Sau bao tháng ngày vất vả chắt chiu kinh nghiệm gieo trồng, ông cha ta đã rút ra được một bài học hữu ích: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, để nói lên tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu. Một hạt lúa vàng mẩy được tích tụ lại không chỉ từ các điều kiện vật chất hay thời tiết mà còn ở công khó người gieo trồng.
Hôm xưa, khi đứng trước cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát của Giáo Hội, có một người gieo giống cũng ưu tư về cách thức hữu hiệu làm sao để cho hạt giống Tin Mừng được trổ sinh. Người gieo giống ấy chính là Đức cha Pierre Lambert de la Motte. Ngài nhận định: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng”. Hơn cả một lời khuyên nhủ cho bất cứ vị Tông đồ thừa sai nào, lời khẳng định trên xuất phát từ chính kinh nghiệm sâu sắc của bản thân Đức cha, phần nào toát lên vẻ đẹp nội tâm phong phú nơi “người thợ gặt lành nghề” Lambert. Đó là một đời sống thiêng liêng thâm sâu trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Thánh Linh và gắn chặt với thực tiễn đời sống.
Người gieo giống Lambert – con người của kinh nghiệm nội tâm sâu sắc
Trước hết, một nhà truyền giáo – một người gieo giống – sẽ ra đi tung gieo hạt như thế nào nếu trong tay người ấy không thủ đắc cho mình những “hạt giống” – những vốn kinh nghiệm thiêng liêng? Làm sao họ có thể cho đi cái mà họ không có? Phải chăng chính vì lí do đó, ta có thể thấy nơi Đức cha Piere Lambert là cả một kho kinh nghiệm nội tâm phong phú. Tử thưở thiếu thời, Ngài đã toát lên vẻ thánh thiện khác chúng bạn. Chính Giê-su nơi Bí tích thánh thể là nguồn trợ lực giúp cho đôi mắt của chàng thiếu niên, chàng luật sư, vị thẩm phán Piere Lambert chìm sâu vào Thiên Chúa. Ngài thường ghé vào các nhà thờ trên đường đi làm việc để dâng các kinh nguyện cho Chúa và Đức Mẹ. Đời sống thiêng liêng càng được triển nở hơn khi Ngài lãnh chức linh mục. Bằng cái nhìn đơn sơ thuần khiết, Ngài dùng suy niệm để vươn tới nguyện ngắm cảm ái để chiêm ngưỡng và nài xin trước mặt Thiên Chúa. Theo Ngài, một đời sống thiêng liêng sẽ không thể tiến triển nếu người ấy không giữ mối dây liên lạc trực tiếp và thường xuyên với Thiên Chúa[1]. Có lẽ chính vì vậy mà trước bất kì một quyết định quan trọng nào, Ngài luôn luôn cầu nguyện, tĩnh tâm lâu ngày: khi từ bỏ nghề luật sư, khi đón nhận chức linh mục, khi kết thúc hành trình từ Pháp đến Thái Lan… Chính từ sự nguyện ngắm mà Ngài nhận được các nguồn mạch soi dẫn cho các hoạt động thực tiễn trong các lãnh vực tông đồ của Ngài.
Người gieo giống Lambert mang hạt giống của sự phó thác trong Chúa Thánh Thần.
Hơn bất kì một nhà truyền giáo nào, có lẽ Đức cha Pierre Lambert luôn thấm nhuần lời dạy của thánh Phaolo: “Phaolo trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng cho lớn lên”[2]. Quả vậy, người tông đồ Lambert ý thức chỉ có lời cầu nguyện mới khiến mưa Thánh Linh – mưa thánh ân đổ xuống dư tràn trên ruộng đất tâm hồn con người. Qua đây, ta thấy nơi Đức Cha ánh lên vẻ đẹp của con người sống hoàn toàn lệ thuộc vào ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Bởi vì khi tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong thần khí và chân lí thì chắc hẳn sẽ gặp được Người. Đức cha xác tín hoạt động của Chúa Thánh Thần trong nội tâm mỗi con người luôn phù hợp với ơn gọi và bậc sống[3]. Do vậy, Ngài khẳng định phải luôn hành động cách thụ động, trong nội tâm, không làm điều gì do ý mình và phải ngoan ngùy đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần với trái tim đã được thanh luyện. Phải chăng so sự sẵn sàng chấp nhận sống theo sự linh hứng đó mà Ngài luôn bình thản, không bộc lộ cảm xúc thái quá và tìm thánh ý Chúa khi gặp các sự trái ý: khi Ngài không được tham gia vào chương trình truyền giáo ở Canada như dự định, khi bị hiểu lầm, bị ra vạ tuyệt thông, khi bị đầu độc… Qua những sự việc ấy, ta chỉ thấy nơi Đức cha niềm xác tín làm mọi việc với ý hướng ngay lành và tin tưởng chân thành: Chính Đức Kitô đảm bảo cho người tông đồ đi trong chân lí và Thần Khí.
Hạt giống cầu nguyện của Pierre Lambert không tách rời thực tiễn.
