“Lắng nghe” để đối thoại

“Lắng nghe” để đối thoại

“Ai có tai nghe, thì hãy nghe!…

Hãy để ý tới điều anh em nghe.” (Mc 4,23-24)

“Nghe” là một việc tương đối thụ động của đôi tai, còn “lắng nghe” là được kết hợp với cả con tim, ý trí, thời gian, thái độ và nhiều cố gắng của chúng ta, cả trong lúc chúng ta cầu nguyện. Bởi lẽ, nhiều khi chúng ta nghe nhưng chưa thực sự lắng nghe.

“Đối thoại” là sự gặp gỡ chân thành và cởi mở, là sự phản hồi của cuộc nói chuyện giữa con người với con người với nhau.

Tuy nhiên, có thể chính trong lúc cầu nguyện, ta lại tránh né sự chất vấn của Chúa Thánh Thần, Đấng đầy tự do, luôn hành động như ý Ngài muốn. Ta phải nhớ rằng sự phân định trong cầu nguyện đòi buộc ta phải bắt đầu từ sự mở lòng lắng nghe: Lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại vẫn hằng thách thức chúng ta bằng những cách thế khác nhau. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có được tự do nội tâm để từ bỏ những ý tưởng chủ quan hoặc phiến diện của mình, cũng như những thói quen cố hữu và những định kiến của mình. Có thế, ta mới thực sự mở lòng đón nhận cái tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của ta, nhưng lại dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.”(Tông huấn “Vui mừng và hân hoan”, Số 172). Công đồng Vaticano II muốn trở thành cánh cửa mở ra thế giới và chủ trương được lắng nghe và được đối thoại với tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai. Nhưng mọi cuộc nói chuyện khác phải có sự lắng nghe và hồi đáp. Lắng nghe để hiểu ra những soi sáng của Chúa. Đối thoại bằng sự chân thành, đơn sơ…và hiến dâng cho Người trong tinh thần phó thác trọn vẹn nhất.

Qua đoạn Kinh Thánh trên chúng ta cũng thấy được những điều mà Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mc 4, 23). Đây là kiểu nói Đức Giê-su hay dùng để mời gọi mọi người hãy lắng nghe Lời Chúa. Ai mà lại không có tai. Như vậy Chúa Giê-su mời gọi tất cả mọi người thuộc mọi thời đại, cả chúng ta ngày hôm nay. Trong cuộc sống đầy những khó khăn, thử thách, cám dỗ và nhiều thách đố, chiến tranh, bạo động, khủng bố… khiến chúng ta mất đi cảm thức đức tin, không thấy Chúa hiện diện. Và có rất nhiều người đặt ra câu hỏi: “Vậy! Thiên Chúa đang ở đâu?”. Ngài rất nhân từ mà; Ngài yêu thương con người mà; … Sao lại để các điều ấy xảy ra? Chúng ta cũng tự hỏi lại xem, chúng ta đã lắng nghe được những điều gì từ Thiên Chúa hay chúng ta lại gạt bỏ những lời nói đó? Đó là Lời Chúa mỗi ngày mà chúng ta vẫn thường nghe. Vì thế, Chúa vẫn quan tâm đến chúng ta, sự quan tâm của Ngài được luôn nhắc nhở “Hãy để ý tới điều anh em nghe”. Thực vậy, trong đoạn trích này, mấu chốt chính là điều Chúa muốn giáo huấn cho chúng ta. Cho nên, muốn hiểu được giáo huấn này của  Chúa, chúng ta cần phải có một sự quan tâm để ý đặc biệt, nếu không chúng ta sẽ chẳng lĩnh hội được gì.

