Chuyện Đức cha Lambert (Phần 4)

Chuyện Đức cha Lambert (Phần 4)

IV

 CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN SANG ĐÀNG TRONG

  1. Cha Vachet đến Juthia.

[Khi từ Pháp ra đi vào ngày 13 tháng 2 năm 1669, cha Vachet lúc đó mới 28 tuổi, và tới Xiêm năm sau đó. Sau đây là những gì ngài tự mình thuật lại về lần đầu tiên gặp Đức cha Béryte.]

Lần đầu tiên tôi được vinh dự đến bái chào ngài là vào lúc 9 giờ tối. Sau khi đọc xong lá thư Đức cha Héliopolis viết từ Roma, ngài đích thân dẫn tôi vào phòng nghỉ, và khi tạm biệt tôi, ngài còn nói ngài sẽ rất vui nếu sáng sau tôi giúp lễ cho ngài. Tôi đã thực hiện điều ngài nói, và ngài lại dự lễ tôi cử hành.

Ngài dẫn tôi trở lại phòng ngài. Lúc này, người ta đã dọn sẵn 2 bộ chén bát. Tôi chưa hết ngạc nhiên với việc này, bởi vì người ta còn dọn lên một đĩa thịt gà trộn, và một chai rượu nho nữa ; đến nước này thì tôi như mất hồn và không còn biết nói năng gì hơn. Vị Giám mục nhận thấy điều đó, mỉm cười nói với tôi :

« Đúng là cha không ngờ trước được một bữa ăn thịnh soạn như thế này phải không ? »

Tôi chân tình thú thật với ngài là những gì tôi nhìn thấy đã phá tan ý nghĩ người ta tạo ra nơi tôi về ngài, bởi vì tôi đã tin chắc rằng ở đây không ăn thịt và uống rượu, cũng giống như người ta không bao giờ ăn điểm tâm ở Chủng viện này. Thế mà ở đây mọi sự đều ngược lại trước mắt tôi. Ngài trả lời :

« Người ta không đánh lừa cha đâu. Bởi vì đã 3 năm rồi, chúng tôi ở đây sống khắc khổ. Chúng tôi tin rằng cách sống đó thích hợp với các nhà truyền giáo, và chúng tôi đã tự nguyện vui thích chọn cách sống đó. Nhưng từ khi Đức Giáo hoàng, các Hồng y của Thánh bộ và các bạn chúng ta ở Paris không đồng ý chuẩn y, như Đức cha Héliopolis vừa viết thư cho tôi đây, tôi không hề do dự chút nào để tuân theo cảm nghĩ của các đấng ấy. Cũng như cha thấy đấy, tôi là người đầu tiên tự kết án mình. Tôi đã ra lệnh là chúng ta sẽ dùng thịt trong bữa tối. Các vị thừa sai của chúng ta có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn, nhưng tôi hy vọng là tôi sẽ làm gương cho các ngài noi theo. »

  1. Chuyến đi đến đất Đàng Trong.

Sau bữa trưa, Đức cha vào phòng tôi và đóng cửa phòng lại. Khi chỉ có 2 người đối diện nhau, ngài nói với tôi :

« Tôi hiểu điều cha đã cư xử với tôi. Tôi thấy cha ngay thẳng và tôi rất hài lòng về đức tính đó nơi cha. Tôi cần phải báo cho cha là tôi đang chuẩn bị trong vài ngày nữa sẽ lên đường sang nhiệm sở của tôi là Giáo phận Đàng Trong, và tôi cảm thấy rất mong muốn cha cùng đi với tôi. »

Nghe đến đây, tôi quỳ xuống chân ngài và nói :

« Thưa Đức cha, ngài là chủ nhân của con, xin Đức cha cứ sắp xếp tuỳ ý Đức cha. »

Thực vậy, 17 ngày sau tôi xuống thuyền « xinh-ga » với ngài. Đó là một loại thuyền nhỏ đặc biệt của người Việt Đàng Trong. Nó gồm 10 tấm ván dày gắn kết lại với nhau bằng các chốt mộng chứ không dùng sắt hoặc đinh. Cánh buồm được dệt bằng cói lác, cột buồm nghiêng về phía trước. Nơi đặt bánh lái chỉ là một lỗ nhỏ, sóng biển ra vào được khi biển hơi động, nhưng không tổn hại gì đến con thuyền, bởi vì còn những miếng ván ngang khác ngăn nước lại. Thuyền có mặt sàn bằng tre trên đó người ta che vải hoặc dựng túp lều nhỏ để tránh mưa gió.

