Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 6)

Đức cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá (Phần 6)

VI

 Tòa Thánh ban ân xá

Bây giờ, chúng ta nói về Đức cha Pallu đến Xiêm La lần thứ hai, ngày 27.05.1673.

Vào thời gian mà Đức cha Pallu lưu lại ở Xiêm La, có 2 biến cố đáng chú ý là :

1, Các giám mục Pháp được vào triều yết vua Phra Narai ngày 18.10.1673.

2, Thừa sai Laneau được tấn phong giám mục hiệu toà Métellopolis ngày 25.03.1674, lễ Phục Sinh.

Cuối cùng, ngày 12 tháng 8 năm 1674, sau hơn 14 tháng sống tại Xiêm La, Đức cha Pallu từ biệt Đức cha Lambert tại chủng viện Thánh Giuse để lên đường sang giáo phận Đàng Ngoài của ngài. Hai người bạn ấy sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại nhau nữa.

Ngày 21 tiếp đó, con tàu chở Đức cha Pallu rời bến cảng Xiêm La ra khơi. Gặp bão tố, con tàu dạt vào Phi Luật Tân ngày 17.10 và Đức cha Pallu bị chính quyền Tây Ban Nha ở đó bắt giữ. Ngài bị cầm chân trong tu viện các cha Dòng Tên ở Manila. Mãi đến ngày 04.04.1675, chính quyền địa phương mới tuyên án là đưa tù nhân về xử tại kinh đô Madrid của Tây Ban Nha. Ngày 01.06.1675, con tàu đưa ngài rời Phi Luật Tân.

Sau khi đi ngang qua Mễ Tây Cơ và Cu Ba, Đức cha Pallu tới Tây Ban Nha và bị xét xử vào cuối tháng 2 năm 1677 tại Madrid. Được trả tự do, ngài rời Tây Ban Nha ngày 08.04 và sang Rôma.

Như vậy, Đức cha Pallu là một người của thế kỷ thứ 17 đã đi vòng quanh thế giới.

1, Đức cha Pallu làm việc tại Rôma.

Ngày 03.06.1677, ngài tới Rôma.

Ngài sẽ lưu lại đây 3 năm trời, hoạt động tích cực cho việc truyền giáo. Ngài được triều yết Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI. Và Đức Giáo Hoàng sau khi lắng nghe Đức cha Pallu, đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 7 Hồng Y để cứu xét những vấn đề do Đức cha Pallu nêu ra. Đó là các Hồng Y : Altieri, Cibo, Ottobono, Azzolini, Alberici, Casanata và Colonna.

Cuộc sống của Đức cha Pallu tại Rôma luôn ngập đầy công việc : «Các cuộc thăm viếng, triều yết, chuẩn bị các buổi họp của ủy ban đặc biệt, soạn những bản tường trình giúp soi dẫn ủy ban, trả lời lại những báo cáo của các cha Dòng Tên hay của sứ thần Bồ Đào Nha. Ngài cố gắng không bỏ qua bất cứ điều gì có thể làm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngài. Với ngài, không hề có chuyện nghỉ ngơi hay chuyện buông lơi công việc.»*[1]

«Phanxicô Pallu sẽ được niềm vui thấy sự kiên trì của mình được bù đắp và đạt tới được những kết quả phong phú, nếu không dám nói là kết quả quyết định cho tương lai các công cuộc truyền giáo tại Viễn Đông.»*[2]

Chính nhờ sự tận tụy, kiên nhẫn, kinh nghiệm và tài năng của Đức cha Pallu mà sau cùng Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá đã được Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI chuẩn nhận và chính thức ban nhiều ân xá. Các sử gia hiện đại, thí dụ cha Launay, đã xem như Dòng nữ Mến Thánh Giá được công nhận chung với Hiệp Hội đạo đức nói trên.

2, Thánh Bộ ban ân xá năm 1678.

