IV
Bàn về Hội Dòng Tông Đồ
Chúng ta đã trình bày Hội Dòng Tông Đồ và những cố gắng của Đức cha Pallu để xin Tòa Thánh chuẩn nhận Hội Dòng Tông Đồ. Nhưng Tòa Thánh đã không chuẩn nhận và dự án đó lại bị mọi người tại Rôma và tại Paris phản đối. Tại đây, như một phụ trương, chúng ta sẽ nêu ra những ý kiến về dự án Hội Dòng Tông Đồ.
1, Thánh Vinh Sơn.
Sử gia Oury cho biết :
« Ý tưởng về một dòng tu không làm vui lòng Rôma ; thánh Vinh Sơn [+27.9.1660] lúc còn sống đã nói rồi :
Tôi không nghĩ rằng các vị Đàng Ngoài tìm xin thiết lập thành một hội dòng tu ; và, giả thiết rằng khi họ xin điều đó, thì chắc có lẽ điều ấy sẽ không được chấp thuận cho họ, phần vì do dự tính của Đức Giáo Hoàng là lập một chủng viện các linh mục để gửi họ lo việc truyền giáo hải ngoại, phần vì người ta chẳng có thể thêm gì hơn vào hội Dòng Tên là những vị đã khấn sẽ buộc mình phải đi bất kỳ nơi nào mà Tòa Thánh muốn sai họ đi.
Chính Phanxicô Pallu cũng không hoàn toàn đồng ý kiến với người bạn của mình ; ngài có tinh thần thực tế hơn bạn ngài ; quả thực, những quy định [của Hội Dòng Tông Đồ] đối với ngài xem ra quá đáng và khó thực hiện. Với một niềm tin sâu xa, ngài đã đón nhận cái chết của nhiều bạn đồng hành và cái chết của Ignatiô Cotolendi. Nhưng luật lệ này [của Hội Dòng Tông Đồ] hẳn trong vòng mấy tháng trời sẽ đưa xuống mồ tất cả những vị thừa sai miền Viễn Đông, luật lệ ấy đối với ngài là quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, với tính khiêm tốn, ngài không muốn cưỡng lại Phêrô Lambert de la Motte. Dù sao chăng nữa, Rôma sẽ lên tiếng về chuyện này : các ngài đã chẳng là những thừa sai của Thánh Bộ đó hay sao ? »*[1]
2, Cha Vincent de Meur.
Cha Vincent de Meur, bề trên Chủng Viện Hội Thừa Sai, nhận xét rằng :
« Lời khấn vâng lời không thích hợp với phẩm chức giám mục, bởi vì giám mục nào đã tuyên khấn vâng lời trong tình trạng tu sĩ, thì sẽ được giải khấn ngay khi được nâng lên phẩm chức giám mục.
Lời khấn khó nghèo xem ra cũng ít hợp với tình trạng giám mục, bởi vì trong phẩm cách này, giám mục là cha những người nghèo khó, giám mục phải lo liệu cho nhu cầu họ. Vậy nếu ai không hề có chi cả thì làm sao mà thực thi được điều ấy ? »*[2]
3, Cha Thiersault tại Rôma.
Khi Đức cha Pallu tới Rôma ngày 20.04.1667, ngài gặp ở đó cha Thiersault, một người thuộc nhóm « Các Bạn Hiền ». Ngài cho Đức cha Pallu biết « ý tưởng của các giám đốc và các đại diện tại Paris, và ý tưởng đó đối lập lại ý tưởng của Pallu về vấn đề Hội Dòng Tông Đồ »*[3]. Ngài kể :
« Tôi đã không thể thuyết phục được Đức cha Héliopolis ăn sô-cô-la, ngài nghĩ là sẽ phá chay. »*[4]
Cha Thiersault viết thư tường thuật cho cha Gazil đang ở Paris hay rằng :
« Ngày 25.07.1667
Về Hội Dòng Tông Đồ, vị giám chức tốt lành của chúng ta [Đức cha Pallu] dứt khoát đem trình dự án cho các vị Hồng Y một cách đơn sơ giản dị để các vị ấy xét xử như ý muốn của các vị. Ngài có viết ra một bản tường trình, nhưng các vị Hồng Y sẽ không đọc bản viết đó đâu, mặc dù trong đó có những dẫn chứng và uy thế rất hay. Tuy nhiên, bởi vì ngài không được tỏ ra mình gắn bó vào những cái nhìn ấy, ngài sẽ bỏ qua bên tất cả những bản viết và lý lẽ trên, để trình bày ra cách đơn giản những lời khấn mà các ngài đã tuyên thệ để sửa sai lại những sự quá đáng xảy ra giữa các thừa sai.