Ngày chúng tôi xuống thuyền, một viên thuyền trưởng người Anh xem xét kỹ cái vật gọi là thuyền đó, thuyết phục chúng tôi đừng đặt chân lên. Ông ta thề rằng cho dầu người ta có biếu tặng ông số vàng mà chiếc thuyền này chứa được, tuy mục đích ông ta đến Ấn Độ là để làm giàu, không có gì trên trần gian này có thể bắt ép ông ta tham dự một chuyến đi như thế cả. Tuy nhiên, chiếc thuyền này cũng an toàn ngang ngửa và có khi hơn cả những chiếc tàu tốt nhất khi di chuyển sát bờ, bởi vì khi người ta có nguy cơ đụng phải cồn cát, đá ngầm, thì chiếc thuyền này lại hầu như không hề hấn gì.

  1. Đắm thuyền.

Chúng tôi sớm có kinh nghiệm đắm thuyền ngay thôi. Bởi vì vừa xa con sông cái của nước Xiêm được 80 dặm, đến nơi có vô vàn đảo nhỏ, thì một cơn bão điên cuồng chợp ập đến và làm chúng tôi mắc cạn trên đất liền. Chúng tôi cần phải đi qua các dải đá ngầm, mà các cơn sóng thì cao ngất trời. Con thuyền đáng thương khi thì dâng lên thật cao, khi thì rơi mạnh xuống trên những mảnh đá nhọn nằm sát mặt nước khiến con thuyền rung lên cách khủng khiếp, đến nỗi bất kỳ lúc nào người ta cũng tưởng chừng nó sắp vỡ toang. Tuy nhiên khi dùng sức người kéo thuyền lên bờ, người ta thấy nó không hề suy suyển chút nào. Cơn bão làm bay mất cánh buồm và cột buồm khiến chúng tôi phải dừng chân ở vùng duyên hải này khoảng 17 ngày. Các thuỷ thủ dựng cho chúng tôi một nơi trú ẩn khá rộng, đủ để chúng tôi đặt một bàn thờ. Bởi vì không buồm, không cột, không giây nhợ và nhất là sau khi bão tan, nước biển rút ra xa một phần tư dặm, người ta hầu như hết hy vọng đưa chúng tôi đi tiếp bằng đường biển. Người ta đã quyết định đi đường bộ về Xiêm, một dự định khá táo bạo, vì đường đã dài lại khó khăn, thì Đức cha Béryte với lòng tin không lay chuyển, đã trấn an mọi người :

« Tôi hứa với các bạn là mặc dầu gặp nhiều trở ngại, chúng ta sẽ kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp. »

  1. Họ tiếp tục cuộc hành trình.

Chúng tôi làm tuần cửu nhật. Vào ngày thứ 8, trùng vào lễ Truyền tin của Thánh Mẫu, thuỷ triều dâng cao đến tận chỗ chúng tôi. Mọi người chúng tôi không để mất thời gian, bắt tay đưa chiếc thuyền trống rỗng đi vào một con sông nhỏ gần đó. Cột buồm và giây chão được sóng ném vào bờ. Nhưng điều làm chúng tôi sung sướng nhất là khi chúng tôi thấy trôi giạt cơ man là cây tre mà không biết từ đâu ra, bởi vì chúng tôi không hề thấy bụi tre nào trên các đảo, cũng không có cây tre nào trong các khu rừng kế cận. Thêm vào đó vô số trái chanh và cam ngọt nằm trên bờ biển, từ đó chúng tôi suy đoán Thiên Chúa đã nhận lời Đức cha Béryte. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị lên đường, và gió thuận đến nỗi chỉ trong 8 ngày chúng tôi đi được quãng đường mà bình thường phải mất đến 3 tuần.

  1. Đến xứ Đàng Trong.