Đây là quyết định của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, khi ủy ban đặc biệt của Thánh Bộ nhóm họp ngày 28.08.1678:

« Các ân xá thông thường được ban cho các Huynh Đoàn, do các đại diện tông tòa thiết lập tại Đàng Ngoài và Đàng Trong, dưới tên gọi là Mến Thánh Giá, ở các nơi thuộc quyền các ngài, tức là :

– Ân toàn xá vào ngày gia nhập, vào một ngày lễ trọng do vị đại diện tông tòa chỉ định, và vào lúc lâm tử ;

– Và những ân xá riêng khác vào các lễ Hiển Linh, Truyền Tin, các thánh Phêrô và Phaolô, Thiên Thần bản mệnh, và còn cho chung trên các nhiệm vụ và việc đạo đức đã quy định mà các thành viên Huynh Đoàn quen thực hành. »*[3]

Với hai danh từ đặc biệt được sử dụng là confraternitas (huynh đoàn, hiệp hội) và Amatorum Crucis (Những Người Mến Thánh Giá), chúng ta thấy là dòng nữ Mến Thánh Giá không hề được nêu rõ ràng ra trong đoạn văn trên đây của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

3, Đức Thánh Cha ban ân xá năm 1679.

Ngay vào đầu năm 1679, ngày 02.01, Đức Thánh Cha Innôcentê XI ký một tông thư ban ân xá cho các hiệp hội Mến Thánh Giá. Và đó là nhờ sự vận động trực tiếp của Đức cha Pallu tại Rôma.

«Như người anh em đáng kính Phanxicô, giám mục hiệu tòa Héliopolis, là một trong những vị đại diện tông tòa mà Tòa Thánh đã cử sang Trung Hoa, vừa trình bày cho Ta, các vị đại diện nói trên đã thiết lập phù hợp theo giáo luật (canonice) tại Đàng Trong và Đàng Ngoài những huynh đoàn các Kitô hữu (Christifidelium Confraternitates) sốt sắng và đạo đức thuộc hai phái nam nữ, dưới tên gọi là Mến Thánh Giá (Amatorum Crucis) ; hoặc là các ngài đã cẩn thận trao phó cho các linh mục đại diện của các ngài thiết lập. Các thành viên nam và nữ, theo những luật lệ đã lập ra cách thích hợp, đã có thói quen thực hành, tách biệt nhau, những việc bác ái Kitô giáo và việc đạo đức.

Và các vị đại diện nói trên đang định thiết lập các huynh đoàn khác, theo cùng một cách thức, dưới cùng một danh hiệu và cùng những luật lệ, trong những vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La, và trong những xứ khác đã được trao phó cho các ngài giám quản, vì danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.

Để cho các huynh đoàn này được phát triển tối đa qua từng ngày, nhờ lòng nhân lành của Chúa và sự tin tưởng vào quyền bính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Ta ban cho tất cả những tín hữu nam nữ là những người đã dấn thân vào những huynh đoàn nói trên, đã được thiết lập cho tới nay và trong tương lai, do các vị đại diện tông tòa đã nói hay bởi các linh mục đại diện của các vị ấy, trong địa hạt giáo phận riêng của các ngài, hơn nữa phù hợp theo giáo luật, [ân toàn xá] vào ngày họ gia nhập, nếu họ đã thực sự sám hối và xưng tội, cùng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

[…] »*[4]

Như quyết định của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 28.08.1678, tông thư ban ân xá này của Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI không nêu rõ các nữ tu Mến Thánh Giá. Dòng nữ Mến Thánh Giá được hiểu chung với các huynh đoàn mang tên Mến Thánh Giá.

4, Điều hành giáo phận Đàng Ngoài.

Đức cha Pallu không hề đặt chân được tới giáo phận Đàng Ngoài của ngài. Tuy nhiên, ngài vẫn giữ trách nhiệm của ngài và thường xuyên điều hành giáo phận bằng thư từ và các phương thế khác.

Vào đầu năm 1679, sau khi thỉnh xin được các ân xá cho những Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá tại Tòa Thánh, Đức cha Pallu lúc đó đang ở Rôma, đã gửi một lá thư hướng dẫn mục vụ cho hai cha Deydier và Bourges đang làm việc tại Đàng Ngoài. Trong lá thư tiếng la tinh đó, có đoạn đề cập đến Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá.

