II
HÀNH TRÌNH ĐẾN XIÊM
VÀ THỜI GIAN ĐẦU Ở VƯƠNG QUỐC NÀY
- Cuộc khởi hành từ Paris.
Vừa được tin con tàu chuyên dụng đã vỡ tan, Đức Giám mục Béryte đã quyết định đi đường bộ và mở một lối đi gian nan cho các Giám mục khác đang có dự định theo ngài.
Ngài còn quyết định suốt trên lộ trình sẽ không để lộ dấu hiệu Giám mục nào ra bên ngoài, mà chỉ khoác áo một giáo sĩ bình thường. Vì thế ngài chỉ mang theo cha Bourges, linh mục tiến sĩ thần học xuất thân Đại học Paris. Cha Bourges là người gốc Paris và lúc đó mới 30 tuổi. Sau này cha sẽ được phong làm Giám mục hiệu toà Auren, Đại diện Tông toà cho Giáo phận Đàng Ngoài.
- Ngã bệnh ở Lyon.
Ngày 20 tháng 6 năm 1660, hai người ra đi với một người giúp việc. Mặc dầu lúc khởi hành, cả hai đều đang rất khoẻ mạnh, nhưng mới đến Lyon, Thiên Chúa đã muốn thử thách sức chịu đựng của tôi tớ Người. Người để Đức Giám mục Béryte ngã bệnh nguy hiểm đến nỗi người ta không còn hy vọng ngài sống nỗi. Thực vậy, ngài đã nhận các bí tích đi đường và xức dầu sau hết. Tới lúc này cha Bourges phải nói công khai ra điều họ muốn dấu kín, đó là bệnh nhân nguy tử kia chính là một Giám mục. Các nghi thức đã diễn ra như một gương sáng thu hút mọi người. Cha Bourges đã cầm bút tính viết thư báo tin về Paris, thì Đức cha Béryte nói :
« Này cha, cha không cần phải báo động cho bạn bè chúng ta. Cơn bệnh này có là gì đâu, nội trong 3 ngày nữa, chúng ta sẽ lại tiếp tục chuyến đi thôi ấy mà. »
Người ta hết sức kinh ngạc khi ngày hôm sau, không những ngài hết sốt mà còn rời khỏi giường và ăn uống nữa. Các bác sĩ tuyên bố việc lành bệnh chóng vánh đến thế chỉ có thể là do phép lạ mà thôi.
- Đến cảng Marseille.
Ba ngày sau họ đi thuyền trên sông Rhône và đến cảng Marseille, sức khoẻ tràn trề như khi rời Paris. Họ phải lưu trú tại đó vài ngày để chờ chuyến tàu khởi hành đi Alexandria. Đây lại là một sự can thiệp của Thiên Chúa Quan Phòng, khi Người bố trí thời gian để đem đến cho họ một người bạn đồng hành sau này sẽ mang lại vinh dự và vinh quang cho Giáo Hội Đàng Ngoài, bởi vì người này là vị thừa sai đầu tiên người Pháp cắm ngọn cờ Phúc Âm ở vương quốc đó. Đấy là cha Deydier nổi tiếng, người sẽ thường xuyên được nhắc đến trên những trang ký sự đẹp nhất của chúng tôi.
- Ra đi từ cảng Marseille.
Chuyến tàu chuẩn bị đi Alexandria đã sẵn sàng. Nhóm người được tuyển chọn xuống tàu tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi đến Alep, kinh đô nước Syria, với vài trở ngại, chẳng hạn như một số tên trộm cướp Thổ Nhĩ Kỳ có ý định khuấy rối họ. Cha Deydier vốn là người không chịu đựng được chuyện xấu xa đó, đã cùng với 3 kỵ sĩ tiến lại phía chúng, với vẻ kiên quyết đến mức bọn chúng phải rút lui, không còn dám tấn công họ, để đoàn lữ hành thong dong trên đường.