Tôi đã xin hai người tới nói chuyện với người bạn yêu quí này [Đức cha Pallu]. Ngài có thái độ rất cởi mở với họ. Mục đích là để hai vị ấy trình bày cho ngài hiểu là phải cẩn thận với những ánh sáng của Đức cha Bérythe.
Một người là một giáo sĩ có địa vị, người thành phố Rôma, rất được trọng dụng trong tất cả các hội dòng. Ngài là người rất kinh nghiệm trong khoa thần bí, bạn thân thiết của thày dòng Luca, tên ngài là Michel Angelo Ricci.
Người kia trước có ở dòng Ca-pu-xanh một thời gian ngắn, cậu của một bà thân thuộc của cha De Meur và của các bạn khác. Ngài vừa có ánh sáng siêu nhiêu vừa có ánh sáng khoa học ở một mức độ cũng cao siêu như người trước đây.
Cả hai người đều soi sáng cho tôi thấy rằng điểm đó sẽ không được chấp nhận chút nào. Quả vậy, những vị ở đây thì kém đạo đức thiêng liêng, non capiunt ea qua Dei sunt sẽ là một niềm an ủi cho tất cả mọi người khi lời phúc đáp sẽ được tuyên phán về những sự nằm trên tầm sức bình thường.
Tôi tin rằng cha sẽ đọc được lá thư của cha Brindeau mà tôi đã gửi cho cha Picques. Chắc chắn lá thư ấy sẽ ghi dấu một chia rẽ nhỏ có thể xảy ra giữa những thừa sai, chia rẽ ấy là do cuộc sống [theo Hội Dòng Tông Đồ] mà một vài vị đã thực thi tại Xiêm La. Đó có thể là một sự lừa đảo của ma quỉ hầu ngăn cản những người đang ở Pháp đi tới những xứ ấy và ngăn cản những người đang ở đó làm việc trong sự hòa hiệp cần thiết.
Dù sao đi nữa, vị giám chức không muốn nghĩ tới những ai khác hơn là quý cha để cùng cộng tác với nhau làm việc cho thiện ích công cuộc truyền giáo của các ngài. Thật là một sai lầm lớn khi cho rằng ngài có ý như thế. Ngài rất xa cách với sự ấy. Nhưng ngài sẽ làm gì, nếu ngài đề nghị ra toàn bộ dự án và những lời khấn mà các ngài đã tuyên thệ ? Ngài sẽ làm sao để vừa lòng Đức cha Bérythe và những người đã tuyên thệ các lời khấn đó ? và họ sẽ trách ngài nhát sợ và không hề muốn nhượng bộ quyền bính của họ chút nào ? Tất cả là chuyện đề nghị mọi sự đó ra bằng một cách nào đó để đừng tạo nên một ý tưởng xấu nơi các vị Hồng Y về cách thức hành động của hai vị giám mục. Đó là điều chúng ta tìm kiếm và là điều chúng ta sẽ gắng sức thực hiện. »*[5]
4, Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris.
Sử gia Henry Sy tường trình « quan điểm của các cha giám đốc » như sau :
« Chúng tôi muốn trình bày những lý lẽ mà các cha giám đốc Chủng Viện nêu ra để chống lại dự án Hội Dòng. Các thư từ của họ không còn lưu giữ được, nhưng chúng ta có một bản sao lá thư mà họ gửi ngày 28.07.1667 cho Đức cha Lambert de la Motte, và thư này diễn tả đầy đủ tất cả tư tưởng của họ :
« [Kính thưa Đức cha Bérythe,]
Đức cha Héliopolis gặp được tại Alexandrette một con tàu đi Livourne, ngài đã lên tàu ấy để đi tới gần Rôma hơn, nơi mà ngài đến trước tiên, vì công việc của ngài lôi kéo ngài tới đó hơn là tới Pháp. Ở Pháp tất cả các bạn hữu của ngài nghĩ rằng ngài nên tới thẳng Pháp hơn để bàn tính tất cả những sự việc mà ngài phải đề nghị ra cho Rôma. Những sự việc ấy là rất khó thực hiện, nếu không nói là bất khả thực thi, trừ phi người ta thay đổi nhiều điểm trong đó. Nhưng tôi không hề bàn vào điều này, tại vì tôi nghĩ rằng chính Đức cha Héliopolis đã báo tin cho Đức Cha về tất cả những gì ngài sẽ làm và về sự tiến triển trong việc thương lượng của ngài. Chắc ngài đã cho Đức Cha hay rằng chúng tôi đã khẩn xin ngài lúc tới Livourne là hãy đến Paris trước khi đi Rôma. Chắc ngài cũng đã cho Đức Cha biết những lo lắng ưu phiền nơi chúng tôi liên quan tới dự án mà ngài đã về đề nghị và đã là lý do chuyến đi của ngài. Dự án ấy, chẳng ai có thể ưng nhận, nhưng tôi không biết ngài có cho Đức Cha biết những nguyên nhân các nỗi lo lắng ưu phiền nơi chúng tôi không. Có rất nhiều nguyên nhân.
