1. Giới thiệu
– Tên chính thức: Cộng đoàn Mến Thánh Giá Bái Vàng
– Thành lập: 19/2/1670 (theo nguồn sử liệu…)
– Quan thầy: Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su (1/10)
– Chị Phụ trách: Ma-ri-a Nguyễn Thị Thúy
– Liên lạc:
+ Địa chỉ: Bái Xuyên, Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội
+ Email: mtgbaivang@gmail.com
2. Đôi nét về cộng đoàn
Cộng đoàn Bái Vàng tọa lạc tại Giáo xứ Bái Xuyên (Bái Vàng), Giáo hạt Phú Xuyên, Tổng Giáo phận Hà Nội. Đây là cộng đoàn đầu tiên của Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. “Bái Vàng được coi là tu viện đầu tiên và là nguồn gốc của các nhà dòng Mến Thánh Giá”.[1] “Có lời truyền khẩu rằng: Nhà Mụ Bái Vàng trong tỉnh Hà Nội là nhà mụ trước hết trong nước An Nam. Phỏng thì là nhà ba người nữ ấy đã lập ra mà ở, ấy là gốc tích nhà mụ”[2]
Cộng đoàn Bái Vàng đã được các thừa sai nhắc tới cùng với biết bao thăng trầm của thời cuộc. “Ngày 29 tháng 5 [năm 1740], quân giặc lại tràn vào một lần nữa trong làng Bái Vàng và trong vài làng lân cận. Bái Vàng nằm phía dưới kinh đô một ngày đường. Chúng cướp bóc làng và mang đi tất cả những gì chúng có thể mang theo được. Trong làng này có một căn nhà của Đức cha Céomanie [tức Đức cha Néez Lu-y], một căn nhà của các cha dòng Tên, và một căn nhà các nữ tu Mến Thánh Giá, tất cả đều bị chúng cướp phá như mọi nhà khác trong làng”.[3] Từ đó có thể nói rằng, theo suốt dọc dài lịch sử với những khó khăn cấm cách, cộng đoàn Bái Vàng đã từng là nơi trú ẩn an toàn của các vị thừa sai và các nữ tu nơi đây đã luôn là cánh tay đắc lực cùng với hàng giáo sĩ gìn giữ đức tin cho biết bao thế hệ.
Cho đến hôm nay, các nữ tu Mến Thánh Giá Bái Vàng vẫn hăng say phục vụ dạy giáo lý, cắm hoa, dạy hát…tại Giáo xứ Bái Xuyên và một số nơi lân cận. Đặc biệt, cộng đoàn Bái Vàng đã có trường mầm non khang trang để vun trồng đức tin cho các em ngay từ những bước chập chững vào đời.
————–
[1] Báo Dân Chúa Âu Châu số 174, tháng 4-1997, trang 36.
[2] H. Ravier Khánh, «Sử ký Hội Thánh», III, Ninh Phú Đường 1894, trang 159-160
[3] Nhật Ký của Đức cha Néez Lu-y, Kho Thư Khố của Hội Thừa Sai Paris (viết tắt : AMEP), tập số 687, trang 155.