Đôi bàn tay cha

Đôi bàn tay cha

Đôi bàn tay con người, từ khi Thiên Chúa dựng nên đã chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc và phong phú. Đôi bàn tay ấy có thể là biểu tượng của sức mạnh như những kiến trúc sư, những công nhân, … tượng trưng cho sự kiên trì và khéo léo như những nghệ nhân thủ công, bác sĩ, họa sĩ,…Đôi bàn tay còn là biểu hiện của sự dịu dàng, lòng nhân ái và tình yêu thương. Nhìn vào đôi bàn tay, ta thấy được cả một câu chuyện về sự sống, về sự đấu tranh và về những giấc mơ vô tận của con người.

Có một đôi bàn tay đã từng hiện hữu qua dòng lịch sử của Giáo hội Việt Nam. Dù ở hiện tại, đôi bàn tay ấy đã trở về với cát bụi nhưng hình ảnh của nó lại thôi thúc chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá đi ngược về quá khứ và hướng đến tương lai. Đôi bàn tay ấy mang dấu ấn tình thương và sự phục vụ quên mình, hơn nữa nó còn chứa đựng cả một trái tim hiền phụ. Đó là đôi bàn tay của Đức cha Pierre Lambert.

Đức cha Pierre Lambert de la Motte, trước khi đến với ơn gọi linh mục, ngài được biết đến với vai trò là một luật sư. Mỗi ngày đến toàn án làm việc, ngài luôn dâng cho Đức Mẹ những vụ xét xử nơi tòa án của mình. Luật sư Lambert, chắc hẳn đã dùng ngòi bút để viết nên những văn bản pháp lý, soạn thảo các biện hộ và xây dựng lập luận giúp bảo vệ quyền lợi con người. Khi ấy, đôi bàn tay của Đức cha là công cụ thể hiện công lý và lẽ phải, sự tận tâm và là biểu hiện rõ ràng của trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Đáng lẽ, đôi bàn tay đáng kính ấy sẽ mãi mãi được kính trọng trong danh lợi và tiền tài thế gian. Thế nhưng, Đức cha đã sẵn sàng từ bỏ những gì là vinh hoa phú quý để đổi lấy Nước Trời. Đức cha đã dùng đôi tay làm cầu nối trao ban tình yêu thương của Thiên Chúa đến với vùng đất Á Đông: Ngài đã dành cả cuộc đời để truyền giáo, không ngại khó khăn gian khổ. Đôi bàn tay ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng chủng viện chung cho vùng Viễn Đông và phong chức cho những linh mục Việt Nam đầu tiên tại Juthia năm 1668. Qua Công đồng Phố Hiến năm 1670, ngài đã củng cố và phát triển cơ chế “Nhà Đức Chúa Trời” tại Giáo phận Đàng Ngoài. Với cơ chế này, hạt mầm ơn gọi đời sống linh mục và tu trì đã được gieo vào mảnh đất tốt để sinh hoa kết trái, hầu phục vụ cho cánh đồng truyền giáo bao la” (Nghị quyết CĐPH 1670 điều 10-14; TĐCG số 33 tr. 98).

Đức cha Lambert luôn dành nhiều thời gian để cầu nguyện cho những người đau khổ và cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Đôi bàn tay ấy chắp lại trong những giờ phút cầu nguyện, kết nối trực tiếp với Thiên Chúa, xin Ngài ban ơn và bình an cho mọi người. Ngài tự nguyện đánh tội hằng ngày để thông dự cách thiết thực vào cuộc thương khó của Đức Ki-tô. Hơn nữa, Đức cha Lambert xem việc đánh tội là cho Chúa Giê-su Ki-tô mượn ‘thân xác và cánh tay’ của ngài để Chúa Giê-su Ki-tô dâng lên Thiên Chúa Cha những đau khổ cứu độ trần gian.

Đôi bàn tay của Đức cha là biểu tượng của sự hi sinh và phục vụ quên mình. Trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen (1655-1660), Ngài đã chăm lo cho những người nghèo, từ trẻ mồ côi, thiếu niên thất học, người vô gia cư và thất nghiệp, đến những phụ nữ lầm lỡ…Đôi bàn tay, qua từng hành động cụ thể, đã trở thành hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian.

Và rồi, cũng từ đôi bàn tay ấy, ngài đã trao Thánh Giá cho hai nữ tu tiên khởi là A-nê và Pau-la. Trong khoảnh khắc đi vào lịch sử ấy, đôi bàn tay của Đức cha -với sự vững vàng và tràn đầy sự thánh thiêng đã giương cao Thánh giá, biểu tượng của tình yêu và hi sinh đến quên mình. Khi Đức cha trao gửi Thánh Giá cho hai nữ tu, ngài cũng trao gửi niềm tin, sự cam kết dấn thân vào con đường phục vụ, yêu thương và hy sinh noi gương Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Hai nữ tu nhận lấy Thánh Giá với sự khiêm nhường và lòng biết ơn, hiểu rằng đôi bàn tay của Đức cha đã truyền tải không chỉ trách nhiệm mà còn niềm hy vọng và sự nâng đỡ tinh thần. Đây không chỉ là mối liên kết chặt chẽ giữa Đấng Sáng Lập và những người say mến Thánh Giá mà còn là sự ân cần của người cha trao trọn niềm tin tưởng cho những người con của mình.

Đôi bàn tay của Đức Cha Lambert mang trong đó một tầm nhìn và một sứ mệnh cao cả. Những bức tâm thư mà Đức Cha Lambert viết cho các nữ tu là những hành trang tinh thần, là nguồn động lực và niềm tin trong cuộc sống tu đức, là những lời dạy dỗ sâu sắc về lòng trung thành, tình yêu thương và sự phục vụ vô điều kiện, đi qua thời gian và vẫn đọng lại trong lòng mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá.

Khởi đi từ đôi bàn tay, Đức Cha Lambert đã trao truyền cả một nền linh đạo tiến bước trên con đường Thánh giá, từng thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá hân hoan sống tinh thần Mến Thánh Giá trong đơn sơ, giản dị, nghèo khó, hòa đồng, sáng tạo trong công tác mục vụ. Nét tông đồ cơ bản được củng cố và phát huy nơi cộng đoàn, để rồi chị em được sai đi đến những vùng ngoại biên, len lỏi vào cuộc sống kiếp nhân sinh để hiểu, thông cảm, yêu mến anh chị em lương dân và các tín hữu sống xa lìa Chúa; cưu mang, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi, mang tình yêu ơn cứu độ đến cho họ.

Đôi bàn tay của Đức Cha Lambert đã để lại một di sản vô giá, là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho những thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá ngày nay. Những người nữ tu đã và đang là cánh tay nối dài để thực hiện sứ mệnh phục vụ và truyền giáo tại những nơi đang cần ánh sáng Tin Mừng soi chiếu. Từ ánh sáng hi vọng ấy, chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa nơi trần thế này. Ước mong sao những người nữ tu Mến Thánh Giá sẽ luôn là hình ảnh của Chúa giữa thế giới và hiệp hành với thế giới trên hành trình tiến về Nước Trời.

Đệ tử

Mến Thánh Giá Hà Nội

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)