Chuyện Đức cha Lambert (Phần 5)

Chuyện Đức cha Lambert (Phần 5)

V

 CHUYẾN ĐI THỨ HAI SANG ĐÀNG TRONG

  

  1. Lễ tấn phong Đức cha Laneau.

Đức cha Béryte đã nhận được một Đoản sắc ban quyền cho 2 vị Giám mục nếu có mặt cả 2 vị, hoặc cho Đức cha Béryte trong trường hợp không thể quy tụ được 2 vị, được phép chọn một trong các giáo sĩ tuỳ tùng để tấn phong làm Giám mục thay thế Đức cha Cotolendi đã quá cố. Đức cha Béryte cứ phải trì hoãn cuộc tấn phong lại, cho dầu ngài không hề hay biết hiện Đức cha Héliopolis giờ ra sao.

Cuối cùng Đức cha Héliopolis cũng tới được nước Xiêm. Cả hai bên đều rất vui mừng. Sau khi đã thông báo hết cho nhau những gì cần bàn về công việc chung, các Giám mục mở rộng vấn đề truyền chức thật cặn kẽ, đặc biệt đến việc chọn lựa cha Laneau và cha Chevreuil. Thực vậy, Đức cha Héliopolis chọn cha Chevreuil, còn Đức cha Béryte lại chọn cha Laneau. Thế nhưng chỉ cần một ứng viên, vì vậy cần phải thoả thuận. Đức cha Béryte đề nghị cách thế như sau :

« Trong sách Công vụ Tông đồ của thánh Luca, ngài nói với Đức cha Héliopolis, chúng ta thấy trường hợp các Tông đồ lưỡng lự khi chọn lựa thánh Mathiơ hay Giuse biệt danh người công chính, để thế chỗ trống trong Tông đồ đoàn. Đức cha và con hiện nay cũng đang bối rối y hệt như các ngài. Vậy chúng ta hãy bắt chước các ngài thực hành điều các ngài đã làm, và Chúa Thánh Thần sẽ quyết định thay cho chúng ta. »

Đức cha Héliopolis vui thích với đề nghị đó. Người ta lập tức viết ra 2 phiếu : một phiếu ghi tên Louis Laneau, phiếu kia ghi tên Louis Chevreuil. Hai phiếu hoàn toàn giống nhau, được gấp lại cùng một kiểu cách như nhau. Đức cha Béryte đặt 2 phiếu vào mũ ngài, và 2 vị Giám mục cùng quỳ xuống đọc lại lời nguyện ngày xưa các Tông đồ đã đọc trong trường hợp giống như bây giờ. Vừa quỳ gối, Đức cha Béryte vừa cầm lấy mũ và khua lắc để xáo trộn vị trí 2 phiếu, rồi mới trao mũ cho Đức cha Héliopolis và nói :

« Xin Đức cha bốc ngay tờ phiếu nào đụng tay Đức cha đầu tiên. »

Đức cha Héliopolis rút phiếu, mở ra và không khỏi ngạc nhiên khi đọc thấy tên : Louis Laneau.

Tuy nhiên Đức cha Béryte nói với ngài :

« Xin Đức cha gấp giấy lại và rút thăm thêm lần nữa. »

Không đợi nhắc thêm, ngài thi hành ngay ; nhưng thấy vẫn rút trúng tên cha Laneau, ngài vội quỳ xuống dưới chân Đức cha Béryte xin tha thứ cho hành động táo bạo của mình. Đức cha Béryte trả lời :

« Không đâu, Đức cha ạ, dầu Đức cha có rút thăm 100 lần liên tiếp thì cũng vẫn ra danh tánh đó thôi. »

  1. Chuyến đi sang đất Đàng Trong.

Đức cha Laneau đã được tấn phong làm Giám mục hiệu toà Métellopolis, với quyền tài thẩm trên nước Xiêm, và Đức Thánh Cha đã phê chuẩn theo lời thỉnh nguyện của Đức cha Héliopolis. Sau đó 2 vị Giám mục Giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong chuẩn bị cho sứ vụ mình.

Giáo phận Đàng Trong không còn như trong chuyến đi lần thứ nhất nữa : cuộc bách hại đã giảm bớt rất nhiều, và người Công giáo được hưởng bình an chính đáng. Một trong các vị thừa sai đã được Đức cha Béryte đặt ở lại xứ Đàng Trong [cha Vachet] đã gây được uy tín với phò mã và quan đệ nhất đại thần, quan Tổng trấn cai quản 3 phủ và các quan lớn ở triều đình. Tất cả họ đều vui thích bảo hộ cho vị thừa sai đó. Cha cho là mình không liều mạng chút nào khi thông báo với các quan trong triều việc Đức cha Béryte đến xứ Đàng Trong. Đúng thế, cha không lầm vì nhà vua khi hay tin này không hề tỏ ra khó chịu. Vị Giám mục đã mang biếu vua nhiều lễ vật sang trọng và lạ lùng đối với đất nước này.

