Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 3)

Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 3)

III

Hội Dòng Tông Đồ

Đức cha Pallu và dòng Mến Thánh Giá (Phần 1)

Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 2)

Chúng ta đã nói chuyện cha Đắc Lộ, chuyện vận động tại Paris, chuyện cha Pallu hoạt động từ ban đầu, chuyện cha Lambert vào cuộc sau này, chuyện thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại Việt Nam, v.v.

Và bây giờ là năm 1664, tại Ayuthia, kinh đô xứ Xiêm La, tức 6 năm trước khi hội dòng nữ Mến Thánh Giá được thành lập. Năm 1664 là năm các thừa sai người Pháp họp công đồng Ayuthia. Công đồng này đã quyết định lập « Hội Dòng Tông Đồ » (Congregatio Apostolica). Đây là mấy câu hỏi đặt ra liên quan tới « Hội Dòng Tông Đồ » mà chúng ta sẽ tìm câu trả lời trong bài này :

  • « Hội Dòng Tông Đồ » là gì ?
  • Những cố gắng nào của Đức cha Pallu để xin Tòa Thánh chuẩn nhận « Hội Dòng Tông Đồ » ?
  • Cách thức làm việc của Tòa Thánh ra sao ?

1, « Hội Dòng Tông Đồ » là gì ?

Đức cha Lambert tới kinh đô Xiêm La ngày 22.08.1662, với hai cha Bourges và Deydier.

Ngày 14.10.1663, cha Bourges rời Ayuthia, lên đường về Pháp.

Đức cha Pallu tới kinh đô Xiêm La ngày 27.01.1664, với bốn cha Laneau, Chevreuil, Hainques, Brindeau và ông Chamesson.

Nhóm thừa sai Pháp đó, gồm tất cả là hai giám mục, năm linh mục và một giáo dân, sẽ họp công đồng và thành lập « Hội Dòng Tông Đồ ». Những điểm chính yếu của hội dòng này là :

– Đây là một dòng tu thực thụ theo nghĩa thông thường của Giáo Hội, có 3 lời khấn truyền thống là khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh.

– Thành viên chỉ gồm các nam nhân, được chia ra 2 bậc : bậc 1 theo lý tưởng hoàn thiện tuyệt đối của các thánh tông đồ, bậc 2 theo lý tưởng hoàn thiện phổ quát của các Kitô hữu.

– Thành viên bậc 1 giữ 3 lời khấn không những bề ngoài, mà còn cả bề trong nữa. Họ phải nguyện ngắm 3 giờ mỗi ngày ; kiêng thịt và ăn chay suốt năm, trừ ra ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống ; kiêng sử dụng thuốc thang khi bệnh ; v.v.

– Thành viên bậc 2 giữ 3 lời khấn như các tu sĩ khác. Họ phải nguyện ngắm 2 giờ mỗi ngày ; về việc kiêng thịt, ăn chay và kiêng thuốc thang, họ được phép theo thói quen các thừa sai tại Âu châu ; v.v.

– Bất kỳ giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ nào có ơn kêu gọi đi truyền giáo hải ngoại, đều có thể xin gia nhập hội dòng này. Tuổi phải từ 22 tới 37. Thời gian đào luyện tại nhà tập là 2 năm.

– Hội dòng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse.

2, Những cố gắng của Đức cha Pallu.

« Đức cha Pallu, có tinh thần ít tuyệt đối hơn, ban đầu đã từ chối thuận theo những cái nhìn của Đức cha Lambert de la Motte. Những lời khấn dòng, nếu các thừa sai đã ước muốn thì ngài chấp nhận, mà ngài chẳng hứng thú cũng chẳng tin rằng sẽ thành tựu. Còn những quy định khác, ngài xét rằng phần lớn là không thể thực hành được. Tuy nhiên, nhượng bước trước đức độ cao cả và trí thông minh cực kỳ của người bạn đồng nghiệp, ngài cuối cùng đã chịu thua. Sau này, ngài thú nhận rằng Đức cha Bérythe đã tạo một ảnh hưởng lớn trên tất cả những ai thân cận với ngài và thuyết phục họ được tất cả những gì ngài muốn.