Đây là hai nguyên nhân chính :
Thứ nhất :
Ngài không thể nào đề nghị ra dự án đó ra mà lại không mất rất nhiều uy tín. Bởi vì, sau những lần thảo luận và tham khảo ý kiến mà chúng tôi thực hiện tại Paris nơi những vị rất thành thạo*[6], điều chắc chắn là dự án đó hàm chứa nhiều điều có khuynh hướng thiên về lạc giáo, đối nghịch lại với thần học ngay lành, rất lập dị, không hề có kiểu mẫu nào, sẽ đưa những công cuộc truyền giáo của quý ngài đi thẳng đến chỗ tàn lụi.
Người ta sẽ ngạc nhiên thấy một vị giám mục rời xa nhiệm vụ mình, bỏ rơi bao nhiêu linh hồn đang cần sự hiện diện của ngài, đi lo một cuộc hành trình rất gian nan và đầy nguy hiểm, tự đặt mình vào tình trạng vắng mặt trong các nhiệm vụ tông đồ của mình trong vòng hơn 6 năm trường. Tại sao vậy ? Để mang về ý tưởng một Hội Dòng rất đỗi kém suy nghĩ, rất đỗi kém cơ sở, sai phạm chống lại các nguyên tắc thần học và lý trí quân bình. Quả thực, lòng kính nể nào người ta sẽ có thể có đối với ngài, nỗi đau khổ nào nơi ngài vì bỏ mất thời gian, rời khỏi công việc của ơn gọi mình và chỉ kéo về mình những trách móc mà chúng tôi ngại rằng người ta sẽ nói về ngài, trừ ra là ngài có những nguyên cớ vững vàng hơn để trở về mà trình bày. Quả thực, điều này làm chúng tôi rất lo ngại.
Thứ hai :
Ngay cả khi nếu ngài thay đổi sự gì đó trong dự án của ngài để được chuẩn nhận, ngài sẽ làm gì để thực hiện dự án ấy ? Ai sẽ là đối tượng và thành viên Hội Dòng đó ? Tất cả chúng tôi đã tuyên bố với ngài rằng ngài sẽ không tìm ra được một người nào trong chúng tôi cả. Và đấy là một trong những lý do khiến chúng tôi muốn ép buộc ngài điều này : đó là ngài đừng nói ra rằng ngài đã hội thảo với chúng tôi về dự án ấy. Nếu ngài lấy những đối tượng ở nơi khác hơn chúng tôi để tạo lập Hội Dòng của ngài, thì ngài có hành động một cách khôn ngoan khi đi tin cậy vào những kẻ mà ngài không quen biết, trong việc điều hành các vấn đề vật chất và tinh thần của ngài, những vấn đề mà ngài không hề bao giờ biết đến ? Bởi vì, trong trường hợp đó, chúng tôi phải rời bỏ tất cả và chúng tôi phải nhường việc điều hành Chủng Viện lại cho những người ấy, là những người tuyên khấn trong Hội Dòng đó và là những người tạo nên một tổ chức trong Giáo Hội được chỉ định đích danh lo công việc ấy.