  1. Ở hải cảng Phủ Mới.

Đức cha Béryte vừa cập bến hải cảng Phủ Mới đã cho người hoả tốc hội ý với tôi [tức thừa sai Vachet]. Thay vì đi gặp ngài, tôi chỉ viết thư khuyên ngài cứ thong thả đi đường, để tôi còn thời gian tới triều đình chuẩn bị tinh thần cho nhà vua và các quan trước đã. Quan đệ nhất đại thần và phò mã khen tôi hành động như thế là cẩn thận, vì nếu Đức cha Béryte đột ngột xuất hiện ở triều đình, có thể nhà vua sẽ khó chịu. Họ sẽ tìm dịp thuận tiện để báo tin cho vua. Tôi chỉ cần lui về Hội An đón chờ Đức cha đến để báo với ngài như thế, và cứ ở lại đó cho đến khi có lệnh mới. Viên thư lại của quan đại thần hứa ông sẽ là người đem lệnh đến cho tôi.

  1. Các nữ tu.

Tôi đi đón Đức cha Béryte ở Quảng Ngãi, nơi ngài dừng chân. Trong lúc chờ tôi đến, ngài gặp lại các nữ tu ngài đã gầy dựng trong chuyến đi trước. Ngài vui mừng vì lòng nhiệt thành của các chị không hề sa sút, và vẫn giữ nghiêm các quy luật ngài đã ấn định.

  1. Dân chúng.

Người ta không còn nói gì đến chuyện bách hại đạo, mặc dầu vẫn chưa thu hồi các sắc chỉ chống người Công giáo. Tôi ngạc nhiên khi thấy từng đoàn người từ khắp nơi đến để lãnh nhận phép Thêm sức, hoặc để thoả lòng ao ước đón nhận phép lành từ vị mục tử của họ. Đến mức này, tôi phải áp dụng lời khuyên của phò mã, quan đại thần và quan Tổng trấn để tránh ngay từ đầu những cuộc tụ họp đông đúc dễ gây tiếng đồn gần xa. Tôi trình bày với Đức cha Béryte ý kiến cần phải giải tán dân chúng, và tôi phân tán họ ra từng nhóm nhỏ để tránh sự truy tìm của những quan binh ngoại đạo.

  1. Người con trai của quan Tổng trấn.

Chúng tôi vừa vào ngôi nhà đã được sửa sang lại ở Hội An, thì người con trai của quan Tổng trấn hào hiệp thay mặt thân phụ đến chúc mừng Đức cha Béryte. Quan Tổng trấn đã gửi tặng Đức cha rất nhiều thức giải khát. Cuộc thăm viếng này làm tôi lúng túng, vì theo phép lịch sự, Đức cha Béryte phải đi thăm trả lễ quan Tổng trấn vào ngày hôm sau. Nhưng tôi thấy trước sẽ rất bất tiện, vì tai tiếng sẽ lan ra, nên tôi đề nghị ngài nên hoãn nghi lễ lại cho đến khi tôi trình lại ngài, để dò xem ý kiến của quan đó như thế nào đã.

Ngày hôm sau, tôi đến gặp quan Tổng trấn và ngây thơ chân tình, tôi giải bày những khó khăn tôi cảm nhận được nếu Đức cha đi thăm đáp lễ quan trước khi chúng tôi nhận được tin về thái độ của đức vua khi hay tin Đức cha đến xứ Đàng Trong. Ý kiến của tôi không làm ông ta phật lòng. Ông ta nói với tôi khi chúng tôi đến triều đình về rồi đi thăm đáp lễ sẽ thích hợp hơn.

  1. Tiến kinh.

Cuối cùng, ngài Van Thou [sic] là vị thư lại của quan đại thần, đến mang theo giấy cho phép chúng tôi lên triều. Ở đây chúng tôi gặp nhiều khổ tâm, bởi vì phò mã và quan đại thần báo cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ không được gặp nhà vua, cho dầu vua đã phê chuẩn cho Đức cha Béryte đến đất Đàng Trong, được ở lại đây bao lâu tuỳ thích, được trở về Xiêm khi công việc yêu cầu, và lưu trú tại đây khi ngài xét thấy thích hợp. Vua có ý định cho Đức cha Béryte lập trú sở ở Hội An, nhưng không cấm ngài thỉnh thoảng ra Huế (kinh đô của xứ Đàng Trong) vài ngày. Thêm nữa, vua không muốn những cuộc tụ tập đông người, vua đặc biệt yêu cầu điều này, và vua cũng đã ra lệnh cho một viên quan đã tòng giáo đón Đức cha Béryte về trú ngụ tại tư dinh ông ta. Đức cha không có gì phải e sợ khi giáo dân đến đó để cầu nguyện.  

