Người Đức có truyền thuyết kể lại rằng: Khi Thượng Đế đặt tên cho tất cả các loài cây cỏ xong thì có một loài hoa không được đặt tên. Loài hoa đó cất tiếng nói nhỏ nhẹ và tha thiết: “OH LORD, FORGET ME NOT!” (Ôi lạy Chúa! Xin đừng quên tôi!) Và Thượng Đế đáp lại rằng : Đó chính là tên của ngươi.
Câu chuyện này chỉ là một câu chuyện giả tưởng nhưng gợi lên trong tâm trí MAY thật nhiều suy nghĩ. Chỉ là một loài hoa vô tri vô giác thôi nhưng cũng không muốn mình bị quên lãng. Cánh hoa không to, sắc hoa không có gì trổi vượt và mùi hương không có gì đặc biệt nhưng lại khiến người ta không thể quên vì cái tên của nó: FORGET ME NOT.
Thật vậy, mỗi người “đã sinh ra ở trong trời đất” đều muốn được ghi nhận sự hiện diện của mình. Không ai muốn mình bị bỏ rơi, bị bỏ lại phía sau, bị chôn vùi trong quá khứ. Sự hiện diện đó dù ngắn hay dài, dù vẻ vang hay âm thầm, dù cay đắng hay nhẹ nhàng đều có giá trị riêng. Bị bỏ quên, đồng nghĩa với “không hiện diện” hoặc có hiện diện mà như không. Tuy nhiên, để ý thức về sự hiện diện của mình, chính đương sự phải là người chủ động nhắc nhớ những người khác. Vì bản tính con người thì hay quên, những gì không thuộc về mình thì lại càng quên nhanh. Loài hoa kia hẳn cũng có cảm nghiệm như thế. Nên ngay khi gặp Thượng Đế, lời đầu tiên mà nó thốt lên với Thượng Đế là: FORGET ME NOT – XIN ĐỪNG QUÊN TÔI.
Hôm nay, khi đọc lại Bức tâm thư của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đại Diện Tông Toà đầu tiên đồng thời là Đấng Sáng Lập của Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam viết cho 2 nữ tu tiên khởi, MAY giật mình thảng thốt khi đọc đến câu kết: “Cha xin các con ĐỪNG QUÊN CHA trước mặt Chúa”. Chao ôi, Người Cha ấy đã tha thiết chừng nào! Chính người Cha ấy đã chủ động xin con cái mình FORGET ME NOT – ĐỪNG QUÊN CHA, thế mà biết bao lâu rồi Cha Lambert âm thầm mang lấy tước hiệu: “Người Cha bị lãng quên”? Có người Cha nào trên đời này muốn con cái bỏ quên chăng? Có đứa con hiếu thảo nào không muốn nhớ đến cha mẹ không? Chắc hẳn là không! Nhưng thực sự, MAY phải đấm ngực ăn năn vì đã không thường xuyên nhớ tới người Cha thiêng liêng ấy.
Trước đây, MAY rất hiếm khi xin người khác cầu nguyện cho với suy nghĩ rất đơn giản thế này: Xin người khác cầu nguyện cho là buộc họ phải nhớ đến mình, phải hy sinh thời gian, công việc của họ để nhớ đến mình, trong khi mình chẳng là gì cả! Kể từ ngày đọc các bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, thấy Ngài luôn luôn kết thúc bài nói chuyện của mình với lời đề nghị: “Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi”. MAY như được thanh lọc tâm trí. MAY đã quá kiêu căng và thiển cận. Một người Cha đáng kính và vĩ đại thế kia mà còn khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho! MAY bắt đầu cầm bút và viết vào nhật ký để nhắc nhở bản thân: Xin người khác cầu nguyện cho là biết mình nhỏ bé và yếu đuối, mong manh và dễ vỡ; Xin người khác cầu nguyện cho để thấy rằng “Không ai là một hòn đảo”, không ai có thể sống một mình; Xin người khác cầu nguyện cho là để tập luyện lòng khiêm tốn; Xin người khác cầu nguyện cho để gia tăng tình hiệp thông và lòng yêu mến, vì ở đâu có 2 hoặc 3 người tụ lại nhân danh Chúa thì Chúa ở đó giữa họ.
Thế là, một lần nữa, hôm nay đây, chính bức tâm thư của Đấng Sáng Lập Dòng đã đánh động tâm hồn MAY, khiến MAY cứ triền miên nghĩ về Cha Lambert mãi không thôi. Giờ cầu nguyện cuối ngày thật nghẹn ngào từng nét chữ:
Cha ơi Cha, cho con được XIN LỖI
Bấy lâu nay, con dại ngốc, vô tư,
Quên công Cha, không đáp tình, sám hối,
Cha chẳng rằng, cứ im lặng mãi thôi.
Cha ơi Cha, cho con được XIN LỖI
Kể từ nay, con chừa cải thói hư
Biết ơn Cha, năng cầu nguyện, thay đổi,
Ở trên trời, Xin Cha ĐỪNG QUÊN CON.
Ước gì hết thảy những ai là con cái của Cha Lambert đều cảm nhận được mong ước bé nhỏ mà dạt dào, khôn nguôi của Ngài và cố gắng trở thành bông hoa mang tên FORGET ME NOT ngay trong vườn hoa trần thế này.
Mary TYT