Trước tiên, với tư cách Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài, ngài cho phép lập các hiệp hội Mân Côi trong giáo phận. Bởi vì cha bề trên tổng quyền dòng Đa Minh muốn thiết lập khắp nơi các hiệp hội này, với những ân xá đã được ban. Tiếp theo, Đức cha Pallu nhận thấy rằng :

«Cùng với các hiệp hội đó, và các hiệp hội Mến Thánh Giá nam và nữ, do Đức cha Phêrô, giám mục Bérythe, thành lập, với rất nhiều ân xá đặc biệt do Tòa Thánh đã ban, thì đã dư đủ cho lòng sốt sắng của các tín hữu, chung cũng như riêng.»*[5]

Đức cha Pallu nhắc nhở lại rằng Tòa Thánh đã cấm tất cả mọi thừa sai, giáo sĩ cũng như tu sĩ, lập ra các hiệp hội đạo đức mà không có phép của các vị Đại Diện Tông Tòa : sắc lệnh của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 21.03.1678.*[6]

*

Từ ngày Dòng nữ Mến Thánh Giá được Đức cha Lambert thành lập tại Đàng Ngoài cho tới khi Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI ký sắc lệnh ban ân xá, đã 9 năm trời trôi qua. Vào thời đó, vấn đề thông tin liên lạc và di chuyển đòi hỏi rất nhiều thời gian. Một lá thư gửi đi từ Xiêm La phải mất ít nhất là hai năm mới tới được Paris hay Rôma.

Thư từ thông tin là chuyện rất quan trọng. Chính Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã từng ra lệnh cho các vị Đại Diện Tông Tòa được sai đi rằng :

« Hãy năng viết thư về Thánh bộ nhiều chừng nào hay chừng nấy. Để chư huynh chu toàn việc này một cách đứng đắn hơn, Thánh Bộ buộc chư huynh hãy xem đó là một nghĩa vụ trong Chúa. »*[7]

Tuy nhiên, dù là cần thiết, thư từ chưa đủ để xử lý nhiều vấn đề quan trọng. Điều này, chúng ta đã nhìn thấy thật rõ nơi đây, từ chuyện cha Đắc Lộ về Tòa Thánh tới chuyện Đức cha Pallu kiên trì lưu trú lại Rôma, chăm chú làm việc bên cạnh các vị Hồng Y của Thánh Bộ.

Đức cha Lambert đã viết thư khẩn khoản xin Đức Thánh Cha công nhận và ban ân xá cho các Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Dòng nữ Mến Thánh Giá. Nhưng lá thư thỉnh xin này của ngài hình như rơi vào quên lãng.

Do đó, chúng ta từng nói là để cho Tòa Thánh thông hiểu vấn đề thì cần có người đích thân đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích, v.v. Và riêng về Dòng nữ Mến Thánh Giá, cha Sevin đã được Đức cha Pallu sai đích thân đến Tòa Thánh. Nhưng sứ vụ của cha Sevin đã không đem lại kết quả nào về vấn đề này.

Phần Đức cha Pallu, giữa muôn vàn vấn đề khẩn thiết với bao nhiêu hồ sơ quan hệ, và dù thời gian trôi qua, ngài vẫn không hề quên Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và « hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ tốt lành » do Đức cha Lambert thành lập hồi trước đây. Và Đức cha Pallu đã đem lại một kết quả tuyệt vời là xin được một Nghị Định của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin và một Tông Thư của Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI như đã trình bày trên đây.

Tại Việt Nam, Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá thì không tồn tại được bao lâu, duy nhất tại Đàng Ngoài, nhưng «hiệp hội nhiều bà góa và thiếu nữ tốt lành» thì phát triển mạnh mẽ và góp phần phục vụ đậm đà trong lịch sử Giáo Hội quê hương.

 

< >

[1] Louis Baudiment, sđd, tr. 377.

[2] Guy-Marie Oury, Mgr François Pallu, sđd, tr. 145.

[3] Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, sđd, tr. 76

[4] Jean-Joseph Rousseille, Collectanae : constitutionem, decretorum, indultorum, instructionum Sanctae Sedis, Hongkong, 1905, tr. 439-440.

[5] Adrien Launay, Lettres de Mgr Pallu, tome 1, sđd, trang 220.

[6] Adrien Launay, Documents historiques relatifs à la Société des Missions Étrangères, sđd, tr. 63-66.

[7] Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, Tp Hồ Chí Minh, Lưu Hành Nội Bộ, 2009, tr. 49.

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)