Giữa dòng đời náo động và quay cuồng, đôi lúc chúng ta thấy vọng lên từ thẳm sâu cõi lòng những lời thì thầm: “Hãy dừng lại, đừng chạy nữa, đừng nói nữa” và hãy dành lấy một khoảng khắc thinh lặng. Hãy lắng nghe tiếng nói từ trong tâm hồn mình cho chúng ta yêu thích lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Như thánh Gia-cô-bê khuyên nhủ: “Hãy lắng nghe đừng vội nói.” (Mc 1,19 – 20). Đúng thế, Lời Chúa là ánh sáng đánh tan sương mù đang vây bủa cuộc đời của chúng ta. Lời Chúa sẽ đánh động tâm hồn và là thứ khí giới đảm bảo cho chúng ta trước mọi cơn cám dỗ thù nghịch. Đặc biệt, cho những người con đang hiến dâng cuộc đời cho Thầy Giê-su “Lấy thập giá Đức Ki-tô chịu đóng đinh” là tâm điểm cho đời sống. Chỉ khi chúng ta đi gần kề với Ngài thì chúng ta mới lắng nghe tiếng của Ngài. Lắng nghe Thầy Giê-su, chúng ta hãy cố gắng sống tốt và hãy làm cho những điều tốt đẹp quanh chúng ta ngày càng lan tỏa, để góp phần dù nhỏ bé và để xây dựng một xã hội công bằng, một nền văn minh tình thương. Hãy tránh xa những cái xấu, cái ác vì dù che giấu thế nào đến một lúc nào đó chúng sẽ được bị lộ ra. Khi chúng ta lắng nghe được tiếng nói từ Thiên Chúa thì mọi điều đến với chúng ta qua cuộc sống này là những bài học quý giá, những bài toán khó để chúng ta nỗ lực tìm cách giải bài toán đó. Hơn nữa đó còn là một hồng ân, là những quà tặng Chúa ban cho luôn mãi cho những ai biết yêu mến và lắng nghe. Chúa mời gọi chúng ta hãy nghe bằng những lời giáo huấn, giảng dạy, chỉ bảo qua những người có trách nhiệm đối với chúng ta. Chúng ta không thể gặp Ngài trực tiếp nhưng Chúa sẽ dùng họ mà hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, chúng ta không chỉ nghe bằng đôi tai thực thể nhưng còn cần chúng ta hãy nghe bằng con tim, một con tim biết cảm thông, sẻ chia, nâng đỡ, chân thành… để đời sống hằng ngày luôn vui tươi và hạnh phúc.

Còn đối với Đức Cha Lambert của chúng ta thì sao? Khi Ngài đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng của Chúa. Ngài đã lắng nghe và học cách để đối thoại (nói chuyện) với những người bản địa. Để từ đó, ngài có thể nói về Chúa cho mọi người không chỉ những khi ngài ra đi làm sứ vụ, ngài mới nghe con người với con người mà thôi. Trong cuộc hành trình tiến đến với Chúa, ngài đã lắng nghe từ trái tim tâm hồn ngài, tiếng nói của Đấng Nhân Lành muốn Ngài làm. Trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống Ngài luôn dành những khoảng khắc tĩnh lặng một mình để lắng nghe tiếng Chúa và được đối thoại với ngài bằng những cuộc tĩnh tâm khổ hạnh, những lần hành hương để Ngài kín múc được ƠN CHÚA muốn trao cho Ngài.

+ Khi lắng nghe là biết mở lòng để đối thoại với Thiên Chúa.