Tôi xin bỏ qua những gì cha Deydier phục vụ đoàn, cuộc tranh đua giữa cha với các người giúp việc để xem ai phục vụ nhiều hơn. Tôi cũng không kể ra những nguy hiểm họ thoát được : người ta có thể đọc chúng trong ấn phẩm cha Bourges đã công bố [Relation du Voyage de Monseigneur de Béryte…, par M. de Bourges, Paris, Denys Bechet, 1666].
Tôi xin kể tắt tới đoạn đến Ispahan.
- Đến Ispahan.
Ispahan là kinh đô đế quốc Ba Tư. Cha Raphaël, Bề trên các thừa sai dòng Capucin, đến gặp đoàn và mời về trú chân tại ngôi nhà đẹp đẽ do Sophy vĩ đại [tức vua Ba Tư] cho xây cất. Cha Raphaël là người thông thái, biết nhiều ngôn ngữ đang được sử dụng ở vùng đất phương Đông này. Vì thế vua Ba Tư xem cha là người thông dịch cho mọi dân nước. Việc này biến cha trở thành nhân vật quan trọng và cần thiết. Giám mục Béryte không muốn trở nên gánh nặng cho cha Raphaël, nên đã uỷ thác cho cha Deydier lo cung cấp thực phẩm và những chi tiêu khác của toàn bộ mọi người trong căn hộ, suốt thời gian họ lưu trú tại Ispahan. Cha Deydier đã rộng rãi chi tiêu khiến cha Raphaël và các tu sĩ của cha hết lời thán phục.
- Đến Surate.
Sau khi đi băng qua Ba Tư và biển Ba Tư, họ đến Surate, hải cảng nổi tiếng nhất của Ấn Độ. Đức Giám mục Béryte mong muốn đi thẳng tới xứ Đàng Trong, nhưng chưa tìm được phương tiện thuận tiện. Ngài được người ta cho biết là chỉ khi đến nước Xiêm, ngài mới dễ dàng sang đất Đàng Trong. Mặc dầu vương quốc Xiêm chưa thuộc quyền tài phán của các Đại diện Tông toà, ngài vẫn quyết định đi đến đó. Muốn thế, cần phải đi băng qua một phần lãnh thổ các chư hầu của đế quốc Mông Cổ, đi xuyên qua vương quốc Golgonde và vịnh Bengal cùng với mọi khu rừng nằm giữa Tenasserin và nước Xiêm.
- Đến kinh đô Juthia.
Khi đến Juthia, họ ở trọ trong trại người Bồ Đào Nha. Những người này tiếp đón đoàn thừa sai cách lịch sự, như tiếp những khách ngoại quốc tạm dừng chân để còn đi tiếp. Họ rất tôn kính Đức Giám mục Béryte và 2 bạn đồng hành của ngài. Nhưng khi biết được đầu óc phóng khoáng và thẳng thắn của cha Deydier, vì cha nói chuyện được với họ bằng tiếng Bồ Đào Nha, họ bày tỏ tình bạn cách đặc biệt với cha. Họ xin Đức Giám mục ban bí tích Thêm sức cho người trong 2 giáo xứ thuộc vùng đất họ khai khẩn. Ngài đã xin phép giáo quyền, hay đúng hơn vị Tổng quyền ở Malacca. Cha Deydier đã giảng lễ cách xác tín và hùng hồn đến mức những giáo dân lai Bồ Đào Nha đáng thương đó hết lòng mong ước sao cho các mục tử của họ được như những vị thừa sai mới đến này.
- Lòng ganh tỵ của vài tu sĩ.
Từ đó, ma quỷ bắt đầu dàn trận hòng tiêu diệt từ trong trứng nước những kết quả thần kỳ mà nó tiên đoán sẽ xảy ra qua những con người nhân đức và thánh thiện đến mức anh hùng như thế. Lòng ganh tỵ, tính hờn giận, tật phân bì dần dà len lỏi vào trong tâm hồn của vài tu sĩ mà hiện nay người ta quý chuộng kém hơn trước kia. Hạnh kiểm họ so với những giáo sĩ nhân đức kia lộ ra nhiều điểm xấu xa khiến những người sáng suốt nhất cũng không thể kềm lòng thốt ra lời trách móc họ công khai. Đó là ngọn lửa vừa nhen nhúm lẽ ra cần phải bị dập tắt để tránh hoả hoạn rộng lớn. Ma quỷ tinh ranh hẳn không thiếu cách gợi ý để đạt được ý định của nó.