Quả thực, vì sự ấy, xáo trộn nào sẽ xảy ra trong các công việc của các ngài ? Và có thể rằng sau khi Đức cha Héliopolis đã làm việc ròng rã suốt 10 năm trường để thiết lập Hội Dòng rất đỗi hoàn thiện ấy, (đó là đã nhiều lắm rồi nếu ngài đi được tới đích với một thời gian rất ngắn ngủi như vậy), ngài sẽ tìm ra được bốn hay năm người gia nhập vào đó. Những người này sẽ không tồn tại lâu dài trong tinh thần ấy và tôi không tin rằng các ngài sẽ thiết lập được những công cuộc truyền giáo của các ngài cách tốt đẹp hơn.
Nhưng tôi xin lý luận một chút với tư cách người phàm, và Đức Cha không ngạc nhiên về tất cả những lo lắng ưu phiền của chúng tôi. Bởi vì, chúng tôi không suy xét những sự việc bằng những cái nhìn cao cả tuyệt vời. Nhưng, kính thưa Đức Cha, chúng tôi không có được những ánh sáng cao siêu đó giúp chúng tôi có thể khám phá ra những dự án rất mực cao cả ấy. Vậy, xin Đức Cha hãy thông cảm cho chúng tôi : trong lúc chúng tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, chúng tôi xin Ngài giúp chúng tôi chu toàn được những gì là tốt đẹp nhất cho các công cuộc truyền giáo của các ngài, chứ không phải là những gì đối với Đức Cha xem ra là cao vời nhất. Bởi vì, đôi khi có sự nguy hiểm lúc đi thật cao ; và thật là nguy hiểm khi tin rằng mình đã khám phá ra một sự hoàn thiện mà cho tới nay chưa hề được biết đến và sự hoàn thiện mà tất cả các thượng phụ các Dòng Tu lớn, đã đem lại biết bao nhiêu điều tốt lành cho Giáo Hội, đã không bao giờ đem ra thực hành. »
[Sau khi trích dẫn lá thư trên, sử gia Henri Sy chú thích thêm rằng :]
Có ai đó đã dùng bút mực gạch một nét ngang dài lên đoạn văn trên đây, trong tờ bản nháp do cha Gazil soạn ra, liên quan tới Hội Dòng Tông Đồ. Người ta có gửi kèm đoạn văn trên đi theo lá thư hay không ? Hay trái lại, người ta đã xét thấy là chưa thích đáng phải thông báo cho Đức cha Lambert trước khi Rôma ra quyết định ? Điều ấy không quan trọng mấy. Lập trường của các cha giám đốc đã rất rõ : họ không bỏ qua sự gì mà không làm để ngăn cản dự án được thành tựu. Về phần mình, Đức cha Pallu, để trung thành với lời đã hứa với vị đồng nghiệp của ngài và với cảm thức riêng của ngài, ngài kiên trì trong quyết định của ngài. »*[7]
5, Tại Thánh Bộ.
Khi Đức cha Pallu trở về Rôma năm 1667 để trình lên Tòa Thánh dự án Hội Dòng Tông Đồ, một ủy ban đặc biệt gồm bốn Hồng Y đã được thành lập ra theo ý của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX. Ủy ban này đã tham khảo một số chuyên gia thần học về dự án trên.
« Những phúc đáp của các vị còn lưu được cho tới chúng ta, ít nữa là một vài phúc đáp. Những phúc đáp này đặc biệt nhắm tới việc giải thích những lời khấn mà người ta đã đề nghị tuyên thệ giữ linh hồn và các năng khiếu tâm linh hoàn toàn thanh thoát ; tuyệt đối khước từ sự tự do sử dụng các năng khiếu tâm linh ; từ bỏ trọn vẹn mọi niềm vui cố ý tìm kiếm nơi bất cứ thụ vật nào, ngay cả niềm vui có thể nhận được do những ân huệ trên trời. Sau hết, theo mức độ ơn trên ban cho và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi hoàn toàn lụy phục sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cha Michel-Ange Ricci, tham khảo viên của Thánh Bộ Bảo Vệ Đức Tin và thư ký của Thánh Bộ Các Ân Xá, tán thành các lời khấn, miễn sao việc vi phạm chỉ thành lỗi trong những trường hợp hoàn toàn ý thức. Ngài nêu ra ví dụ của thánh nữ Têrêsa [thành Avila] và đấng sáng lập dòng Thăm Viếng, thánh nữ Chantal, là những vị đã tuyên thệ lời khấn chỉ làm những gì xem ra là trọn hảo nhất đối với các vị.
