V
Mến Thánh Giá
Công đồng Ayuthia năm 1664 đã thành lập « Hội Dòng Tông Đồ » mà sau Tòa Thánh không công nhận. Rồi vào mùa hè năm 1668, Đức cha Lambert đang sống tại Xiêm La đã có sáng kiến lập « alti Mến Thánh Giá ». Và tiếp theo, nhân chuyến sang Đàng Ngoài, vị giám mục này đã lập một hội dòng nữ vào đầu năm 1670 mà ngài gọi tên là « Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Đức Chúa Giêsu » (chúng ta sẽ gọi tắt là « Dòng nữ Mến Thánh Giá »).
Chúng ta đã nói về Hội Dòng Tông Đồ, nay chúng ta sẽ tìm hiểu xem thái độ của Đức cha Pallu đối với « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá ».
1, « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » là gì ?
So sánh với « Hội Dòng Tông Đồ » (HDTĐ), chúng ta sẽ thấy « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » (HHTHMTG) có những điểm đặc biệt khác biệt sau đây :
a, HDTĐ là một dòng tu và có 3 lời khấn ; HHTHMTG không phải là một dòng tu và không có 3 lời khấn.
b, HDTĐ chỉ nhận nam nhân độc thân, tuổi từ 22 đến 37; HHTHMTG nhận tất cả mọi tín hữu nam nữ, độc thân hay không độc thân, không giới hạn tuổi tác.
c, HDTĐ không mang tên gọi Mến Thánh Giá; HHTHMTG có tên gọi riêng là Mến Thánh Giá.
d, HDTĐ có nhà tập là 2 năm ; HHTHMTG không có nhà tập.
e, Thành viên HDTĐ phải trở thành thừa sai bỏ quê hương đi truyền giáo nơi xa; HHTHMTG không buộc thành viên điều này.
f, HDTĐ không đòi hỏi việc đánh tội ; HHTHMTG đòi hỏi việc đánh tội mỗi ngày.
Tóm lại, theo cái nhìn thông thường của chúng ta ngày hôm nay, « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » không phải là một dòng tu đích thực phải giữ 3 lời khấn (khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh), nhưng chỉ là một hiệp hội đạo đức dành cho mọi người, như kiểu các dòng ba vậy.
2, « Dòng nữ Mến Thánh Giá » là gì ?
So sánh với HDTĐ và HHTHMTG, hai tổ chức đạo đức xuất hiện trước khi « Dòng nữ Mến Thánh Giá » được thành lập, thì « Dòng nữ Mến Thánh Giá » có cái đặc biệt này :
a, Là một dòng tu (theo nghĩa giáo luật ngày hôm nay): có 3 lời khấn đơn và công khai, thuộc quyền giám mục sở tại.
b, Chỉ đón nhận người nữ.
c, Mang tên gọi là Mến Thánh Giá.
d, Có nhà tập.
e, Không phải là những thừa sai bỏ quê hương đi truyền giáo nơi xa.
f, Làm việc đánh tội mỗi ngày.
Vào lúc được thành lập, (năm 1670 tại Đàng Ngoài, năm 1671 tại Đàng Trong và năm 1672 tại Xiêm La), « Dòng nữ Mến Thánh Giá » không phải là một dòng tu, cho dù có 3 lời khấn đơn và công khai. Bởi vì, theo giáo luật lúc đó, dòng tu nữ phải là dòng có 3 lời khấn trọng thể, công khai và nhất là phải sống trong nội vi.
3, Đức cha Lambert xin chuẩn nhận.
Ngày 12.10.1670, Đức cha Lambert đã đệ trình bản luật Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và bản luật Dòng nữ Mến Thánh Giá lên Đức Thánh Cha để xin chuẩn nhận, với lá thư tiếng la tinh khởi đầu bằng hai chữ « Superiore anno »*[1]. Ngài nói :
« Con cũng đệ trình lên Đức Thánh Cha bản luật của hai tu hội.
Một tu hội đã được khởi xướng để giúp ích cho dân có đạo trong những địa sở của các miền truyền giáo. […]
Tu hội thứ hai được lập ra để mưu ích cho những phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài […] »*[2]
Theo kinh nghiệm, chúng ta có thể nghi ngờ rằng : liệu một lá thư thỉnh nguyện đơn giản như thế có đủ mạnh để nhận được từ Tòa Thánh một kết quả tích cực nào đó không ? hay còn cần có người đích thân đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích và thúc giục nữa ?
4, Đức cha Pallu can thiệp.
Ngày 11.04.1670, Đức cha Pallu xuống tàu rời Pháp sang Á châu lần thứ hai. Cùng ra đi với ngài còn có 6 linh mục thừa sai và 4 giáo dân trợ tá.