- Xúc xiểm của vị Tổng đại diện Bồ Đào Nha.
Trước tiên người ta nêu lên mối nghi ngờ không biết Đức cha Béryte có thực là Giám mục hay không, và những người đồng hành với ngài có phải là linh mục hay không, vì có ai bắt ta phải tin lời họ tự xưng như thế. Việc này không có gì là vô lý, vì ngày nào trên thế giới này lại không xuất hiện những kẻ mạo danh.
Thế là để làm sáng tỏ vấn đề, theo gợi ý của các tu sĩ đó, tu sĩ tổng đại diện đứng đầu trại người Bồ Đào Nha đến gặp Đức Giám mục Béryte tại nhà ngài để tra vấn. Với tư cách đại diện vua Bồ Đào Nha và Tổng Giám mục thành Goa đứng đầu nước Ấn Độ, ông yêu cầu Đức cha cho xem giấy tờ chứng minh quyền bính mình, và quyền đó từ đâu ban cho ngài.
Chúng ta cần lưu ý là để gìn giữ quyền lợi Toà Thánh, Đức Giáo hoàng đã nghiêm cấm các Đại diện Tông toà phơi bày ra bất cứ gì đã được Đức Giáo hoàng ban, cho dầu nhà cầm quyền hoặc Toà án có yêu cầu đi nữa. Đức Giám mục Béryte vì không muốn đi ngược với lệnh của Đức Giáo hoàng, đã trả lời với họ là ngài không thể đáp ứng thủ tục họ yêu cầu được, bởi vì ngài không phải là công dân của vua Bồ Đào Nha, lại càng không phải thuộc cấp của Tổng Giám mục thành Goa. Tuy nhiên, nếu họ muốn, ngài sẵn lòng tiết lộ các chức quyền ngài với tư cách bạn bè và chỉ riêng 2 người với vị linh mục tổng đại diện. Sau đó ông sẽ báo cáo lại cho các Đấng Bề trên. Hôm sau ngài thực hiện điều đã nói, và vị tổng đại diện tỏ vẻ rất hài lòng.
- Chế độ bảo hộ của vua Bồ Đào Nha.
Đấy chưa phải đã giũ hết sổ nợ với những kẻ thù của các vị thừa sai. Họ có tài khéo, đúng hơn họ tinh ranh trong việc biến sự biện minh của vị Giám mục thành thuốc độc. Họ nói :
« Chúng tôi đồng ý là Toà Thánh thực sự gửi các vị ấy đến, và các ngài được những đặc ân mà người ta kể lại cho chúng tôi theo như họ đã thấy và đã đọc được. Nhưng chính điều đó lại khiến chúng tôi thấy các vị ấy rất đáng bị kết án, bởi vì các ngài bắt buộc phải qua Lisbonne [kinh đô Bồ Đào Nha] và trình diện ở quan Chưởng ấn vua Bồ Đào Nha là người rõ ràng được quyền bảo hộ trên khắp Ấn Độ, để đăng ký các sắc chỉ và sắc lệnh trước khi rời châu Âu. Thiếu việc này, các mảnh giấy trên đều vô giá trị, và không đáng tin tưởng. Hơn nữa, cho dầu các vị đó không thể đi qua nước Bồ Đào Nha được, lẽ ra họ phải đến gặp Tổng Giám mục thành Goa, vị Giáo trưởng duy nhất vùng Ấn Độ để xin phép thực thi chức vụ mình tại những vùng đất thuộc quyền ngài chứ ! Việc thiếu sự kính trọng sơ đẳng đối với cấp trên như thế càng thuyết phục chúng tôi là các vị đó không phải như họ nói, và người ta cần phải kiểm tra các người đó thực hư thế nào, vì chúng tôi thấy họ rất khả nghi. »
Một người nào có chút lương tri lại không xiêu lòng khi nghe bài diễn thuyết giảo quyệt như thế ? Nói với một người Bồ Đào Nha về uy quyền và quyền lực của vua người ấy, đó là bơm phồng con tim y đến mức để giữ yên nó, không có việc quá khích nào y không sẵn sàng thi hành. Ở đây ta có thể dùng lý luận để bác bỏ tất cả những lý do bên ngoài và sai quấy đó ; nhưng tôi xin để dành vào một chỗ khác để bàn luận chúng đầy đủ hơn. Lúc đó tôi sẽ đánh hạ cả những bài viết chứ không chỉ những lời nói của họ. Tuy vậy những lời nói này cũng đã gây được hiệu quả như lòng họ mong muốn, bởi vì không chỉ đem thù ghét thay thế tình yêu, mà hầu như không ngày nào người ta lại không gây ra một mối phiền phức mới cho các ngài.
