CÁC BÀI VIẾT CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
Buổi tĩnh tâm (1662, tại Ayutthaya)
Tường thuật buổi tĩnh tâm ngày 6.9.1662.[1]
Đề tài liên tục lúc tôi suy niệm là tôi cảm thấy được thôi thúc cách mạnh mẽ tới việc lập một cơ sở trong các nơi truyền giáo của chúng tôi, gồm những người được tuyển chọn và đạt đến sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa, nhờ lòng thương xót đặc biệt của Ngài. Mục đích của cơ sở đó, theo như tôi đã nhìn thấy cách tổng quát, là đào tạo nên những người tông đồ đích thực, những vị thừa sai đích thực và những Kitô hữu hoàn hảo, bởi vì cũng không loại trừ những giáo dân không lập gia đình, nếu Chúa Giêsu Kitô kêu gọi họ vào đời sống cao trọng này.
Những nguyên nhân chính khiến Thiên Chúa nhân lành muốn điều đó là để cải tổ Kitô giáo nơi những miền này và cách đặc biệt là cải tổ các vị thừa sai. Bởi vì họ đã nên cớ vấp phạm lớn cho việc trở lại đạo của các linh hồn, do những nguyên tắc đạo đức nguy hại mà họ đem tới, thật trái ngược với Phúc Âm, và do họ chẳng mấy lưu tâm đến những điều răn của Mẹ Giáo Hội Roma, công giáo, tông truyền cũng như những ngăn cấm của Đức Thánh Cha.
Quy luật của hiệp hội này sẽ rất ngắn gọn, nhưng bao gồm lề luật và các tiên tri, bởi vì những người được nhận vào sẽ tuyên hứa với Thiên Chúa luôn luôn thực hành mọi nơi những lời khuyên Phúc Âm phù hợp với ơn gọi của họ cả bề trong lẫn bề ngoài. Những người này sẽ chỉ vâng theo những tác động của Chúa Thánh Thần hằng ở trong họ. Tuy nhiên, về những việc hệ trọng, họ sẽ không làm gì mà không có ý kiến của người hay của những người sẽ được chọn vào việc đó [tức việc hướng dẫn họ].
Công việc chính của những tâm hồn thánh thiện này là thường xuyên thưa chuyện với Thiên Chúa về những phương tiện tìm vinh danh Ngài và phần rỗi của tha nhân, làm việc đền tội cho mình và cho các dân tộc, luôn tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho những kẻ được trao phó cho họ và luôn cầu xin những ơn lành mới ngõ hầu Thiên Chúa ngày càng được biết đến và được yêu mến, đồng thời không bỏ phí bất kỳ sự gì để đào tạo ra những giáo sĩ tốt lành, dạy dỗ các dân tộc không những về các mầu nhiệm đức tin và chỉ bảo họ con đường vững chắc dẫn về trời, mà còn giúp họ đạt tới việc nguyện gẫm mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ.
Về những người được nhận vào hiệp hội này, theo ý muốn của Thiên Chúa, họ phải là những người hoàn toàn chết cho chính mình, cho thế gian, cho bạn hữu, cho họ hàng thân thuộc, v.v. Tuy vậy, có thể nhận những người dù chưa tới được một đời sống cao siêu, nhưng có ơn gọi và sẽ được mời gọi gia nhập hiệp hội.
Về vấn đề vật chất thì không đáng nói đến. Những ai có của cải có thể mang vào hiệp hội và hiệp hội sẽ sắp đặt theo lệnh của Thiên Chúa, phó thác cho Ngài lo liệu mọi nhu cầu vật chất như Ngài từng lo cho muông thú vật Ngài đã dựng nên ; họ chỉ còn nghĩ đến một việc duy nhất là liên lỉ cầu xin ơn lành từ Thiên Chúa để làm sáng danh Ngài và chăm lo phần rỗi cho tha nhân.
Cuộc sống này là một mẫu mực hoàn hảo theo cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian, phải bắt chước cuộc đời đau khổ của Ngài và phải giúp cho người khác nhận biết được cuộc sống ấy, để họ tự lấy đó làm gương mẫu. Vì thế, tôi thấy rằng người ta có thể gọi đó là hiệp hội Những Người Mến Thánh Giá.
Tôi đã có ý tưởng viết ra cái nhìn này cho các bạn hữu của tôi tại Paris, để nếu Chúa muốn, người ta có thể thiết lập tại đó một hiệp hội tương tự, và rất có thể Chúa cũng cho phép thiết lập tại Roma nữa, đó là điều thật hữu ích và trong trường hợp ấy, hiệp hội tại Roma sẽ là hiệp hội thứ nhất [hiệp hội mẹ] của các hiệp hội khác.
Tường thuật buổi tĩnh tâm ngày 7.9.1662.[2]
Tôi cảm thấy thật hạnh phúc được trở nên lễ vật dâng tiến, được đón nhận và được dành riêng để một ngày nào đó, nhờ lòng nhân từ đặc biệt của Thiên Chúa, tôi sẽ được toàn thiêu vì lợi ích vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi tha nhân. Tôi mang trong mình một tinh thần liên tục sám hối khổ hạnh, một niềm cảm tạ tri ân, thiết tha van nài sự toàn thiện cho các dân tộc, tôi cử hành Thánh Lễ mỗi ngày để cầu nguyện cho họ, hầu họ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô ngày một hơn và xin Ngài vui lòng soi sáng cho những ai chưa gặp được niềm hạnh phúc duy nhất đó. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ, tôi còn phải thể hiện ra bên ngoài những hiệu quả của tinh thần ấy và nên gương sáng cho người ta nữa.
Chính vì vậy, trong khi tôi chăm chú nguyện ngắm, tôi nhận ra rằng tôi thật không sống xứng đáng với mức độ toàn thiện cao cả mà Ngài đòi hỏi nơi tôi, nếu tôi chỉ hết sức giữ ba lời khấn, với ơn thánh Ngài ban, một cách thầm kín bên trong ; nghĩa là, lời khấn khó nghèo [bên trong] là một sự chối bỏ, một sự khước từ và một mất mát liên tục và trọn vẹn những năng khiếu của tâm hồn ; lời khấn khiết tịnh [bên trong] là không bao giờ chấp nhận dành tình cảm cho chính mình hay cho thụ tạo nào ; lời khấn vâng phục [bên trong] là luôn luôn theo những thúc đẩy nội tâm. [Tôi phải giữ những lời khấn đó không những một cách thầm kín bên trong, mà] còn phải thực hành ra bên ngoài tất cả những gì mà ba lời khấn ấy diễn tả.
Sau những cái nhìn đến với tôi từ chiều hôm qua, tôi cảm thấy rằng Thiên Chúa đòi nơi tôi những hiệu quả theo địa vị mà Ngài đã thương xót cho tôi gánh vác, về việc đền tội công khai. Ngài muốn tôi kiêng thịt và ăn chay suốt cả đời, ngay cả những ngày Chúa Nhật, bởi vì lòng nhân lành của Ngài bị xúc phạm tất cả mọi ngày trong năm. Thật không đúng chút nào nếu bỏ qua một ngày mà không làm cho Ngài được vui lòng ; nếu không, may ra là vào những ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống, người ta có thể ăn thịt, bởi vì hình như được phép trong ba ngày đó, biến nước mắt đền tội thành nước mắt vui mừng và cảm tạ hồng ân.
Lm. Giu-se Đào Quang Toản
[1] Thư gửi cha Vincent de Meur: AMEP, tập 116, trang 553-554.
[2] Thư gửi cha Vincent de Meur: AMEP, tập 116, trang 554 và 559.