  1. Lễ vật dâng vua.

Lễ vật dành cho vua rất đẹp và sang trọng, trong đó có 2 xấp vải mịn màng màu đỏ thắm, một tráp bằng bạc chạm trổ, và 4 hộp nhỏ hơn để đựng rượu mạnh, trầu cau, thuốc lá và dầu làm mượt tóc, hai gương soi của Venise [Ý] bọc trong bao da ngựa và cẩn bằng các đinh bằng bạc, một đồng hồ quả lắc báo giờ, khắc và chuông đánh thức, 6 tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng san hô và hổ phách, nhiều viên hổ phách to, một mảnh vải Hà Lan tuyệt đẹp, 2 thiếp giấy mạ vàng, thứ này rất quý ở đất Đàng Trong, một ống nhòm rất kỳ lạ giúp người ta phân biệt được nam hay nữ từ cách xa 2 dặm, 1 túi cẩn đinh vàng trong đó đựng một cái kéo, một con dao, một cái đục và một com-pa, một kính hiển vi lớn và một cái bé, 2 ly thuỷ tinh cẩn bạc, một thấu kính hội tụ để nung chảy bạc từ tia sáng mặt trời, một bật lửa hình khẩu súng nhỏ được trang trí bằng bạc, và một vài vật quý hiếm lạ kỳ khác mà tôi không nhớ nổi nữa.

  1. Thái độ của vua và của các hoàng thân.

Quan đại thần dâng tất cả các vật trên cho vua. Vua chỉ nhận ống nhòm và thấu kính lấy lửa sau khi đã bắt thử nghiệm ngay trước mặt vua. Vua sai trả cho Đức cha những vật còn lại, vừa bảo với quan đại thần là thật bất công khi Đức cha Béryte vượt bao nguy hiểm trên đất liền lẫn trên biển cả, đến được xứ Đàng Trong để kết bạn với vua với giá quá đắt như thế.

Lòng hào hiệp của vua tạo cho chúng tôi có phương tiện để tăng số quà dành cho các hoàng thân và các nhân vật tôn quý khác. Họ không tế nhị bằng nhà vua, vì tất cả bọn họ đều nhận quà cách hoan hỉ và biết ơn chúng tôi.

  1. Quyết định của Đức Cha Lambert.

Nếu không vì lý do chính trị sợ mang tai tiếng trong vương quốc, hẳn nhà vua đã vời Đức cha Béryte vào triều yết kiến. Vua đành gửi tặng ngài các thức giải khát kèm theo 100 đồng tiền xứ Đàng Trong, và nhắn qua quan đại thần là ngài được tự do ở lại đất Đàng Trong hoặc ra đi khi ngài muốn. Vị Giám mục chọn ngay lời đề nghị đầu tiên và quyết định từ nay trú ngụ ở kinh đô mỗi năm 6 tháng. Ngài cho khởi công xây dựng một nhà thờ trên mảnh đất phò mã giao cho ngài.

Ngài quyết định sẽ sống 6 tháng còn lại trong năm ở Hội An, hải cảng nổi tiếng nhất của Đàng Trong. Ở đó đã có sẵn một nhà thờ rộng rãi và sạch sẽ. Thành phố này nằm ở trung tâm vương quốc, điều đó cho phép ngài dễ dàng liên lạc với tất cả các thừa sai và các thầy giảng đang toả ra khắp các phủ trấn.

  1. Các cuộc thăm viếng của Đức Giám mục.

Mỗi lần Đức cha Béryte đi thăm viếng, ngài đều mặc lễ phục Giám mục, với cây Thánh giá đeo trước ngực. Các quan đại thần và thân vương đều cung kính tiếp đón ngài như họ vẫn hành lễ mỗi lần gặp nhau. Thậm chí có người còn muốn nhường vị trí số một cho ngài. Ở đâu người ta cũng thiết tiệc khoản đãi ngài, nhưng không có gì đánh động được ngài cho bằng việc để ý xem công cuộc truyền giáo tăng trưởng như thế nào. Những lá thư từ các phủ trấn gửi về cho ngài đều tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa. Chỉ có cái gia đình ông Jean de la Croix là nghiến răng nghiến lợi khi thấy chúng tôi thành công trong mọi sự, nhưng họ không dám phàn nàn gì về chuyện đó.

Cao Kỳ Hương lược dịch

PJD giới thiệu

(Còn tiếp)

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)