Trong trại người Việt xứ Đàng Trong.
Viên chỉ huy thương điếm Hà Lan [theo đạo Tin Lành] ở phía bên kia sông khi hay biết được mạng sống của các vị thừa sai không an toàn trong tay nhóm người Bồ Đào Nha, đã đề nghị các ngài dùng nhà ông ta làm nơi nghỉ ngơi an toàn, nhưng Đức cha Béryte và 2 bạn đồng hành xét thấy không thích hợp để nhận lời mời đó, bởi vì khi rút sang nhà những người lạc giáo, họ lại tạo cớ mới cho người Bồ Đào Nha trách móc và nổi giận. Con người Hà Lan hào hiệp kia tuy bị từ chối, vẫn cho người bảo với vị Giám mục và 2 nhà thừa sai ít nhất họ phải cẩn thận không được dùng thức ăn nấu nướng trong nhà hoặc từ nơi khác mang đến. Và ông sẽ cho người đem thức ăn đến các ngài trong 1 hộp kín có khoá.
Những người Việt Nam xứ Đàng Trong sống cách đó 1 dặm ở thượng nguồn dòng sông, khi được biết Đức Giám mục dành cho đất nước họ đang gặp nguy hiểm giữa đám người Bồ Đào Nha, với tính nghĩa hiệp tự nhiên của dân tộc, đã đến mang Đức Giám mục Béryte, các bạn đồng hành của ngài, những người giúp việc và hành lý, ra đi ngay giữa ban ngày ban mặt. Họ rước các ngài về trại họ. Ở đó, họ xây cho các ngài một ngôi nhà và một nhà nguyện bên bờ sông.
- Sự lăng mạ của một người Bồ Đào Nha.
Đám người Bồ Đào Nha thất vọng vì người ta cướp mất ngay trước mũi mình con mồi mà họ đang nắm chắc, nên đã nổi điên lên. Một thanh niên khinh suất và táo bạo, muốn tỏ ra khác người, liền nhảy xuống chiếc thuyền con với một nhóm bạn. Nửa đêm y đến được dưới cửa sổ nhà các vị thừa sai, lấy cây đàn guitar ra và hát một bài bằng tiếng Bồ Đào Nha với nội dung là y muốn giết một Giám mục để không ai còn bàn tán gì về người đó nữa. Cha Deydier nghe rõ được từng lời, cảm thấy tức giận, muốn ra ngăn không cho hắn hát, nhưng Đức Giám mục Béryte đã cản cha lại.
- Những sỉ nhục mới.