Trước khi trở thành thầy dạy đức tin cho người khác, chính Đức cha Pierre Lambert đã trải qua những kinh nghiệm cá nhân sâu sắc về đời sống người tông đồ. Chính vì vậy mà lời nhận định: phải dùng lời cầu nguyện trước bất kì công việc truyền giáo “gieo vãi hạt giống Phúc Âm” nào là lời “rút gan rút ruột” và không tách rời thực tiễn. Đây cũng là một nét nổi bật trong cuộc đời Đức cha. Tình yêu mà Ngài dành cho Thiên Chúa là tình yêu thực tiễn hướng về đối tượng ưu tiên là Đức Giê su Ki tô Chịu-Đóng-Đinh, vì mục đích chính mà Ngài theo đuổi trong suốt cuộc đời thừa sai là “ phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối vưới Thánh Giá Con Thiên Chúa”[4]. Trong những lời nhắn gửi đến các người con tinh thần là những nữ tu Mến Thánh Giá, Ngài không ngừng nhắc nhở về một tình yêu thực tiễn ấy qua việc đền tội, phạt xác cùng nước mắt, để dâng những hy sinh nhỏ bé của mình để kết hợp với ý muốn và mục tiêu mà Đức Ki tô đã từng có lúc chịu khổ nạn[5]. Hơn nữa, tình yêu thực tiễn ấy còn được thể hiện ở tinh thần trung gian mà mỗi nữ tu phải mang lấy khi tháp nhập vào những người mang tên Mến Thánh Giá: “Điều quan trọng là chúng con phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu Kitô, Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể nên dùng một số người do Người tuyển chọn ,… để tiếp nối cuộc đười lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế”, và để “từ nay chúng con chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Đức Kitô”[6]. Chính Đức Cha là người thực hành đầu tiên lối sống ấy – một lối sống hài hòa kết hợp giữa việc hy sinh và cầu nguyện. Chúng đi đôi với nhau như hai khía cạnh thiết yếu của một hành vi thờ phượng. Và do đó, tinh thần khổ chế của Pierre Lambert luôn thấm nhuần trong cầu nguyện, qua thái độ thờ phượng, suy tôn, tri ân và tưởng niệm Chúa Kitô hy sinh vì tình yêu. Sự khổ chế này mang ý hướng tông đồ – tiếp nối công cuộc cứu thế của Đức Ki tô, để cuộc đời người nữ tu Mến Thánh Giá được trở nên lời kinh chuyển cầu cho lương dân và những tín hữu tội lỗi cũng như các linh hồn nơi luyện ngục[7]. Tóm lại, qua một nhận định của Đức Cha Pierre Lambert về cách thức truyền giáo của người tông đồ thừa sai, ta hiểu được rõ nét về con người nội tâm của Ngài – một tâm hồn luôn bừng cháy lửa cầu nguyện nhưng mang tâm tình tín thác nơi Chúa Thánh Thần, và đặc biệt luôn hăng say gắn liền với đời sống thực tế.
Bài học từ người gieo giống Pierre Lambert
Lời nhắn nhủ của vị cha chung kính yêu – Pierre Lambert như chưa bao giờ hết mang tính thời sự đối với mỗi thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá qua mọi thời, và với tôi – một tập sinh Hội dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Trước hết, qua lời nhắn nhủ này, tôi thêm xác tín hơn vào vai trò của đời sống cầu nguyện trong cuộc đời người tông đồ. Khi được sai đi tới một cộng đoàn nào đó, tôi mang trên mình tấm “thẻ tên” của một Tông đồ: làm việc cho Nước Chúa. Nhưng đời sống tông đồ của tôi nếu không bắt rễ sâu trong đời sống cầu nguyện thì cũng chỉ như “một đời thừa” mà thôi. Nếu tôi làm việc tông đồ mà không xuất phát từ cội rễ là mối tương quan trực hiện và thâm sâu với Chúa Giêsu thì việc tông đồ ấy chỉ nhằm mục đích tôn vinh “cái tôi” của tôi, chứ không làm sáng danh Chúa. Hơn nữa, tôi còn học được bài học của sự phó thác. Cũng như người gieo giống Lambert cứ quảng đại gieo vãi và tín thác nơi sự hoạt động của Chúa Thánh Linh, tôi cũng phải mang tâm tình đó cho đời sống tông đồ của mình. Mình cứ làm hết sức, hết khả năng, việc còn lại nơi các tâm hồn, xin phó thác cho Chúa quan phòng. Việc lắng nghe để tìm và xác tín sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi từng biến cố vui buồn sẽ giúp tôi giữ được một đời sống quân bình và trưởng thành hơn. Cuối cùng, cũng như tình yêu thực tiễn của Đức cha đối với Con Thiên Chúa, tôi cũng phải “bắt sóng con tim” với Đức Giê su Chịu Đóng Đinh. Tự bản chất, đau khổ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu tôi mặc cho nó một tâm tình thì có lẽ đời sống của tôi – khi đối diện với trái ý, hiểu lầm hay khó khăn… – sẽ là một lời kinh chuyển cầu hữu ích cho những tín hữu sống xa lìa Chúa, những người đang lâm cơn “nguy tử” trong xã hội đầy biến động này.
Dẫu biết tương lai còn xa và con người còn mang đầy những yếu đuối và ươn hèn, tôi tin tưởng và trông cậy vào ơn Chúa, để Người giúp tôi sống niềm xác tín của mình và biết đứng lên sau những lần ngã phạm. Nhờ đó, cuộc đời tôi cùng song hành với những đau khổ của Chúa Giê su trên Thập Tự đồi Can vê xưa.
[1] Hal, 20.
[2] 1 Cr 3,6
[3] Ts, 25.
[4] Bts III,4.
[5] x .Ltk III,1; BtsV, 4.
[6] Btt, 9-10.
[7] x. Ltk III,1; BtsI,23; Clem 41.
Tập viện
Mến Thánh Giá Hà Nội