Từ khi con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn luôn cho con người hiểu rằng, Thiên Chúa vẫn đồng hành, quan tâm, luôn bên cạnh con người, Ngài mời gọi hãy biết cởi mở ra với Ngài trước tiên. Để từ đó, con người có thể gặp gỡ Ngài qua sự lắng nghe và được đối thoại. Đức Cha Lambert của chúng ta khi đến rao giảng Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam, ngài đã mang tinh thần đó của Thầy Giê-su – một tinh thần cởi mở, gặp gỡ trong sự đối thoại. Chính trong sự cởi mở tấm lòng mình mà Đức Cha đã lắng nghe và có thể hiểu và nói với những con người xa lạ về một Thiên Chúa hoàn toàn mới và khác những gì họ biết. Vì thế, ngày nay mỗi chị em chúng ta cũng cần đi con đường đó, con đường của sự đối thoại chứ không phải là đối đáp. Chính trong sự đối thoại chân thành với họ đã mở ra cho ngài cánh cửa mới mẻ để tiếp cận với họ mà dần dần đưa Chúa Ki-tô đến với họ. Mở lòng ra với Chúa, chính là con đường của sự cầu nguyện, mở lòng ra với tha nhân chính là sự gặp gỡ và chia sẻ. Chúa Giê-su coi chúng ta “Không còn là tôi tớ nhưng gọi anh em là bạn hữu”. (Xh 33, 11; Ga 15, 15). Thì chúng ta cũng phải coi những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ là bạn hữu, là anh chị em của chúng ta như Thầy Giê-su đã gọi chúng ta vậy. Đừng nhìn nhau và chào hỏi với một ánh mắt chẳng mấy thiện cảm, chẳng yêu mến chút nào. Trong xã hội ngày nay đang dần mất đi sự đối thoại, sự gặp gỡ chân thành… Sự nhiệt huyết đầy khôn ngoan và chân thành của Nữ tu Mến Thánh Giá sẽ phản chiếu nơi mọi người một Đức Ki-tô đầy yêu thương và sống động. Để họ có thể giãi bày những khó khăn, thử thách trong cuộc sống cũng như đức tin của họ. Họ cần những con người tin tưởng, những con người mang đầy mùi hương thơm của Thầy Giê-su để giúp họ biết vượt qua những khó khăn thử thách đó.

+ Biết lắng nghe là biết đối thoại.

Trong Kinh Thánh chúng ta đều thấy Chúa Giê-su luôn lắng nghe trước, sau đó mới đối thoại với tất cả những người mà Chúa gặp gỡ dù họ là ai. Ngài không hề đối đáp với họ để giành lấy chiến thắng mặc dù Ngài đầy quyền – uy. Chúa lắng nghe họ và nói chuyện với họ cho họ một con đường mới với câu chuyện bên bờ giếng Gia-cóp được thánh Gioan ghi lại trong chương 4, 1 – 42. Ngài đã chủ động bắt đầu cuộc đối thoại và lắng nghe một thiếu phụ Samaria, một con người có một quá khứ và hiện tại chẳng mấy “sáng”. Chị đã có năm đời chồng và người đang sống với chị cũng không phải là chồng chị. Nhưng không chút kì thị, Chúa Giê su đã nối nhịp cầu của sự lắng nghe chị rồi đối thoại với chị rồi hướng chị đến lòng khao khát niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Còn đối với tôi và bạn thì sao đây?  Chúng ta có dám đến gần anh chị em đã – đang mắc sai lầm không? Hay cũng chỉ như người Kinh Sư và người Pharisêu chỉ biết chỉ trích người khác, mà chẳng biết nhìn vào bản thân mình xem sao? Và đang như thế nào? Trong đời tu, chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng hay chỉ trích, lên án, bàn tán… thậm chí còn xét đoán. Vì thế, Chúa nói: “Anh em đừng xét đoán, khỏi bị Thiên Chúa xét đoán…” (Mt 7, 1 – 15). Mà chúng ta hãy lắng nghe họ để được đối thoại với họ, hãy lắng nghe những khó khăn mà họ chưa biết tháo gỡ, những điều mà tận đáy lòng họ cũng muốn khao khát nhưng chẳng dám vươn tới, chẳng dám chạm tới, bởi những vật cản (kì thị, chỉ trích, chê bai, khinh miệt…) hay thậm chí tách rời họ ra khỏi cuộc sống đầy yêu thương mà họ có quyền được hưởng, không cho họ cơ hội được tiến đến. Do đó, chúng ta là những phần tử được kề bên Giê-su thì chúng ta cũng phải học mãi nơi Thầy Giê-su của mình sự lắng nghe và cách thức để đối thoại. Tất nhiên là chúng ta không làm được như Chúa khi chữa trị hay tha thứ. Nhưng chúng ta có thể cho họ thấy có những người lắng nghe họ, hiểu họ, thông cảm với họ. Để rồi khi lắng nghe, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình đó để chính Chúa là Người sẽ giúp đỡ họ, an ủi họ, yêu thương họ qua chúng ta. Khi lắng nghe những người mà chúng ta gặp gỡ, thường thì chúng ta  muốn làm những điều gì đó ngay. Nhưng chúng ta lại không có khả năng, chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối. Chính vì điều đó mà chúng ta phải học sự khiêm nhường, nhẫn nại. Là những chị em sống trong đại gia đình Mến Thánh Giá, những “Nữ tu” đang – đã và sẽ thuộc về Đức Ki-tô trong linh đạo Mến Thánh Giá, chị em cùng học hỏi sự lắng nghe và đối thoại trong tình yêu mến, nâng đỡ nhau chứ đừng nghe người ngoài trước mà nói xấu chị em mình, bỏ quên những người thân thiết của mình, ngay bên cạnh mình. Chị em chúng ta hãy dành thời gian cho nhau, để lắng nghe, để hiểu về nhau thêm tí chút. Để từ đó, ai cũng cảm nhận mình được lắng nghe, được yêu thương và được tôn trọng qua sự đối thoại (nói chuyện) thân mật, chân thành… Đó là điều quan trọng để xây dựng thành một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống.