Một linh mục bản xứ cùng đi với chúng tôi đưa ra ý kiến nên báo tin chúng tôi đến cho giáo dân [một làng có tên Lâm Tuyền]. Họ biết cách đưa chúng tôi đi qua các nhân viên thuế quan và binh lính đang canh giữ mọi ngã đường. Họ cáng Đức cha Béryte trong võng như các phụ nữ quý phái thường đi mà không bao giờ bị ai ngăn chặn. Còn cha Mahot và tôi thì nhân trời sáng trăng, cùng đi theo 8 người mang thân cây sung đến cho đàn voi của quan Tổng đốc, trà trộn giữa họ với mớ cây trên vai giống họ, ăn mặc cũng như họ. Chúng tôi đi trót lọt mà không ai thèm hỏi han chúng tôi. Và cứ như thế, chúng tôi đi đến nhà thờ Niatran [Nha Trang], gặp được tất cả các giáo dân nam nữ đang tụ họp tại đó.

  1. « Ông cố »

Đoàn chiên này có tới 800 giáo dân. Họ lần lượt đến đón nhận chúc lành đầy tình phụ tử của vị Giám mục của họ, mà họ gọi bằng Ông Cố [le Grand Père], theo tiếng Việt của họ. Chúng tôi buồn rầu vì không thể giải tội được cho họ. Tôi không hề có một chút kiến thức nào về tiếng Việt. Còn Đức cha Béryte và cha Mahot phải mất đến hơn một tháng mới nói và nghe được tàm tạm tiếng Việt. Vậy là để an ủi họ lẫn chúng tôi, chúng tôi hứa với họ 2 tháng nữa sẽ quay trở lại khi chúng tôi đã sẵn sàng phục vụ họ được.

  1. Trừ quỷ.

Vì cả thôn đều là người có đạo, chúng tôi không phải e sợ gì. Tuy nhiên ma quỷ thì giận điên lên vì thấy chúng tôi. Nó đã nhập vào cơ thể một thiếu nữ 19 tuổi, con gái một gia đình khá đàng hoàng tử tế. Cô gái bắt đầu gào thét to tiếng là sẽ đi báo quan vì có Giám mục và các vị thừa sai đến. Những ai từng quen biết cô, hiểu ngay là ma quỷ nói qua miệng cô. Người ta không ngạc nhiên về chuyện đó. Thầy giảng chỉ báo với Đức cha Béryte đây là cách ma quỷ muốn phá rối niềm vui giáo dân đang hưởng vì Đức Giám mục đang hiện diện giữa họ.

Vị Giám mục cho người dẫn cô gái đến. Cô ta vặn vẹo người đến dị thường và quỷ nói qua miệng cô ta là nếu nó không thể ngăn cản Giám mục đến đất Đàng Trong được, thì nó cũng sẽ sớm tìm cách đuổi ngài đi khỏi đây. Nhưng kẻ ngạo mạn đó nhanh chóng bỏ cuộc vì Đức cha Béryte chưa xong lời cầu nguyện ngắn thì nó đã rời khỏi cơ thể tạo vật đáng thương đó, với những tiếng tru tréo khủng khiếp.

Từ nơi đó chúng tôi đến thị trấn Niarouy [sic] [Nhà Ru]. Chúng tôi hy vọng kịp gặp cha Barthélémy d’Acosta đang ở thị trấn này.

  1. Cha Barthélémy d’Acosta.

Cha đã tự xưng cha Chính Đại diện cho vùng truyền giáo này, ngược với ý muốn của Đức cha Béryte. Cha cũng đã làm khổ các cha Hainques và Brindeau vô cùng. Lúc đó cha đang trú ngụ tại nhà quan trấn là người đã mời cha đến gặp vì cha tự khoe mình là một thầy thuốc giỏi. Nhưng khi hay tin chúng tôi đi đến nơi cha đang ở, cha vội vã rút lui và đi ra kinh đô.

Chúng tôi thấy một nhà thờ rất đẹp ở Niarouy [sic]. Thầy giảng phụ trách xứ đó là một thầy thuốc rất lương thiện, được mọi người giáo cũng như lương quý mến. Ông ta rước chúng tôi về nhà mình và nói là từ khi biết chúng tôi đến, ông đã từ chối nhận chứng thư thầy giảng do cha Barthélémy d’Acosta cấp và còn bảo chúng tôi cần phải cảnh giác với con người đó.

