyện đó. Phải để sự ấy vào cái tự nhiên đang rên xiết. Nhưng dù những giác quan hoàn toàn trong rối loạn và cùng khốn, ngài hưởng được một sự bình an sâu thẳm trong linh hồn mình. Và dù con thú bị dằn vặt giày vò, cái bình yên nơi sâu linh hồn ngài không hề bị suy giảm chút nào.

Ngài than thở với Chúa gần như ông Gióp khi cơn đau lên cực độ. Lời nguyện bình thường trên miệng ngài không gì khác hơn là lời này : Auge dolorem, auge patientiam (Xin thêm nỗi đau khổ, xin thêm lòng kiên nhẫn). Và ngài nói dù ngài đôi khi thốt ra những lời thiếu kiên nhẫn, nhưng lòng ngài không có ý đó, ngài chỉ tuyệt đối ước muốn điều Chúa muốn.

Người ta đề nghị ngài làm lời thề hứa[7] nào đó mà xin Thiên Chúa ban cho ngài sức khỏe. Nhưng sau khi ngài cho tôi biết điều người ta gợi ý cho ngài, ngài kết luận rằng ngài không dám xin Chúa cho sức khỏe và ngài không biết việc ấy có thích hợp không khi nhìn đến tuối tác và những tàn tật của mình. Ngài không còn có thể quỳ gối và không thể làm việc hy sinh đền tội nữa. Ngài sẽ gây gương xấu cho các thừa sai.

Ngài được khuây khỏa an ủi khi thấy vài người trong chúng tôi. Nhưng vì có từng đấy việc tại đây nên thật khó mà trợ giúp ngài thường xuyên được. Chính ngài cho chúng tôi lui ra mà nói hãy đi làm việc của Chúa và để ngài đau đớn.

Không bao giờ trí phán đoán của ngài bị suy giảm. Luôn luôn ngài trả lời về mọi điều người ta nêu ra cho ngài như lúc ngài còn mạnh khỏe vậy. Ngài thường xuyên Rước Lễ và người ta không thể tin nổi lòng sốt sắng của ngài khi lãnh nhận những bí tích sau cùng của Hội Thánh.

Sau hết, ngài đã trút linh hồn trong cương vị con người đích thực của các nỗi đau đớn như ngài đã vẫn luôn sống giữa những thánh giá và những khổ ải, không cùng mức độ bên ngoài và bên trong. Thiên Chúa đã đưa ngài qua đó để hủy diệt ngài hoàn toàn và để làm ngài trở nên không thể hưởng niềm vui thỏa mãn về những gì Thiên Chúa thực hiện qua ngài. »

 

Lm. Đào Quang Toản dịch và giới thiệu

 

[1] Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 17.10.1666 (AMEP, tập 858, tr. 127) mà Đức cha Pallu cho xuất bản trong Relation abrégée…, Paris, Denys Bechet, 1668, p. 131-132.

[2] Xem Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, tome 1, Paris, Téqui, 1920, p. 72-73.

[3] Nhật Ký ngày 27/10/1677 của Đức cha Lambert : «Chúng tôi đã lấy quyết định cuối cùng sau khi cầu nguyện Chúa Thánh Thần, rằng Đức cha Bêryte sẽ chuẩn bị mọi sự cho chuyến đi của ngài sang Đàng Trong.» (AMEP, vol. 877, p. 606).

[4] Những dòng Nhật Ký cuối cùng của Đức cha Lambert là vào ngày 15/08/1678, tức ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Ngài viết : «Quan bộ trưởng cho người đến xin một thừa sai Pháp tới tham dự và cho ý kiến về một phiên xử quan trọng giữa hai người có đạo. Chúng tôi cáo lỗi vì là một trong những ngày lễ trọng thể nhất trong năm.» (AMEP, vol. 877, p. 616).

[5] «một cơn sốt gây cạn kiệt cơ thể» (fièvre éthique) : «Une fievre qui desseche toute l’habitude du corps» (Dictionnaire de l’Académie Française, 1694).

[6] «một cơn sốt làm rã rời tứ chi» (fièvre putride) : «Meslé, accompagné de pourriture» (DAF, 1694).

[7] «faire quelque vœu» : Khấn hứa với Thiên Chúa thực hiện việc gì đó để xin một ân huệ hay để tạ ơn đã nhận được. (Faire (le) vœu de : Faire une promesse solennelle à Dieu pour obtenir une faveur ou en remerciement d’une demande exaucée. Dictionnaire Trésor de la Langue Française).

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)