Sau đó ít lâu, một người khoe khoang khác, tự nhận có họ hàng với vua Bồ Đào Nha, vừa cập bến cảng nước Xiêm và biết những chuyện vừa qua. Vênh váo vì phẩm chất quý tộc của mình, y bảo đảm với các người đồng hương là họ sắp thoát mọi âu lo rồi. Để thực hiện ý đồ, y chọn đúng ngày Chúa Nhật, sau giờ Kinh Chiều, để đến nhà Giám mục Béryte. Y bước vào nhà ngài cách ngạo nghễ đúng như tính cách của y. Y dẫn theo một đoàn tuỳ tùng đông đúc gồm nhiều tôi tớ và nô lệ. Con tàu y đi được trang hoàng lộng lẫy : hai chiếc kèn trom-pét ở mũi tàu liên tục phát ra những điệu nhạc quân hành. Nhiều dải vải mỏng đủ màu bay phất phới quanh tàu theo chiều gió. Trên tàu treo cả cờ hoàng gia Bồ Đào Nha. Tắt một lời, nói được đây là một chàng « Jean de Paris » thứ hai đang oai vệ vào thành.
Vừa bước vào nhà Giám mục, y khinh khi ngạo mạn thốt lên :
« Hãy báo cho Giám mục có ta đến đây. »
Đức Giám mục Béryte là con người luôn biết thích nghi và bình thản đáng nể phục, cùng 2 cha Deydier và Bourges ra gặp kẻ đang sốt ruột chờ đợi trong phòng khách. Vị Giám mục tiếp đón y lịch sự hết sức có thể và mời y ngồi. Thậm chí ngài còn chúc mừng y đã đến đây và thông báo cho ngài biết y đến thăm ngài. Con người thô lỗ kia ngắt lời ngài nói :
« Ông lầm rồi, nếu ông tưởng là ta đến đây thăm ông theo phép lịch sự. Chủ ý ta khi đến đây là bắt ông đưa cho ta xem ngay lập tức giấy phép nhà vua Bồ Đào Nha ban cho ông được đến vùng Ấn Độ. Nếu không có giấy đó, ta sẽ xem ông và thuộc hạ ông là những kẻ gian dối cấp trên. Ta sẽ xiềng tay chân các ông lại và giải đến ngai vàng để đền bù danh dự cho nhà vua cũng như xin lỗi nhà vua vì sự táo tợn của các ông. »
- Người Việt Nam bảo vệ Đức Giám mục.
Y vừa nói xong bài diễn văn ngu ngốc đó thì viên chỉ huy Việt Nam cùng với mươi, mười hai người đồng hương vội vã tiến vào phòng. Họ ăn vận như chiến binh ra trận, tức là đầu đội nón chóp có gắn lông vũ, cánh tay phải để trần và lăm lăm thanh gươm trong tay. Người ta vừa báo cho họ biết là nhà quý tộc Bồ Đào Nha này đến tính cướp Đức Giám mục Béryte và hai cha. Viên chỉ huy xông thẳng vào phòng cách đột ngột và không cần xin phép ai. Ông tiến thẳng lại người Bồ Đào Nha, nắm cánh tay y bắt y đứng lên, và dùng tiếng chửi rủa nặng nề nhất của người Việt Nam để nói với y với giọng gầm gừ :
« Cút khỏi đây ngay, đồ chó đẻ. Hãy cảm ơn Đức Giám mục đang hiện diện ở đây vì tao còn nể mặt ngài, bằng không tao đã cắt đầu mày ra rồi. »
Đức cha Béryte cố hết sức ngăn cản bạo lực, nhưng những người Việt Nam giả điếc trước lời van xin của ngài. Họ chỉ buông tên Bồ Đào Nha khi đã ép y xuống tàu, trước đó họ không quên đấm đá y vài cái để diễu cợt y.
- Cơn giận dữ của những người Bồ Đào Nha.