  1. Quan trấn thủ Nhà Ru.

Quan trấn thủ ở đó xem thầy giảng như bạn bè. Từ thời niên thiếu ông đã được rửa tội, nhưng rồi lại rơi vào ngoại giáo và có tới 3, 4 thê thiếp. Giáo dân không muốn giao du với ông ta. Người vợ và 2 con trai trong số các con ông là những giáo dân ngoan đạo. Họ không muốn xưng tội với cha Barthélémy d’Acosta, người đã nhiều lần dâng lễ trong nhà quan trấn thủ, mặc dầu ở phòng chính, người ta vẫn đặt trang thờ, biểu tượng của ngoại giáo.

Viên quan bất hạnh đó sai bà vợ đến xin chúng tôi ban vinh dự đến thăm ông ta với lý do quan trọng là để thu xếp lương tâm ông cho yên ổn. Đức cha Béryte cùng đi với thầy giảng đến tư dinh của quan. Nhưng vì không thấy tôi, quan sai người lấy danh Đức Giám mục đến mời tôi lên gặp quan. Khi tôi vào nhà quan, Đức cha Béryte hết sức ngạc nhiên vì ngài đâu cho người tìm tôi. Viên quan nói với ngài là chính quan ra lệnh như thế vì ông rất muốn gặp cả tôi. Ông xin hoãn cho ông một thời gian để giải tán các thê thiếp cho êm thấm, hầu sự việc không vỡ lỡ ồn ào ra, cũng như để dẹp trang thờ kẻo người ta tố cáo ông với triều đình, nếu ông dẹp các trang thờ cách đột ngột quá. Theo như ông nói, ông rất sẵn sàng để trở lại đạo thực sự, ông chỉ hoãn thời gian hoán cải cho đến khi chúng tôi quay về lại. Chúng tôi nghĩ là ông thật lòng thốt ra như thế, nên không tiếc lời để động viên ông và bày tỏ niềm vui của chúng tôi.

  1. Cuộc đầu độc.

Quan cho dọn ra một bữa ăn chiều thật ngon lành hấp dẫn, và ông muốn tự tay hầu bữa chúng tôi. Món đầu tiên ông bưng mời là đặt trước mặt mỗi người chúng tôi một quả cam Tầu rim đường đã tẩm thuốc độc. Tôi ăn hết phần của tôi và còn dùng thêm một nửa quả Đức cha Béryte trao cho tôi vì ngài ăn không hết. Quan muốn tôi trả lại nửa đó cho Đức cha bằng cách nói còn nhiều quả cam khác, nhưng Đức cha không muốn dùng thêm. Chúng tôi còn ngồi đó nửa giờ, và sau đó quan cho người đưa tiễn chúng tôi về nơi trọ cách hết sức tử tế, ít là bề ngoài có vẻ như thế.

Vừa tới nhà, cả hai chúng tôi cảm thấy buồn ngủ và mỗi người nằm trên một chiếc chiếu ngủ giấc thật sâu. Tôi tỉnh dậy vào lúc nửa đêm, người nóng bừng bừng như có ai đang đốt lửa trong ruột gan vậy. Tôi nghe có tiếng rên rỉ đâu đó như ở xa vọng lại. Tôi có cảm giác căn nhà đang xoay chuyển và tôi sắp té nhào, mặc dầu tôi vẫn đang nằm trên mặt đất. Tôi thấy khát nước kinh khủng và chợt nhớ mình có đặt một bình nước bên cạnh. Tôi vớ lấy nó uống lấy uống để và đổ phần nước dư trong bình lên trên bụng cho mát người một chút. Nghe giọng rên rỉ vẫn vang lên đâu đây, tôi liền hỏi ai đó. Đức cha Béryte trả lời là chính ngài, và ngài cảm thấy đang lên cơn co giật. Tiếp đó ngài bảo tôi mở tráp của ngài lấy lọ sành ở hộc dưới đem lại cho ngài. Tôi lết lại đó, vì có muốn đứng cũng không đứng lên được. Lọ đó chứa những viên thuốc kỳ diệu chống ngộ độc. Đức cha Béryte uống một viên, tôi lấy 2 viên và chúng tôi nằm ngủ lại. Vào khoảng 3 giờ sáng, tôi choàng tỉnh vì đau bụng thổ tả. Tôi vùng chạy ra sân, thượng thổ hạ tả, tống ra ngoài cơ thể một mớ đàm nhớt và máu.