Nhưng phải cần có sự chứng nhận của Rôma. Vấn đề này không thể nào xử lý được bằng thư từ, hay bằng một thừa sai bình thường. Thêm vào đó lại cần trình bày cho Tòa Thánh hiểu nhiều khó khăn mà các vị đại diện tông tòa gặp phải. Đức cha [Pallu] đã tự nguyện quay trở lại Âu châu […]

[Tới Rôma,] ngài muốn giải quyết trước tiên các vấn đề dễ dàng nhất, lưu lại sau vấn đề Hội Dòng Tông Đồ, vấn đề mà ngài nhìn thấy trước một sự chống đối mãnh liệt, nhất là tại Paris. Những lá thư của cha Gazil mà ngài nhận được lúc xuống tàu tại Livourne đã báo trước cho ngài hay rồi. Dù ngài kêu mời, chẳng ai [từ Paris] đến Rôma để trao đổi luận bàn với ngài cả. […]

Đức cha Pallu hy vọng nhiều rằng khi ngài ở Paris, ngài sẽ giải tỏa những hiểu lầm và đem ra tất cả những giải thích đáng mong ước. Trong khi chờ đợi, ngài cố gắng thực hiện điều đó bằng thư từ. »*[1]

Quả thực, ngài đã thấy trước rằng: « Ý tưởng về một Hội Dòng Tông Đồ sẽ làm rất nhiều người kinh ngạc và sẽ bị phản bác và chống đối bởi nhiều người. »*[2] Ngài đã trao đổi rất nhiều thư từ với các cha tại Chủng Viện Paris, về vấn đề Hội Dòng Tông Đồ, trước khi ngài từ Rôma trở lại đến Paris ngày 21.01.1668.*[3] Tuy nhiên, ngài sẽ không thuyết phục được ai cả. Do đó, ngay khi đặt chân tới Paris, ngài đã viết thư cho Đức cha Lambert mà nói rằng :

« Về chuyện những lời khấn của chúng ta mà tôi đã trình bày những nguyên do và những nền tảng, ngài Thư Ký Thánh Bộ nhìn với lòng thán phục và nói rằng những lời khấn đó sẽ được khen ngợi. Tôi không gặp được một người nào, tại Rôma cũng như tại Pháp, lại đồng ý việc chúng ta phổ biến ra bên ngoài và tất cả đều dửng dưng. »*[4]

Đức cha Pallu hẳn nhiên là còn nhìn ra rằng dự án Hội Dòng Tông Đồ đang gây ra chia rẽ giữa những thành phần khác nhau trong Hội Thừa Sai Paris. Bởi thế, cần phải có phán quyết trọng tài sau cùng của Rôma. Nhưng càng chờ đợi, ngài lại càng thấy Rôma im lặng. Cuối cùng, ngài quyết định trở lại Rôma.

3, Đức cha Pallu và cha bề trên Gazil cùng ở Rôma.

Ngày 10.11.1668, Đức cha Pallu lại có mặt tại Rôma. Mấy hôm sau, cha bề trên Gazil cũng tới Rôma, do ban giám đốc Chủng Viện đề cử sang đó để phản đối dự án Hội Dòng Tông Đồ.

Cha bề trên Gazil là « người đồng hương, người cùng hiệp hội, người bạn của Pallu. Không đồng ý với nhau về một điểm, hai người lại có cùng quan niệm và cùng ý muốn về vô số điểm khác. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu [tại Rôma] họ ở chung với nhau, họ cầu nguyện chung với nhau và cùng đi dạo chung với nhau, họ cùng thông tin cho nhau những đường đi nước bước của nhau và cùng kể cho nhau nghe những đồng ý và những từ chối của các vị Hồng Y. »*[5]

4, Cách thức làm việc của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

Trước dự án Hội Dòng Tông Đồ do hai Đức cha Pallu và Lambert cùng soạn thảo và cùng đệ trình, Thánh Bộ đã rất cẩn thận cứu xét với sự kính trọng hai vị đại diện tông tòa nói trên. Chắc hẳn, ủy ban đặc biệt của Thánh Bộ đã lắng nghe ý kiến của Đức cha Pallu cũng như của cha bề trên Gazil. Nhất là nhiều chuyên viên thần học uy tín đã được tham khảo ý kiến. Sau cùng, ngày 13.08.1669, Thánh Bộ ra sắc lệnh tuyên bố không cho phép lập Hội Dòng Tông Đồ. Và ngày 06.09 tiếp đó, Đức Giáo Hoàng công nhận quyết định trên của Thánh Bộ.

Đức cha Pallu, ngay trong ngày Đức Giáo Hoàng phê chuẩn quyết định từ chối nói trên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, đã bỏ lời khấn hứa tại Ayuthia năm 1665, ăn thịt và uống rượu. Sau này, ngài viết cho thừa sai Deydier rằng: « Tôi thà chết hơn là xa lánh một dấu phẩy trong các mẫu mực đã quy định cho chúng ta, khi chỉ là tỏ ra sự kính trọng và vâng phục mà tôi phải giữ và muốn giữ suốt đời đối với Toà Thánh. »*[6]

5, Thái độ cao thượng của Đức cha Pallu.

