Đời sống đức tin của tôi

Đời sống đức tin của tôi

Nói đến đề tài này, là nói đến đề tài gai góc của mỗi con người từ muôn thuở, chẳng thế mà thánh Phaolô đã miệt mài giảng dạy, viết thư khuyên nhủ tín hữu phải có đức tin, một khi có được đức tin rồi, phải nuôi dưỡng, rèn luyện để đức tin không bị phai mờ, không bị mất đi.

Đức tin là một cái gì không diễn tả được, không nắm bắt được, không học hỏi được, không lý luận được. Tin hay không, thế thôi.

Tôi nhớ lại bài kệ nổi tiếng “Mu” của thiền sư Triệu Châu (Joshu):

Có một vị sư hỏi thiền sư Triệu Châu: “Con chó có phật tính hay không?” Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Mu!”

Nếu hỏi con chó có thiên tính không – thì mọi người sẽ xem câu hỏi này là phạm thượng. Vậy, câu trả lời của chúng ta về đức tin phải là câu khẳng định: Có, tôi tin có Thiên Chúa.

Khi khẳng định có đức tin, tôi biết tôi có đức tin, nhưng dấu chỉ nào cho mọi người biết tôi tin ở Chúa? Tôi chỉ dựa trên lời thư thánh Phaolô giảng dạy, để biết tôi đã có đức tin.

 Trước kia tôi làm một cách vô ý thức, vì tôi không có đức tin. (1Tm 1: 12-15)

Dưới tác động của Thần Khí, đức tin của tín hữu làm đời họ biến đổi. (1Tx 4:1-18)

Bây giờ tôi đã biết, tôi để đức tin của tôi ở đâu.

Như thế, dấu hiệu bên ngoài để mọi người nhận biết tôi có đức tin là dấu hiệu nào? Một đời sống trước và sau khi có đức tin khác nhau như thế nào? Tôi chỉ biết lấy những lời then chốt từ thánh lễ ra để áp dụng. Khi đi lễ, được rước Chúa vào lòng, chúng ta ra về có Chúa trong lòng. Trước khi ra về, linh mục nói lời chào cuối cùng: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.”

Chỉ có đức tin mới làm cho tôi có bình an. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không ngơi nghỉ cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Câu hỏi “Con chó có phật tính, có thiên tính hay không?” là câu hỏi tôi tự đặt cho tôi bao nhiêu năm trời. Có Chúa hay không? Trong vũ trụ mênh mông này, sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Tôi là ai trên cõi đời đau khổ này? Tôi là ai mà được may mắn có cha mẹ, có đủ ăn? Ai sinh ra tôi?

Tôi ngạc nhiên khi thấy thiền sư Vô Môn Huệ Khai (Mumon) đã để sáu năm trời để tìm câu trả lời cho câu hỏi “con chó có phật tính hay không”. Ngày đêm ông tập trung sức lực tinh thần để suy nghĩ, đến mức mỗi lần buồn ngủ hay đãng trí, ông đập đầu vào nền đá thiền đường để tỉnh dậy. Sau cùng khi nghe thiền sư Triệu Châu trả lời “Mu”. Mu có nghĩa là chẳng có gì, để qua một bên đi thì Huệ Khai tỉnh ngộ, như thế Mu là cửa ngõ vào niết bàn của Huệ Khai. Tôi đã dám cười ông mất sáu năm cật lực tìm kiếm “con chó có phật tính không” và chỉ khi nghe ông thầy hừ  một tiếng mới khải ngộ. Phần tôi, tôi có đặt câu hỏi, nhưng tôi đã không cật lực tìm kiếm cho ra câu trả lời, suy nghĩ xong bỏ đó, nghĩ rằng không tìm ra câu trả lời càng khỏe, cứ thong dong rong chơi. Trời cho tôi may mắn…, làm ăn ra, dung mạo dễ nhìn, vậy là vui hưởng đời!

Cứ như thế mà thời gian trôi qua, không phải sáu năm, mà e ba mươi sáu năm tôi để câu hỏi ngủ im, không có câu trả lời. Bỗng một ngày tôi nhận thấy tất cả những gì tôi hưởng không mang lại cho tôi hạnh phúc… du lịch, sách vở, âm nhạc không lấp được hố thẳm cô đơn trong lòng tôi. Tôi đi tìm cái đẹp để chứng minh có một cái gì đẹp hơn, ai là người dựng nên hành tinh này?

