Phép lạ của Đức Cha Lambert (Phần 2)

Phép lạ của Đức Cha Lambert (Phần 2)

PHÉP LẠ CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Phần 2

« Vị hoàng đệ bại liệt » năm 1668

Vua xứ Xiêm La là Phra-Narai, lên ngôi năm 1656, lúc 24 tuổi. Ông có một người em cùng cha khác mẹ bị bại liệt chân tay. Sau đây là câu chuyện xảy ra vào năm 1668, do ĐC Lambert kể ra trong Ký Sự của ngài, có liên quan tới vị hoàng đệ này[1].

« Nhà Vua muốn biết rõ đạo công giáo tin và dạy gì, nên các thừa sai tưởng có thể dâng cho Đức Vua một cuốn sách lớn đầy hình ảnh, đóng lại từ Pháp đem sang, trong đó có những mầu nhiệm chính của đạo, hy vọng nhà vua sẽ yêu cầu giải thích. Quả thật, hai ba ngày sau, Nhà Vua sai nói ngài muốn biết những hình ảnh đó nghĩa là gì, viết ra tiếng Xiêm trên các tờ giấy trắng giữa các hình. Một thừa sai Pháp, biết đọc, viết và nói tiếng Xiêm, cha đã xuất hai tháng để làm việc đó, cha đã may mắn hiểu được các từ ngữ tôn giáo nhờ chịu khó học trong thời gian ở với các sư sãi.

Sau khi đã sửa chữa kỹ, cuốn sách được trình lên Nhà Vua, ngài trao lại cho các vị thông thái nhất trong triều cứu xét. Sau khi đọc và xem xét, họ báo cáo lên Nhà Vua rằng đạo công giáo tốt, dạy những điều cao siêu, nhưng đạo Nhà Vua đang theo cũng tốt. Người ta được biết có lần nào đó, Nhà Vua đã nói rằng ngài thấy đạo công giáo hay. Hình như từ đó, Nhà Vua đối xử tốt hơn với các thừa sai, như trong việc các viên chức đã được lệnh cung cấp vật liệu xây cất nhà thờ, nhưng trễ nải, nên họ được một lệnh mới ; nhờ đó, các thừa sai mới có gỗ ván cần thiết, và viên thông ngôn của các thừa sai cũng được hỏi thăm cho biết số gạch cần thiết. Những đặc ân đó làm cho mọi người kính nể các thừa sai và làm cho người Bồ Đào Nha rất ngạc nhiên, vào tháng tám vừa rồi khi quan bộ trưởng triệu tập các cha dòng Tên, ngài uỷ viên Bộ Đức Tin và các nhân vật chính trong họ đến để bàn về một vài vấn đề vật chất. Trong phòng hội nơi họ tập trung, có mặt viên thông ngôn của các thừa sai, quan bộ trưởng hỏi anh này xem các nhân viên đã cung cấp vật liệu xây cất mà Nhà Vua ban cho các thừa sai người Pháp chưa. Biết lệnh đã được thi hành, vị quan nói :

« Tốt lắm, như thế là quà tặng của Đức Vua đã trao, còn tôi, tôi chưa trao quà của tôi. Hãy thưa với Đức Giám Mục rằng tôi muốn góp phần của tôi vào việc xây cất nhà thờ của ngài. »

[…]

Nhà Vua đã cho thấy ngài kính nể đạo công giáo, ông hoàng em thứ hai của Nhà Vua tò mò xem cuốn sách đã được các thừa sai thực hiện. Được Nhà Vua cho phép, ông muốn tìm hiểu kỹ hơn, ông cho mời vị thừa sai đã soạn. Thừa sai ấy tới cung, vừa thấy ngài, ông mời ngài ngồi bên ông, cho ngài hay ông muốn biết rõ về đạo. Ông nói hai điều thúc đẩy ông tìm hiểu : điều thứ nhất là ông thấy đạo hay, điều thứ hai ông hy vọng Thiên Chúa mà chúng tôi thờ là Đấng toàn năng, như chúng tôi nói, sẽ chữa ông khỏi một thứ bệnh liệt làm ông không sử dụng được tay chân từ hơn mười hai năm nay.

