phép lạ của Đức Cha Lambert (Phần 1)

phép lạ của Đức Cha Lambert (Phần 1)

PHÉP LẠ CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Phần 1

 

Đức cha Lambert có làm phép lạ hay không ?

Linh mục Louvet viết trong tác phẩm của ngài rằng : « Người ta có thể nói không quá đáng, Đức cha Lambert là vị thánh, và có nhiều sự kiện ngoại thường do các thừa sai đã cùng sống với ngài chứng nhận, theo đó hình như Chúa đã ban cho ngài được ơn làm phép lạ. »[1]

Phép lạ là gì ?

Phép lạ là sự việc xảy ra ngược với luật bình thường tự nhiên. Ví dụ : ném tờ giấy vào lửa thì tờ giấy sẽ cháy. Nếu tờ giấy không cháy thì đó là sự kiện ngoại thường, là ngược với luật tự nhiên, là một phép lạ.

Theo niềm tin của Kitô giáo, chỉ có Thiên Chúa mới đứng trên luật tự nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới làm được phép lạ. Tuy nhiên, những ai đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là sống trong sự thánh thiện, thì Thiên Chúa có thể nhận lời cầu xin của họ mà thực hiện phép lạ nào đó.

Ở đây, chúng ta sẽ kể ra những chuyện được xem là sự kiện ngoại thường nơi ĐC Lambert.

1, Bé An Tôn, năm 1663

Đây là chuyện do chính ĐC Lambert viết lại trong Ký Sự của ngài.[2]

« Chúa nhân lành muốn tỏ mình khi người ta không nghĩ tới, đã cho phép một em trai 7, 8 tuổi, con của một người ngoại Đàng Trong có vợ người Xiêm, bị đau nặng. Trong vài ngày, cha mẹ nó không ngớt dâng cúng các tượng thần để con họ được lành bệnh, tình trạng đứa nhỏ ra nghiêm trọng, nó không nói được nữa. Một vài người có đạo thấy tình cảnh đáng thương mới nói cha mẹ đứa nhỏ đi mời các thừa sai, người ta đi ngay và một thừa sai chạy tới nhà thấy mọi người la khóc. Nhiều tân tòng của chúng ta thấy thảm cảnh, động lòng trắc ẩn, mới xin vị thừa sai thương họ, cứu linh hồn và thân xác đứa nhỏ vô tội, đang sắp tắt thở. Người nhà sẽ chịu cho nó vào đạo nếu nó được cứu sống. Người cha nói thêm sẵn sàng dâng nó cho Thiên Chúa người có đạo và ông tức khắc đồng ý cho người đưa nó ra khỏi nhà.

Trong cùng lúc đó, vị thừa sai nảy ra ý đọc Phúc Âm thánh Gioan trên đứa trẻ hấp hối và đọc những lời ban sự sống : « Ngôi Lời đã làm người ».[3]

Đứa bé bắt đầu mở mắt, rồi mỉm cười với những người chung quanh. Thấy không thể thiếu các nghi thức của Giáo Hội, nên người ta bồng nó về Nhà Nguyện, rửa tội cho nó, đặt tên cho nó là An Tôn (Antoine), sau đó đưa nó về nhà mẹ đỡ đầu nó, bà này có mặt thấy tất cả những gì diễn ra. Cha mẹ đứa bé chạy tới xem tình trạng con mình ra sao và thấy nó thoát cơn nguy hiểm, họ phải ngợi khen quyền năng của Thiên Chúa. Ít lâu sau, người cha gặp vị thừa sai đã rửa tội cho con mình, hớn hở nói với ông mình đã cho con cho Chúa, nó không thuộc về mình nữa. […]

Họ không phải mất công mong đợi vì ít ngày sau, cha mẹ đứa nhỏ với 4 người nữa, nhất định đặt mình dưới quyền Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi lo dạy dỗ cho họ về đạo thánh trong vòng 2 tháng, sau đó họ được rửa tội.

Thấy đứa nhỏ có thể mở mang trí khôn và được ơn Chúa nên chúng tôi đã lo dạy cho nó và hai trẻ tân tòng khoảng 13 tuổi, các châm ngôn của đạo. Chúng được học đọc, học viết, học tiếng Bồ Đào Nha là tiếng duy nhất của Âu châu được nói ở miền Đông Ấn và trong vùng. Trong hai em tín hữu trên, một em có trí khôn đặc biệt và có lòng muốn, nên được dành cho Giáo Hội. »

Chuyện trên xảy ra vào khoảng tháng chạp năm 1663.

Sang đầu năm sau, ĐC Pallu và các thừa sai theo ngài đặt chân tới Ayuthia. Và khi có dịp viết thư về Pháp, ĐC Pallu cũng tường thuật sự kiện ngoại thường ấy cho các cha tại Chủng viện Hội Thừa Sai Paris rằng :

« Lại còn xảy ra một chuyện diệu kỳ khác nơi một em nhỏ người Việt kiều gốc Đàng Trong, lên bảy hay tám tuổi, cha mẹ rất cưng chiều vì là đứa con một. Nó bị bệnh tới cực độ, cha mẹ nó đồng ý để người ta rửa tội cho nó, nếu các thừa sai có thể làm thuyên giảm cơn bệnh nó được chút nào bằng lời cầu nguyện của họ. Ngay lúc ấy, người ta đọc trên người nó Phúc Âm thánh Gioan, và khi người ta tuyên phán những lời thánh « Et verbum caro factum est » (Và Ngôi Lời đã làm người), nó bắt đầu mở đôi mắt ra và mỉm cười với những người tham dự. Người ta đem nó vào nhà nguyện, người ta rửa tội cho nó, và người ta trao trả nó cho cha mẹ nó. Cảm nhận những sự kỳ diệu từ quyền năng vô biên của Thiên Chúa, ít lâu sau, cha mẹ nó đã đến xin chịu phép rửa tội với bốn người khác nữa. »[4]

Còn tiếp

Lm. Giu-se Đào Quang Toản

[1] Louvet, La Cochinchine religieuse, I, 1885, trang 305. (Bản dịch của Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp HCM, 2005, trang 154-155).

[2] Les Relations de Mgr Lambert de la Motte 1660-1670, présentées et annotées par Joseph Dào et Lucienne Leclère, Tp. Hô-Chi-Minh, Luu Hành Nôi Bô, 2006, (đoạn 24), trang 90-91. (Bản dịch tiếng Việt của Sư Huynh Lucien Quảng).

[3] « le missionnaire eut mouvement de réciter l’évangile de saint Jean sur le moribond ». Sh Quảng còn có bản dịch khác là : « vị thừa sai được thần hứng, đọc đoạn Tin Mừng Thánh Gioan trên đứa nhỏ đang cơn hấp hối ». Dịch chữ « avoir mouvement de » thành « được thần hứng » thì có vẻ liều lĩnh, nguy hiểm và không chính xác.

[4] Adrien Launay, Documents Historiques de la Mission de Siam, tome 1, Paris, Téqui, 1920, trang 15 : thư của ĐC Pallu ngày 20.10.1664.

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)