Và ngày tôi tìm ra “Mu” của tôi, đó là  ngày tôi biết Chúa, tôi quy hàng Ngài, tôi quay về với lòng tốt nguyên khai của tôi.

Tôi đã có chìa khóa vào cửa thiên đàng, tôi phải khẳng định như thánh Phaolô: những gì tôi làm trước đây là trong vô thức, bây giờ tôi có đức tin, tôi phải sống khác. Tôi có bình an vì tôi đã nằm gọn trong lòng Người đã sinh ra tôi. Chỉ có những người có đức tin, mới thấy rõ sự khác biệt giữa đời sống cũ và mới, mới thấy được những thăng trầm trong đời sống cũ là những bước đi cần phải có để dẫn đến một đời sống mới.

Và bỗng một ngày tôi có đức tin, đó là ngày nào?

Không phải một buổi sáng ngủ dậy bỗng thấy mình có đức tin. Không có việc gì làm mà không chuẩn bị, không băn khoăn và bỗng nhiên một ngày có được. Người ta chỉ nói đến giây phút khởi ngộ, nhưng không nói đến những năm tháng trằn trọc. Tôi chỉ biết tôi đặt câu hỏi này lâu ngày, lúc nguội lạnh, lúc nóng bỏng tưởng nếu không tìm ra câu trả lời thì nên chết cho rồi, cho đến ngày tôi nghe vị thầy của tôi nói: “Nếu không có đức tin thì nên sống như con vật, như thế con chó cũng có đức tin à?”

Tôi không được sáng dạ như vị sư, chỉ nghe ông thầy hừ một tiếng là khởi ngộ, tôi cần nghe lời giải thích đầy đủ. Tôi không đi tu, không bỏ hết năng lực ngày đêm để tìm chân lý; nhưng tôi biết, một khi câu hỏi đã được đặt ra, nó sẽ ở mãi trong đầu, nó sẽ không làm cho tôi có bình an, chỉ khi nào chính tôi tự tìm ra câu trả lời, tôi mới có được bình an. Chẳng có thầy nào trả lời giùm cho tôi được. Không có đáp án sẵn.

Đọc lại thư thánh Phaolô, tôi nổi da gà, vì sao thánh Phaolô tiên đoán mọi trạng thái tâm lý sẽ xảy ra khi con người có đức tin, và không có đức tin. Ngài biết con người hay quên và vô ơn nên nhắc nhở:

Tôi xin các con hãy kính trọng ai trong các con đã chịu khó hướng dẫn các con hướng về Thiên Chúa. (1Tx 5: 1-28)

Đức tin của tôi, dù có tha thiết đi tìm, nhưng tôi cần có người hướng dẫn, và giảng dạy để hiểu đúng lời Chúa. Cũng như các người đi tu ngày xưa, không ai đi tu một mình, họ phải vào tu viện, phải tầm sư học đạo, phải khổ cực như thế nào để được khởi ngộ.

Như thế, với tôi đức tin là cái gì tôi phải tự đi tìm, và bây giờ đừng hỏi tôi có đức tin như thế nào, tôi sống đức tin như thế nào. Hỏi những câu hỏi đó, hừ, là dậm chân tại chỗ… xin các bạn cứ ngồi bàn tán tiếp. Ngày xưa vị sư nào khởi ngộ, họ từ bỏ chùa, họ về sống đời sống bình thường, họ có thể tự mở chùa riêng để tu. Họ đã trưởng thành.

Hừ, có đức tin, là không nói nữa, là lên đường đi làm tông đồ!

Tôi quên một chi tiết, trong thời gian học đạo, các vị sư chịu khổ nhục rất nhiều, phải bỏ hết cái tôi để nghe những câu kiểu: “Nếu không có đức tin thì nên sống như con vật, như thế con chó cũng có đức tin à?”

Đúng thiệt, đời sống trước của tôi giống súc vật thiệt. Nếu con chó có phật tính, thì sống như con chó cho rồi!

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)