Sau khi ông nói xong, vị thừa sai mới bắt đầu nói cho ông nghe về các mầu nhiệm của đức tin chúng tôi, như người ta có thói quen nói cho một người chưa biết gì cả và muốn học đạo. Ông hoàng lấy làm thích thú nên nói với ngài hãy trở lại một lần khác. Trong hai ba tuần, ngài trở lại ba hay bốn lần, ngài thành công đến mức ông hoàng phải nói đúng là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và ông chỉ tôn thờ Người. Quả thật, ông mời Đức cha Béryte đi tới một nơi cách Ayuthia hai ngày đường, nơi mà Nhà Vua vẫn đi săn hổ. Ông tuyên bố với Đức Cha, ngày 1 tháng Chạp năm 1667, rằng ông nhìn nhận chỉ có một Thiên Chúa tạo thành trời đất và ông thờ lạy Người nhiều lần mỗi ngày. Ông cũng lập lại tuyên bố như vậy, ngày 16 tháng Giêng năm 1668, trong dịp Đức Cha đến thăm viếng ông lần thứ hai tại hoàng cung Ayuthia.

Đó là phương cách Thiên Chúa đã muốn dùng để mở cửa hoàng cung cho các thừa sai Pháp rao giảng một Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi, các mầu nhiệm Nhập thể, sinh ra, đời sống, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô trên một thập giá để cứu chuộc nhân loại. »

Đó là chuyện xảy ra vào cuối năm 1667 và đầu năm 1668. Chuyện sẽ nối tiếp vào khoảng tháng 7 năm 1668 như sau :

« Nhà Vua được nhiều tin tức về đạo, nhờ ông hoàng em thứ hai và pháp sư trưởng của ngài, ông này có dự tất cả các cuộc tọa đàm về đạo. Qua ông pháp sư, Nhà Vua đề nghị với các thừa sai xin Chúa làm một phép lạ chứng minh tôn giáo của các thừa sai ; sau đó, Nhà Vua sẽ tin vào Thiên Chúa mà các thừa sai tôn thờ, cả ông pháp sư nữa.

Các thừa sai tin cậy vào lòng nhân hậu, xót thương và toàn năng của Chúa, chấp nhận yêu cầu của ông pháp sư, ông này báo Nhà Vua biết và xin Nhà Vua cho hay Ngài muốn phép lạ nào. Nhà Vua không có con trai và quý mến người em thứ hai mình, trả lời muốn thấy ông hoàng ấy khỏi bệnh bại liệt. Các thừa sai trao gửi những nguyện ước của mình cho trời cao, dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện và các hy sinh trước Mình Thánh Chúa được đặt ra để cầu xin ơn Người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã muốn trì hoãn lại phép lạ (différer le miracle) để thử lòng tin của nhiều người, làm cho người ta luôn đến khẩn nài các thừa sai, nói rằng ông hoàng vẫn trong tình trạng bại liệt và người ta chờ đợi hiệu quả những lời hứa của các thừa sai, chỉ vì đó mà nhiều người chưa nhập đạo. Các thừa sai trả lời cách hết sức khiêm tốn rằng các ngài không nghi ngờ sẽ được Chúa nhận lời ; các ngài chỉ nghi ngờ lòng tin của những ai xin phép lạ, vì tư lợi hay vì tò mò, chớ không phải vì muốn trở lại; và với ơn Chúa, người ta sẽ sớm biết sự thật.

Thật thế, ít lâu sau, lúc triều đình đi tới nơi nghỉ mát của Nhà Vua, cách kinh thành độ hai dặm, Chúa đã muốn ban ơn thương xót của Người cho ông hoàng ấy một cách đáng chú ý. Khi người ta ít nghĩ tới chuyện này nhất, và khi người ta lại còn có tư tưởng là các thừa sai sẽ không thực hiện được lời đã hứa, thì này đây máu bắt đầu lưu thông vào trong các tĩnh mạch đôi chân của ông hoàng bại liệt và da thịt tăng trưởng lên trước mắt của toàn thể triều đình.