Thầy giảng thấy chúng tôi lâm vào tình trạng thảm hại như thế, vội vàng cho người cáng chúng tôi ra đi ngay giữa ban ngày để thoát khỏi vùng quản lý của quan trấn thủ, vì ông sợ còn xảy ra ác ý nào khác nữa. Vừa đến chỗ mới, sáng hôm sau chúng tôi đã bị sốt cao liên tục. Phải 11 ngày sau tôi mới lành, nhưng Đức cha Béryte thì mất hết 1 tháng, và ngài kiệt sức đến nỗi tôi phải ban các bí tích đi đường và xức dầu bệnh nhân cho ngài. Ít ngày sau, cha Guiart và thầy thuốc Maurillon, người đã tặng Đức cha Béryte những viên thuốc giải độc, mới kịp đến gặp chúng tôi.

Mọi biểu hiện của thuốc độc đều đã hiển hiện ra trên cơ thể chúng tôi, nên không ai còn nghi ngờ gì nữa về việc đầu độc. Tôi cho rằng Đức cha Béryte đã được cứu sống nhờ một mụt nhọt rất to. Trong 4 ngày nó đã nung mủ và kéo dài suốt một tuần. Nó bung ra bao nhiêu là chất nhơ nhớp khiến người ta không hết ngạc nhiên. Khi hết sốt, người ta quyết định tiếp tục cuộc hành trình, mặc dầu tôi bắt đầu bị xuất huyết không nghỉ ngơi gì được. Đây là cảm nhiễm đầu tiên trong đủ các chứng bệnh khác nhau hành hạ tôi suốt 7 năm, mà không có thầy thuốc tài ba nào tìm ra được nguyên nhân, cũng như hiểu những hậu quả hiện ra dưới mắt họ.

  1. Số phận kẻ thủ ác.

Trước khi rời phủ trấn đó, cha Luca [Bền] báo cho chúng tôi biết là tư phòng quan trấn đã bị hoả hoạn. Người ta chỉ kịp cứu viên quan đã bị nướng cháy hết nửa người. Ông ta gào thét kinh khủng vì đau đớn tột cùng. Người ta mời cha Luca đến, và trước mặt vợ con, một thầy thuốc và vài đầy tớ, ông thú nhận ông biết bàn tay oai phong của Thiên Chúa đè nặng trên ông để trừng phạt tội ác ông đã phạm là đầu độc vị Giám mục và linh mục tháp tùng bằng 2 quả cam Tầu rim đường. Ông làm như thế theo lời xúi giục của một người ông có kể tên ra, nhưng thật quá ghê tởm để nêu tên người ấy ra đây. Người ấy cung cấp thuốc độc và bày cách sử dụng. Ông quan chỉ sống được 24 giờ sau đó, đủ để ông bày tỏ lòng ăn năn thống hối, giữ vững quyết tâm đã hứa hẹn với chúng tôi ngay từ lần gặp đầu tiên.

  1. Ở Quảng Ngãi.

[Sau khi rời Nước Mặn], chúng tôi vào phủ Quảng Ngãi. Mọi giáo dân đều vui sướng vì từ năm 1670, các ông trùm trưởng đã viết thư với lời lẽ vừa tha thiết vừa gây xúc động, để mời Đức cha Béryte đích thân đến cứu giúp họ sau khi 2 cha Hainques và Brindeau qua đời. Chúng tôi cũng được an ủi ngược lại khi thấy những Kitô hữu tân tòng này nhiệt tình và vững tin đến thế, đến nỗi chúng tôi những muốn lưu lại suốt quãng đời còn lại bên họ, nếu như ý Chúa không bắt chúng tôi phải chia sẻ thời gian cho mọi giáo đoàn khác ở đất Đàng Trong. Tôi không hiểu tại sao giáo đoàn phủ Quảng Ngãi lại thu hút chúng tôi đến thế, tôi không thể cắt nghĩa được. Giáo dân sống tản mát nhiều nơi. Vào các Chúa nhật và các ngày lễ, họ tụ họp lại tại 3 giáo xứ khác nhau, một là giáo xứ Đức Mẹ ở An Chỉ, hai là giáo xứ Thánh Gia ở Bao Tây [sic], và ba là tại Chou Mé [sic], nơi trú sở của một thầy Giảng.