Người anh hùng rơm không giữ nổi bình tĩnh, nổi khùng lên tận tột đỉnh khi về tới nhà. Để rửa mối nhục đó, y nghĩ ra mọi khổ hình rùng rợn nhất, nhưng cũng không khiến y hài lòng. Vì số người Bồ Đào Nha không nhiều (mặc dầu người ta đếm được hơn 120 đàn ông), để thực hiện quyết định giết chóc đang ám ảnh y, y sôi sục tìm gặp viên chỉ huy người Hà Lan, tin chắc ông này sẽ vũ trang cho nhóm người Hà Lan để trả thù cho y, một khi y kể xong những gì y đã hứng chịu. Viên chỉ huy Hà Lan vốn là người khôn ngoan và cẩn trọng, lắng nghe những gì y nói trong cơn giận dữ, đã tìm cách xoa dịu y đôi chút :
« Thưa ngài, ngài chưa biết người Việt Nam đó thôi. Họ là những kẻ nổi giận ngay khi gặp ai đe doạ họ. Cho dầu phe họ chỉ hơn 60 người, tôi xin trả lời ngài là ngài có lên đường với toàn bộ đồng hương Bồ Đào Nha của ngài để thiêu đốt họ ngay trong nhà họ như ngài vừa nói, thì e rằng trước khi các ngài đến đó, họ đã thái nhỏ các ngài ra từng mảnh rồi. Họ sẽ không ngồi yên cho đến khi thiêu rụi xong toàn bộ khu trại các ngài và tiêu diệt hết các ngài. Còn về phần tôi, tôi không thể hùa theo cuộc tranh chấp này, vì ngoài những hậu quả khủng khiếp tôi tiên liệu, chắc chắn cấp trên của tôi sẽ khiển trách tôi. »
Tên Bồ Đào Nha đó không hài lòng với những lý lẽ đó. Y thô lỗ rời viên chỉ huy, lòng vẫn tức tối như trước. Viên chỉ huy Hà Lan thấy mình không thể xoa dịu y được, và xem chừng y có thể liều lĩnh đến tận cùng, cảm thấy bắt buộc phải thông báo cho Đức Giám mục Béryte biết để phòng tránh tai vạ.
- Việc này kết thúc như thế nào ?
Thủ lãnh người Việt cũng đã hay tin. Ông tập trung người lại và chia phiên canh gác suốt đêm chung quanh trại cũng như quanh ngôi nhà của Đức Giám mục. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, ông chia người ra thành 2 đội quân xuống 2 chiếc thuyền chiến mà vua Xiêm giao cho ông để theo phò vua khi lâm trận. Vừa có hiệu lệnh khởi hành, những người Việt Nam nổi trống trận lên và khởi động thuyền nhanh đến kỳ lạ. Chỉ chốc lát sau họ đã đến trước doanh trại người Bồ Đào Nha và buông chèo, để thuyền lửng lờ trên dòng nước. Họ tuốt gươm ra, nhục mạ đám người nhu nhược đang chết khiếp vì sợ đến nỗi không dám thò chân xuống đất. Phần lớn họ đều trốn khỏi nhà đến trú ẩn trong các nhà thờ. Những người Việt Nam cứ thế lượn qua lượn lại tới 4 lần mà không thấy ai trả lời, lúc đó họ mới trở về.
Viên chỉ huy Hà Lan đứng trên đài chỉ huy tàu ông, cạnh đó là một người Bồ Đào Nha rất chính trực đã theo phe ông. Ông mỉm cười nói với người ấy :
« Anh thấy sự can đảm của tay công tử hảo hán Bồ Đào Nha rồi đấy. Hôm qua còn vênh váo đòi đi nướng sống người Việt trong nhà họ, nay thì núp kỹ không thấy đâu nữa rồi. »
Mà đúng thực là từ hôm đó trở đi, không ai còn thấy y đâu. Đám người Bồ Đào Nha kinh hoảng đến mức trong suốt một tháng sau họ không dám đi ngang qua doanh trại người Việt Nam. Nếu có việc phải đi, họ chọn cách đi đường bộ vòng ra xa. Và đó là đoạn kết hơi buồn và bi đát của một biến cố. Còn các nhà thừa sai thì được hưởng bình an giữa người Việt Nam.
JPD lược dịch và giới thiệu