Ngày 06.10.1671, tới thành phố Surate (Ấn Độ), Đức cha Pallu mới nhận được đầy đủ tin tức về chuyến đi Đàng Ngoài của Đức cha Lambert. Lúc đó, Đức cha Pallu đích thân tự nguyện nhận lấy việc lo liệu sao để Tòa Thánh chuẩn nhận công đồng Phố Hiến và hội dòng nữ Mến Thánh Giá. Ngài gửi về Paris một lá thư dài để hướng dẫn công việc*[3]. Ngài viết :
« Về chuyện các chị em Kitô hữu nhiệt thành mà Đức cha Béritê đã quy tụ lại với nhau dưới một số quy luật và họ đã tuyên thệ ba lời khấn đơn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, phải rất lưu tâm mà chớ xin nhìn nhận tổ chức (institut) của họ như một dòng tu mới (nouvelle religion). Các sự việc không nằm tại đó đâu, và nếu người ta cứ chủ trương như thế, sẽ thấy mình còn rất xa với sự thể. Đây chỉ là một hiệp hội (congrégation) đơn thuần giản dị như có rất nhiều ở Âu châu. Hiệp hội ấy như thế nào thì phải trình bày ra như thế ấy trước con mắt của Toà Thánh, để Toà Thánh còn thêm, bớt hay sửa đổi những gì theo sự xét xử của Toà Thánh.
Về cách thức, tôi nhận thấy là nên xin các ân xá cho hiệp hội (congrégation) các thiếu nữ mà Đức cha Béritê đã thiết lập tại xứ Đàng Ngoài : các chị em có ba lời khấn đơn, có các nghĩa vụ này nọ, có các quy luật này nọ. Trong việc này, hãy tuân giữ những gì người ta quen làm tại Roma để thành lập những huynh đoàn (confréries) mới. Các ân xá nên xin sẽ là ân toàn xá cho ngày gia nhập và ngày tuyên khấn, và tất cả những ân xá đã được ghi trong các thể thức bình thường và đặc biệt. ».
Hơn một tháng sau khi viết lá thư trên, Đức cha Pallu sai cha Sevin, thừa sai cùng đi với ngài từ Pháp sang, về Âu châu để lo nhiều vấn đề quan trọng cho công cuộc truyền giáo. Về các thầy giảng và về dòng nữ Mến Thánh Giá, ngài căn dặn cha Sevin rằng :
« Đề nghị lên tổ chức các thầy giảng và xin cho các thầy, cho tất cả những ai sau này sẽ được nhận vào, tất cả những ân xá thường và ân xá đặc biệt, vào dịp phong thánh các thánh Pierre d’Alcantara và thánh Magdelaine de Pazzi, và hơn nữa, ân toàn xá vào ngày họ được nhận và vào các ngày lễ thánh Giuse và thánh Phanxicô Xaviê.
Đề nghị lên đoàn thể và hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ tốt lành, đã thành hình tại Đàng Ngoài, theo những luật lệ mà Đức cha Bérythe đã vạch ra, và hãy xin cho họ những ân huệ và ân xá giống như đã ghi cho các thầy giảng. »*[4]
Chúng ta hãy thấy rằng Đức cha Pallu nói tới « hiệp hội các thiếu nữ », tới « hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ », nhưng ngài lại không hề nói gì tới « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá ».
Và kết quả những hoạt động ngoại giao của cha Sevin tại Rôma sẽ như thế nào đối với « hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ tốt lành »?
5, Cha Sevin tại Âu châu.
Cha Sevin về tới Pháp vào tháng 8.1672. Rồi ngài sang Rôma đầu năm 1673. Lúc đó, Đức Giáo Hoàng là Đức Clêmentê X, 80 tuổi, và Hồng Y Altieri là chủ tịch Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.
Hai vấn đề nóng bỏng mà Thánh Bộ cần phải giải quyết, đó là vấn đề chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha và các tu sĩ thừa sai Dòng Tên. Thánh Bộ đã cứng rắn bảo vệ các đại diện tông tòa cho đến cùng. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng lại ban đoản sắc Apostolatus officium công nhận công đồng Phố Hiến do Đức cha Lambert cử hành ngày 14.02.1670 tại Đàng Ngoài.
« Sứ mệnh mà Đức cha Pallu đã trao phó cho cha Charles Sevin đã hoàn thành một cách trọn hảo, mặc dù có những giây phút mà cha Gazil và các đồng nghiệp tại Chủng Viện Paris đã có những lo sợ. Ngay đầu năm 1674, vị thừa sai ấy trở lại Pháp và từ đó ngài dùng đường bộ để đi đến Xiêm La. »*[5]
6, Tòa Thánh im lặng.
Sử gia Chappoulie tuyên bố là sứ mệnh của cha Sevin « đã hoàn thành một cách trọn hảo ». Tuy nhiên, chúng ta lại không hề thấy Tòa Thánh đề cập chi tới chuyện « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá » mà Đức cha Lambert đã khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng công nhận, và chính Đức cha Pallu cũng đã dặn dò cha Sevin phải trình bày ra và xin ân xá, ít nữa, là cho « hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ tốt lành » tại Đàng Ngoài.
