CÁC BÀI VIẾT CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
SUY NGHĨ VỀ CÁC ĐỨC TÍNH (1661, tại Bassora)
Suy nghĩ về các đức tính của những người đi truyền giáo Trung Hoa. [1]
“Trước khi nói về những việc cần làm cho hành trình truyền giáo, chúng tôi muốn nói một lời về những đức tính cần phải có nơi các thừa sai. Trong kinh nghiệm khó khăn của chúng tôi, phải nhìn nhận rằng đức tính cần có nơi các vị thừa sai không chỉ là một quyết tâm chân thành hoàn thiện đời sống Ki-tô hữu, mà còn phải thực hành điều này trước khi tham gia vào việc truyền giáo cao cả. Vì thế, một thừa sai có thiện chí, có lòng sốt sắng và đạo đức vẫn chưa đủ; người ấy còn cần sống qua mười năm liên tục trong việc nguyện ngắm thân tình với Chúa và trong việc phục vụ tha nhân. Nếu không được như thế, thì e rằng đời sống nội tâm của vị thừa sai ấy sẽ sa sút.
Còn một lý do nữa khiến chúng tôi ao ước đời hoàn thiện nơi những hạng người như trên. Đó là khi chưa ra khỏi những bước đầu của việc thực hành đạo đức, người ta chắc chắn sẽ rơi vào tâm trạng bối rối, nản chí, nghi ngờ ơn gọi của mình, ngạc nhiên cảm thấy không thể tiếp tục những thực hành bình thường của mình. Ở đây, cần phải từ bỏ tất cả mọi con đường riêng của mình, phải sống trong tự do, có một con tim rộng mở và phải tin rằng mình sẽ gặp thấy trên đường đi tất cả những gì cần thiết cho sự hoàn thiện theo bậc sống của mình; sau nữa, phải thâm tín rằng chính trong việc từ bỏ và phó thác như vậy mà ta tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật.
Tôi nói rằng chính trong tình trạng đó mà ta hành động với một sự tự do tinh thần đích thực. Tự do này hệ tại vào việc ta đặt để tinh thần của ta liên tục trôi theo tinh thần của Thiên Chúa. Thiên Chúa liên lỉ tác động trên tinh thần chúng ta bằng cách bao phủ tinh thần của Ngài trên tinh thần của chúng ta, đến nỗi tinh thần của chúng ta không còn hoạt động bằng sức riêng mình nữa, Thiên Chúa ngự trị hoàn toàn nơi tinh thần của chúng ta rồi. Và ta có thể nói rằng một tâm hồn bị cuốn hút vào Thiên Chúa như thế thì tiếp tục hy lễ mà Đấng Cứu Thế đã khởi sự lúc Ngài nhập thể và sẽ tiếp tục trong các tâm hồn trung tín một cách tuyệt diệu cho tới ngày tận thế, bằng phương cách hoạt động do chính Ngài thực hiện trong những tâm hồn đó.
Khi linh hồn ta ở vào trạng thái hạnh phúc như thế, ta có thể nói ta không còn sống theo ý mình nữa mà ta luôn thực hiện thánh ý Thiên Chúa, theo gương Chúa chúng ta như có lời đã chép rằng: “Ngài đã không chiều theo sở thích của mình” (Rm 15, 3); nhưng Ngài luôn luôn làm những gì Cha Ngài muốn: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).
Đó là mấy lời về tâm trạng đáng ao ước cho các vị đi truyền giáo Trung Hoa.
Khi ra khỏi nước Pháp với các đức tính kể trên, người đi truyền giáo vẫn còn thiếu nhiều điều nữa để sống hoàn thiện theo địa vị mình. Có những điều mà họ sẽ chẳng học hỏi được tại nơi họ sinh trưởng. Bởi vì Chúa chúng ta còn nhiều điều để nói với họ qua những con đường mà họ sẽ không thể nào theo nổi trong chính quê hương của họ, đúng như lời đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12).
Nhưng cuối cùng thì phải xác tín rằng nếu họ trung thành đón nhận mọi sự quan phòng, hay đúng hơn, tất cả những tác động của Thiên Chúa mà chắc chắn sẽ xảy đến trên hành trình của họ, Thiên Chúa, với lòng nhân hậu vô bờ bến của Ngài, sẽ cho họ khám phá ra những bí ẩn cao siêu của Ki-tô giáo. Những bí ẩn này được giấu kín nhiều hay ít là tùy theo mức độ mà ta từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính con người mình, và tùy theo mức độ chúng ta theo chân Chúa, qua những lời khuyên dạy đẹp đẽ và vững vàng trong Phúc Âm của Ngài.”
[1] Réflexion sur les qualités des missionnaires de la Chine: AMEP, tập 121, trang 610.
Lm. Giu-se Đào Quang Toản
ĐỌC THÊM