Một trong những người viết tiểu sử Đức cha Pallu có uy tín nhất là cha Louis Baudiment. Ngài đã nói :

« Và chúng tôi, tới phiên chúng tôi là người đã cảm phục dự định dũng cảm của vị đại diện tông tòa [khi trình Hội Dòng Tông Đồ], nay chúng tôi cũng không kém phần cảm phục thái độ đơn sơ trong sự vâng phục của ngài. »*[7]

Chúng ta cũng cần nhắc lại nơi đây thái độ rất quân tử, rất cao thượng và rất chân thành của Đức cha Pallu đối với Đức cha Lambert trong chuyện Hội Dòng Tông Đồ. Điều này, tất cả mọi sử gia đều công nhận :

– Theo Louis Baudiment, « Pallu đã tin chắc chắn rằng cần phải có một hội dòng tuyên khấn sự trọn lành. Pallu đã đề nghị hội dòng đó ra với niềm xác tín và đã nhiệt tình bảo vệ hội dòng đó. »*[8]

– Theo Guy-Marie Oury, « ngài đã tham gia với tất cả lòng chân thành vào cuộc chơi của Lambert de la Motte, với ý thức, truyền đạt những ý muốn và những lý luận của Lambert de la Motte […] Chính ngài đã từng thực hành những lời khấn một cách thận trọng từ những quyết định Ayuthia. »*[9]

– Theo Henri Sy, « lập trường của các cha giám đốc đã rất rõ : họ không bỏ qua sự gì mà không làm để ngăn cản dự án [Hội Dòng Tông Đồ] được thành tựu. Về phần mình, Đức cha Pallu, để trung thành với lời đã hứa với vị đồng nghiệp của ngài và với cảm thức riêng của ngài, ngài kiên trì trong quyết định của ngài. Ngài đã có ảo tưởng tin rằng những đơn xin mà ngài đã đệ trình nơi các Bộ tại Rôma sẽ nhận được giải pháp mau lẹ và nay mai ngài sẽ lại lên đường sang Viễn Đông. Thế mà những tháng trời trôi qua và chẳng lời phúc đáp nào tới với ngài. Bởi vậy, ngài quyết định lại ra đi lần nữa [sang Rôma] biện hộ cho việc của ngài. »*[10]

– Và chính Đức cha Pallu, trên đường trở lại Á châu, đã viết cho cha Deydier rằng : « Tôi không tin rằng người ta có thể làm việc và hành động hơn tôi đã làm để bảo vệ tất cả những lời khấn. »*[11]

*

Lưu ý ghi nhớ :

Câu chuyện lịch sử vừa kể ra trên đây giúp chúng ta nhìn thấy lại một vài điểm quan trọng sau đây :

a, Tòa Thánh.

Trong Giáo Hội công giáo, có những chuyện chỉ có Tòa Thánh mới có quyền quyết định. Và để cho Tòa Thánh thông hiểu vấn đề thì nên có người đích thân đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích và thúc giục nữa. Chúng ta vừa thấy Đức cha Pallu đã đảm đương công tác này với tinh thần khiêm tốn, vâng lời, kiên nhẫn và hy sinh.

b, Vai trò của Đức cha Pallu.

Hơn bao giờ hết, câu chuyện trên cho thấy Đức cha Pallu là người đứng giữa hai thành phần khác biệt và đối chọi nhau : địa phương truyền giáo và trung ương Rôma, các cha Dòng Tên và các Hồng Y thuộc Thánh Bộ, Đức cha Lambert và các cha điều hành Chủng Viện Paris, Đức Giáo Hoàng và vua Louis XIV. Trong vai trò tế nhị đó, ngài đã tỏ ra là người rất khiêm nhường, nhẫn nhục và hòa giải.

c, Linh mục triều.

Sự kiện Tòa Thánh từ chối dự án Hội Dòng Tông Đồ cho thấy tầm quan trọng của các linh mục triều của Pháp trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam kể từ năm 1659 trở đi. Và cũng chính hàng linh mục này là những người tiếp tục xây dựng, bảo tồn, hướng dẫn và dìu dắt các nhà dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.

< >

[1] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire, sđd, tr. 95-96.

[2] Thư ngày 29.12.1666 viết tại Alep.

[3] Cha Launay đã xuất bản 13 lá thư của Đức cha Pallu vào thời kỳ đó, tổng cộng là 30 trang sách in : Lettres de Mgr Pallu, tome 1, 1904, tr. 56-87.

[4] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire, sđd, tr. 99.

[5] Louis Baudiment, François Pallu, Principal Fondateur des Missions Étrangères, Paris, éd. Archives des Missions Étrangères, 2006, tr. 246.

[6] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, sđd, tr. 120.

[7] Louis Baudiment, sđd, tr. 249.

[8] Louis Baudiment, sđd, tr. 249.

[9] Guy-Marie Oury, Mgr François Pallu, sđd, tr. 98.

[10] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire, sđd, tr. 101.

[11] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, sđd, tr. 119.

PJD

(Còn tiếp)

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)