Cha Bona, viện phụ dòng Saint-Bernard aux Thermes, người mà trong năm 1669 đó sẽ được thăng lên chức Hồng Y, chấp nhận theo những kết luận của cha Ricci : những lời khấn không có gì đáng chê trách cả, cũng không có gì có thể bị khiển trách về mặt thần học, nhưng ngài lại nghĩ rằng không nên khuyên ai tuyên thệ những lời khấn đó. Mặt khác, Giáo Hội không thể nào chuẩn y được những lời khấn hoàn toàn ở bên trong mà sự vi phạm sẽ thoát khỏi mọi sự trừng phạt. Nếu những lời khấn như thế mà được tuyên thệ, thì chúng thành sự, nhưng đó là điều không thích đáng, bởi vì chúng vượt quá những sức lực bình thường của con người. Những lời khấn bề trong đó chỉ chấp nhận được duy nhất trong trường hợp có chứng cớ rõ ràng là có sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, điều khó mà chứng tỏ được.
Cha Dominique de la Sainte-Trinité, tổng quyền dòng Kín Cát Minh và kiểm chứng viên của Thánh Bộ Bảo Vệ Đức Tin, chấp nhận gần như cùng những kết luận trên đây. Ngài đã được tham khảo ý kiến vào ngày 05.04.1669. »*[8]
6, Lá thư của cha Gazil.
« Cha Gazil không phải là người hãnh diện đắc chí vì được thành công trong những cuộc vận động của mình. Trong thư viết cho cha Brindeau ngày 27.01.1670, ngài ghi chú cách giản dị rằng :
Những nguyên nhân của ảo tưởng đó đến vì đã thiếu suy luận phân định thần học, vì từ lâu đã quen suy xét tất cả mọi sự bằng cảm hứng nội tâm và vì ưa chuộng những gì là lạ thường và độc đáo, sự gì hiếm hoi thì tạo nên sự thán phục, được đáng ca tụng thì thật là êm dịu, bởi vì có được cái tuyệt vời độc đáo.
Thánh Augustinô nói : Amamus esse soli.
Lại còn có một lòng thành và một sự nồng nhiệt nào đó nữa mà những người đạo đức đôi khi bị cuốn vào và gần như bị lôi kéo đi, đến nỗi không có gì làm cho họ bằng lòng nếu không là cái vượt ra ngoài cái chung. »*[9]
7, Lá thư của Đức cha Pallu.
« Trên đường trở lại Xiêm La, Đức cha Pallu viết một lá thư, tại Mũi Hảo Vọng ngày 28.12.1670, cho cha Deydier, [lúc đó vẫn còn là linh mục tổng đại diện của ngài], trong đó, ngài thổ lộ tận đáy lòng ngài rằng :
« Chỉ có ý tưởng về Hội Dòng Tông Đồ của chúng ta là đã không thể có được người nào chấp nhận, ở Rôma cũng như ở Pháp, mặc dù đã được xem và được duyệt xét bởi nhiều người có công trạng cao cả, rất thông thái, đạo đức thánh thiện và có chiều sâu. Hội Dòng đã bị bác bỏ cách tuyệt đối bởi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Tất cả các lời khấn của chúng ta đã được tuyên bố đồng loạt là bị vô hiệu hóa và bị giải bỏ về các khía cạnh khác nhau. Tuy vậy, người ta đã không muốn ghi ra chú thích nào cách riêng, vừa vì nể nang chúng ta vừa để tránh đi việc bàn cãi đúng ra phải làm.
Điều không thể nghi ngờ được là nội dung của ba điều đầu tiên, được cắt nghĩa và được hiểu rõ ràng, (chứ không như chữ viết đã sinh ra những giải thích rất xa với tư tưởng của chúng ta), là một sự hoàn thiện rất lớn. Mặc dù vậy, người ta lại chỉ có thể tuyên thệ những lời khấn đó trong những giả thiết rất họa hiếm, và không hề có thể sử dụng làm nền tảng cho một Hội Dòng công khai được.
Về những điều khác liên quan tới những thực hành bên ngoài, người ta đã nghĩ rằng, xét theo những sửa đổi mà tôi đã thêm vào, thì phải coi đó duy nhất như những quyết tâm tốt lành. Hơn nữa, điều đó không thích hợp chút nào cho các thừa sai tông tòa lấy những quyết tâm như thế, nhất là khi chung với nhau.
Tôi không tin rằng người ta có thể làm việc và hành động hơn tôi đã làm để bảo vệ tất cả những lời khấn, điều đó đã khiến tôi ra sai lầm tại Pháp và tại Rôma.