  1. Bà Lucia.

Giáo dân từ khắp nơi tuôn đến cả ngày lẫn đêm, bất chấp lệnh cấm [do chúng tôi yêu cầu đừng đến từng đoàn lũ như thế]. Nhà thờ Bao Tây, nơi chúng tôi dừng chân, lúc nào cũng đông nghịt người. Đức cha Béryte thông cảm với sự yếu đuối của họ, nên đã chọn cách rút lui đến nhà một bà goá tên Lucia ở cách đó một dặm. Bà là cô ruột của chủ nhân nhà chúng tôi đang lưu trú. Hàng đoàn giáo dân lần theo dấu vết đến gặp chúng tôi. Trong 5 tuần tại đó, ngày nào họ cũng tụ họp lại để lãnh nhận các bí tích cách quả cảm, không e sợ gì, nhất là vì bà chủ nhà trọ đầy lòng bác ái đã mở cửa tiếp đón mọi người với lòng nhiệt tình nhẫn nại.

Đức cha Béryte qua kinh nghiệm, đã xác nhận được bà goá này là con người nhân đức và khôn ngoan. Ngài tỏ cho bà hay ý định quy tụ vài thiếu nữ muốn sống đồng trinh. Vài năm trước đây, các cô này đã nhờ cha Hainques viết thư đến Xiêm bày tỏ ước ao được tận hiến cho Thiên Chúa cách toàn vẹn nhất.

  1. Các bà Mến Thánh Giá.

Thế là, trong khi cha Guiart đến Hội An chuẩn bị mọi việc cho công đồng, tại An Chỉ, Đức Giám mục Béryte thiết lập hội dòng các thiếu nữ khấn giữ mình trinh khiết trọn đời, sống chung với nhau, dưới quyền một người Bề trên, cho dầu họ ăn mặc cách đơn giản thông thường nhất như những người khác ở đất nước này. Ngài xét không nên dùng khăn voile đội đầu. Ngài gọi họ là các bà Mến Thánh Giá, đưa ra những luật lệ gần giống những quy luật thánh Phanxicô Salêsiô đã thảo cho các nữ tu dòng Thăm Viếng. Cộng đoàn Mến Thánh Giá bắt đầu với 8 chị em, mà bà Bề trên mới 30 tuổi, là em gái của linh mục Giuse [Trang].

  1. Công đồng Hội An.

Từ Nước Mặn, Đức cha Béryte đi đến Hội An, nằm cách xa đó 40 dặm. Ngài đi cách bí mật đến mức các quan trấn thủ và thuế quan không hề hay biết, bởi vì cha Guiart và các trùm trưởng bên đạo đã dùng các biện pháp đề phòng kỹ lưỡng nhất. Người ta không đi vào thị trấn, nhưng dừng chân ở một cù lao trên sông. Tại đó, chỉ có một làng toàn tòng công giáo. Chính tại đây người ta tổ chức công đồng đầu tiên cho Giáo phạn Đàng Trong.

  1. Trở về Xiêm.

Chuyến trở về Xiêm là một trong những chuyến đi may mắn nhất vì chỉ mất có 14 ngày. Sức khoẻ tôi hầu như hồi phục hoàn toàn khiến Đức cha Béryte cho rằng tôi đã khoẻ mạnh để đi gặp Đức cha Héliopolis. Như thế tôi không thể tháp tùng Đức cha Béryte được nữa, mà phải tiếp tục lên đường đi Pháp để đem thư từ của ngài về đó. Chương trình này bị hỏng vì ở Tenasserin, tôi được tin Đức cha Héliopolis vừa từ bờ biển đi Bantan. Tôi xin ý kiến của Đức cha Béryte và ngài viết thư bảo tôi trở lại Xiêm.

(Còn tiếp)

Cao Kỳ Hương lược dịch

PJD giới thiệu

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)