+  Lắng nghe để đối thoại trong sự hiện diện của Chúa.

Thánh Teresa Avila đã từng nói: “Hãy lắng nghe và hành động như Chúa đang hiện diện.” Khi chúng ta biết mở lòng mình ra với những người gần kề bên chúng ta, biết lắng nghe nhau để đối thoại, hiểu và đón nhận nhau. Thì việc biết cởi mở con tim mình, biết dành thời gian cho Chúa là điều quan trọng hơn cả.  Đó chính là chìa khóa và là động lực của tất cả mọi hoạt động tông đồ và cầu nguyện. Việc sống trước nhan Thiên Chúa là một ơn Chúa ban. Đó không phải là một việc muốn là được ngay mà đó là một hồng ân Chúa ban tặng cho mỗi chúng ta. Chúa luôn muốn điều đó. Quả vậy Đức Giê-su là khuôn mẫu của sự lắng nghe và là chuẩn mực của sự đối thoại cho việc gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải cố gắng tập luyện và dành thời gian để học hỏi và sống điều đó luôn mãi. Được sống trong sự hướng dẫn của Chúa thì còn gì hạnh phúc hơn – được sống trước nhan Thánh của Ngài thì còn sự tuyệt vời hơn thế! Thế nhưng, do công việc và do đủ mọi lý do chúng ta vẫn cứ quên và không hay để ý đến việc quan trọng đó. Đôi khi chúng ta vẫn cứ để lòng mình bị lôi cuốn bởi những sự đời, những thứ không quan trọng, những lo lắng chưa cần thiết… mà quên đi nhân vật chính của mọi sự đó chính là Thiên Chúa. Chính Chúa luôn hiện diện với chúng ta nhưng chúng ta lại chẳng để ý đến Lời Ngài: “Này con, Lời Thầy nói con chú tâm để ý, Lời Thầy dạy, con hãy lắng tai nghe… vì Thầy là sức sống cho ai tìm Thầy, làm cho toàn thân được mạnh khỏe bình an”. (Cn 4,20-22). Chính  Chúa luôn đồng hành với chúng ta mà chúng ta cứ nghĩ chính mình làm được những điều đó. Chúa luôn hiện diện trong chúng ta mà chúng ta cứ tìm Chúa đâu đâu bên ngoài. Chính Chúa yêu mến và chọn chúng ta mà chúng ta cứ nghĩ là bỏ rơi chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là “Emmanuel”, vậy mà con chẳng nhận ra Chúa. Chúa luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể vì con, mà con cứ uể oải và chưa ý thức được điều đó để đáp lại tiếng Chúa gọi “Hãy để ý điều con nghe”. Xin cho con biết mở lòng để lắng nghe, để từ đó con biết đối thoại với Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Xin cho con biết lắng nghe thực sự tiếng của Chúa và của tha nhân luôn thổn thức trong lòng con, để con biết trở nên khí cụ của Chúa và cho mọi người. Xin cho con biết sống trước nhan Thánh Chúa mọi giây phút cuộc đời con, để cuộc đời con luôn trong tay Chúa, luôn được Chúa dẫn dắt và làm những việc Chúa muốn.

Ca-ta-ri-na Hoàng Mai Linh

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)