Tôi mang theo tôi tất cả những gì tôi đã viết ra về tất cả những đề tài đó và tất cả những cảm nghĩ của những bậc thông thái và thánh thiện nhất tại Rôma mà tôi đã tham khảo ý kiến cách riêng tư, và là những vị mà tiếp đó tôi đã nêu tên lên Đức Giáo Hoàng hầu trao việc duyệt xét những lời khấn đó cho các vị ấy.
Tóm lại, chúng ta phải đặt mình vào tất cả những gì đã được quy định, đừng để lòng mình tự do suy xét chút gì về quá khứ, phải ở trong tình trạng và trong tư thế của chúng ta trước ngày chúng ta nghĩ tới việc tuyên thệ tất cả những lời khấn đó, phải hướng tất cả mọi sức lực của chúng ta về sự hoàn thiện, và dấn thân trọn vẹn vào việc thánh hóa các dân tộc mà chúng ta có trách nhiệm.
Để nói thêm, chúng ta hãy cố sức sống trong sự thanh thoát thật lớn và trong một sự tự do thánh thiện là điều xây dựng tâm hồn chúng ta trong bình an, và giữ tâm hồn chúng ta vâng phục theo Chúa Thánh Thần, và khiến tâm hồn chúng ta luôn luôn bén nhậy với những hoạt động tinh tuyền nhất của Ân Sủng Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, hỡi người anh em rất yêu quý, đừng tiếc nuối gì về những việc chúng ta đã làm trong chuyện này, bởi vì chúng ta đã hành động cách đơn sơ và chân thành, chỉ tìm kiếm duy nhất một mình Thiên Chúa và Thánh Ý của Ngài trong sự hoàn thiện của bậc sống chúng ta. Tôi thú thật với cha rằng, về phần riêng tôi, chưa bao giờ tôi lại cảm nghiệm được nhiều ân sủng và lòng nhân từ của Chúa hơn, và một sự che chở của Chúa rõ rệt hơn là từ lúc tôi dấn thân vào trong những lời khấn đó. Xin Chúa biết cho rằng tôi không muốn qua đó mà biện minh cho cách sống của chúng ta và duy trì những gì đã bị duyệt bỏ cách chính đáng. Tôi thấy rất rõ chúng ta đã đi quá đáng trong sự gì và sự gì phải giữ lại và sự gì phải loại đi. Tôi thà chết hơn là xa lánh một dấu phẩy trong các mẫu mực đã quy định cho chúng ta, khi chỉ là tỏ ra sự kính trọng và vâng phục mà tôi phải giữ và muốn giữ suốt đời đối với Toà Thánh, và ngay cả đối với những vị Tiến Sĩ mà Tòa Thánh đôi khi đã tham khảo ý kiến. Nếu khi nào tôi cảm thấy mình muốn hy sinh hãm mình bằng những việc bề ngoài mà chúng ta đã từng thực hiện, tôi sẽ giục lòng, ít nữa là ở bề trong, phải làm điều ngược lại.
Non enim est regnum Dei esca et potus.[Rm 14, 17]
Tôi gửi cho cha một tờ sao bản tuyên bố duyệt bỏ những lời khấn của chúng ta và lá thư mà Thánh Bộ đã viết cho Đức cha Bérythe về chuyện này. »*[10]
< >
[1] Guy-Marie Oury, Mgr François Pallu, sđd, tr. 82-83.
[2] Guy-Marie Oury, Mgr François Pallu, sđd, tr. 95-96.
[3] Louis Baudiment, sđd, tr. 225.
[4] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire, sđd, tr. 96.
[5] Françoise Fauconnet-Buzelin, Le père inconnu de la Mission moderne, Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, 1624-1679, Paris, éd. Archives des Missions Étrangères, 2006, tr. 440-441.
[6] Bốn vị tiến sĩ tại đại học Sorbonne được hỏi ý kiến là các vị : Bail, Grandin, Guichard và Dumez.
[7] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire : 1663-1700, sđd, tr. 100-101.
[8] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire : 1663-1700, sđd, tr. 103.
[9] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire : 1663-1700, sđd, tr. 106.
[10] Henri Sy, La Société des Missions Étrangères, La Fondation du Séminaire : 1663-1700, sđd, tr. 105-106.
Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome I, sđd, tr. 119-120.
PJD
(Còn tiếp)