Phần 4:
«Tuy nhiên, Ta muốn rằng nếu có những ân xá khác, hoặc vĩnh viễn hoặc cho một thời gian chưa hoàn tất, mà trước đây đã được ban cho các thành viên nam nữ của các Huynh Đoàn này khi họ thi hành những việc kể trên, những ân xá đó đều bị huỷ bỏ.
Nếu những Huynh Đoàn nói đây đã gia nhập hay sẽ gia nhập vào một tổng huynh đoàn, hoặc liên hiệp nhau theo một đường hướng khác vì bất kỳ lý do nào, hoặc được tổ chức cách nào khác, Tông thư này sẽ không có hiệu lực và như vậy, được huỷ bỏ.
Ngoài ra, Ta còn muốn rằng các bản sao hay ngay cả các bản in bức Tông thư này khi được công chứng viên ký nhận và được đóng dấu ấn bởi một chức phẩm trong Giáo Hội, thì đáng tin tại toà án và ngoài tòa án, nếu nguyên bản được xuất trình hay được trưng dẫn ra.
Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thánh Phêrô, với con dấu Nhẫn Ngư Phủ, ngày 02.01.1679, năm thứ 3 triều đại giáo hoàng của Ta.»[1]
Nhận xét :
Nhẫn Ngư Phủ :
« Nhẫn Ngư Phủ » là một trong những biểu tượng đặc trưng của Đức Giáo Hoàng. Chiếc nhẫn này gợi nhớ mẻ lưới kỳ diệu mà Phêrô và các tông đồ đã có được nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh (Gioan 21, 1-8), (theo Wikipedia).
&
Giá trị của Tông thư «Cum sicut»
Về thần học và giáo luật, chúng ta thấy Tòa Thánh đã công nhận dòng Mến Thánh Giá, lại công nhận ở mức độ tối cao bằng tông thư của Đức Giáo Hoàng. Đây là điều rất cần thiết, không thể thiếu. Bởi vì, « nền tảng của đời sống tu sĩ, giáo sĩ và tông đồ, nghĩa là ơn thiên triệu, phải cần có hai yếu tố chính : một là yếu tố của Chúa, hai là yếu tố của Giáo Hội. Yếu tố của Chúa tức là ơn Chúa kêu gọi. […] Còn về yếu tố thứ hai […] : Những ai được bề trên chính thức của Giáo Hội gọi, mới kể là người được Chúa gọi. »[2]
Sự công nhận của Toà Thánh là quan trọng. Người ta có thể đo lường được tầm quan trọng này tại Công đồng Lục Thuỷ Hạ năm 1753, khi xảy ra cuộc tranh chấp quyền bính giữa các thừa sai dòng Âu Tinh người Ý và các thừa sai dòng Đa Minh người Tây Ban Nha. Tông thư « Cum sicut » đã được nêu ra để khẳng định rằng dòng Mến Thánh Giá đã được Toà Thánh công nhận.[3]
Tuy nhiên, các ân toàn xá và các ân tiểu xá được ban qua Tông thư « Cum sicut » thì hình như chẳng bao giờ được áp dụng. Tại vì khi Tông thư này ban ra vào năm 1679,
– đã có các nhà dòng Mến Thánh Giá và Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài, nhưng các vị Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài lại không nhận được Tông thư này.
– các nhà dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong đã sớm bị phân tán, trong khi Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá thì không bao giờ được thành lập tại Đàng Trong.
– một nhà dòng Mến Thánh Giá được lập năm 1672 tại Ayutthaya, nhưng từ cuộc biến loạn chính trị năm 1688 thì không ai nói tới dòng Mến Thánh Giá tại Xiêm La nữa. Còn Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá thì không được lập tại Xiêm La.
Ngay tại Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ 18, cũng không ai nói tới Hiệp Hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá nữa, có lẽ Hiệp Hội bị phân tán từ cuộc bắt đạo năm 1712 lúc Đức cha Jacques de Bourges bị trục xuất về Xiêm La. Và các nhà dòng Mến Thánh Giá đã được tổ chức khác với lúc ban đầu. Do đó, Tông thư « Cum sicut » bị coi như vô hiệu lực, theo chính lời của Tông thư :
« Nếu những Huynh Đoàn nói đây đã gia nhập hay sẽ gia nhập vào một tổng huynh đoàn, hoặc liên hiệp nhau theo một đường hướng khác vì bất kỳ lý do nào, hoặc được tổ chức cách nào khác, Tông thư này sẽ không có hiệu lực và như vậy, được huỷ bỏ. »
&
[1] Tông thư « Cum sicut » : AMEP, DH 320; hay : Jean-Joseph Rousseille, Collectanae : constitutionem, decretorum, indultorum, instructionum Sanctae Sedis, Hongkong, 1905, p. 439-440.
[2] Đức Giáo Hoàng Piô XII, tông hiến Sedes Sapientiae ngày 31.05.1956, trong Nữ Tu Đọc Văn Thư Tòa Thánh, Sài Gòn, nxb Ra Khơi, 1969, tr. 98-99.
[3] Xem Đào Quang Toản, Cái Nôi Dòng Mến Thánh Giá, Lịch Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao Bùi Chu, 2017, tr. 60.
PJD
(Còn tiếp)