Hơn nữa, những gì liên quan tới « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng Mến Thánh Giá » trong văn kiện công đồng Phố Hiến lại còn bị Tòa Thánh loại bỏ ra nữa.
Điều 18 của công đồng như sau :
« Các vị quản trị tỉnh hạt cũng hãy quan tâm nhiều tới các trinh nữ và quả phụ đã tự nguyện quyết định giữ sự tiết dục, dâng mình phụng sự Thiên Chúa và sống chung thành cộng đoàn, theo bản quy luật do chúng tôi ấn định cho mục đích ấy. » (Nhóm Nghiên Cứu).
Khi duyệt xét, Tòa Thánh đã loại bỏ câu « theo bản quy luật do chúng tôi ấn định cho mục đích ấy ».
Điều 21 của công đồng như sau :
« Các vị quản trị tỉnh hạt, các thầy giảng và các trùm trưởng hãy khuyến khích Dân Chúa tuân giữ đời sống khắc khổ và đi theo con đường nhỏ hẹp của Phúc Âm, khuyên họ tập nguyện ngắm và ít nhất nguyện ngắm chung với nhau trong nhà thờ vào các ngày lễ trọng. Trong bài suy gẫm đó, hãy đặc biệt nhắc lại các mầu nhiệm chính yếu của đức tin chúng ta. Nhưng hãy giới thiệu Hiệp hội Mến Thánh Giá và các luật lệ cùng quy chế với những ai mình xét thấy là phù hợp. » (Nhóm Nghiên Cứu).
Khi duyệt xét, Tòa Thánh đã loại bỏ câu cuối : « Nhưng hãy giới thiệu Hiệp hội Mến Thánh Giá và các luật lệ cùng quy chế với những ai mình xét thấy là phù hợp ».
Trước sự kiện trên, cha Đỗ Quang Chính kết luận rằng : « Vậy là Roma chưa tán thành việc lập Dòng MTG. »*[6] Quả vậy, sự thực là lúc đó Tòa Thánh không hề nói gì về « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá ». Nhưng sự im lặng đó có nghĩa gì ? Là một sự từ chối, hay là một công nhận mặc nhiên ?
*
Lưu ý ghi nhớ :
Đọc lại câu chuyện lịch sử trên, chúng ta có thể lưu ý tới mấy điểm sau :
a, Dòng nữ thời đó.
Chúng ta đã biết rằng vào thời đó, dòng tu nữ phải là dòng có 3 lời khấn trọng thể, công khai và nhất là phải sống trong nội vi. Chính Đức cha Pallu đã căn dặn : « Phải rất lưu tâm mà chớ xin nhìn nhận tổ chức của họ như một dòng tu mới. »
b, Đức cha Pallu.
Đức cha Pallu là người luôn luôn tỏ ra kính trọng Đức cha Lambert. Trong lòng kính trọng đó, có niềm quý mến và sự bao dung. Việc họp công đồng Phố Hiến, cách riêng việc lập « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá », là việc do riêng Đức cha Lambert làm. Biết chuyện, Đức cha Pallu không hề đặt vấn đề rằng việc đó có hợp với ngài hay không, trái lại, ngài đã mau chóng và tích cực « đích thân tự nguyện nhận lấy việc lo liệu sao để Tòa Thánh chuẩn nhận những văn kiện của người bạn ngài »*[7]. Nhờ tấm lòng cao thượng đó của Đức cha Pallu mà « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá » sẽ được Tòa Thánh nhìn nhận như chúng ta sẽ thấy sau này.
c, Tòa Thánh.
Chúng ta đã biết là để cho Tòa Thánh thông hiểu vấn đề thì nên có người đích thân đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích, v.v.
Sau cha Jacques de Bourges và Đức cha Pallu, nay là cha Sevin được sai đi thực hiện nhiệm vụ này. Đó là lần thứ ba mà các vị đại diện tông tòa gửi đại diện kêu lên Tòa Thánh. Trong sứ vụ của mình tại Rôma, cha Sevin đã không xin được sự nhìn nhận của Tòa Thánh cho « Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá » và « Dòng nữ Mến Thánh Giá ».
< >
[1] AMEP, tập 650, trang 185-186.
[2] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tóm Lược Tiểu Sử Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Tp Hồ Chí Minh, Lưu Hành Nội Bộ, 2008, trang 131.
[3] Viết ngày 11.11.1671 tại Surate : « Instructions pour les Procureurs des affaires de la Mission de la Chine, Cochinchine, Tunquin, tant en France qu’à Rome », trong A. Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome 1, sđd, trang 139-144.
[4] Một phần những chỉ dẫn này được xuất bản trong A. Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome 1, sđd, trang 151-159: «Instructions pour Monsieur l’Abbé Sevin…».
[5] Henri Chappoulie, sđd, tr. 298.
[6] Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, Tp Hồ Chí Minh, Lưu Hành Nội Bộ, 2003, trang 73.
[7] Louis Baudiment, sđd, tr. 293
JPD
(Còn tiếp)