Tin đó được truyền về cho các thừa sai, họ tạ ơn Chúa và nói họ đã hết bị ràng buộc bởi lời hứa và điều đó đủ cho thấy sự toàn năng của Thiên Chúa, họ tin rằng mọi sự sẽ ở trong tình trạng như vậy cho tới khi ông hoàng thực hiện điều đã hứa, nghĩa là nhập đạo khi bắt đầu có dấu lạ. Hơn nữa, để hoàn tất những gì đã hứa, tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, họ sẽ hoàn thành việc họ làm, nếu Nhà Vua và ông hoàng sẵn sàng giữ lời hứa. Lúc đó người ta bắt đầu nhìn ra đây là việc thay đổi tôn giáo trong toàn vương quốc và việc này vô cùng nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó mà người ta ngưng mọi việc lại và mối liên hệ giữa triều đình cùng các thừa sai về chuyện tôn giáo bị dừng lại hoàn toàn. »[2]

Đó là một chuyện xem được như ngoại thường xảy ra vào mùa hè năm 1668.

Sau này, khi thuật lại chuyện trên, thừa sai Vachet nhận xét :

« Nhưng than ơi, nếu thế thì còn gì là chính trị ! Nhà vua nước Xiêm vừa nghe xong những lời trình báo như trên thì cảm thấy vô cùng khổ tâm. Bởi vì một đàng vua thấy cần phải thực hiện điều mình đã cam kết như người ta yêu cầu, đàng khác vua nhận thấy nếu theo đạo Công Giáo, các sư sãi sẽ thiêu cháy toàn bộ đất nước, và đủ cớ để xúi giục toàn dân nổi loạn. Ý nghĩ bi quan đó đã làm vua mất ơn cứu rỗi đời đời, bởi vì vua thích người em được lành bệnh một nửa thôi hơn là bình phục hoàn toàn mà mất đi vương quốc trần gian của vua. Tuy vậy, cho đến cuối đời, trong mọi lần gặp gỡ, vua vẫn giữ mối thiện cảm cao nhất đối với Đức cha Béryte và các cộng sự của ngài, đã ưu ái các ngài lẫn những người phục vụ các ngài. »[3]

Một giáo sư hiện đại, ông Dirk Van der Cruysse, bình luận rằng :

« [Các thừa sai người Pháp] cảm thấy từ nay họ làm chủ tình hình sau một nửa cái phép lạ (le demi-miracle) mà họ đã đổ mồ hôi trán ra mới đạt được, hứa phần còn lại của phép lạ, ‘‘nếu nhà vua và ông hoàng, về phần mình, giữ lời đã hứa’’. Nhưng mọi sự đã dừng lại ở đó.

[…] Đương nhiên nhà vua không thể tính tới chuyện thay đổi tôn giáo mà lại không gây đảo lộn trật tự chính trị, tôn giáo và ngay cả trật tự tự nhiên (cosmique) của vương quốc mình… Điều kiện mà các thừa sai đặt ra để hoàn tất phép lạ là không thể chấp nhận được. »

Giáo sư này kết thúc bằng nhận định :

« Vua Phra Narai ngạc nhiên thấy những người Pháp này không hề muốn những ưu tiên về thương mại như người Hòa Lan hay người Anh, nhưng lại lo tới phần hồn của ông và phần hồn các thần dân của ông, và người có thể tìm được nhiều thứ nơi những người Pháp này bằng cách gợi ra một cuộc trở lại đạo nào đó. Đây đã là kinh nghiệm đầu tiên của nhà vua, ngay từ năm 1668, về sự đe dọa có tính tôn giáo (chantage religieux). »[4]

Còn tiếp

Lm. Giu-se Đào Quang Toản

[1] Les Relations de Mgr Lambert de la Motte 1660-1670, sách đã dẫn, (đoạn 70-71), trang 214-217.

[2] Như trên : (đoạn 81), trang 227-228.

[3] Bénigne Vachet, Chuyện Đức Cha Lambert, Toulouse, 2005, trang 34. (Xin lưu ý : cha Vachet chỉ tới Xiêm La vào cuối tháng 6 năm 1671, nên không phải là chứng nhân nhãn tiền chuyện ngoại thường này).

[4] Louis XIV et le Siam, Paris, Fayard, 1991, trang 194-195.

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)