Tìm hiểu “Cum Sicut”. (Phần 1)

Tìm hiểu "Cum Sicut". (Phần 1)

Qua Tông thư « Cum sicut » ngày 02.01.1679 của Đức Giáo Hoàng Innôcentê XI, dòng Mến Thánh Giá được Toà Thánh công nhận, và được công nhận ở cấp độ tối cao trong Giáo Hội.

1, « Cum sicut » là một tông thư ban ân xá. Loại tông thư ban ân xá này rất quen thuộc vào thời đại của Đức cha Lambert. Tại Tây phương lúc đó, có rất nhiều hội đoàn đạo đức, hội đoàn nào cũng xin Toà Thánh ban ân xá. Do vậy, Đức Giáo Hoàng thường xuyên ra tông thư ban ân xá như Tông thư « Cum sicut » vậy.

2, Về hình thức văn chương cũng như về nội dung giáo lý, « Cum sicut » rất giống với các tông thư ban ân xá cùng thời khác. Ba ân toàn xá và các ân tiểu xá được ban như vẫn ban cho các hội đoàn đạo đức bên Tây phương.

3, Vài nét đặc biệt riêng trong « Cum sicut » là : tên Đức cha François Pallu, giám mục hiệu toà Heliopolis, tên huynh đoàn Mến Thánh Giá, các địa danh Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La, các chức vị Đại Diện Tông Toà và các Quyền Đại Diện.

4, Nội dung Tông thư « Cum sicut » hoàn toàn Tây phương, nên có nhiều điểm xa lạ với hoàn cảnh cụ thể tại các giáo phận Việt Nam và Xiêm La lúc đó. (Vào năm 1679, chỉ có Mến Thánh Giá tại 3 giáo phận Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La). Ví dụ : « nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện của huynh đoàn », « cầu nguyện cho sự hoà thuận giữa các vua chúa có đạo, cho việc diệt trừ các lạc giáo », « tham dự vào cuộc rước kiệu », « theo kiệu Thánh Thể », « theo rước Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân », « nghe tiếng chuông báo hiệu rước Mình Thánh Chúa thì đọc kinh », « chữ ký của công chứng viên », v.v.

5, Đối với chúng ta ngày nay, Tông thư « Cum sicut » chỉ là một tư liệu lịch sử, có giá trị tinh thần nhưng không còn giá trị tôn giáo nữa. Giá trị tinh thần là dòng Mến Thánh Giá được Toà Thánh công nhận vào năm 1679. Giá trị tôn giáo về các ân xá thì không còn hiệu lực, bởi vì « Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá » đã không còn và các hội dòng nữ Mến Thánh Giá nay đã tổ chức khác với thời năm 1679.

Và để hiểu nội dung tông thư này, nên biết sơ qua về đời sống Giáo Hội Tây phương thời đó, cách riêng là về vấn đề ân xá.

6, Vài điều giáo lý về ân xá (theo bộ Giáo Luật hiện nay):

Điều 992: Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ này nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội ; với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh.

Điều 993: Ân xá gồm có tiểu xá hoặc toàn xá, tuỳ theo ân xá tha một phần hay tha tất cả hình phạt tạm thời phải chịu vì tội.

Điều 994: Bất cứ tín hữu nào cũng có thể hưởng những ơn tiểu xá hoặc ơn toàn xá, hoặc cho chính mình, hoặc dành cho những người đã qua đời.

Điều 995: §1. Ngoài quyền bính tối cao của Giáo Hội, chỉ những vị nào được luật công nhận là có quyền, hoặc được Đức Giáo Hoàng Rôma ban quyền, mới có thể ban phát các ân xá.

2. Không một quyền bính nào dưới quyền Đức Giáo Hoàng Rôma có thể trao cho người khác quyền ban ân xá, trừ khi được Tông Tòa minh nhiên ban cho quyền ấy.

&

Sau vài lời nhận xét tổng quát trên, chúng ta khảo xét từng phần của Tông thư « Cum sicut » này.

Phần 1:

« Như người anh em đáng kính François, Giám mục hiệu tòa Héliopolis, là một trong những vị Đại Diện Tông Tòa mà Tòa Thánh đã cử sang Trung Hoa, vừa trình bày cho Ta, các vị đại diện nói trên đã thiết lập phù hợp theo giáo luật tại Đàng Trong và Đàng Ngoài những Huynh Đoàn các Kitô hữu sốt sắng và đạo đức thuộc hai phái nam nữ, dưới tên gọi là Mến Thánh Giá ; hoặc là các ngài đã cẩn thận trao phó cho các quyền đại diện của các ngài thiết lập. Các thành viên nam và nữ đã quen thực hành rất nhiều việc đạo đức và bác ái Kitô giáo, nam nữ riêng biệt nhau, theo những luật lệ đã lập ra cách thích hợp. Và các vị đại diện nói trên có ý hướng thiết lập các Huynh Đoàn khác, theo cùng một cách thức, dưới cùng một danh hiệu và cùng những luật lệ, trong những vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La, và trong những tỉnh khác đã được trao phó cho các ngài quản trị, vì danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. »

Nhận xét :

1, Về Đức cha Pallu:

Đức cha Lambert đã xin Đức Giáo Hoàng nhìn nhận « Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá » và « Hội Dòng Chị Em Mến Thánh Giá » bằng lá thư ngày 12.10.1670, nhưng không được kết quả nào. Nay chính Đức cha Pallu đã vận động tại Toà Thánh để Hiệp Hội và Hội Dòng này được Đức Giáo Hoàng nhìn nhận.

2, Về giáo luật:

Tông thư công nhận là Hiệp Hội và Hội Dòng đã được thành lập « đúng theo giáo luật » (chữ « canonice » được sử dụng 2 lần trong Tông thư). Và Đức Giáo Hoàng đã công nhận Hiệp Hội và Hội Dòng. Đó là điều rất quan trọng trong Giáo Hội.

3, Về quyền bính:

– Chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có quyền ban ân xá.

– Hiệp Hội và Hội Dòng Mến Thánh Giá được thành lập bởi các giám mục đại diện tông toà (hay các vị đại diện của các ngài, gọi là các quyền đại diện. Chữ « quyền đại diện, provicarius » được sử dụng 5 lần). Năng quyền của các ngài là năng quyền tòng địa. Ngoài ra, không ai có quyền thành lập một hiệp hội tín hữu hay một hội dòng trong giáo phận.

PJD

(còn tiếp)

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)